Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

“Hãy Hiến Tặng Hết Mình”, văn kiện mới nhất của Tòa Thánh về thể thao, Chương 2: Hiện tượng thể thao

§ Vũ Văn An

Chương 2: Hiện tượng thể thao

Thể thao là một hiện tượng phổ quát. Bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào con người sống chung với nhau, họ đều rất thích chơi các trò chơi, thưởng thức chuyển động của cơ thể họ, trong việc hoàn thiện các khả năng thể chất của họ hoặc thi đua với nhau. Thành thử có người cho rằng, ở mọi thời và mọi nơi, người ta đã thực hành những gì chúng ta ngày nay gọi là thể thao rồi. Trong bối cảnh này, không hề là một quan niệm sai lầm toàn diện khi ta coi thể thao như một loại hằng số nhân chủng học. Dĩ nhiên, thuật ngữ ‘thể thao’ chỉ mới có gần đây thôi. Nó phát xuất từ lối nói của Pháp ngày xưa desporter hoặc se desporter – vốn là một từ ngữ phát sinh từ chữ Latinh de (s) portare - và có nghĩa là giải trí cho chính mình. Cuối cùng, trong giai đoạn đầu thời đại hiện đại, chữ ‘thể thao’ được đặt ra, và từ đó, thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự đa dạng của các hoạt động thu hút rất nhiều người trong tư cách vận động viên hoặc khán giả. [15]

Như đã được đề cập, với văn kiện này, Giáo Hội muốn cất cao tiếng nói của mình trong việc phục vụ thể thao. Do đó, Giáo Hội muốn dõi chút ánh sáng lên ý nghĩa nhân học của thể thao, các thách đố nó đang phải đối đầu và những cơ hội mục vụ mà nó mang lại. Tuy nhiên, trước khi làm việc này, điều hữu ích là có được một hiểu biết quen thuộc nào đó về chính hiện tượng này. Vì thế, ta nên biết, chẳng hạn như, làm thế nào thể thao đã nhận được hình dáng hiện nay của nó hoặc đâu là các đặc điểm chính của nó. Hơn nữa, cũng nên lưu ý tới các mối tương quan khác nhau của nó với các xã hội rộng lớn hơn mà nó vốn là một thành phần.

2.1 Sự ra đời của nền thể thao hiện đại

Có thể nói tất cả các nền văn hóa trong lịch sử đều khai triển các hoạt động giải trí, thể lý và thi đua gọi là thể thao. Như thế, thể thao đã tồn tại trong suốt lịch sử nhân loại. Thế nhưng, chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã gọi thể thao là “hiện tượng đặc trưng của thời hiện đại […] một ‘dấu chỉ thời gian’ có khả năng giải thích các nhu cầu mới và các kỳ vọng mới của con người”. Ngài nói tiếp: thể thao đã “lan truyền tới mọi ngõ ngách trên thế giới, vượt qua các dị biệt giữa càc nền văn hóa và quốc gia. Điều Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rất đúng ở đây là sự kiện này: thể thao, bất chấp lịch sử lâu đời của nó, đã trải qua một thay đổi triệt để trong hai thế kỷ qua. Trước đây, các môn thể thao được độc quyền định hình bởi các nền văn hóa đặc thù mà chúng thuộc về. Nền thể thao hiện đại, ngược lại, tương hợp với hầu như tất cả các khung cảnh văn hóa và do đó đã vượt qua những ranh giới văn hóa và quốc gia cũ. Tất nhiên, vẫn còn các hình thức thể thao địa phương và chúng đáng được hưởng sự nổi tiếng mỗi ngày một gia tăng, nhưng bên cạnh chúng, cũng hiện hữu một loại thể thao hoàn cầu - giống như một ngôn ngữ hoàn cầu - có thể được hiểu bởi hầu hết mọi con người nhân bản. Vì thế, câu hỏi đặt ra là: Thể thao đã trở thành một hiện tượng hoàn cầu như thế cách nào?

Trong các thế kỷ 16 và 17, mặc dù không phải tất cả [17], nhưng nhiều hoạt động thể thao ở phương Tây đã tách mình ra khỏi các bối cảnh tôn giáo và văn hóa mà trước đây chúng vốn thuộc về. Tất nhiên, điều này không có nghĩa thể thao nói chung đã trở thành một hiện tượng tách rời. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, chúng ta có thể quan sát thấy sự khởi đầu của việc định chế hóa, chuyên nghiệp hóa và thương mại hóa. [18] Chủ quyền ngày càng gia tăng của thể thao cùng với việc nhớ lại các lý tưởng sư phạm của thời cổ Hy Lạp đã dẫn khởi một sự phát triển trong đó các hoạt động thể lý ngày càng được coi là một phần chủ yếu của một nền giáo dục toàn diện. Trong chuỗi dài các nhà giáo dục tiến bộ - từ John Amos Comenius (1592-1670) qua người sáng lập ra phong trào từ thiện, Johann Bernhard Basedow (1724-1790) tới Thomas Arnold (1795-1842) - đã tiếp nối ý niệm toàn diện này và phiên dịch nó thành các học trình giáo dục biết nhấn mạnh tới đào tạo thể lý.

Nói chung, nền thể thao hiện đại có thể có nguyên lai từ hai nguồn, đó là, một đàng, các trò chơi và các cuộc thi đua diễn ra tại các trường công lập ở Anh trong tiền bán thế kỷ XIX và, đàng khác, các thao luyện và tập thể dục xuất phát từ phong trào Philanthropism (nhân ái), một phong trào cải cách giáo dục, và sau đó được phát triển bởi các nhà giáo dục Thụy Điển. Đề cập đến truyền thống đầu tiên, cần lưu ý rằng các trò chơi, thi đua và hoạt động giải trí thời trước đó đã được đưa vào các chương trình giáo dục của các trường công lập Anh. Là thành phần chính của nền giáo dục công cộng, thể thao dần dần mở rộng ra mọi tầng lớp và giai cấp xã hội trong xã hội Anh. Khi nước Anh trở thành một cường quốc hoàn cầu, hệ thống giáo dục đã được chuyển tới mọi bộ phận của Đế quốc Anh. Tuy nhiên, cũng nên nhắc ở đây rằng có nhiều hình thức đề kháng ở địa phương chống lại diễn trình này như, thí dụ, với Hiệp hội Thể thao Gaelic ở Ái Nhĩ Lan.

Một thời gian trước đó, phong trào Nhân ái đã xuất hiện. Như đã đề cập trên đây, phong trào Nhân ái đã gây một tác động lớn đến việc cải cách giáo dục của hệ thống trường công lập ở Anh. Mặt khác, nó cũng khai triển các năng động lực riêng của nó trên lục địa châu Âu và ở Scandinavia. Thoạt đầu, Nhân ái cũng là một lý tưởng sư phạm, chuyên biện hộ cho một nền giáo dục toàn diện. Tuy nhiên, một nền giáo dục như vậy không chỉ bao gồm các hoạt động thể lý như thể dục mà còn tìm cách cổ vũ việc thừa nhận quyền bình đẳng của con người và hình thành các nhân đức dân chủ. Ý niệm này đã được Thụy Điển tiếp nhận, nơi thể dục đã trở thành một phần của hệ thống trường học. Tương tự như vậy, nó cũng được dùng như một phương tiện giáo dục quân sự, thẩm mỹ hoặc sức khỏe. Ta có thể thấy sự quan trọng của hệ thống Thụy Điển qua sự kiện này là nó gây ảnh hưởng đáng kể trên việc phát triển ngành thể thao phụ nữ [19].

courbetin.jpg

Vào cuối thế kỷ XIX, Pierre de Coubertin sáp nhập các truyền thống khác nhau lại với nhau và liên kết chúng với ý niệm Thế Vận Hội. Điều mà Coubertin có trong tâm trí là một chương trình sư phạm hoàn cầu để giáo dục giới trẻ thế giới. Mục tiêu chính của nó là hòa bình, dân chủ, hiểu biết quốc tế và hoàn thiện nhân bản. Để truyền bá ý niệm Thế Vận, Coubertin đã thành lập (hoặc hồi sinh) Các Trò Chơi Thế vận hội, tức là một biến cố bốn năm một lần trong đó, giới trẻ của thế giới sẽ gặp nhau. Tuy nhiên, mục tiêu ban đầu của Các Trò Chơi Thế vận không chỉ là sự thi đua thể thao mà còn là việc cử hành tính cao qúy và vẻ đẹp nhân bản. Phương châm Thế Vận, "citius, altius, forties" (nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn) – một phương châm mà, dù sao, Coubertin đã tiếp nhận của Linh Mục Dòng Đa Minh Henri Didon [20] - do đó không chỉ nói đến sự xuất sắc thể lý mà còn nói đến sự xuất sắc của con người nói chung. Vì lý do này, triển lãm nghệ thuật, âm nhạc và thơ ca cũng được xem là một phần thiết yếu của Thế vận hội. Về phương diện phê phán, cần nhắc lại rằng: đối với Coubertin, chủ nghĩa thế vận nhất quyết là một tôn giáo của thế gian này, vì ông đã minh nhiên gọi nó là một ‘religio athletae’ (tôn giáo của thể dục). Như chúng ta dễ dàng nhận thấy từ lễ khai mạc có tính nghi thức cao cũng như từ lễ trao giải hay lễ bế mạc, sự tiến hành thực sự các trò chơi Thế vận đã hoàn toàn làm nổi bật bản chất tôn giáo mà người ta vốn dự kiến cho chúng.

Các Trò Chơi Thế vận đầu tiên của thời hiện đại đã diễn ra tại Athens năm 1896, mặc dù trước đó đã có những Thế vận hội địa phương ở Hy Lạp, Anh và Đức. Nhưng chỉ có sáng kiến của Coubertin đã theo đuổi sự công nhận quốc tế và kết cục đã thành công rực rỡ. Kể từ thời điểm đó, các môn thể thao Thế Vận đã thực hiện một sự tiến bộ chưa từng có. Phụ nữ cuối cùng đã được phép tham gia Thế vận hội vào năm 1900. Một yếu tố khác để giải thích sự thành công của thể thao, tất nhiên, là sự xuất hiện của các phương tiện thông tin đại chúng ở tiền bán thế kỷ XX. Nhờ các phương tiện phim ảnh, truyền thanh và truyền hình, các biến cố thể thao vĩ đại đã được phát tuyến dễ dàng khắp nhiều quốc gia và sau đó trên toàn thế giới. Nhờ các phương tiện truyền thông đại chúng và internet, ngày nay, thể thao là một hiện tượng hoàn cầu mà hầu hết các quốc gia và dân tộc trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận.

Mặc dù, trong hầu hết các trường hợp, thể thao không còn cho mình là một tôn giáo hay có mối liên kết nội tại với các thành tựu khác của con người như nghệ thuật, âm nhạc hay thi ca, nó vẫn có nguy cơ bị lồng vào các mục đích ý thức hệ. Điều này có liên quan đến sự kiện này: trong thể thao, thân xác con người phấn đấu để đạt được sự hoàn hảo. Đặc biệt, các biến cố thể thao vĩ đại như Thế vận hội hoặc các Giải vô địch thế giới trình bầy với khán giả hoàn cầu các cuộc biểu diễn hàng đầu của các cơ thể con người. Tuy nhiên, việc biểu diễn hàng đầu cơ thể con người là một dấu hiệu có thể được giải thích theo một loạt các ý nghĩa khác nhau có thể được gán cho nó. Do đó, thể thao - và đặc biệt là thể thao ở bình diện ưu tú - thường được sử dụng để truyền đạt các sứ điệp chính trị, thương mại hoặc ý thức hệ [21]. Một mặt, việc có thể giải thích nhiều cách này giải thích được sức hấp dẫn hoàn cầu của thể thao, tuy nhiên, mặt khác, nó cũng phơi trần nhiều hiểm họa liên kết với thể thao. Vì thể thao nói chung là một dấu hiệu biểu cảm cao độ nhưng đồng thời cũng là một dấu hiệu thiếu xác định cao độ, không thể dùng cho việc giải thích chính nó. Do đó, nó phải được giải thích bởi nhân tố khác và những giải thích này có thể là ý thức hệ hay thậm chí phi luân lý và phi nhân đạo [22].

Theo một số học giả, thể thao hoàn cầu được sử dụng cho các mục đích ý thức hệ khi sân chơi nghiêng về phía Tây Phương và hướng về sự giàu có, và khi thể thao đơn giản củng cố các cơ cấu quyền lực hiện hữu hoặc truyền bá các giá trị văn hóa của giới ưu tú [23]. Các suy tư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về hoàn cầu hóa đã đóng góp một số điều vào việc chúng ta xem xét những loại vấn đề này trong thể thao hoàn cầu. Đề cập đến sự căng thẳng bẩm sinh giữa hoàn cầu hóa và địa phương hóa, Đức Thánh Cha viết trong Evangelii Gaudium, “Chúng ta cần chú ý đến hoàn cầu để tránh sự hẹp hòi và sự tầm thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhìn vào địa phương, một việc sẽ giữ bàn chân ta đứng vững trên mặt đất. […] Ở đây mô hình của chúng ta không phải là hình cầu […] nơi mà mọi điểm đều cách bằng nhau đối với trung tâm, và không có sự khác biệt nào giữa chúng. Thay vào đó, nó là một hình đa diện (polyhedron), phản ánh sự hội tụ mọi phần của nó, mỗi phần dy trì được tính khác biệt riêng của nó. Hoạt động cả mục vụ lẫn chính trị đều tìm cách tập hợp điều tốt nhất của mỗi hoạt động trong đa diện này”[24]. Đối với các biến cố thể thao hoàn cầu như Thế vận hội chẳng hạn, nếu nhiều nước không phải là Tây phương hơn được đại diện liên quan tới địa điểm các Trò Chơi cũng như nguồn gốc của các môn thể thao được chơi và có đại biểu ở IOC (Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế), họ sẽ còn thành công hơn nữa trong việc sống thực các sứ mệnh của chúng bằng cách thực sự hoàn cầu và cũng tập họp vì những điều tốt nhất của mỗi quốc gia.

2.2 Thể thao là gì?

Đã từ lâu, các nhà triết học và khoa học thể thao đã cố gắng cung cấp một định nghĩa thích hợp về thể thao. Rõ ràng, đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì không có định nghĩa được mọi người chấp nhận cho đến nay. Ngoài ra, cần lưu ý rằng các môn thể thao có thể chịu sự thay đổi lịch sử. Những gì chúng ta coi là thể thao ngày nay, có thể không được xem là thể thao vào ngày mai, và ngược lại. Vì vậy, sẽ không bao giờ có một định nghĩa cuối cùng về thể thao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa: không thể nói đến một số nét chung mà chúng ta thường qui cho thể thao.

sport13.jpg

Trước nhất, khái niệm thể thao gắn liền với thân xác con người đang chuyển động. Tất nhiên, có những hoạt động đôi khi được kể là thể thao nhưng hầu như không thể hiện bất cứ chuyển động nào của cơ thể. Nhưng nói chung, thể thao được nhận diện với các cá nhân hoặc nhóm người chuyển động và luyện tập cơ thể họ.

Điểm thứ hai cần được đề cập là thể thao là một hoạt động giải trí. Điều này có nghĩa: thể thao không phải là một hoạt động để đạt một mục đích bên ngoài nhưng tự nó đã có mục đích riêng. Chẳng hạn, các mục đích nội tại như vậy là để hoàn thiện một chuyển động đặc thù nào đó, để vượt qua các thành tựu cũ của ta hoặc những thành tựu của những người khác, hoặc để chơi tốt với nhau như một đội để thắng một cuộc đua. Chắc chắn, nền thể thao hiện đại, đặc biệt là ngành thể thao chuyên nghiệp, cũng phục vụ các mục đích bên ngoài như đạt vinh quang cho đất nước, thể hiện uy quyền của một hệ thống chính trị hay đơn giản là kiếm tiền. Tuy nhiên, nếu mục đích bên ngoài chiếm ưu thế hoặc thậm chí xóa mất mục đích nội tại, thì chúng ta sẽ không còn nói tới trò chơi mà chỉ đơn giản gọi nó là việc làm hay lao công. Hơn nữa, các cuộc biểu diễn của các vận động viên chuyên nghiệp sẽ không bao giờ đạt đến cấp độ cao nhất, nếu họ thực hiện công việc của họ mà không có một thái độ giải trí.

Thứ ba, việc biểu diễn thể thao thường phải tuân theo các quy tắc nhất định. Do đó, mục đích nội tại của hoạt động thể thao có thể không đạt được bằng mọi phương tiện có thể có, nhưng phải tuân thủ các quy tắc của trò chơi. Thông thường, các quy tắc như vậy có mục đích làm phức tạp việc đạt được mục tiêu. Thí dụ, trong một cuộc thi bơi lội, các người bơi lội không được phép vượt khoảng cách, một trăm mét chẳng hạn, bằng cách sử dụng thuyền máy hoặc chạy dọc theo hồ bơi, nhưng họ phải bơi trong nước mà không cần dụng cụ và thực hiện một phong cách bơi lội đặc thù như trườn (crawl) hoặc bướm. Tất nhiên, các quy tắc có thể cho thấy các mức độ nghiêm ngặt khác nhau. Một vận động viên không chuyên nghiệp cá thể chạy ba lần một tuần trong một đoạn đường nào đó có thể chỉ cần đặt cho mình quy tắc là không chạy chậm hơn lần trước đó, trong khi một cuộc thi đua chuyên nghiệp ở cấp cao nhất được quy định bởi một bộ luật được san định gồm nhiều qui định và luật lệ khác nhau mà việc tuân giữ chúng, ngoài ra, còn được theo dõi bởi trọng tài chuyên ngành và thậm chí cả thiết bị kỹ thuật nữa. Do đó, thể thao mà không có bất cứ quy tắc nào là điều khó có thể tưởng tượng được.

Đặc điểm thứ tư của thể thao là tính cách đua tranh của nó. Một lần nữa, chúng ta có thể phản đối bằng cách nại tới một vận động viên cá thể không chuyên nghiệp, chỉ tập dượt bất thường và chỉ để cho vui mà thôi. Có lẽ, vận động viên này không tham dự vào một cuộc thi đấu. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng. Vì cả vận động viên này cũng có thể thi đua với bản thân theo nghĩa họ tìm cách tập thể dục để không tệ hơn trước đây, hoặc để đi một khoảng xa nào đó, hoặc chạy, bơi hoặc leo trong một thời gian giới hạn và cố định nào đó và vân vân. Trong hầu hết các trường hợp khác, yếu tố thi đua của thể thao được khai triển nhiều hơn để chúng ta có thể khẳng định rằng sự thi đua cũng là một đặc điểm không thể thiếu của thể thao.

Thành tố cuối cùng có liên quan đến các thành tố trước đó, vì nếu thể thao thực sự là một cuộc thi đua được quy định bởi các quy tắc đặc thù của trò chơi, thì sự bình đẳng về cơ hội phải được bảo đảm. Sẽ đơn giản vô nghĩa khi có hai hoặc nhiều đối thủ hơn thi đua, bất kể là cá nhân hay đội, nhưng điều kiện bắt đầu của họ lại phần lớn không bình đẳng. Đó là lý do tại sao trong các cuộc thi đua thể thao thường có sự phân biệt giữa giới tính, trình độ biểu diễn, lớp tuổi, lớp cân nặng, mức độ khuyết tật và vân vân.

Tóm tắt năm đặc điểm này, chúng ta có thể nói rằng các môn thể thao là những chuyển động thân thể của các tác nhân cá thể hay tập thể, theo các quy tắc đặc thù của trò chơi, thể hiện các cuộc biểu diễn giải trí, những cuộc biểu diễn mà, với điều kiện phải có cơ hội bình đẳng, được so sánh với các cuộc biểu diễn tương tự của những người khác trong cuộc thi đua. Như đã được ghi nhận, đây không phải là một định nghĩa thấu đáo về thể thao vì nó cho thấy nhiều điều mơ hồ [25]. Tuy nhiên, định nghĩa này có thể đủ cho các mục đích của chúng ta.

Nhưng cần phải nói thêm đôi chút. Như chúng ta đã thấy, thể thao không chỉ là một hoạt động trong chính nó mà còn có khía cạnh bên ngoài nữa. Dù sao, những người ngoài cuộc không tham gia cũng có thể chú ý đến các môn thể thao, họ có thể quan sát chúng, đánh giá chúng, hài lòng hoặc bực bội về chúng, và họ có thể giải thích chúng theo nhiều cách khác nhau. Như đã nói ở trên, thân thể con người đang chuyển động là một dấu hiệu làm đầu đề cho nhiều cách giải thích khác nhau. Sau khi nói ra các đặc điểm giải trí, tuân theo quy tắc và thi đua của thể thao, việc có thể giải thích nhiều cách này có thể còn được giải thích thêm nữa. Theo một nghĩa nào đó, có thể hiểu một cuộc thi đua thể thao như một trình thuật kể về một cuộc thi đấu giữa hai hoặc nhiều bên thi đua với nhau để giành một đối tượng giả tạo mà không có một lý do đời thực nào để dự cuộc thi đấu này. Theo các quy tắc chuyên biệt của trò chơi, các bên cố gắng để đạt xuất sắc. Độc lập với các động lực chủ quan của họ, các bên tham gia đưa vào thực hành các hình thức thẩm mỹ và nghệ thuật người khác có thể hiểu được và do đó có thể được họ giải thích một cách tích cực. Cũng như với nhiều tác phẩm nghệ thuật khác, câu chuyện này cũng không có nội dung khác biệt, đây là lý do tại sao nó được gán cho các ý nghĩa khác nhau và thậm chí trái ngược nhau.

Để kết luận những suy tư này về khái niệm thể thao, bây giờ chúng ta có thể khẳng định rằng, một mặt, thể thao là một loại thế giới riêng của nó ở chỗ nó thể hiện đặc điểm của một trò chơi, lý tưởng mà nói, không theo đuổi một mục đích bên ngoài nào. Tuy nhiên, mặt khác, thế giới đóng hộp này cũng là một điều ngoại tại ở chỗ nó tự trình diện với người ngoại cuộc dưới hình thức một câu chuyện có tính biểu cảm cao, một câu truyện, tuy nhiên, không có nội dung chuyên biệt nào đến nỗi khiến người ta có thể gán cho nó các hình thức ý nghĩa khác nhau. Một lần nữa, chính việc có thể giải thích nhiều cách này đã khiến cho thể thao trở nên hấp dẫn đối với mọi người khắp nơi trên thế giới. tuy nhiên, cùng một lúc, đặc điểm có thể giải thích nhiều cách này cũng làm cho thể thao dễ bị bên ngoài chức năng hóa và thậm chí là ý thức hệ hóa.

2.3 Các bối cảnh của thể thao

Nhưng đó không phải là tất cả những gì có thể nói về thể thao, vì thể thao không bao giờ hiện hữu mà không có một bối cảnh. Đầu tiên, chúng ta phải nghĩ tới việc định chế hóa thể thao. Việc này bắt đầu với một nhóm trẻ em, hẹn gặp nhau vào buổi chiều ở sân sau để chơi các môn như bóng đá hay bóng rổ. Ở đây, việc hẹn cũng như thời gian và địa điểm đặc thù cho thấy một loại định chế khởi đầu. Đối với các môn thể thao cao cấp hơn, các chương trình huấn luyện phải được áp dụng, các cuộc thi phải được phối hợp, sân chơi phải được cung cấp và duy trì trong tình trạng tốt, việc vận chuyển các vận động viên và thiết bị thể thao phải được tổ chức, phải có sự tham gia của các trọng tài, kết quả phải được ghi lại và vv. Ở một bình diện lớn lao hơn, một thể chế pháp lý về thể thao phải được thiết lập, các chương trình giám sát dùng chất kích thích (doping) phải được thực hiện hoặc các biến cố thể thao vĩ đại phải được sắp xếp. Đây là nhiệm vụ của các tổ chức thể thao như các câu lạc bộ hoặc hiệp hội quốc gia và quốc tế. Nói chung, chúng ta có thể gọi những hình thức tổ chức thể thao này là hệ thống thể thao.

sport14.jpg

Bây giờ điều hiển nhiên là hệ thống thể thao không thể tự mình tạo ra các nguồn tài nguyên cần thiết. Để tạo thuận lợi cho các nhiệm vụ vừa đề cập, hệ thống thể thao cần các nhà hảo tâm bên ngoài - thí dụ, các nhân viên thiện nguyện, người ủng hộ viên chính trị hoặc nhà tài trợ - và đặc biệt là khách hàng sẵn sàng mua vé, bán các món hàng, hay lập các chương trình truyền hình. Chỉ bằng cách này, hệ thống thể thao mới có thể tạo ra các tài nguyên cần thiết. Sự phụ thuộc về cấu trúc của hệ thống thể thao, như chúng ta quen gọi nó, giải thích tại sao hệ thống này phải liên tục làm cho những người đóng góp ở bên ngoài biết sự hấp dẫn của nó. Nói cách khác, hệ thống thể thao phải lưu tâm tới vẻ bề ngoài của thể thao để vận động các người có tiềm năng hảo tâm để họ sẵn sàng đóng góp vào việc duy trì hay thậm chí tăng cường hệ thống. Tuy nhiên, điều này bao hàm việc trình bày thể thao sao cho phù hợp với sở thích khác nhau của các người có tiềm năng trở thành nhà hảo tâm. Và như vậy, thể thao trở thành một loại sản phẩm hứa hẹn sẽ thỏa mãn các sở thích của các cá nhân, các nhóm và các tổ chức khác nhau. Đó là lý do tại sao hệ thống thể thao lại sẵn sàng và dễ dàng có mặt để phục vụ các mục đích ý thức hệ, chính trị hay kinh tế của người khác, vì, nếu không, nó sẽ không thể tạo ra các tài nguyên cần thiết để sống còn.

Như chúng ta đã thấy, vì thể thao là một câu chuyện mang tính biểu cảm với rất ít nội dung khiến người ta có thể gán cho nó nhiều ý nghĩa khác nhau, nên hệ thống thể thao nói chung chứng tỏ rất thành công trong việc tạo ra các tài nguyên bên ngoài vì các người có tiềm năng trở thành nhà hảo tâm có thể sử dụng thể thao để truyền đạt các sứ điệp đặc thù của họ. Có thể chứng minh điều này bằng, thí dụ, các hợp doanh (partnerships) mà các vận động viên cá nhân cũng như các tổ chức thể thao lớn hơn đã ký kết với các doanh nghiệp thương mại và kỹ nghệ quảng cáo. Trong trường hợp này, thể thao quả đóng vai trò làm cỗ xe chuyên chở các sứ điệp kinh tế.

Sự phụ thuộc về cơ cấu của hệ thống thể thao vừa được mô tả không nhất thiết phải là một điều xấu, vì thể thao có thể phục vụ rất nhiều mục đích có thể chấp nhận được về mặt đạo đức và thậm chí còn thực sự nhân bản nữa. Thí dụ, nếu các chính trị gia sẵn sàng đầu tư tiền bạc công cộng vào hệ thống thể thao vì điều này hứa hẹn sẽ cải thiện sức khoẻ của dân chúng hoặc giáo dục toàn diện cho trẻ em và thanh thiếu niên, thì trong căn bản sẽ không sai nếu hệ thống thể thao trình bày thể thao phục vụ các mục đích này. Nhưng, mặt khác, điều cũng rõ là: sự phụ thuộc về cơ cấu của hệ thống thể thao mang rất nhiều nguy hiểm. Thí dụ, nếu một lượng tài nguyên lớn hơn có thể được tạo ra bằng cách làm cho hệ thống thể thao phụ thuộc vào hệ thống kinh tế hoặc các hệ thống ý thức hệ, thì xu hướng nghiêng về việc thực hiện chính điều này sẽ cao, cho dù mục đích của việc phục vụ này đáng ngờ về đạo đức hoặc vô nhân đạo. Điều này sẽ được đề cập chi tiết hơn trong chương thứ tư.

Kỳ sau: Chương Ba: Tầm quan trọng của thể thao đối với con người nhân bản

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 14.06.2018 20:10