Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo xứ Công Giáo trở thành chốn nương thân trong lúc bạo loạn ở Minneapolis

§ Trần Mạnh Trác

Minneapolis, Ngày 2 tháng 6, 2020 (CNA).- Khi các cuộc biểu tình vì sự cố George Floyd trở nên hỗn loạn vào tối thứ Năm, một giáo xứ nhỏ ở Minneapolis đã trở thành nơi nương thân cho những người hàng xóm lo sợ không giám ở trong nhà của họ.

St_Albert_the_Great_Minneapolis.jpg

Giáo xứ Công Giáo Thánh Albert Cả (St. Albert the Great), nằm trong khu Longfellow, đã che chở cho 34 người hàng xóm khi cuộc bạo loạn phá hủy các doanh nghiệp ở xung quanh và nhiều nhà đã bị hư hại vào đêm 28 tháng 5. Hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập và đốt cháy Chi Cảnh sát quận Ba, cách nhà thờ chưa đầy một dặm, nhiều người trong số họ đã tràn vào các khu vực xung quanh để gây bạo lực.

Cha Joe Gillespie, chánh xứ St. Albert, cho biết những người hàng xóm sợ bị cháy nhà và trộm cắp, và yêu cầu nhà thờ cho trú ẩn. Sau khi nhận được tin từ cơ quan Volunteers of America (Tình nguyện viên Hoa Kỳ) yêu cầu hỗ trợ, nhà thờ đã chào đón những người hàng xóm vào hội trường, chỉ yêu cầu họ mang theo chăn mền riêng để ngủ.

Nhà thờ là một địa điểm dự phòng cho cơ quan Volunteers of America. Trong những trường hợp lũ lụt hoặc mất điện, cư dân có thể đến ẩn náu ở nhà thờ St. Albert.

Mặc dù sự hợp tác của giáo xứ với Volunteers of America đã kéo dài hơn 10 năm, nhưng nhà thờ đã không được sử dụng cho đến khi cuộc khủng hoảng này xảy ra.

Cô thư ký cuả giáo xứ St. Albert là Erin Sim nhận được điện thoại từ Volunteers of America vào sáng ngày 28 tháng 5, và ngay lập tức chuẩn bị tầng hầm cuả nhà thờ cho họ.

“Bạn không thể chỉ giúp người cuả mình mà thôi, bạn phải sẵn sàng giúp đỡ mọi người, ” cô ấy nói.

Khi bạo lực leo thang vào đêm đó, một số cư dân trú ẩn trong nhà thờ đã tự tổ chức an ninh cho họ. Họ thay phiên nhau canh chừng tòa nhà, chung sức với một nhóm người Mỹ bản địa, là những người luôn canh gác một trường học dành riêng cho người Mỹ bản địa ở gần đấy.

Cô Sim cho biết “Chúng tôi đã thoát nạn một cách kỳ diệu so với sự tàn phá xung quanh nhà thờ.”

Ngoài giáo xứ St. Albert, Cha Joseph Williams của nhà thờ St. Stephen ở Minneapolis cũng giúp đỡ một gia đình giáo dân ẩn náu trong nhà thờ. Gia đình ông Sanchez-Ponce, sống trong khu vực cuả chi cảnh sát quận Ba, đã trú ẩn trong nhà xứ vào đêm 28 tháng 5, theo bản tin của tờ báo The Catholic Spirit cuả tổng giáo phận.

Tuy nhiên không phải tất cả các giáo xứ cuả Twin City là bình an vô sự; Vương Cung Thánh Đường Saint Mary ở Minneapolis đã bị thiệt hại vì âm mưu đốt cháy, và graffiti đã vẽ lên nhà thờ St. Mark ở thành phố St Paul, cách trung tâm bạo lực 20 dặm.

“Đây giống như đang có chiến tranh, ” Cha Gillespie nói. “ Chúng tôi bị bao vây.”

Trong lúc bạo lực xẩy ra, Cha Gillespie nói rằng thông điệp về sự đoàn kết trong đại dịch coronavirus cần phải áp dụng cho tình huống này.

“Chúng ta cùng chung một số phận, ” (“We’re in this together, ”) Cha Gillespie lặp lại khẩu hiệu cuả đại dịch, “Cần mọi người trong khu phố chung sức. Đó không chỉ là nhà của tôi hay nhà thờ của tôi, mà là nhà thờ và nhà của chúng ta.”

Nhà thờ St. Albert luôn luôn là một giáo xứ chào đón, cha Gillespie nói. Nhà thờ đã ở trong phố được 85 năm và là nơi mà cộng đồng tìm tới mỗi khi họ cảm thấy bị đe dọa.

Bất cứ nhà thờ nào cũng có khả năng cung cấp việc đó khi cần thiết, ngài cho biết, một giáo xứ là một tổ chức dựa theo mô hình ‘chốn nương náu’ (sanctuary model.)

Cộng đồng St. Albert đã nhận được một số quyên góp lớn để phân phát cho những người có nhu cầu, bao gồm nước, đồ dùng vệ sinh, dụng cụ vệ sinh và thực phẩm. Cha Gillespie cho biết đã nhận được ba khoản tiền đáng kể vào sáng ngày 1/6.

Giúp đỡ những người có nhu cầu là một việc làm có trước cuả nhà thờ St. Albert: ngay cả trước khi xảy ra cuộc tàn phá trong khu phố, St. Albert đã giúp cung cấp thực phẩm và tiền thuê nhà cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Giáo dân Rebecca Davis, sống ở khu phố Longfellow từ năm 2001, nói rằng giáo xứ St. Albert là “một giáo xứ nhỏ có khả năng.” (“the little parish that could.”)

Kể từ khi xuất hiện coronavirus, St. Albert đã tổ chức nhiều nhóm giáo dân để phục vụ cộng đồng, cho giáo dân và cho những người ngoài Công Giáo.

Phản ứng của cộng đồng đối với các cuộc biểu tình bạo lực phần lớn là những nỗ lực để đáp ứng nhu cầu căn bản của cộng đồng khi sự cố xảy ra.

Ông Ed Burke, một nhân viên bán thời gian cuả giáo xứ cho biết “Đó là rất nhiều tổ chức tự phát (pop-up). Một ngày nào đó họ tự nhiên đến, bắt đầu quyên góp, làm phẳng một cái sân, và rồi họ dừng lại. Đi làm tiếp một việc khác.”

“Rất nhiều người đang muốn giúp đỡ nhưng họ không biết phải làm gì, ” Cô Davis nói. Gần đây cô đã quyên góp thực phẩm cho một trường học địa phương, và đứng xếp hàng một hàng kéo dài xung quanh một khu phố để làm như vậy.

Rất nhiều thứ đã bị phá hủy, cô thư ký Sim nói, nhưng nó mời gọi chúng ta nghĩ về thế giới mà chúng ta muốn xây dựng lại.

Bất chấp sự hủy diệt xẩy ra trong tuần qua, Cha Gillespie vẫn không mất cái khiếu hài hước của mình.

“Tôi đã không được dự một đêm ngủ chung với đám bạn kể từ khi lên 10 tuổi, ” Cha Gillespie có ý nói về cái đêm thứ Năm khi những hàng xóm tới nương náu ở nhà thờ.

Trần Mạnh Trác

Đọc nhiều nhất Bản in 03.06.2020 13:52