Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo Hội Venezuela trước cuộc khủng hoảng trầm trọng của đất nước

§ Linh Tiến Khải

Từ năm 2011 tới nay Venezuela đã rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế xã hội chưa từng thấy. Một trong các lý do chính là hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hồì năm 2007-2008. Trên bình diện quốc tế các kỹ thuật khai thác dầu hoả tối tân kéo theo hiện tượng sản xuất thặng dư mà nhu cầu tiêu thụ lại không tăng, khiến cho giá dầu sụt từ 100 mỹ kim xuống còn 50 mỹ kim một thùng trong năm 2014. Vì là quốc gia sản xuất dầu hoả Venezuela cũng bị liên lụy khiến cho cuộc khủng hoảng càng trầm trọng hơn.

Venezuela rộng hơn 916.000 cây số vuông, có hơn 30 triệu dân. Trong quá khứ Venezuela đã từng là một quốc gia phồn thịnh nhất Nam Mỹ. Venezuela sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản vô cùng phong phú như: kim cương, bauxít, vàng, kền, khí đốt, và đặc biệt là dầu mỏ. Đất nước này là thành viên của tổ chức OPEC và là quốc gia từng có thế lực xếp trên nước Nga về ảnh hưởng dầu khí trên thị trường giao dịch quốc tế. Những năm sau Thế chiến thứ 2, khi các cường quốc đang vật lộn để hồi phục, thì Venezuela đã là đất nước giàu có thứ tư trên thế giới tính theo lợi tức bình quân đầu người, cao gấp đôi Chile, gấp bốn lần Nhật Bản, và mười hai lần so với Trung Quốc.

Từ năm 1950 đến các năm đầu thập niên 1980, nền kinh tế nước này phát triển ổn định. Thậm chí cho tới 1982, Venezuela vẫn là một trong những nước giàu có nhất châu Mỹ Latinh. Trong giai đoạn 1960-1980, lợi tức bình quân đầu người của Venezuela đã tăng 82%. Chính phủ tận dụng nguồn dầu mỏ dường như vô tận để nâng cao phẩm chất cuộc sống cho người dân. Giao thông, giáo dục, chăm sóc y tế được chú trọng. Công nhân ở Venezuela được trả lương cao hàng đầu trong khu vực.

Năm 1999, nền chính trị Venezuela chuyển hướng với chiến thắng bầu cử của cựu sĩ quan quân đội Hugo Chavez. Tổng thống Chavez theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa nên đã cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ và quay sang ủng hộ Trung Quốc và Nga. Hai nước này cho Venezuela vay hàng tỷ mỹ kim. Các mô thức chính trị ý thức hệ xã hội chủ nghĩa giáo điều, ngu dốt, lý thuyết, thiếu thực tế và vô hiệu đã từ từ dẫn đưa Venezuela tới cảnh bần cùng phải nhập cảng tới 80% ngũ cốc. Cuộc khủng hoảng đã này càng tồi tệ hơn cho tới khi ông Chavez qua đời năm 2013. Tân tổng thống Nicolas Maduro do ông Chavez chọn thay thế vẫn mê muội theo định hưỡng xã hội chủ nghĩa, và nhất quyết duy trì chế độ độc tài nên đã đẩy đưa Venezuela vào cuộc khủng hoảng trầm trọng như hiện nay: cả nước thiếu mọi nhu yếu phẩm và thuốc men, đến độ nhiều người dân già trẻ lớn bé phải đi lục lọi các thùng rác để kiếm thức ăn thừa rơi rớt. Tệ hại hơn nữa chính quyền không để cho Giáo Hội và các tổ chức bác ái nhân đạo đứng ra nhận các phẩm vật cứu trợ từ nước ngoài để cứu giúp dân nghèo. Thêm vào đó chính quyền của ông Maduro cũng để mặc cho tình trạng hối lộ tràn lan trong các dự án hạ tầng, trong khi số nợ công ngày càng gia tăng. Để có thể tại vị, tổng thống Maduro để cho các lực lương quân đội nắm việc điều hành guồng máy kỹ nghệ kinh tế thương mại trong nước.

** Kết quả sau gần 20 năm theo đuổi xã hội chủ nghĩa nhà nước Venezuela đã để lại di sản là một đất nước nghèo đói, suy nhược, què quặt trong tình trạng hỗn loạn, tham nhũng, cướp bóc, bạo lực và tụt hậu như chưa từng thấy, đến cả động vật cũng gầy trơ xương vì bị bỏ đói lâu ngày. Vì đói nên dân chúng phải cướp thực phẩm để sống còn, và cảnh cướp bóc xảy ra khắp nơi trong nước. Nhiều trẻ em chết vì thiếu dinh dưỡng và người bệnh chết vì không tìm đâu ra thuốc chữa.

Trước cuộc khủng hoảng trầm trọng này trong các năm qua HĐGM Venezuela đã liên tục kêu gọi chính quyền của tổng thống Maduro thay đổi cung cách cai trị, và có các chương trình cải tổ để vực đất nước lên khỏi vực thẳm, nhưng chính quyền vẫn bình chân như vại, lại còn vu khống mạ lị và tố cáo các Giám Mục là phản quốc.

Hồi trung tuần tháng giêng vừa qua đã có hai Giám Mục bị tổng thống Maduro đe dọa bỏ tù, vì những gì các vị đã nói trong bài giảng thánh lễ. Ngày 14 tháng giêng ĐC Victor Hugo Basabe, GM San Felipe, đã mạnh mẽ tố cáo tình trạng sống khốn khổ của người dân. Giảng trong thánh lễ ĐC nói: “Chúng ta đừng chọn con đường của sự chúc dữ, trong đó bước đi những người từ chối không nhận rằng người dân Venezuela đang phải đói khát và thiếu dinh dưỡng”. ĐC mạnh mẽ lên án nạn gian tham hối lộ và nói: “Số phận của đất nước chúng ta không nằm trong tay của một người, của một chính quyền hay một đế quốc, nhưng nằm trong tay Thiên Chúa”. Liên quan tới những người dân Venezuela phải bó buộc tìm ra nước ngoài sinh sống ĐC Basabe nói: “Nếu có ai đó phải ra đi, thì trách nhiệm là của nạn gian tham hối lộ kết án những người đau yếu phải chết vì thiếu sự săn sóc, thiếu bác sĩ và thiếu thuốc men. Và lỗi đó cũng là của những người chà đạp phẩm giá của người dân Venezuela”.

Theo luật mới do tổng thống Maduro ban hành ĐC Basabe và HĐGM có thể bị ghép tội “xuí giục thù hận”. Nhưng trong một thông cáo các Giám Mục Venezuela cho biết tổng thống đã hoàn toàn bóp méo sứ điệp của các Giám Mục, vì tất cả những gì các Giám Mục nêu lên đều minh xác sự thật đang xảy ra trong nước mà ai cũng thấy. Các lời tố cáo của tổng thống là bằng chứng cho thấy luật mới do nhà nước ban hành chỉ nhằm buộc tội tất cả những người khiến cho chính quyền khó chịu vì họ không đồng ý với nhà nước. ĐC Basabe cũng trả lời tổng thống Maduro là “đã không có việc xách động thù hận hay nổi loạn nào cả. Chính quyền đã phản ứng vì những gì các Giám Mục nói đụng chạm đến lương tâm con người. Liên Hội Đồng Giám Mục Mỹ châu Latinh, gọi tắt là CELAM, cũng ra thông cáo bênh vực HĐGM Venezuela và kêu gọi chính quyền tôn trọng quyền tự do tôn giáo và tự do phát biểu của mọi người, vì đó là các quyền đã được ghi rõ ràng trong Hiến pháp của Cộng Hoà Bolivariana Venezuela, cũng như tôn trọng sự toàn vẹn thể lý của hai ĐC Antonio López Castillo và Victor Hugo Basabe và của toàn dân Venezuela. Hai vị đã là những chủ chăn thẳng thắn nói lên những sự thật đang xảy ra tại Venezuela.

** Hồi cuối tháng Giêng vừa qua ĐC Jose Luis Azuaje, Giám Mục Barinas, kiêm chủ tịch HĐGM Venezuela, đã cho hãng thông tấn Fides của Bộ Truyền Giáo biết hiện nay cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tới độ dân chúng không còn có khả năng tài chánh để mua bán gì nữa. Nhiều người tuyệt vọng tới độ phải đi tới chỗ cướp bóc thực phẩm, và cảnh bạo lực ngày càng gia tăng. Trong các siêu thị không có thực phẩm, các quầy hàng đều trống rỗng, trong các tiệm thuốc không có thuốc bán. Các tài nguyên của quốc gia lọt vào tay giới lãnh đạo. Dân chúng phải sống trong nghèo đói. Các lực lượng quân đội vũ trang đang đàn áp tàn bạo các vụ phản đối chính quyền, và không hành động để bảo vệ cuộc sống của người dân.

Các vụ vi phạm nhân quyền ngày càng nhiều và trầm trọng. Giáo Hội làm tất cả những gì có thể để trợ giúp dân chúng qua các tổ chức Caritas, nhưng Giáo Hội cũng đang đau khổ vì thiếu các ngân quỹ cứu trợ. Tín hữu quá nghèo không thể đóng góp gì nữa. Ngoài ra còn có hiện tượng các linh mục thừa sai già hay đau yếu rời bỏ Venezuela, vì sợ hãi trước cảnh bạo lực và thiếu khả thể săn sóc sức khỏe cho chính mình. Phân nửa nhân lực của Giáo Hội làm việc trong lãnh vực mục vụ gia đình đã di cư sang Colombia, Perù và Chile, vì ở lại Venezuela họ không có cơ may nào cho cuộc sống tương lai. Cùng với họ cũng có 2 triệu người bỏ nước di cư ra nước ngoài sinh sống. Vì thế ĐC chủ tịch HĐGM Venezuela cũng kêu gọi các quốc gia láng giềng tiếp nhận và trợ giúp họ. Liên quan tới tình hình thê thảm trong nước các Giám Mục Venezuela kêu gọi tình liên đới của Giáo Hội các nước khác và các cơ cấu cộng tác quốc tế. Tình hình nghiêm trọng hơn vì chính quyền của tổng thống Maduro không thừa nhận sự trầm trọng của nó, và không cho phép nhận các phẩm vật cứu trợ từ nước ngoài. Sự kiện này khiến cho tình hình càng thê thảm hơn nữa.

Các nhân viên Caritas cho biết số trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng gia tăng đáng kể. Họ đã gửi các thống kê này cho bộ y tế, nhưng bộ y tế đã khước từ sự thật này và cấm không cho công bố. Những vụ dấu diếm sự thật như thế xảy ra hằng ngày. Nhưng chúng tôi luôn luôn kêu gọi đối thoại. Nếu chính quyền không muốn đối thoại với nhân dân, HĐGM sẽ đề nghị trưng cầu dân ý để biết ý muốn của người dân đối với tương lai đất nước. Ngoài ra, các Giám Mục Venezuela sẽ tiếp tục khích lệ dân chúng hành động cho sự sống còn của mình. Chúng tôi tất cả phải xây dựng đất nước. Giáo Hội không là kẻ thù của ai hết, nhưng Giáo Hội đồng hành với xã hội, và trong sứ mệnh ngôn sứ của mình Giáo Hội tố cáo những sai trái và loan báo Tin Mừng cho mọi người. Chúng tôi phải hiệp nhất và trợ giúp nhau, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi nhân dân đang phải đau khổ như vậy.

Tổ chức CELAM và nhiều HĐGM châu Mỹ Latinh cũng đã bầy tỏ tình liên đới với các Giám Mục Venezuela.

** Liên quan tới nạn bạo lực tại Venezuela Tổ chức quan sát bạo lực cho biết Venezuela là quốc gia đứng hàng thứ hai trong số các quốc gia bạo lực nhất thế giới, và Caracas là thành phố nguy hiểm nhất nước Venezuela. Thống kê năm 2016 cho biết đã có 28.479 người bị giết vì bạo lực, trong đó có 5.281 người là nạn nhân vì chống chính quyền, và 4.968 người khác bị chết vì các vụ đàn áp bạo lực nhưng không có ghi chú. Theo thống kê nói trên cứ 100.000 dân Venezuela thì có 91,6 người là nạn nhân của bạo lực, chỉ sau El Salvador đứng đầu với 100 người.

Ông Roberto Bricenho Leon, giám đốc tổ chức phi chính quyền Quan sát bạo lực Venezuela, cho biết mỗi ngày tại Venezuela có 15 người chết vì các đụng độ bạo lực với cảnh sát. Và vào cuối năm 2017 số nạn nhân bị chết do đụng độ với các lực lượng cảnh sát là 5.500 người. Trong năm 2016 số người chết trong chiến tranh tại Siria là 17.000, trong đó có 2.000 là trẻ em. Tại Venezuela không có chiến tranh nhưng cũng có tới 12.000 người chết vì bạo lực.

Một trong những lý do khiến cho nạn bạo lực ngày càng trầm trọng là việc sử dụng vũ khí tràn lan từ phiá các tổ chức tội phạm. Nó không chỉ cho phép xảy ra các cuộc đụng độ công khai chống lại các lực lượng an ninh của nhà nước, nhưng cũng là cớ cho các cuộc phục kích cướp bóc và tấn công các đồn công anh cảnh sát nữa. Chính quyền Venezuela bất lực nên đã nhường quyền kiển soát an ninh cho các băng đảng tội phạm, như xảy ra trong các nhà tù nơi các tay anh chị chỉ huy các tù nhân. Tình hình thiếu an ninh này khiến cho người dân phải tìm các biện pháp tự bảo vệ: với các con đường bị chặn có dân chúng chia nhau canh giữ và báo động, khi các tay tội phạm xuất hiện hay có bất cứ chuyện gì nghiêm trọng xảy ra. Bên cạnh đó là cảnh giới nghiêm vào ban chiều từ sau khi dân chúng đi làm về. Ngoài ra việc dùng điện thoại di động ngoài đường, quần áo giầy dép hàng hiệu đều có thể là cớ cho các vụ giết người đoạt của. Tình trạng kinh tế kiệt quệ và nạn lạm phát quá cao xê xích giữa 400 tới 700% khiến cho các tay tội phạm thích cướp của hơn cướp tiền chỉ là giấy lộn không còn giá trị gì. Ngoài ra vì các lực lượng an ninh và hệ thống pháp luật không hoạt động nên xảy ra nhiều trường hợp dân chúng dùng các phương thế riêng để tự vệ, và họ xé xác các tay tội phạm.

** Vì đói khát, lại thiếu mọi nhu yếu phẩm, nếu có thì giá bán quá cao không đủ tiền mua, nên có rất nhiều người phải đi bới các thùng rác trong thành phố để tìm những gì còn ăn được. Trẻ em thay vì đi học thì đi bới các thùng rác để tìm thực phẩm hay phải ăn trộm ăn cắp. Chính quyền xã hội chủ nghĩa của tổng thống Maduro ngu dốt, giáo điều. kiêu căng đã biến Venezuela từ một cường quốc kinh tế trở thành một quốc gia nghèo đói cùng cực nhất thế giới.

Trong hoàn cảnh bần cùng trên đầy của quốc gia các thổ dân bản xứ, vốn đã bị quên lãng, lại càng phải gánh chịu các thiệt thòi to lớn hơn nữa, và có thể rơi vào cảnh diệt chủng. Theo thống kê năm 2012 có khoảng hơn 725.000 thổ dân thuộc nhiều chủng tộc khác nhau, trong đó chủng tộc Wayuu chiếm 58%, chủng tộc Waraos chiếm 7%, chủng tộc Karinha chiếm 5%, chủng tộc Pemon chiếm 4% các chủng tộc Jivis, Cumanagotos, Anhu và Piaroas mỗi chủng tộc chiếm 3%, chủng tộc Chaima và Yukpa mỗi chủng tộc 2%, chủng tộc Yanomani chiếm 1%. Trên tổng số hơn 725.000 thổ dân nói trên có 61% sống trong bang Zulia, 10% sống trong bang Amazonas, 8% trong bang Bolivar, 6% trong bang Delta Amacuro và 5% trong bang Anzoátequi. Trong bang Amazonas các thổ dân chiếm 53,9% tổng số dân, trong khi tại bang Delta Amacuro các thổ dân chiếm 25% tổng số dân

Hiến pháp Venezuela bảo đảm cho mọi chủng tộc thổ dân có mọi quyền lợi, nhưng trên thực tế họ bị gạt bỏ bên lề xã hội, bị cướp đất sống khiến cho nhiều người bỏ rừng già tìm về sống vất vưởng trong các khu xóm ổ chuột của các thành phố lớn. Điển hình như trường hợp hàng trăm thổ dân Waraos di cư về thủ phủ bang Amazonas hồi cuối năm 2016.

Cảnh thiếu thuốc men cũng khiến cho các thổ dân chết nhiều hơn. Trong hai tháng 8 và 9 năm ngoái 2017 đã có một nhóm thổ dân Kashaama trong bang Anzoategui chết vì bệnh bạch hầu. Đây là bệnh đã lây lan trong 17 bang Venezuela. Đã có ba đợt dịch lan tràn trong bang Bolivar là bang có đông thổ dân sinh sống vào hàng thứ ba trên toàn nước.

Bác sĩ Jacobo Gonsalez chuyên viên bệnh dịch cho biết sự kiện nhà nước Venezuela huỷ bỏ các chương trình thăng tiến xã hội, và không thèm biết đến các bệnh như liệt kháng, viêm gan B và C , các bệnh dịch ho lao, sốt rét rừng cộng thêm với tình trạng thiếu dinh dưỡng triền miên và thiếu thuốc men như hiện nay, có nguy cơ khiến cho các nhóm thổ dân như Japreria, con cháu các thổ dân vùng Caraibi, và các nhóm khác sẽ bị rơi vào cảnh diệt chủng.

Linh Tiến Khải

Đọc nhiều nhất Bản in 22.02.2018 17:07