Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo dân Công Giáo California: Xin Hãy Nhập Cuộc

§ Lm Nguyễn Tất Thắng, OP

Vài tuần nay chúng ta chắc ai cũng mừng khi thấy người Công Giáo trong tiếu bang California, từ trên xuống dưới, từ tu sĩ đến giáo dân cùng nhau lên tiếng chống lại dự luật (DL) SB-360, dự luật buộc các linh mục phải vi phạm ấn tòa giải tội chẳng những chống Công Giáo mà còn chống lại những quyền tự do căn bản và thiêng liêng của con người. Đạo luật bá đạo kiểu này chưa một nước nào, dù phát xít hay độc tài, dám ban hành.

Những nỗ lực gần đây tuy đáng khuyến khích và rất cần thiết nhưng muốn thành công, để dự luật này không thể thông qua Hạ viện Tiểu bang (nên nhớ Thương viện bang California đã thông qua ngày 23 tháng 5, 2019 với tỉ số 30/4) mỗi người chúng ta cần nỗ lực hơn nữa.

1) Chúng ta cần trang bị cho mình một kiến thức cần thiết, một lập trường rõ ràng. Hôm trước chúng tôi tới gặp một Mục sư Tin lành tại địa phương, vì muốn ông đứng về phía chúng ta chống lại DL này, qua trung gian một người bạn cũng là tín hữu của ông. Khi vị Mục sư hỏi lý do, người bạn tôi mau mắn trả lời vì DL này vi phạm một trong những bí tích thiêng liêng của người Công Giáo, mặt ông Mục sư vẫn lạnh nhạt, nhưng khi tôi bổ túc vì DL SB-360 vi hiến, lúc đó vị Mục sư mới tỏ ra quan tâm.

Quả thật DL SB-360 đã vi phạm nghiêm trọng vào quyền tự do tôn giáo, quyền đã được ghi rõ trong Tu Chính Án thứ Nhất của Hiến Pháp Hoa Kỳ: “Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech.” Mặt khác DL này cũng đi ngược lại ý muốn của những người đã tạo ra nền tảng luật pháp cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - thường được gọi dưới tên những “Founding Fathers” – Đó là tính biệt lập giữa thế quyền và thần quyền (the Separation of church and state). Rất nhiều văn kiện và bút tích của những vị như Thomas Jefferson, James Madison đã minh định ý muốn này.

Chỉ khi nào chúng ta có một lập luận rõ ràng và thuyết phục, chúng ta mới lôi kéo được những người không Công Giáo. Điều này rất có ý nghĩa. Khi một linh mục lên tiếng các vị dân biểu sẽ nghĩ linh mục là đối tượng nên việc chống đối là đương nhiên, nhưng nếu một giáo dân lên tiếng lại có vẻ khách quan hơn, và ý kiến của một người không Công Giáo chắc chắn sẽ mang tính cách đòi hỏi công bằng và lẽ phải.

2) Xin hãy nhập cuộc: Nếu cứ đứng ngoài nhìn vào Giáo Hội Công Giáo, ai cũng phải khâm phục tính thống nhất và sự đoàn kết của chúng ta, nhưng xin đừng tự mãn, hãy đấm ngực đọc kinh cáo mình “mea culpa”. Trong khi chúng ta rất hăng say trong những công tác từ thiện, nhằm xây dựng một thế giới tốt đẹp, chúng ta lại rất thụ động khi phải trực tiếp đối đầu với những khuynh hướng và phong trào chống Kitô giáo và muốn loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống! (1).

Gần đây, riêng tại nước Mỹ này, đã có quá nhiều bằng chứng cho thấy người ta đang từng bước “tẩy chay Thiên Chúa”. Từ việc gỡ bỏ Thánh Giá và bia Mười Điều Răn khỏi những nơi công cộng; Việc bắt các chương trình bảo hiểm của các đại học Công Giáo phải trả tiền cho thuốc ngừa thai; Buộc các bệnh viện Công Giáo phải có dịch vụ phá thai: Buộc các thành phố phải cấp chứng chỉ hôn nhân cho các cặp đồng tính; Không chúc tụng nhau “Merry Christmas” (một truyền thống đã được quốc tế hóa) trong công sở mà thay bằng “Happy Holiday”; v.v… Trước tất cả những điều này người Công Giáo chúng ta nói chung chẳng có phản ứng tích cực nào, nếu không nói là vẫn rất thờ ơ.

Giáo hội chúng ta tổ chức rất chặt chẽ, một sự đoàn kết hàng dọc và từ trên xuống, (anh em Tin Lành hình như làm ngược lại). Giáo Hội Công Giáo cần tổ chức như vậy để giữ được tính “thống nhất” và “tông truyền”, nhưng từng giáo dân cũng cần nhận ra vai trò quan trọng của mình trong việc củng cố và xây dựng Giáo hội.

Gần đây có một làn sống tích cực nhằm bảo vệ sự sống, chống tội ác phá thai, gần nhất là vào tháng 5 vừa qua, hai tiểu bang Alabama và Louisiana đã ban hành, hay đưa ra bàn thảo, những đạo luật cấm phá thai gần như trong mọi trường hợp (2). Đạt được điều này dĩ nhiên đòi hỏi những công sức, những vận động của nhiều giới trong đó có giáo dân Công Giáo, nhưng phải công tâm nhìn nhận rằng sự đóng góp của anh em Tin lành rất đáng kể và đáng nể. Một thí dụ về việc ít quan tâm của giáo dân Công Giáo, như hằng năm cứ khoảng cuối tháng giêng có chương trình “Đi bộ cho sự sống” (Walk for Life) trên San Francisco, tham dự viên phần lớn đều là các chủng sinh và các cha, giáo dân rất hiếm, nếu có mấy người cũng chỉ đứng đằng sau nấu phở, nấu xôi, làm bánh mì cho các tham dự viên đại chủng viện Saint Patrick!.

- Hiện tại DL SB-360 đang được chuyển qua “Assembly Public Safety Committee” để nghiên cứu và thảo luận, những ai thông thạo internet có thể vào “Legiscan” hay website của “committee” này (https://apsf.assembly.ca.gov/) mà nêu ý kiến. Hoặc cuối tuần này tại hầu hết các nhà thờ trong vùng đều để sẵn thơ ý kiến, xin đọc và ký vào thơ. Chúng tôi có đề nghị sau khi có nhiều thư rồi chúng ta sẽ làm nhiều bản, không chỉ gởi cho những dân biểu địa phương như ông Ash Kalra (đơn vị 27) hay ông dân biểu quen thuộc Kasen Chu (Milpitas), nhưng chúng ta sẽ gởi cho hết 80 vị dân biểu tiểu bang California.

Cũng cần nhắc nhau trước, nếu dịp này chúng ta nỗ lực chưa đủ để dự luật vi hiến và vi pháp này thông qua hạ viện TB, chúng ta cũng đừng ngã lòng. Dân Hồng Kông sống dưới chế độ độc tài đảng trị mà cả triệu người còn đang dám đứng lên đòi hỏi công lý, lẽ nào cả 10 triệu người Công Giáo chúng ta chịu để cho ông Thống Đốc tiểu bang ung dung ký thành luật, bản dự luật vô lý này sao!.

Dù sao nơi nương tựa cuối cùng và vững chắc nhất vẫn là Thánh Tâm Chúa Giêsu, như Thánh Mẫu Maria đã nhắc nhở chúng ta khi hiên ra tại Fatima (1917), giữa cơn đại hồng thủy cách mạng Bôn-Sê-Vích (Bolshevik) đang nổi lên tại Nga muốn loại hẳn Thiên Chúa ra khỏi đời sống nhân loại, nhưng cuối cùng tà thuyết này cũng đã thất bại thảm hại tại Nga và Đông Âu.

(1) Đức TGM Fulton Sheen (nguyên phụ trách tổng giáo phận New York) từng lên tiếng báo động hồi Thế chiến II, lý do phía sau chiến tranh và sự dữ không mang tính biện chứng mà mang tính thần học. “Thế giới đã “tẩy chay” Thiên Chúa, và hậu quả thảm khốc xảy ra như chúng ta đã và đang chứng kiến.”

(2) Như luật về chống phá thai, từ tháng Ba năm nay (2019) nhiểu tiểu bang như Kentucky, Utah, Arkansas, Missouri thông qua luật cấm phá những thai nhi, bắt đầu từ lúc nhịp tim của những thai nhi này được nhận ra. Luật này thương được gọi dưới tên “heartbeat bill” (Prohibit the abortion of an unborn human being with a detectable heartbeat). Trong tháng Tư tiểu bang Ohio cũng thông qua đạo luật tương tự.

Đặc biệt ngày 14 tháng Năm, 2019, tiểu bang Alabama đưa ra luật cấm phá thai gần như trong tất cả các trường hợp, ngoại trừ sức khỏe người bị đe dọa nghiêm trọng. Sau đó ngày 29 tháng 5, 2019, tiểu bang Louisiana còn đưa ra luật cấm phá thai ngay cả trong trường hợp bị hãm hiếp hay loạn luân. (Theo CNN/Politics ngày 30 tháng 5, 2019)

Phạm Mạnh Tuấn, San Jose

Đọc nhiều nhất Bản in 14.06.2019 17:22