Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ghi Chú về Kinh Lạy Cha của Raissa Maritain, Chương II, tiết 2

§ Vũ Văn An

Tiết 2: Nước Cha Trị Đến

Adveniat regnum tuum, ՚Ελθέτω ή βασιλεία σου (Elthetô he Basileia sou). Chữ Hy Lạp basileia, chữ La Tinh regnum, vừa có nghĩa triều đại vừa có nghĩa vương quốc. Hai nghĩa này không loại trừ nhau; ngược lại, chúng gợi ý nhau. Tuy nhiên, trong lời cầu xin thứ hai của Kinh Lạy Cha, ta nên hỏi chữ nào trong hai chữ này quan trọng hơn cả.

Với câu hỏi trên, Cha Lagrange trả lời {1} rằng không có vấn đề gì khi nói“vương quốc Cha ngự đến” vì một vương quốc không ngự đến, một lý lẽ rõ ràng yếu ớt, vì người ta thường nói đến việc ngự đến (avènement) của một vương quốc; và một vương quốc ngự đến khi nó được thiết lập và khi nó tự mở rộng, còn nếu một triều đại “ngự đến” thì, một cách ít nhiều mặc nhiên, nó “ngự đến” hay “đến” cùng với vương quốc được nó cai trị, và vương quốc này từ đó, ngự đến.

Thực vậy, trong các bản dịch Kinh Lạy Cha sang tiếng Pháp, người ta thường dịch là triều đại (règle), còn trong các bản dịch sang tiếng Anh, người ta quen dịch là vương quốc giống các bản dịch tiếng Đức (Kingdom, Reich). Điều cũng đáng lưu ý là trong các bản dịch sang ngôn ngữ Semitic, vương quốc được sử dụng đầu tiên. Đây cũng là lối dịch của các bản dịch sang tiếng Do Thái hiện thời (Malkout), và cả trong bản dịch Ả Rập của nghi lễ Công Giáo Hy Lạp; ở đây không chỉ là vấn đề một bản dịch được thánh hiến bởi việc được sử dụng trong phụng vụ hay bởi thời gian, nhưng khi đọc Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ, người ta đọc Malakout, có nghĩa là vương quốc, trong khi ở đầu Thánh Lễ khi nói đến triều đại Thiên Chúa, người ta lại dùng một chữ khác (Mamlakat) rõ ràng có nghĩa là Triều Đại chứ không phải Vương Quốc.

Bởi thế, tuy không loại trừ nghĩa “triều đại”, chúng tôi ưa đọc “Vương Quốc Cha ngự đến”. Và đồng thời chúng tôi hiểu rằng trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu không dạy chúng ta chỉ xin một cách chung chung cho việc Thiên Chúa được mọi người vâng phục, mà còn xin một cách chính xác hơn và minh nhiên hơn cho việc ngự đến của Vương Quốc Thiên Chúa hay Vương Quốc trên trời {2} mà Người vốn đến để công bố {3},và liên quan đến vương quốc này, suy nghĩ và lời giảng của Người đầy những dụ ngôn không thể hiểu thấu mà các sách Tin Mừng không ngừng trình bầy với chúng ta.

Nhưng Vương Quốc này là gì nếu không phải là Giáo Hội vốn ở thế gian này nhưng không thuộc về thế gian này -- regnum meum non est de hoc mundo (Nước tôi không thuộc thế gian này){4} - một Giáo Hội được coi như không hiện hữu trước Chúa Kitô, dưới các hình thức phôi thai và che đậy, nhưng như hiện hữu cùng Chúa Kitô, nhất là sau Lễ Ngũ Tuần, nó xuất hiện giữa chúng ta với bộ mặt không còn che đậy và trong sức sống rạng rỡ của Đầu mình, là chính Ngôi Lời nhập thể? Đó cũng là Giáo Hội của đời sau, không theo nghĩa của thời trước Chúa Kitô theo đó nó là nơi tụ tập các người công chính trong lòng Ápraham, nhưng theo nghĩa nó hân hoan trong thị kiến Chúa Kitô bước vào vinh quang của Người, và cuối cùng nó đạt được sự viên mãn hoàn toàn với việc thân xác sống lại.

"Cho đến thời ông Gioan, thì có Lề Luật và các ngôn sứ; còn từ thời đó, thì Tin Mừng Nước Thiên Chúa được loan báo, và mỗi người [trong số những người có tai để nghe] thì dùng sức mạnh mà vào"{5} – "Những người bạo động [tức những người không ngần ngại cắt tay phải của mình nếu nó gây gương mù cho họ, và yêu mến Chúa Giêsu hơn cha mẹ mình], đều nắm được nó bằng sức mạnh” {6}. "Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời [theo điều họ đã có ơn thánh Chúa Kitô đến với họ và họ không còn phải đợi trong âm ti nhưng đã được thấy Chúa nhãn tiền ở trên trời] còn cao trọng hơn ông”{7}

Vương Quốc Cha ngự đến. Lời cầu xin này, hay ước nguyện này, liên quan trước nhất và trên hết với thế giới tương lai, thế giới vĩnh cửu nơi một mình lời cầu xin đầu tiên “Danh Cha cả sáng” cũng sẽ được thực hiện một cách tuyệt đối hoàn hảo. “Điều hoàn toàn hiển nhiên là lời cầu xin này liên quan đến tương lai” {8}. “Vương Quốc Thiên Chúa, mà chúng ta xin ngự đến, có hạn kỳ của nó trong ngày chung cục của thế giới” {9}. “Vương Quốc Thiên Chúa ở trong chúng ta, những kẻ không mệt mỏi tiến bước, sẽ đạt tới sự hoàn hảo của nó khi lời lẽ của Thánh Tông Đồ {10}nên trọn: ‘khi Người đặt mọi kẻ thù của Người dưới chân, Người sẽ trao nộp Vương Quốc cho Cha của Người, để Thiên Chúa là tất cả trong tất cả’” {11}. “Như thế, vương quốc mà bạn mong muốn ngự đến là vương quốc nào? Nó là vương quốc được nói đến trong Tin Mừng” {12}: ‘hãy đến, hỡi những kẻ được Cha Ta chúc phúc, để hưởng vương quốc đã được chuẩn bị cho các con từ lúc tạo nên thế giới’”{13}. Vương Quốc này chính là Giáo Hội chiến thắng. “Lúc ấy người công chính sẽ sáng láng như mặt trời trong vương quốc Chúa Cha” {14}.

Còn Cựu Ước đã nói gì trước đó? Đức khôn ngoan “chỉ cho người công chính thấy vương quốc Thiên Chúa” {15} khi Giacóp thấy trong giấc mơ chiếc thang đặt ở dưới đất mà đầu thì đụng tới trời, có các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống {16}. “Thiên Chúa của tầng trời sẽ thiết lập một vương quốc không bao giờ bị hủy diệt... và nó sẽ vững bền mãi mãi” {17}. “Vương quốc của Người là một vương quốc trường cửu” {18}. "Et regnum ejus in generationem et generationem" (Và triều đại Người kéo dài từ đời này qua đời nọ) {19}. "Một người như Con Người đến trong mây trời... Quyền lực Người là quyền lực trường cửu... và vương quốc Người sẽ không bao giờ bị hủy diệt” {20}. “Các vị thánh của Thiên Chúa tối cao sẽ lãnh nhận vương quốc này: và các ngài sẽ chiếm hữu vương quốc này mãi mãi” {21}.

“Những người cứu thoát sẽ lên Đồi Sion để phán xét Đồi Esau: và vương quốc sẽ dành cho Chúa” {22}.

Nhưng lời cầu xin thứ hai của Kinh Lạy Cha cũng nhắc đến vương quốc đã hiện diện rồi, một vương quốc mở rộng và càng ngày càng chiếm được cõi sâu con người và đời người. “Vương quốc Thiên Chúa đã đến khi anh em nhận được ơn thánh của Người. Quả thế, chính Người đã nói rằng {23}: ‘Vương Quốc Thiên Chúa đang ở trong anh em’” {24}.

Interrogatus autem a Pharisaeis: quando venit regnum Dei? respondens eis dixit: Non venit regnum Dei cum observatione. Neque dicent: Ecce hic, aut ecce illic. Ecce enim regnum Dei intra vos est (Người Pharisêu hỏi Đức Giêsu bao giờ Triều Đại Thiên Chúa đến. Người trả lời: "Triều Đại Thiên Chúa không đến như một điều có thể quan sát được. Và người ta sẽ không nói: "Ở đây này! hay "Ở kia kìa!, vì này Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông"{25}. Ta hãy ráng lột tả ý nghĩa các dòng của Thánh Luca, do Thánh Ambrôsiô trích dẫn trong đoạn vừa nhắc: “ Khi được người Biệt Phái hỏi khi nào vương quốc của Thiên Chúa ngự đến, Người trả lời họ rằng vương quốc của Thiên Chúa đến không ai hay –không thể chờ đợi nó như một biến cố vật chất, như việc đến của một đoàn quân tạo mây bụi đường và vũ khí sáng loáng dưới ánh mặt trời – “như thể người ta có thể nói: ‘Này, nó ở đây’ hay ‘nó ở kia’. Vì này, vương quốc ơn thánh của Chúa Kitô ngự đến giữa loài người đang ở bên trong anh em” hay, theo một lối dịch không kém thế giá “ở giữa anh em” {26}.”Nó đã ở giữa anh em rồi: anh em chưa thấy nó vì nó không đến như một sự vật đã hoàn tất để người ta có thể nói nó ở đây hay ở kia, nhưng nếu nhìn nó kỹ hơn, ta có thể nhận ra nó như một hạt giống đang nẩy nở” {27}.

Nó đang ở giữa các bạn, hay ở trong các bạn, như ơn thánh của Chúa Kitô đã đến giữa con người – nó là Giáo Hội ở dưới này, Vương Quốc Thiên Chúa “đang trong tình trạng hành hương và chịu đóng đinh” {28} và là một vương quốc tuy hữu hình, nhưng bao gồm người công chính, những người vốn làm cho tính hữu hình của nó thêm rạng rỡ và những kẻ tội lỗi, những kẻ vốn phủ mây nó, một vương quốc có ơn thánh và đức ái làm linh hồn và sự sống, và trên các cơ sở này, không bụi nhơ hay tì vết, nhưng ở thẳm cung tâm hồn, ở điểm bí mật nơi mỗi con người quyết định để sự sống của Nhiệm Thể hoạt động trong mình, như trong một chi thể thánh thiện và tích cực, hay quyết định trốn tránh sự sống ấy như một chi thể nơi máu không còn tuần hoàn. Đây là Vương Quốc Thiên Chúa đang bước đi trên trái đất, nơi Chúa Giêsu “hấp hối cho tới ngày thế mạt” và là nơi, từng bước từng bước, nhờ áp dụng ơn phúc của Chúa Kitô cho mỗi chi thể của thời gian ấy, qua các thế kỷ, nhờ sự kết hợp với tình yêu và sự thống khổ của Đầu, sẽ “đền bù” “những gì còn thiếu trong các đau khổ của Chúa Kitô” {29}.

Khi đọc “Nước Cha trị đến”, hay “Vương Quốc Cha ngự đến”, là chúng ta cầu xin cho việc từ từ hoàn tất công trình đồng công cứu chuộc này. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa làm cho chúng ta tiến về đích sau cùng như “những người bước đi không mệt mỏi”, và làm chúng ta hợp tác trong việc mở rộng Vương Quốc của Người, để Giáo Hội, trong khi không ngừng mở rộng biên giới, có thể ngày càng phát triển nơi các dân tộc trên thế giới và tái tích nhập vào mình dân tộc Do Thái; để con số người được cứu rỗi ngày một gia tăng (bất chấp họ tạo nên một phần của chi thể hữu hình của Giáo Hội, hay thuộc về nó một cách vô hình); và để, qua các giai đoạn kế tiếp nhau, sự tiến bộ về chiều sâu sẽ làm cho những ai trong trật tự siêu nhiên trở thành “các đồng công dân của các thánh”, càng ngày càng ngoan ngoãn tuân theo tinh thần và các yêu sách của Tin Mừng và càng ngày càng phù hợp hơn với đức ái của Chúa Giêsu.

Và thứ đến, chúng ta cầu xin để trong trật tự trần gian và trong tất cả những gì liên quan đến lãnh vực này, cuộc chiến đấu vốn theo đuổi hết thời này sang thời nọ chống nạn nô dịch, cảnh khốn cùng và đau khổ của con người, cố gắng vươn tới công lý, tình bằng hữu công dân, lòng tôn trọng đối với phẩm giá nhân vị, không ngừng thắng thế.

Và dĩ nhiên, vì trái đất này mà hy vọng vương quốc Thiên Chúa sẽ hoàn toàn được thể hiện, như thể nó sẽ xuất hiện trong lịch sử, là một điều phi lý, vì bao lâu lịch sử còn kéo dài, một tiến bộ theo hướng cái ác sẽ luôn cùng hiện hữu với một tiến bộ theo hướng cái tốt, và sẽ cản trở nó. Nhưng sự kiện vẫn là: vương quốc hoàn toàn được thể hiện của Thiên Chúa sẽ ngự đến quá bên kia lịch sử, với trời mới đất mới, khi có việc phân loại giữa trọng khối sự ác luôn kéo thế giới về phía ông hoàng của nó, và luôn tự tách mình ra để tiến về chỗ riêng của nó, và năng lực tình yêu và sự thật luôn kéo nó về hướng Đấng Cứu Chuộc nó và luôn tự tách mình ra để tiến về chỗ riêng của mình, để nhờ sự tách biệt này và sự bất liên tục rành mạch này, thế giới biến hình sẽ được đồng hóa với Giáo Hội chiến thắng, với Vương Quốc thiên giới mà Chúa Kitô đã phục hồi cho Chúa Cha của Người.

Còn lại vấn đề này: suốt trong lịch sử, bao lâu các linh hồn còn phải chịu đựng các điều kiện sống vô nhân đạo, thì không thể có chuyện an nghỉ trên trái đất này đối với người Kitô hữu; do hệ quả của ơn gọi siêu nhiên của mình, sứ mệnh trần thế của người Kitô hữu vẫn buộc họ làm việc cách này hay cách khác cho ích chung của nhân loại trên trái đất, và cho việc duy trì niềm hy vọng trần thế của con người vào Tin Mừng. Vẫn còn vấn đề nữa: bao lâu các biến đổi của thế giới diễn ra một cách có ích cho con người và thực sự có tính giải thoát, thì, một đàng, chúng sẽ như một khúc xạ (réfraction) xuống trần gian các nhân đức và ơn thánh của Vương Quốc Thiên Chúa trong cuộc lữ hành ở dưới thế này, và đàng khác, như một hình ảnh xa xăm trong cảnh bí ẩn và tối đen của thân phận xác thịt báo trước Vương Quốc Thiên Chúa trong vinh quang của thế giới sắp tới.

Chính vì thế, các biến đổi đó liên quan cách gián tiếp với Vương Quốc Thiên Chúa; chúng ta xin những điều đó cách gián tiếp khi ta xin cho Nước Cha trị đến. Tại sao lại gián tiếp? Vì chúng được xin trước hết cho con người (mặc dù nhắc đến vinh quang Thiên Chúa như cùng đích tối hậu, như mọi lời cầu xin tốt lành khác).

*

Nhưng mọi điều chúng ta xin trực tiếp khi cầu xin cho vương quốc thiên giới trị đến, mọi điều liên quan trực tiếp với Vương Quốc này, mà chúng ta đã xem xét trước đây, điều rõ ràng là chúng ta xin trước hết cho Thiên Chúa, Cha chúng ta và cho Người Bạn do ơn bác ái, trước khi xin cho chính chúng ta.

Do đó, ở đây, chúng ta phải từ bỏ việc theo chân, dù họ vĩ đại và đáng kính đến đâu, những người nghĩ rằng lời cầu xin thứ hai trong Kinh Lạy Cha ngỏ với Thiên Chúa cho chúng ta, chứ không cho Thiên Chúa. Chắc chắn như thế, như đã nhận xét, và vì hiển nhiên các tạo vật được cần đến khi Thiên Chúa muốn làm cho chúng tự do bước vào niềm vui của Người, Người có thể tự do hoàn thành, nhờ các phương thế của họ, sự vinh quang mà do bản tính của Người, Người nhất thiết có và có từ thuở đời đời, một vinh quang không thể thêm vào được chi nữa, nên ba lời cầu xin đầu tiên có liên hệ đến tác phong và số phận con người. Chúng ta tin rằng điều này là điều Tertullianô muốn nói (“chúng ta xin cho được thống trị, và mau thoát khỏi cảnh nô lệ mau hơn” {30}) hay Thánh Cyprianô muốn nói (“chúng ta cầu xin cho vương quốc hứa hẹn trị đến, được mua cho chúng ta bằng máu và cuộc thống khổ của Chúa Kitô. Để chúng ta, những kẻ trước đây vốn là nô lệ trong thế gian có thể cai trị dưới chủ quyền tối cao của Chúa Kitô” {31}). Nhưng Thánh Augustinô, vì sợ có người tưởng tượng ra rằng Thiên Chúa chưa thống trị trên những gì Người đã dựng nên, và Người phải nhờ đến việc nài nỉ tốt lành của chúng ta để Người ngự trên chúng một ngày kia, đã bảo đảm với ta rằng khi xin cho vương quốc của Người trị đến, chúng ta chỉ “kích thích ước vọng của chúng ta đối với triều đại Thiên Chúa, ngõ hầu nó trị đến với chúng ta và chúng ta có thể cai trị trong nó” {32}.Và vì theo chân Thánh Augustinô, nên Thánh Tôma Aquinô, trong tuyệt tác phẩm gọi là Compendium Theologiae (Bản Tóm Lược Thần Học), đã giới hạn lời bình luận của ngài về lời cầu xin thứ hai trong Kinh Lạy Cha vào việc giải thích khá dài về điều sẽ là phước hạnh hay cùng đích chủ quan tối hậu của ta, và vào thị kiến nhờ đó, chúng ta được hưởng nhan Thiên Chúa” {33}.

Nói cho đúng, giống lời cầu xin thứ nhất và thứ ba, lời cầu xin thứ hai liên hệ tới số phận và tác phong con người. Nhưng cũng giống hai lời cầu xin kia, nó hướng tới điều tốt của Thiên Chúa, chứ không phải của con người, và nó kích thích ước nguyện của chúng ta trước hết và trên hết; chính là cho Thiên Chúa mà chúng ta cầu xin. Cha Lagrange viết rất đúng rằng “Một việc nâng tâm hồn lên Cha chúng ta, ba ước nguyện được thốt ra bởi một linh hồn kết hợp với vị Cha này bằng các sợi dây bằng hữu và được sinh động hóa bởi ước nguyện Người được điều tốt lành: hữu thể tốt lành của linh hồn là việc đổ tràn điều tốt của Chúa Cha và việc chúng trở về với Người trong vinh quang...” {34}.

Vì yêu thương chúng ta, Chúa muốn chúng ta bước vào niềm vui của Người {35}; “Chúa Cha muốn rằng vương quốc thiên giới được ban cho các thánh của Người” {36}.

Còn chúng ta, vì yêu kính Người, chúng ta muốn rằng vương quốc của Người gia tăng ở dưới thế này, để khai mở trong thời gian công trình mà Người đã sai Con Một Người xuống thực hiện và trong đó, tình yêu của Người vui khoái; vì yêu kính Người, chúng ta muốn rằng vương quốc của Người, vương quốc trước khi được ban cho chúng ta vốn trước hết là của Người và theo yếu tính mãi mãi là của Người, được nên trọn ở trên trời, để Người ở đó là tất cả và tất cả, phù hợp với ước muốn của Người, và lời ca ngợi và niềm vui của chính Người, cũng nhất thiết và bất biến ở trong Người như chính yếu tính Người, có thể, nhờ ơn phúc nhưng không Người đã tạo ra từ Người để ban cho các kẻ Người tuyển chọn, và đã được họ tự do tiếp nhận dưới sự thúc đẩy của ơn thánh, đạt được sự viên mãn đời đời của chúng.

Ghi Chú:

{1} Évangile selon saint Luc, p. 322, n. 2.

{2} "Từ những ngày đầu tiên trong cuộc đời công khai của Người, Chúa Giêsu đã công bố ‘vương quốc trên trời đang gần kề’ (Mt. 4:17)... . Suốt trong sứ mệnh của Người, ‘vương quốc trên trời’ không ngừng ở trên miệng lưỡi Người. Biểu thức này là biểu thức có tính Palestine một cách đặc trưng (Máccô và Luca dịch nó theo cách dùng của Rôma – Hy Lạp ‘Vương quốc Thiên Chúa’)” Augustin George, S.M., Connaître Jésus-Christ (Paris: Equipes Enseignantes, 18 rue Ernest-Lacoste, 1960), p. 41.

{3} Oportet me evangelizare regnum Dei (Tôi còn phải loan báo tin mừng về triều đại Thiên Chúa). Lc 4:43.

{4} Ga 18:36.

{5} Lc 16:16.

{6} Mt. 11:12.

{7} Ibid., 11:11.

{8} M. J. Lagrange, Évang. selon saint Luc, p. 322

{9} Tertullianô, De Oratione, cap. 5, P.L., 1, 1159.

{10} 1 Cr. 15:24-28 (cô đọng).

{11} Origen, De Oratione, 25, P.G., 11, 497.

{12} Mt. 25:34.

{13} Thánh Augustinô, Serm. 56, cap. 4, n. 6., P.L. 38, 379.

{14} Mt. 13:43.

{15} Kn 10:10.

{16} Xh 28: 12. -- "Nơi ngươi và dòng dõi ngươi, mọi chi tộc trên trái đất sẽ được chúc phúc”.

{17} Đn 2:44.

{18} Ibid., 3:100 (và 4:31).

{19} Ibid., 4:31.

{20} Ibid., 7:13-14.

{21} Ibid., 7:18 (Xem 7:27).

{22} Ovđ 21.

{23} Lc 17:21.

{24} Thánh Ambrôsiô, De Sacram., lib. VI, n. 22, P.L., 16, 451.

{25} Lc 17:20 -- 21.

{26} Chúng tôi dùng cả lối dịch của Cha Lagrange (là lối dịch nói rằng “ở trong anh em”, Lc, p. 461) lẫn lối dịch của Thánh Kinh Giêrusalem (là lối dịch nói rằng "ở giữa anh em" p. 1378).

{27} M. J. Lagrange, Évangile selon saint Luc, p. 460 note.

{28} Charles Journet, L'Église du Verbe Incarné, t. II, p. 87.

{29} Thánh Phaolô, Cl. 1:24.

{30} Tertullianô, De Oratione, cap. 5, P.L., I, 1159.

{31} Thánh Cyprianô, De Oratione Dominica, n. 13, P.L., 4, 527.

{32} Ad Probam, P.L., 33, 502 (n. 21).

{33} Comp. Theologiae, II, cap. 9, Marietti, n. 573 ff. (Công trình này, bị gián đoạn do cái chết của thánh nhân, ngưng ở lời cầu xin thứ hai)

{34} M. I. Lagrange, L’Évangile de Notre-Seigneur Jésus-Christ, vol. 11, p. 16.

{35} Intra in gaudium Domini tui (Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh) Mt. 25:21 và 23. Ego dispono vobis, sicut disposuit mihi Pater meus, regnum, ut edatis et bibatis super mensam meam in regno meo (Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy) Lc 22:29-30.

{36} Nolite timere, pusillus grex, quia complacuit Patri vestro dare vobis regnum (Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em) Lc 12:32 (Cf. Đn 7:18).

Kỳ Sau: Tiết 3: Ý Cha Thể Hiện dưới đất cũng như trên trời

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 07.11.2018 18:50