Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ghi Chú về Kinh Lạy Cha của Raissa Maritain, Chương II, tiết 1

§ Vũ Văn An

Chương II: Ba Lời Cầu Xin Đầu

Tiết 1: Lạy Cha Chúng Con

Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta đọc Lạy Cha Chúng Con, chứ không phải Cha của Con.

Như Thánh Tôma Aquinô đã viết (1), sở dĩ như thế là vì "Tình yêu của Thiên Chúa không bị giới hạn vào bất cứ cá nhân nào, nhưng bao trùm mọi người nói chung; vì Thiên Chúa yêu mọi thứ hiện hữu. Người yêu con người hơn tất cả...Đồng thời chúng ta nên nhớ rằng, mặc dù hy vọng chủ yếu vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau để có được dễ dàng hơn những gì chúng ta cầu xin.. . Như Thánh Ambrôsiô nhắc nhở chúng ta{2}: 'Nhiều người bé nhỏ, khi tụ tập với nhau và cùng một tâm trí, họ vẫn trở nên lớn mạnh, và lời cầu nguyện của nhiều người không thể nào không được nghe'. Điều này phù hợp với Tin Mừng Mátthêu 18:19: 'Nếu ở trên mặt đất, hai người trong các con đồng ý về bất cứ điều gì họ cầu xin, thì điều ấy sẽ được Cha Thầy ở trên trời thực hiện’. Vì vậy, chúng ta không thổ lộ các lời cầu nguyện của chúng ta như những cá nhân, nhưng với sự nhất trí, chúng ta cùng lớn tiếng 'Lạy Cha chúng con', ngay cả khi mỗi người chúng ta cầu nguyện clausio ostio (cửa đóng then cài).

"Chúng ta cũng hãy suy niệm điều này: niềm hy vọng của chúng ta vươn lên tới Thiên Chúa qua Chúa Kitô, theo thư Rôma 5: 1-2.. . Nhờ Người, Đấng là Con Duy Nhất của Thiên Chúa do bản tính, chúng ta được nhận làm con nuôi.. . như được nói đến trong thư Galát 4: 4-5. Do đó, khi nhìn nhận Thiên Chúa là Cha của chúng ta, chúng ta nên làm thế một cách không hạ thấp đặc quyền của Đấng Con Duy Nhất, Đấng duy nhất có quyền đặc biệt để nói, “Cha của Tôi”.

Ở trên trời

"Vì sao các quốc gia lại nói: 'Vậy thì Thiên Chúa của họ ở đâu?'

"Thiên Chúa của chúng tôi ư? Thiên Chúa của chúng tôi ở trên thiên đàng mà. Người làm bất cứ điều gì Người muốn".

Nói về các Tổ phụ, Thánh Phaolô dạy {4}: các ngài thừa nhận các ngài là những người ‘ngoại kiều và lữ khách trên trái đất’. Vì những người nói những điều như thế đã cho thấy rõ ràng rằng họ tìm kiếm một quê hương.

"Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài”

Và câu này nữa {5}: "Đối với chúng ta, quê hương của chúng ta là ở trên trời; từ đó, chúng ta háo hức chờ đợi Đấng Cứu Tinh của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô; Người sẽ biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta [thân xác của "con người thuộc về đất"{6}]

"để nó có thể là một với thân xác vinh quang của Người [thân xác của người"từ trời mà đến"{7}]

"bởi sức mạnh của quyền lực nhờ đó Người có khả năng bắt mọi sự qui phục Người".

Vậy thì, đâu là trời mà Cha chúng ta hiện đang ở, và nơi có thành phố của chúng ta, và là quê hương mà chúng ta đang khao khát ước mong, và là nơi "cuộc sống của chúng ta được giấu kín với Chúa Kitô trong Thiên Chúa"? Đây là một mầu nhiệm vô cùng vượt quá mọi ý tưởng mà tâm trí con người có thể cố gắng phát biểu bằng các hạn từ ngập ngừng lưỡng lự. Quả là một điều đáng ngạc nhiên khi Cõi Bên Kia, cõi quan trọng đối với chúng ta hơn mọi điều ở dưới thế này, trên đó niềm hy vọng của chúng ta bám vào, và là nơi Thiên Chúa "đã chuẩn bị cho những kẻ Người yêu", càng lôi kéo mọi người chúng ta mạnh mẽ hơn khi tấm màn che phủ nó càng dầy hơn bấy nhiêu - "những gì mắt chưa hề thấy, những gì tai chưa hề nghe, những gì chưa nhập vào trái tim con người.. ." {9}

Tuy nhiên đức tin, theo cách tối nghĩa của nó, dạy chúng ta một điều gì đó về nó. Đôi khi người ta nói {10} rằng Thiên đàng, hay cõi trời, chắc chắn là các linh hồn trong trạng thái có ơn thánh trong đó Ba Ngôi ngự trị, và đặc biệt là linh hồn các thánh{11}.

Thánh Tôma nhận xét{12}: "Có một chướng ngại đối với việc cầu nguyện hay tin tưởng vào Thiên Chúa ngăn cản người ta cầu nguyện. Đó là khái niệm cho rằng cuộc sống con người bị tách biệt khỏi ơn quan phòng của Thiên Chúa. Khái niệm đó do kẻ ác phát biểu trong sách Gióp 22:14: 'Người ẩn mình trong đám mây và không quan tâm tới các vụ việc của chúng ta, và Người lãnh đạm rong chơi trên vòm trời'; cả trong Êdêkien 8:12: 'Chúa không thấy chúng ta, Chúa đã bỏ rơi trái đất'. Nhưng Thánh Tông đồ Phaolô đã dạy ngược lại trong bài giảng của ngài với người Athen, khi ngài nói rằng Thiên Chúa 'không xa mọi người chúng ta; vì trong Người, chúng ta sống, di chuyển và hiện hữu” (Cv 17: 27-28)... Trong Mátthêu 10: 29-31, chúng ta được cho biết: 'Há hai con chim sẻ không bán với giá một xu đó sao? Ấy thế nhưng không một con nào rơi xuống đất mà không có Cha của các con. Các sợi tóc trên đầu của các con đều được đếm cả’... Như thế có nghĩa: mọi điều thuộc con người đều sẽ được phục hồi lúc sống lại. Như chính Chúa chúng ta đã nói thêm, trong cùng một bối cảnh: 'Do đó, đừng sợ, các con tốt hơn nhiều con chim sẻ' (Mt. 10:31). Điều này minh xác đoạn nói rằng: 'Con cái loài người sẽ đặt niềm tin của chúng dưới sự che chở của đôi cánh Ngài' (Tv 36 [35]: 8).

"Hay, mặc dù quả thực Thiên Chúa gần gũi mọi người, nhưng phải nói rằng, với một sự chăm sóc đặc biệt, Người gần gũi những người tốt lành, những người cố gắng tiến lại gần Người bằng đức tin và tình yêu.. . Thật vậy, không những Người ở gần họ: Người thậm chí còn ngự trong họ bằng ân sủng.. . Vì vậy, để gia tăng niềm hy vọng của các thánh, chúng ta được dạy để nói: 'ở trên trời,' tức là, nơi các thánh, như Thánh Augustinô giải thích. Vì, như vị thánh tiến sĩ này từng nói thêm, khoảng cách thiêng liêng giữa người công chính và người có tội dường như cũng lớn như khoảng cách không gian giữa trời và đất…. Đấng đã tạo cho họ các tầng trời sẽ không giữ lại các điều thiện ở trên trời xa lìa khỏi họ".

Tuy nhiên, thiên đàng, hay các tầng trời, hay “những điều ở bên trên”{13}, cũng là và - về yếu tính - trước hết là thế giới khác nơi Thiên Chúa được kính yêu và tuân phục một cách tuyệt đối hoàn hảo bởi các thánh và các thiên thần{14}, nơi con cái Thiên Chúa được tỏ lộ{15}, và là nơi sáng thế được bước vào sự tự do hiển vinh của con cái Thiên Chúa{16}, "trời là nơi tội lỗi đã ngưng lại, trời là nơi vết thương chết chóc không còn nữa{17}, nó là "ánh sáng không thể tiếp cận" nơi ngự trị của Đấng Được Chúc Tụng và có Chủ Quyền Tối cao"{18}; nó là vũ trụ của diệu kiến (vision béatifiante), là Giáo hội chiến thắng và là Giêrusalem trên cao, vốn đã tồn tại từ nguyên thủy với các thiên thần thánh thiện luôn trung thành với Thiên Chúa, và sẽ đạt được sự viên mãn của nó với các thân xác sống lại và sau đó "thành thiêng liêng" của người công chính, được hình thành "giống như người từ trời mà đến"{19}, khi Chúa Kitô sẽ "đặt dưới chân Người kẻ thù cuối cùng" đó là "sự chết". Sau đó, Người sẽ phán: 'mọi sự từ nay đã quy phục'"{20}.

Đây là thế giới nơi Cha ngự, vì là thế giới đã được thần thiêng hóa - như Người ngự trong linh hồn các thánh ở dưới thế này, nhưng một cách cao hơn - hoàn toàn như ở nhà và hài lòng, vì không gặp bất cứ chướng ngại vật nào đối với tình yêu của Người nữa. Đó là một thế giới mà chúng ta biết được sự hiện hữu nhờ mặc khải, nhưng bản chất và luật pháp của nó chúng ta không thể hiểu thấu. Đó là một tầng trời mà bầu trời xanh là tấm màn che mà quá bên kia nó, tầm nhìn của chúng ta không vượt qua được. Vào ban đêm, nó lấp lánh với các vì sao, nhưng chúng ta không có kính thiên văn để mang những ngôi sao đêm của đức tin này lại gần chúng ta hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và thế giới khốn khổ của chúng con. Xin ban ơn để chúng con có thể chinh phục bằng tình yêu quyền lực đang thống trị thế giới này mà Ngài đã dành cho Lucifer từ lúc tạo ra hắn, và quyền lực đó vẫn còn bất chấp tội lỗi của hắn, và tội lỗi của chúng con đã khiến chúng con làm nô lệ cho nó.

Tình yêu này là chính sự sống ơn thánh của Chúa, mà chúng con phải tiếp nhận và trung thành gìn giữ.

Quyền lực của chúng con hệ ở lòng trung thành với ơn thánh của Chúa.

Quyền lực của Lucifer hệ ở vương quyền tạo vật của hắn đối với những điều thuộc thế giới này.

Quyền lực của Chúa Giêsu hệ ở lòng trung thành cao cả của Người – Người, Đấng Thiên Chúa nhập thể trong thân xác đớn hèn của chúng con - Chúa Giêsu Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng đã chiếm cho Nhân Tính của Người "quyền lực để quy phục mọi sự cho chính Người".

Danh Cha cả sáng

Trích dẫn Thánh Gioan Kim Khẩu, Thánh Tôma viết, "Người dâng lời cầu nguyện xứng đáng lên Thiên Chúa không nên cầu xin điều gì trước sự vinh hiển của Cha, nhưng chỉ nên xin mọi điều sau khi ngợi khen Người."

Danh Cha hiển thánh. “Thiên Chúa sẽ được ai thánh hóa, vì Người là Đấng thánh hóa?” {22} Nhưng Người từng phán: “Hãy nên thánh vì Ta là Đấng thánh” {23}. Chính bằng cách thánh hóa mình, chúng ta tôn vinh Danh Cha của chúng ta {24}. Do đó chúng ta có thể sửa chữa sự bất công do thế giới sai lầm này làm cho Người: "Danh Ta liên tục bị phỉ báng suốt ngày" {25}. Chính Chúa Giêsu đã làm cho Danh này được vinh quang hoàn hảo.

"Con đã tôn vinh Cha trên trái đất.

"Con đã bày tỏ danh Cha cho những kẻ Cha đã ban cho Con từ giữa thế gian.

"Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con, Con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai Con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương Con, ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa" {26}

Và Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta giới luật này: "Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” {27}

Vì vậy chúng ta nên cầu xin để Danh Cha được cả sáng trong chúng ta; và không chỉ trong chúng ta, như nhận xét của Tertullianô {28}, nhưng còn trong mọi người, đặc biệt là những người mà ơn thánh Thiên Chúa vẫn đang chờ đợi, và trong những người mà chúng ta coi như kẻ thù, vì chúng ta cũng được yêu cầu phải cầu nguyện cho họ.

Danh Cha cả sáng.

Chúng ta biết rằng trong các ngôn ngữ Semitic, chữ Danh có nhiều sức mạnh đến nỗi khi biểu thị cho người mang danh, nó tiết lộ một cách nào đó chính yếu tính của họ. Với sự diễn tiến của thời gian, chữ này đã dần dần mất đi sức mạnh ma thuật mà nó đã được mặc cho thuở đầu, và do đó việc biết tên có nghĩa ban quyền lực trên người mang tên {29}. Cái tên “vừa chỉ định vừa che đậy người mang tên"{30}, tuy nhiên vẫn duy trì cho người Do Thái thời văn hóa Hy Lạp một giá trị hiện thực một cách mạnh mẽ và thậm chí quá hiện thực đến nỗi biết và đọc lên tên của một ai đó là để biểu lộ chính người đó như thể bằng cách nắm lấy họ sau tấm màn che. Danh Cha là chính Cha, chính Cha như đã được chỉ định trong bí mật giấu kín của Cha.

Tuy nhiên, nói cho đúng, chỉ ở nơi Thiên Chúa mới có sự đồng nhất giữa Tên và Người Mang Tên. Khác xa những tên mà chúng ta dùng để chỉ Thiên Chúa, Tên đang là vấn đề trong lời cầu xin đầu tiên của Kinh Lạy Cha là Tên khôn tả, là Tên tồn hữu mà chỉ có Thiên Chúa mới có thể phát âm được và hoàn toàn đồng nhất với chính Thiên Chúa". Khi Giacóp hỏi Thiên Thần vào sáng sớm:" Hãy nói cho tôi biết, tên của Ngài là gì? " Người đã trả lời, 'Tại sao anh lại hỏi Tên Tôi?' Không thể nào thốt lên cái tên thật kỳ diệu này, cái tên được đặt lên trên mọi cái tên vốn được đặt trong thế giới hiện tại hay trong thế giới sắp tới”{31}.

Quả là mầu nhiệm của mặc khải Thiên Chúa! Tên được đặt trên mọi tên khác này có thể được chỉ định - nhưng ở một khoảng cách xa, khoảng cách xa vốn tách biệt Thể Vô Cùng với thể hữu hạn {32} - bằng một cái tên mà đôi môi chúng ta có thể thốt ra. Đó là cách Tên khôn tả lần đầu tiên được mạc khải cho Môsê, và được biểu thị một cách mầu nhiệm bằng một kết từ tứ tự (tetragrammaton, YHWH). Ở một thời điểm nào đó trong lịch sử của họ, người Do Thái – nhờ một cảm quan sợ hãi đầy tôn kính và run rẩy thánh thiện, trong đó luận lý học trong cách họ đồng nhất hóa phần nào tên với người mang tên đã được đẩy đến giới hạn cùng cực của nó - đã quyết định không còn đọc tên đó nữa (33). Chữ Adonai (Chúa tôi) từ đó đã thay thế cho chữ Gia-vê.

Nhưng cái tên khôn tả không những được mạc khải cho Môsê từ giữa bụi cây bừng cháy và ngọn lửa bừng bừng, mà còn ở trong một ký hiệu - "Ta là Đấng Hữu”, hay "Ta là Đấng Tự Hữu” (và là Đấng một mình Ta biết)" – một điều không thể đọc lên được và không thể giải mã được đối với dân Thiên Chúa.

Nó cũng đã được Chúa Giêsu mạc khải cho tất cả chúng ta, trên những nẻo đường và đồi núi tầm thường nơi Người và các môn đệ của Người đã rao giảng - và trong một chữ được phát âm dễ dàng hơn cả bởi các con cái nghèo hèn nhất của loài người.

Vì cho đến lúc đó, không còn vấn đề người ta muốn dùng một cái tên để biến một điều không thể nào chuyển tải được như Tên Thiên Chúa ở trong Thiên Chúa thành các ký hiệu nhân bản nữa (như thể Tên "Ta Tự Hữu" trên núi Hôrép { 34} cũng như mọi tên khác qua đó Thiên Chúa tự mạc khải cho chúng ta, không phải là một ký hiệu trong số các ký hiệu khác mà hình ảnh tạo vật có thể cung cấp cho tâm trí chúng ta).

Lần này, đây là vấn đề một cái tên rất đơn giản bằng ngôn ngữ của chúng ta, một cái tên tuyên bố ngay từ thoạt đầu (như xứng hợp với một mặc khải vốn không được dành riêng cho bất cứ một mình dân tộc nào, nhưng được lên khuôn cho mọi dân tộc đến tận cùng trái đất) rằng sự phản ảnh trong hình ảnh tạo vật là phương thế duy nhất nhờ đó Thiên Chúa có thể được biết đến và tự làm cho Người được chúng ta biết đến. Người là Cha của tất cả chúng ta, và là Chúa Cha mà từ Người đã phát sinh ra Ngôi Lời không được tạo dựng, nhập thể trong Chúa Giêsu."Nếu các con yêu mến Thầy, các con phải giữ các điều răn của Thầy. Và Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Bào Chữa khác, để Người ở bên các con mãi mãi”... "Nếu ai yêu mến Thầy, thì người ấy sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến với người ấy" {37}... “Bất cứ điều gì các con xin Chúa Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con"{38}. " Như Cha, lạy Cha, Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha thế nào, xin cho chúng cũng có thể ở trong Chúng Ta như vậy"{39}.

Nhờ thế, chúng ta đọc một hơi: Thiên Chúa Duy Nhất và Ba Ngôi, Đấng dựng nên trời và đất, lạy Cha, Cha của chúng con, Đấng ngự trên trời; Cha của Con duy nhất và Cha của chúng con, những anh em của Người nhờ được nhận làm con nuôi, lạy Cha, Cha của chúng con, Đấng ngự trên trời.

Và do chính Tên Cha này, chúng ta được dạy rằng Người là Tình Thương, là Lòng Thương Xót và là Sự Tốt Lành.

Tuy nhiên, hỡi linh hồn khốn khổ của tôi ơi, đừng tin rằng với tên Cha hay Yêu Thương và Tốt Lành này, sự phân cách giữa Người và ngươi lại ít lớn lao hơn là với tên mà chúng ta bị cấm không được nói ra {40}. Vì Người vượt quá mọi hiểu thấu và sự siêu việt của Người càng làm cho việc ngươi càng biết Người, Người càng trở nên vô minh (inconnu) nhiều hơn. Người hiện hữu một cách vô cùng tốt đẹp hơn bất cứ điều gì khác, nhưng cũng bởi chính sự kiện đó, Người hiện hữu một cách hoàn toàn khác với bất cứ điều gì khác. Người là Cha - một cách vô cùng tốt đẹp hơn bất cứ ai trong chúng ta là cha, nhưng cũng bởi chính sự kiện đó, một cách hoàn toàn khác với cách mà bất cứ ai trong chúng ta là một người cha. Người yêu ngươi – một cách vô cùng tốt đẹp hơn bất cứ tạo vật nào có thể yêu, nhưng cũng bởi chính sự kiện đó Người yêu ngươi một cách hoàn toàn khác, một cách mà ngươi tuyệt đối không thể nào tưởng tượng được.

Và khi cuộc thử thách lớn xẩy đến với ngươi, điều hoàn toàn khác này do tình Phụ Tử của Người và tình yêu của Người sẽ đóng đinh ngươi vào thập giá,

Ôi Thập Giá Thần Linh, cây gỗ đắng đót,
Giá máu mua Phúc Thật
{41},

còn tàn nhẫn hơn cả sự hoàn toàn khác biệt của hữu thể Người.

*

Khi suy niệm tất cả những điều này, chúng ta thấy nếu chúng ta cố gắng phát biểu bằng các ngôn từ khác ý nghĩa của lời cầu xin đầu của Kinh Lạy Cha, chúng ta nên nói:

Ôi Lạy Thiên Chúa, Duy Nhất và Ba Ngôi, là Cha của chúng con, Ôi Ngôi thứ nhất của Ba Ngôi, là Cha của Con Một và là Cha của chúng con, những kẻ được Chúa cho làm con nuôi,

Xin vinh danh sự thánh thiện khôn tả của Cha; xin Danh Cha, một Dánh chính là Cha, được tỏ hiện, ca tụng và ngợi khen trong chúng con và trong mọi tạo vật. Ita fac nos vivere, ut per nos te universi glorificent {42}: xin cho chúng con biết sống sao cho qua chúng con mọi vật trên thế giới đều vinh danh Cha.

Ghi Chú:

{1} Thánh Tôma Aquinô, Compendium Theologiae, II, cap. 5; trong Opuscula Theologica (Turin: Marietti, 1954), t. I, n. 557 và 558.

{2} Chính xác hơn, khi gán cho Thánh Ambrôsiô (Ambrosiaster, in Rom., cap. 15, P.L., 17, 186-187).

{3} Tv. 113:10 (Bản Phổ Thông Tv. 113, pt. 2:2).

{4} Dt. 11:13-16.

{5} Pl. 3:20-21.

{6} 1Cr. 15:47.

{7} Ibid., 15:48-49.

{8} Cl. 3:3.

{9} Thánh Phaolô, 1 Cr. 2:9. (Xem Is 64:3, và Grm 3:16).

{10} M. J. Lagrange, L’Évangile de Notre-Seigneur Jésus-Christ p.321

{11} Xem Thánh Cyriliô thành Giêrusalem, Catéchèses mystag., IX, P.G., 33, 1177: 'Các tầng trời cũng có nghĩa những ai mang trong họ hình ảnh của người thiên giới, nơi Thiên Chúa ngự và bước đi”; và Thánh Augustinô, De Serm. Dom. in monte, lib. II, cap. 5:. In coelis, id est, in sanctis et justis (ở trên trời, tức là, ở trong các thánh và người công chính)" P.L., 34, 1276.

{12} Compendium Theologiae, II, cap. 6 (Marietti), t. 1, n. 562 tới n. 564.

{13} Thánh Phaolô, Cl. 3:1-2.

{14} Xem Thánh Augustinô, Ep. ad Probam, P.L., 33, 502 (n. 21); và De Serm. Domini in monte, lib. II, cap. 6, P.L., 34, 1278.

{15} Thánh Phaolô, Rm. 8:19.

{16} Ibid., 8:21.

{17} Thánh Ambrôsiô, De Sacram., lib. VI, n. 20, P.L., 16, 451.

{18} Thánh Phaolô, 1 Tm. 6, 1-16.

{19} " Thánh Phaolô, 1 Cr. 15:44 và 49.

{20} Ibid., 15: 26-27.

{21} Compendium Theologiae, II, cap. 8 (Marietti), t. I, n. 572; – Thánh Gioan Kim Khẩu, Hom. 19, in Matt. 6, n. 4, P.G., 57, 279.

{22} Thánh Cyprianô, De Orat. Domin., n. 12, P.L., 4, 527.

{23} Lv. 11:44.

{24} Như Cha Lagrange đã chỉ ra rất đúng, sự thánh thiện không thể nào với tới của Thiên Chúa đòi được thông truyền. Xin cho Danh Người cả sáng là xin cho việc hoàn toàn hoàn thành công trình thánh thiện vốn là của Người, và trong đó, những người sống trong ơn thánh của Người được liên kết mọi thời (xem Lagrange, Evang. selon saint Matthieu, p. 128, n. 9).

{25} Is 52:5.

{26} Ga 17:4 và 6; 18:25-26.

{27} Mt. 5:16.

{28} Xem De Oratione, cap. 4, P.L., I, 1157.

{29} "Nói Tên như thể ban quyền lực trên người mang tên, ‘ấn tín của tên’, một cách nào đó, là việc bước vào thông đạt với bản chất thâm hậu nhất của người mang tên” Louis Gardet, Mystique musulmane (Paris: Vrin, 1961), p. 199. Nhận định này cũng áp dụng cho tư duy Do Thái Giáo; và thậm chí, như chính tác giả xác định, cả cho tư duy Phật Giáo, và đến một mức nào đó, cho cả tư duy Kitô Giáo Phương Đông (“Kinh của Chúa Giêsu”)

{30} Louis Gardet, "Al-Asma" trong L'Encyclopédie de l'lslam (2e éd.).

{31} St 32:29; Tl 13:17-18. Xem Thánh Tôma Aquinô trong Librum B. Dionysii De divin. Nomin. Expositio, cap. 1, lect. 3, Marietti, 1950, n. 96 (bản dịch miễn phí lấy từ Degrés du Savoir, p.31). -- Xem I Contra Gent., I, cap. 31: "Nếu ta biết được yếu tính Thiên Chúa như ở trong chính nó và cho nó một cái tên xứng với nó, có lẽ ta sẽ phát biểu nó bằng 1 cái tên duy nhất. Đó chính là lời hứa của tiên tri (Dcr 14:9, được Thánh Tôma dành cho nghĩa cánh chung cao nhất) với những ai sẽ được thấy Người trong yếu tính của Người: ‘Vào ngày đó, sẽ chỉ có một Giavê và danh Người sẽ là duy nhất’”.

Đức Cha Journet bình luận rất hay rằng “sẽ không phải là một cái tên kêu vang có thể tự nói ra trong bất cứ ngôn ngữ nào trong các ngôn ngữ của con người. Đó sẽ là một cái tên bằng lửa và ánh sáng, một cái tên thiêng liêng, tràn ngập và tồn tại. Tên ấy sẽ được công bố nơi trái tim các thánh và các thiên thần đang ngụp lặn trong Người như bọt biển giữa đại dương bởi chính yếu tính thần linh, một yếu tính mà tự nó nó sẽ có khả năng chuyển giao cách tinh trong và viên mãn. Tuy nhiên, trên thực tế, không tạo vật nào chiếm hữu được nó đến có thể múc cạn nội dung của nó và giới hạn được sự phong phú của nó: vì tuyệt đối phải là Thiên Chúa mới có thể biết cách tuyệt đối Thiên Chúa là chi” (Charles Journet, Connaissance et Inconnaissance de Dieu, Egloff, Fribourg et Paris, 1943, p. 58).

{32} Ở đây là vấn đề nhận thức của ta về Thiên Chúa. Nếu, đàng khác, là vấn đề nhận thức của Thiên Chúa về chúng ta và sự quan tâm mà qua đó ơn quan phòng của Người săn sóc ta, thì ta phải nói, như trên đã nói (tr. 32-33) rằng Thiên Chúa không ở xa chúng ta, Người ở rất gần con người.

{33} Cha Lagrange viết rằng “Không phải trước nhất vì người Do Thái sợ người ngoại giáo sử dụng thánh danh này một cách ma thuật mà họ cấm dùng tên này giữa chính họ với nhau: đúng hơn vì Người Do Thái coi tên này như một mầu nhiệm đáng sợ nên người ngoại giáo dùng nó trong các nghi lễ ma thuật của họ. Thời thượng cổ, nó là gia tài chung của người Do Thái; nó không bị cấm đối với họ. Ngược lại, họ đọc tên này với lòng yêu mến trong những lúc tỏ bầy lòng sốt mến của họ. Sự dè dặt thời văn hóa Hy Lạp ngụ ý cho thấy nhiều người Do Thái đã trờ nên quá phàm tục đến không thể dùng nó” (M. J. Lagrange, Le Judaisme avant Jésus-Christ, Paris, 1931, p. 459). Cũng nên nói rằng, và theo ý kiến tôi sẽ chính xác hơn, khi nói rằng sự dè dặt này phát sinh từ việc người ta càng ngày càng cảm thấy sự kính sợ do sự siêu việt của người mang tên này gợi hứng.

{34} Xh 3:14.

{35} Nói theo ngôn từ của các nhà triết học, là sự loại suy của nhận thức thuần lý thượng tư duy (connaissance rationelle ana-noétique) hay thượng loại suy đức tin (suranalogie de la foi) (Xem J. Maritain, Les Degrés du Savoir, pp.432-447; 478-484).

{36}Ga 14:15-16

{37} Ibid. 14:23.

{38} Ibid. 15:16.

{39} Ibid. 17:21.

{40} Coi ở trên, p. 42, n. 1.

{41} Raïssa Maritain, "O Croix," trong Au Creux du Rocher (Paris: Alsatia, n.d.).

{42} Thánh Gioan Kim Khẩu, Hom. 19, in Matt., 6, n. 4, P.G., 57, 279, được Thánh Tôma trích dẫn, Compendium Theologiae, II, cap. 8 (Marietti). n. 572.

Kỳ sau: Tiết 2: Nước Cha Trị Đến

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 06.11.2018 16:15