Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đừng nghĩ mình cao hơn: bài giảng thứ ba Mùa Chay năm 2018 của Cha Cantalamessa

§ Vũ Văn An

Đức khiêm nhường Kitô Giáo

Lời khuyên về đức ái mà chúng ta đã nghe của Thánh Phaolô trong bài suy niệm mới đây được lồng trong hai lời khuyên ngắn ngủi về đức khiêm nhường, những lời khuyên liên quan đến nhau đến nỗi tạo thành một loại khung cho lời khuyên về đức ái. Nếu ta đọc chúng theo thứ tự, trong khi bỏ qua những gì ở giữa, thì hai lời khuyên này nói như sau:

cantalamessa2.jpg

“Tôi xin nói với từng người trong anh em: đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức,... đừng tự cao tự đại, nhưng ham thích những gì hèn mọn. Anh em đừng cho mình là khôn ngoan” (Rm 12: 3, 16).

Đây không phải là các lời khuyên tầm thường về sự chừng mực và khiêm tốn! Trong ít lời này, lời khuyên bảo của Thánh Tông Đồ mở ra cho chúng ta một lãnh vực rộng lớn của nhân đức khiêm nhường. Liền cạnh đức ái, Thánh Phaolô nhận diện đức khiêm nhường như là giá trị căn bản đứng hàng thứ hai, là phạm vi thứ hai để cố gắng đổi mới cuộc sống ta nhờ Thần Khí và xây dựng cộng đồng.

Không ở khu vực nào bằng ở khu vực này, các nhân đức Kitô Giáo tạo nên trong chúng ta thứ "tâm trí vốn ở trong Chúa Giêsu Kitô". Ở nơi khác, Thánh Tông Đồ nhắc nhớ rằng Chúa Giêsu, vốn là Thiên Chúa trong bản tính, đã "hạ mình xuống bằng cách trở nên vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên thập giá "(xem Pl 2: 5-8). Và Chúa Giêsu cũng phán cùng một điều ấy với các môn đệ: "Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng" (Mt 11:29). Ta có thể thảo luận sự khiêm nhường theo các viễn ảnh khác, những viễn ảnh mà chúng ta sẽ thấy Thánh Tông Đồ sử dụng, nhưng trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó, đức khiêm nhường chỉ thuộc một mình Chúa Giêsu. Người thực sự khiêm nhường là người cố gắng có trái tim của Chúa Giêsu.

1. Đức khiêm nhường như một phán đoán đúng mực

Trong các lời khuyên dạy của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã áp dụng giáo huấn Thánh Kinh truyền thống về đức khiêm nhường vào đời sống của cộng đồng Kitô hữu. Giáo huấn này liên tục được phát biểu qua ẩn dụ không gian "nâng mình lên" và "hạ mình xuống", tức xu hướng đi lên và xu hướng đi xuống. Chúng ta có thể "khao khát những điều quá cao cả đối với chúng ta" (xem Tv 131: 1) hoặc bằng tâm trí của chúng ta, thông qua sự tò mò quá mức mà không tính gì đến những hạn chế của chúng ta khi đối diện với mầu nhiệm, hoặc bằng ý chí của chúng ta, cố gắng phấn đấu cho được các chức vụ và chức năng có thế giá. Thánh Tông Đồ nghĩ tới cả hai khả thể này, và lời lẽ của ngài nhắm cả sự cao ngạo của tâm trí lẫn sự cao vọng của ý chí.

Tuy nhiên, trong việc truyền bá giáo huấn truyền thống về đức khiêm nhường, Thánh Phaolô trình bầy một động lực vừa mơí mẻ vừa độc đáo phần nào cho nhân đức này. Trong Cựu Ước, động cơ hoặc lý do để khiêm nhường là "[Thiên Chúa] khinh bỉ đối với những người khinh bỉ, nhưng với người khiêm nhường thì Người sẽ ban ơn huệ" (Cn 3:34, xem G 22:29), và "Mặc dù ở trên cao, Chúa vẫn đoái nhìn những người thấp kém, nhưng những người kiêu căng, Người chỉ biết nhìn từ xa xa "(Tv 138: 6). Không có lời giải thích, hoặc ít nhất không có lời giải thích minh nhiên, tại sao Thiên Chúa làm điều đó, tại sao Người lại "nâng cao người khiêm nhường và hạ thấp kẻ tự hào." Nhiều giải thích khác nhau về điều đó có thể được nêu ra, chẳng hạn, ghen tương hay "ghen tị của Thiên Chúa" (phthonos Theou), như một số nhà văn Hy Lạp từng nghĩ, hoặc đơn giản chỉ là ý của Thiên Chúa muốn trừng phạt sự cao ngạo và kiêu căng của con người.

Khái niệm có tính quyết định mà Thánh Phaolô đưa ra trong bài giảng của ngài về đức khiêm nhường là khái niệm chân lý. Thiên Chúa yêu thương người khiêm nhường vì người khiêm nhường sống phù hợp với chân lý: họ là người chân thực, chân chính. Thiên Chúa trừng phạt người kiêu ngạo vì kiêu ngạo là nói dối, thậm chí còn hơn cả sự cao ngạo. Thực thế, mọi thứ không khiêm nhường trong một con người đều là dối trá.

Điều này giải thích tại sao các triết gia Hy Lạp, những người đã quen với và vốn khen ngợi gần như tất cả các nhân đức khác, nhưng không biết gì về đức khiêm nhường. Chữ "khiêm nhường" (tapeinosis) luôn luôn có ý nghĩa thường hết sức tiêu cực đối với họ như đê tiện, nhỏ nhen, bần tiện, và hèn nhát. Các nhà triết học Hy Lạp không ý thức được hai ý niệm chủ chốt có thể giúp họ liên kết đức khiêm nhường với sự thật: ý tưởng sáng thế và ý tưởng tội lỗi. Ý tưởng về sáng thế là nền tảng cho sự chắc chắn này: tất cả những gì tốt và đẹp trong con người đều xuất phát từ Thiên Chúa, không trừ điều gì. Ý tưởng về tội lỗi của Thánh Kinh là nền tảng cho sự chắc chắn này: tất cả những gì là xấu xa, theo nghĩa luân lý, đều xuất phát từ con người, từ tự do của họ, từ chính bản thân họ. Người của Thánh Kinh được thúc đẩy tới đức khiêm nhường bởi cả điều thiện lẫn điều ác mà họ phát hiện được ngay bên trong họ.

Nhưng chúng ta hãy trở lại với suy nghĩ của Thánh Tông Đồ. Kiểu nói ngài sử dụng trong bản văn này để chỉ khiêm nhường-chân lý là "đánh giá đúng mức" (sophrosune). Ngài khuyên các Kitô hữu đừng có cảm thức nhầm lẫn hoặc phóng đại về bản thân họ, nhưng, thay vào đó, hãy đánh giá chính xác, đúng mức, có thể nói là khách quan. Thánh Phaolô lặp lại lời khuyên này trong câu 16, "Anh em đừng cho mình là khôn ngoan"; câu này tương đương với cụm từ "ham thích những gì hèn mọn". Với những điều này, Thánh Phaolô muốn nói rằng người ta sẽ khôn ngoan khi họ khiêm nhường và khiêm nhường khi họ khôn ngoan.

Nhờ hạ mình xuống, con người sẽ đến gần chân lý hơn. Thánh Gioan nói rằng; "Thiên Chúa là ánh sáng” (1Ga 1:5); Người là sự thật, vì vậy Người không thể gặp người nào không ở trong sự thật. Người ban ơn thánh cho người khiêm nhường vì chỉ có người khiêm nhường mới có khả năng nhận ra ân sủng. Người này không nói, "Nhờ sức mạnh của bàn tay tôi, tôi đã làm điều đó!" (Is 10:13, xem Đnl 8:17). Thánh Têrêsa Avila viết:

“Có lần, tôi tự hỏi sao Chúa chúng ta yêu thương nhân đức khiêm nhường đến thế; và bỗng nhiên, tôi tin tôi chưa nghĩ tới điều này trước đây, lý do sau đây xuất hiện trong tâm trí tôi: đó là vì Thiên Chúa là Chân Lý Tối Cao và khiêm nhường là bước đi trong chân lý” [1].

2. "Bạn có những gì mà bạn đã không nhận được?"

Thánh Tông Đồ không để lại cho ta những điều mơ hồ hoặc hời hợt liên quan đến sự thật này về chính chúng ta. Một số tuyên bố súc tích của ngài, tìm thấy trong các thư khác và tiếp theo chính chuỗi các ý niệm này, có sức loại bỏ mọi "cố thủ" của chúng ta và làm cho chúng ta thực sự leo xuống tận đáy sự vật để khám phá ra sự thật.

Một bản văn như vậy hỏi, "Bạn có những gì mà bạn đã không nhận được? Như thế, nếu bạn đã nhận được điều ấy, tại sao bạn vênh váo như thể bạn đã không nhận được nó? "(1 Cr 4: 7). Chỉ có một điều duy nhất mà tôi đã không nhận được, một điều hoàn toàn là của tôi, và đó là tội lỗi. Tôi biết và cảm nghiệm rằng nó xuất phát từ tôi, nó có nguồn gốc trong tôi, hoặc dù sao, trong bản chất con người và trong thế giới, chứ không phải trong Thiên Chúa. Mặt khác, mọi sự khác - kể cả việc biết thừa nhận rằng tội lỗi xuất phát từ tôi – xuất phát từ Thiên Chúa. Một câu khác cho hay, "Nếu ai đó nghĩ rằng mình là điều gì đó khi họ không là gì cả, họ tự lừa dối mình" (Gl 6: 3).

Vì vậy, "sự đánh giá đúng đắn" về chính chúng ta là để chúng ta nhận ra sự hư vô của chúng ta! Đây là cơ sở vững chắc mà đức khiêm nhường nhắm đến! Đó chính là sự xác tín chân thành và thanh thản rằng tự chúng ta, chúng ta không là gì cả, chúng ta không thể nghĩ gì cả, chúng ta không thể làm gì cả. Chúa Giêsu từng nói với chúng ta “Ngoài Thầy ra, các con không làm được gì” (Ga 15: 5), và Thánh Tông Đồ nói thêm "tự chúng tôi, chúng tôi không đủ [khả năng] để suy nghĩ được gì ... "(xem 2Cr 3: 5). Chúng ta có thể sử dụng một trong hai câu nói trên, tùy hoàn cảnh, làm "thanh gươm của Thần Khí" thực sự để cắt đứt cơn cám dỗ, một ý nghĩ, hay bất cứ sự tự mãn nào. "Bạn có những gì mà bạn đã không nhận được?" Sự hữu hiệu cuả của Lời Thiên Chúa được cảm nghiệm trước nhất khi ta áp dụng nó vào chính bản thân ta nhiều hơn là áp dụng nó vào người khác.

Nhờ cách trên, ta bắt đầu khám phá ra bản chất thực sự của tính hư vô nơi chúng ta, không phải một thứ hư vô thuần túy và đơn giản, một "thứ hư vô vô tội". Ta có thể thoáng thấy mục tiêu tối hậu mà Lời Thiên Chúa muốn dẫn ta tới, tức nhận ra điều ta thực sự là: một hư vô đầy tự hào! Tôi là người "tin rằng mình là một điều gì đó" trong khi tôi không là gì cả; Tôi là người không có gì mà trước đó tôi đã không nhận được nhưng lại luôn tự hào - hoặc bị cám dỗ để khoác lác, về điều gì đó như thể tôi không nhận được.

Đây không phải chỉ là tình hình của một số người mà là một tai hoạ đối với tất cả chúng ta. Đây chính là định nghĩa của "cái tôi cũ", một chân tính hư vô nhưng lại nghĩ mình là điều gì đó, một hư vô đầy tự hào. Chính Thánh Tông Đồ cũng đã tự thú nhận điều ngài đã phát hiện khi đi vào tận những lớp lang sâu xa nhất trong cõi lòng ngài. Ngài nói "Tôi phát hiện ra một lề luật khác trong tôi. . . . Tôi khám phá ra tội lỗi đang ở trong tôi. . . . Tôi là người khốn khổ xiết bao! Ai sẽ giải cứu tôi? "(Rm 7: 14-25). Như chúng ta biết, "luật lệ khác" ấy, cái "tội lỗi ở trong chúng ta" ấy, đối với Thánh Phaolô, chính là việc tự tôn, tự hào, tự vênh váo về chính mình.

Như thế, ở cuối cuộc hành trình đi xuống nội tâm của ta, ta không thấy đức khiêm nhường trong mình mà là sự kiêu ngạo. Tuy nhiên, chính việc khám phá ra chúng ta kiêu ngạo từ gốc - và đó là do lỗi của ta chứ không phải của Thiên Chúa, bởi vì chúng ta trở nên kiêu ngạo do lạm dụng sự tự do của mình - tự nó là một sự khiêm nhường vì đây là sự thật. Khám phá ra điều gì nằm ở cuối cuộc hành trình này, hoặc thậm chí chỉ thoáng thấy nó từ xa nhờ lời của Thiên Chúa, đã là một ân huệ lớn lao rồi. Nó mang lại cho chúng ta một sự bình an mới mẻ, giống như một người trong thời chiến bỗng phát hiện ra dưới nhà mình, dù không cần phải rời khỏi nó, vẫn có một nơi trú ẩn an toàn mà bom đạn tuyệt đối không thể lọt qua.

Một bậc thầy linh đạo vĩ đại, Thánh Angela thành Foligno, khi gần chết, đã kêu lên, "Hỡi hư vô vô danh! Hỡi hư vô vô danh! Quả thật, linh hồn không thể có một nhận thức nào tốt hơn trên thế giới này bằng nhận ra sự hư vô của nó và ở lại trong hầm trú của mình" [2]. Thánh nhân khuyên con cái thiêng liêng của ngài làm bất cứ điều gì cần thiết để nhanh chóng trở lại chiếc hầm trú đó bất cứ khi nào họ rời xa nó vì bất cứ lý do nào. Ta cần phải làm những gì một số sinh vật bé nhỏ nhút nhát làm là không bao giờ rời khỏi lối ra vào chiếc hang của chúng để có thể nhanh chóng trở lại đó khi thấy dấu nguy hiểm đầu tiên.

Có một bí quyết tuyệt vời ẩn trong lời khuyên này, một chân lý bí ẩn được cảm nghiệm khi chúng ta thử nghiệm nó. Chúng ta phát hiện ra thực sực có một hầm trú mà chúng ta có thể vào lại bất cứ lúc nào chúng ta muốn. Nó hệ ở ý nghĩ trầm lặng, thanh tĩnh coi mình là hư vô, một hư vô đầy tự hào. Khi ở trong hầm trú đó, chúng ta sẽ không còn nhìn thấy các khuyết điểm nơi những người lân cận của chúng ta nữa, hoặc chúng ta nhìn thấy chúng dưới một ánh sáng khác. Chúng ta hiểu rằng với ân sủng và thực hành, mình có thể đạt được điều Thánh Tông Đồ nói, mặc dù lúc đầu dường như là điều quá đáng khi phải "khiêm nhường coi người khác quan trọng hơn chính chúng ta" (Pl 2: 3), ít nhất, nay chúng ta có thể hiểu đối với các thánh, điều này khả hữu ra sao.

Tuy nhiên, giữ mình trong hầm trú này hoàn toàn khác với việc tự khép mình vào chính mình: thay vào đó, đây là việc cởi mở với người khác, với hiện hữu, với tính khách quan của sự vật; điều này ngược lại với những gì mà các kẻ thù của sự khiêm nhường Kitô Giáo vốn luôn nghĩ . Đây là việc đóng cửa bản thân đối với việc lấy mình làm trung tâm, chứ không phải khép kín lòng mình vào cảnh lấy mình làm trung tâm. Đây là chiến thắng đối với một trong những điều ác mà ngay cả tâm lý học hiện đại cũng cho là chết người đối với hữu thể nhân bản: tự yêu mình thái quá (narcissism).

Ngoài ra, kẻ thù không thể xâm nhập vào hầm trú này. Một hôm, Anthony Đại Đế có một thị kiến trong đó, trong khoảnh khắc, ông thấy vô số các cạm bẫy mà kẻ thù giăng ra khắp thế giới, nên đã rên rỉ, "Điều gì có thể vượt qua khỏi các cạm bẫy như thế này được? Rồi tôi nghe thấy một giọng nói nói với tôi, ‘sự khiêm nhường'"[3].

Tin Mừng trình bày cho chúng ta một mô hình trổi vượt về khiêm nhường-chân lý này, và đó là Đức Maria. Trong kinh "Magnificat", Đức Maria nói rằng Thiên Chúa "đã đoái nhìn sự thấp hèn của nữ tỳ Người" (trong bản Phổ Thông bằng tiếng Latinh: humilitatem, sự khiêm nhường!) (Xin xem Lc 1:48). Nhưng ở đây, Đức Trinh Nữ Diễm Phúc hiểu "sự khiêm nhường (tapeinosis)” nghĩa là gì? Nó không chỉ nhân đức khiêm nhường, nhưng chỉ tình trạng khiêm hạ của ngài, hoặc ít nhất, ngài thuộc loại người khiêm hạ và người nghèo khổ mà ca khúc của ngài sắp nói tới liền sau đó. Điều này được xác nhận bởi việc trực tiếp tham chiếu bài ca của Hannah, mẹ của Samuel, trong đó, cùng một từ ngữ được sử dụng là tapeinosis, và ở đấy, rõ ràng nhắc đến nỗi khốn cùng và sự neo đơn (barrenness) của Hannah, tình trạng thấp hèn của bà, chứ không phải thái độ khiêm nhường.

Sự khác biệt giữa nhân đức và tình trạng rõ ràng là hiển nhiên. Làm sao có thể nghĩ rằng Đức Maria đang đề cao sự khiêm nhường của mình mà vì thế không hủy hoại sự khiêm nhường ấy? Làm thế nào có thể nghĩ rằng Đức Maria coi việc Thiên Chúa chọn ngài là do đức khiêm nhường của ngài mà không hủy hoại tính nhưng không của sự chọn lựa đó và làm cho trọn cuộc sống của Đức Maria trở nên không tài nào hiểu được, bắt đầu với việc ngài Vô Nhiễm Nguyên Tội? Để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khiêm nhường, một ai đó từng viết một cách ngớ ngẩn rằng Đức Maria "không nhận ra trong mình bất kỳ nhân đức nào ngoại trừ đức khiêm nhường" như thể, bằng cách này, chúng ta đang dành vinh dự lớn lao cho nhân đức đó chứ không gây thiệt hại lớn lao cho nó. Nhân đức khiêm nhường có một tư thế hoàn toàn đặc biệt: những người có nó không tin rằng họ có nó, và những người nghĩ rằng họ có nó, thực sự không có nó. Chỉ có Chúa Giêsu mới có thể tuyên bố mình "khiêm nhường trong lòng" và thực sự là thế. Đây là đặc tính độc nhất và không thể lặp lại của sự khiêm nhường nơi Đấng vừa là con người vừa là Thiên Chúa.

Vậy há Đức Maria không có nhân đức khiêm nhường sao? Tất nhiên, ngài có, và ngài có nó ở mức độ cao nhất, nhưng chỉ có Thiên Chúa mới biết điều đó, không phải Đức Maria. Thực vậy, chính điều này đã tạo nên giá trị vô song của đức khiêm nhường đích thực: hương thơm của nó chỉ được cảm nhận bởi Thiên Chúa, chứ không phải bởi người phát tiết ra nó. Linh hồn của Đức Maria, vì không có bất cứ tư dục thực sự và tội lỗi nào, nên khi đối diện với tình huống mới do chức phận làm mẹ Thiên Chúa tạo ra, đã nhanh chóng và một cách tự nhiên tiến tới điểm sự thật, tức sự hư vô của ngài, và không điều gì và không có ai có thể khiến ngài không tin điều đó.

Về phương diện trên, đức khiêm nhường của Mẹ Thiên Chúa rõ ràng là một phép lạ đặc biệt của ơn thánh. Martin Luther đã viết rằng "Dù ngài cảm nghiệm được một kỳ công hết sức vĩ đại như thế của Thiên Chúa bên trong ngài, nhưng ngài đã luôn ý tứ không nâng cao mình lên trên cuộc sống tử sinh khiêm hạ nhất của mình. . . . Tinh thần kỳ diệu và tinh khiết của Đức Maria xứng đáng được khen ngợi nhiều hơn nữa, bởi vì, sau khi được các vinh dự quá lớn như thế, ngài vẫn không để chúng cám dỗ ngài, nhưng tiếp tục hành động như thể không nhìn thấy nó, [và] tiếp tục ‘bình thản và ngay ngắn ở trên đường'"[4].

Sự đúng mức của Đức Maria vượt quá sự so sánh ngay nơi các thánh. Đức Mẹ đã có thể xử lý áp lực to lớn của tư tưởng này: "Ngươi là mẹ của Đấng Mét-si-a, Mẹ của Thiên Chúa! Ngươi là điều mà mọi người nữ trong dân của ngươi muốn có!" Bà Elizabeth thình lình kêu lên," Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?"(Lc 1:43), và Đức Maria đáp lại, “Người đã đoái nhìn phận hèn của nữ tỳ Người!"(xem Lc 1:48). Ngài đắm mình vào sự hư vô của mình và chỉ "tán dương" Thiên Chúa, và thưa rằng: "Linh hồn tán dương Chúa" (Lc 1,46), tán dương Chúa chứ không tán dương nữ tỳ. Đức Maria thực sự là kiệt tác của ơn thánh Thiên Chúa.

Kỳ sau: Khiêm nhường và hạ nhục

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 17.03.2018 12:41