Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đức Hồng Y Müller chỉ trích các giám mục Đức muốn đặt hướng đi cho Giáo Hội

§ Vũ Văn An

Đức Hồng Y Müller, cựu bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, mới đây đã trả lời phỏng vấn của tờ Catholic World Report về tình hình ở Đức, các căng thẳng nhân đề xuất cho một số người phối ngẫu Thệ Phản rước lễ, các tranh chấp liên tục về giáo huấn Giáo Hội liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ cũng như đồng tính luyến ái.

Thệ Phản hóa trắng trợn

hyMarx.jpg

Liên quan đến đề xuất rước lễ, Đức Hồng Y Muller nhận định rằng một nhóm các giám mục Đức dưới sự hướng dẫn của vị chủ tịch tự coi mình như những người đặt định xu hướng cho việc Giáo Hội Công Giáo tiến vào tính hiện đại. Họ coi việc tục hóa và phi Kitô Giáo của Âu Châu là một khai triển không thể đảo ngược. Vì lý do này, Tân Phúc Âm Hóa, tức chương trình của hai Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, theo quan điểm của họ, là một trận chiến chống lại hướng đi khách quan của lịch sử, giống như Don Quixote đánh nhau với mấy chiếc cối xay gió. Họ tìm cho Giáo Hội một hốc đá để có thể sinh tồn trong yên ổn. Bởi đó, mọi tín lý đức tin nào chống lại “chính dòng”, tức đồng thuận có tính xã hội, đều phải được sửa đổi.

Một hậu quả của chủ trương trên là đòi hỏi rước lễ cho những người không có đức tin Công Giáo và cho cả những người Công Giáo không ở trong trạng thái có ơn thánh hóa. Cũng ở trên nghị trình của họ là: việc chúc lành cho các cặp đồng tính, rước lễ liên phái với người Thệ Phản, tương đối hóa tính bất khả tiêu của hôn nhân bí tích, việc cho phép các viri probati (những người đàn ông đã được thử thách) được thụ phong linh mục, bãi bỏ luật độc thân linh mục, chấp thuận các liên hệ tính dục trước và ngoài hôn nhân. Đó là các mục tiêu của họ, và để đạt được các mục tiêu này, họ sẵn lòng chấp nhận cả việc chia rẽ trong hội đồng giám mục.

Người tín hữu nào coi trọng tín lý Công Giáo bị khoác cho nhãn hiệu bảo thủ và bị đẩy ra khỏi Giáo hội, và bị chường mặt cho chiến dịch phỉ báng của các phương tiện truyền thông cấp tiến và chống Công Giáo.

Đối với nhiều giám mục, sự thật mặc khải và việc tuyên xưng đức tin Công Giáo chỉ là một biến số nữa trong nền chính trị quyền lực trong nội bộ Giáo Hội. Một số trong vị này viện dẫn các thỏa thuận cá nhân với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nghĩ rằng những phát biểu của ngài trong các cuộc phỏng vấn với các nhà báo và nhân vật công cộng còn lâu mới là người Công Giáo đủ biện minh cho các chân lý vô ngộ của đức tin dù đã bị định nghĩa nhẹ hẳn đi. Tóm tắt, chúng ta quả đang đối phó với một diễn trình Thệ Phản hóa trắng trợn.

Ngược lại, đại kết với mục tiêu hợp nhất hoàn toàn mọi Kitô hữu đã được thể hiện trong Giáo Hội Công Giáo về phương diện bí tích. Tinh thần thế gian của hàng giám mục và giáo sĩ thế kỷ 16 là nguyên nhân của sự phân rẽ Kitô giáo, một điều hoàn toàn đi ngược lại ý muốn của Chúa Kitô, Đấng sáng lập ra Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Căn bệnh của thời đại đó bây giờ đáng lẽ là thuốc chữa để khắc phục sự phân rẽ. Sự thiếu hiểu biết đức tin Công Giáo vào thời đó có tính thảm khốc, đặc biệt là nơi các giám mục và các giáo hoàng, những vị cống hiến đời mình cho chính trị và quyền lực nhiều hơn cho việc làm chứng cho sự thật của Chúa Kitô.

Ngày nay, đối với nhiều người, việc được các phương tiện truyền thông chấp nhận quan trọng hơn sự thật, mà vì nó, chúng ta cũng phải chịu đau khổ. Hai Thánh Phêrô và Phaolô đã chịu tử đạo vì Chúa Kitô ở Rôma, trung tâm quyền lực vào thời của các ngài. Các ngài không được các nhà cai trị thế giới này tôn vinh như anh hùng, mà bị chế giễu giống như Chúa Kitô trên thập tự giá. Chúng ta không bao giờ nên quên chiều kích tử đạo của thừa tác vụ Phêrô và của chức giám mục.

Riêng đối với lý do tại sao cho phép một số phối ngẫu Thệ Phản của người Công Giáo rước lễ, Đức Hồng Y Muller cho rằng không giám mục nào có thẩm quyền ban rước lễ cho các Kitô hữu không có sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Chỉ trong một tình huống có nguy cơ tử vong, một người Thệ Phản mới có thể yêu cầu được giải tội bí tích và rước lễ như của ăn đàng (viaticum), nếu họ chia sẻ toàn bộ đức tin Công Giáo và do đó nhập vào sự hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo, mặc dù họ chưa tuyên bố chính thức việc mình trở lại.

Thật không may, ngay các giám mục ngày nay cũng không còn biết niềm tin của người Công Giáo vào tính hợp nhất của hiệp thông bí tích và hiệp thông giáo hội, và họ biện minh cho sự bất trung của họ đối với đức tin Công Giáo bằng điều gọi là quan tâm mục vụ hay giải thích thần học, những điều, tuy nhiên, mâu thuẫn với các nguyên tắc của đức tin Công Giáo. Mọi tín lý và thực hành phải được xây dựng trên Thánh Kinh và Truyền Thống Tông Đồ, và không được mâu thuẫn với những tuyên bố tín lý trước đây của Huấn Quyền Giáo Hội. Đây là trường hợp cho phép các Kitô hữu không phải Công Giáo được rước lễ trong Thánh lễ — không phải tình huống khẩn cấp đã được mô tả ở trên.

Tính thế gian trở thành tiêu chuẩn

Về việc sống đức tin ở Đức và ở Âu Châu, Đức Hồng Y Muller cho hay: Có rất nhiều người sống theo đức tin của họ, yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội của họ, và đặt tất cả hy vọng của họ vào Thiên Chúa lúc sống và lúc chết. Nhưng trong số họ có khá nhiều người cảm thấy bị bỏ rơi và bị phản bội bởi các mục tử của họ. Nổi tiếng trong công luận ngày nay là tiêu chuẩn để một giám mục hay một linh mục được cho là tốt. Chúng ta đang trải qua sự hồi tâm hướng về thế gian, thay vì hướng về Thiên Chúa, trái ngược với các phát biểu của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Tôi đang tìm kiếm ân huệ của con người, hay của Thiên Chúa? Hay tôi đang cố làm làm vui lòng người ta? Nếu còn làm vui lòng người ta, tôi không nên là một đầy tớ của Thiên Chúa”(Gl 1:10).

Chúng ta cần các linh mục và các giám mục đầy nhiệt tâm đối với nhà Chúa, những người cống hiến đời mình hoàn toàn cho sự cứu rỗi của con người trong hành trình đức tin trở về quê nhà vĩnh cửu của chúng ta. Không có bất cứ thứ tương lai nào cho thứ “Kitô giáo Nhẹ”. Chúng ta cần những Kitô hữu có tinh thần truyền giáo.

Ngoại giao hay đức tin

Về việc phong chức phụ nữ và chỉ thị gần đây của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cho rằng không thể có việc phong chức này, Đức Hồng Y Muller nói rằng: Thật không may, ngay lúc này, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin không được đặc biệt tôn trọng bao nhiêu, và tầm quan trọng của nó đối với tính ưu việt của Phêrô không được thừa nhận. Phủ Quốc Vụ Khanh và ngành ngoại giao của Tòa Thánh rất quan trọng đối với mối liên hệ của Giáo Hội với các qốc gia khác nhau, nhưng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin quan trọng hơn đối với mối liên hệ của Giáo Hội với Đầu của Giáo Hội mà từ Người mọi ơn thánh đã phát sinh.

Đức tin là điều cần thiết cho sự cứu rỗi; nền ngoại giao của giáo hoàng có thể đạt được nhiều điều tốt đẹp trên thế giới. Nhưng việc công bố đức tin và tín lý không được phụ thuộc vào các yêu cầu và điều kiện của các trò chơi quyền lực trần thế. Đức tin siêu nhiên không phụ thuộc vào quyền lực trần gian. Trong đức tin, rõ ràng là bí tích Truyền Chức Thánh với ba bậc giám mục, linh mục và phó tế chỉ có thể được lãnh nhận một cách thành sự bởi một người đàn ông Công Giáo đã rửa tội, bởi vì chỉ có người này mới có thể tượng trưng và đại diện một cách bí tích cho Chúa Kitô là Phu Quân của Giáo hội. Nếu chức vụ linh mục được hiểu là một chức vụ quyền lực, thì tín lý này về việc dành các Chức Thánh cho những người Công Giáo thuộc phái nam là một hình thức kỳ thị chống lại phụ nữ.

Nhưng quan điểm về quyền lực và tiếng tăm xã hội trên là sai. Chỉ khi nào chúng ta nhìn mọi tín lý đức tin và bí tích bằng con mắt thần học, thay vì bằng con mắt quyền lực, thì tín lý đức tin liên quan đến các điều kiện tiên quyết tự nhiên của bí tích Truyền Chức Thánh và hôn nhân mới hiển nhiên đối với chúng ta. Chỉ có một người đàn ông mới có thể tượng trưng cho Chúa Kitô là Phu Quân của Giáo Hội. Chỉ một người đàn ông và một người đàn bà mới có thể tượng trưng cho mối liên hệ của Chúa Kitô với Giáo Hội.

Ý thức hệ tình dục phản lại tình dục nhân bản

adam-eva.jpg

Về cuốn sách gần đây của Daniel Mattson về đồng tính luyến ái, “Tại Sao Tôi Không Gọi Mình Là Người Hoạt Động Đồng Tính?”, Đức Hồng Y Muller nhận định rằng: Cuốn sách của Daniel Mattson được viết từ viễn ảnh cá nhân. Nó được xây dựng trên một sự suy tư trí thức sâu sắc về tình dục và hôn nhân, điều này làm cho nó khác với bất cứ loại ý thức hệ nào. Do đó, nó giúp người bị thu hút đồng tính nhận ra phẩm giá của họ và đi theo con đường có lợi trong việc phát triển nhân cách của họ, chứ không để mình bị sử dụng như những con tốt trong đòi hỏi quyền lực của các nhà ý thức hệ. Con người nhân bản là một thể thống nhất bên trong của nguyên lý tổ chức tinh thần và vật chất, và do đó, là một ngôi vị và chủ thể hành động tự do của một bản chất vừa có tính tinh thần, tính thể xác và tính xã hội.

Người đàn ông được được tạo dựng cho người đàn bà và người đàn bà được tạo dựng cho người đàn ông. Mục đích của hiệp thông hôn nhân không phải là quyền lực của người này trên người kia, mà đúng hơn, là sự kết hợp trong yêu thương tự hiến, trong đó cả hai cùng lớn lên và cùng nhau đạt được mục tiêu nơi Thiên Chúa. Ý thức hệ tình dục, một ý thức hệ giản lược con người vào việc hưởng lạc tình dục, thực sự thù địch đối với tình dục, vì nó phủ nhận rằng mục tiêu của việc làm tình và eros (dục tính) là agape (bác ái, tình yêu đúng nghĩa). Con người nhân bản không thể để mình bị hạ xuống hàng một con vật phát triển cao độ. Họ được mời gọi yêu thương. Chỉ khi tôi yêu người khác vì chính họ thì tôi mới đi vào chính tôi; chỉ khi đó tôi mới tự do thoát khỏi nhà tù tự kỷ nguyên thủy của tôi. Người ta không làm mình được thành toàn bằng cách gây hại đến người khác.

Luận lý học của Tin Mừng có tính cách mạng trong một thế giới duy tiêu thụ và yêu mình thái quá. Vì chỉ có hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi, không còn khư khư giữ một mình, mới tạo ra nhiều kết quả. “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này sẽ giữ cho nó hưởng sự sống đời đời” (Ga 12:25).

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 30.06.2018 17:29