Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐTC viếng thăm Hoa Kỳ: ngày 16 và sáng 17-4-2008

§ Lm Trần Đức Anh, OP

Tiếp đón tại Tòa Nhà Trắng

80416pope-usa01.jpg

Cuộc đón tiếp ĐTC Biển Đức 16 tại Tòa Nhà Trắng được mô tả là đông đảo và ngoạn mục nhất từ trước đến nay tại đây. 13.500 người hiện diện trong khu vực dành cho khách mời ở khuôn viên phía nam của Tòa Nhà Trắng. Và lần đầu tiên người ta thấy có đông đảo các GM tại Phủ Tổng thống Mỹ như vậy. Nhiều GM Mỹ tới đây lần đầu tiên. Các vị được cảnh sát hộ tống và tháp tùng từ xe bus đến khu vực gặp gỡ. Nhiều đại biểu quốc hội Mỹ cũng ở trong khu vực này, nhưng phải đứng khá xa bục danh dự. Nhiều trẻ em và học sinh mang áo có in hàng chữ ”Chào mừng ĐGH Hy vọng”, hoặc ”Chúng con yêu mến ngài, ĐGH hy vọng”. Cũng có những em mang áo thung có hình bánh sinh nhật có số 81 trên đó, để mừng sinh nhật của ĐTC. Cờ Vatican và Hoa Kỳ cũng được cắm đầy ở khu vực tiếp đón.

Mặc dù lễ nghi đón tiếp tương đối ngắn ngủi, nhưng các tham dự viên đã phải chờ đợi khá lâu. Nhiều nữ hướng đạo sinh đứng chờ lâu quá, hơn 1 tiếng, nên bị xỉu. Khi em bé thứ ba xỉu xuống, các binh sĩ thủy quân lục chiến canh gác thấy vậy, vội mang những chai nước cho các nữ sinh còn lại.

Sau khi trao đổi diễn văn công khai, ĐTC và Tổng thống đi vào bên trong Tòa Nhà Trắng để hội kiến riếng. Đám đông thưa dần, nhiều người còn đứng lại chụp hình. Xe bus chở các GM ra đi. Đức Cha Charles Chaput, TGM giáo phận Denver, đưa ra nhận xét: hôm nay tổng thống nói như một tín hữu Công Giáo, còn ĐGH thì nói hệt như một người Mỹ!”

Thông cáo chung của Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh và của Tòa Nhà Trắng cho biết trong cuộc thảo luận riêng, ĐTC và Tổng thống đã bàn về vấn đề khủng bố và làm sao đối phó với tệ nạn này mà vẫn tôn trọng các quyền con người.

Hai vị lãnh đạo bày tỏ mối quan tâm chung về việc bảo vệ sự sống con người, hôn nhân và gia đình, đồng thời cũng cầu nguyện cho cơ chế gia đình.

Thông cáo có đoạn viết: ”Hai vị tái khẳng định sự quyết liệt hoàn toàn loại bỏ khủng bố cũng như sự lèo lái tôn giáo để biện minh cho những hành vi bạo lực vô luân chống lại những người vô tội. Hai vị cũng đề cập đến sự cần thiết phải đối phó với nạn khủng bố bằng những phương thế tôn trọng nhân phẩm và các quyền con người”.

Cũng trong cuộc gặp gỡ bên trong Tòa Nhà Trắng, nhân dịp sinh nhật thứ 81 của ĐTC, Tổng thống Bush đã tặng ngài tượng Thánh Giá bằng pha lê và một bộ sưu tập các địa CD nhạc cổ điển của Hoa Kỳ và các đĩa nhạc tôn giáo. ĐTC tặng tổng thống bức tranh khảm hình Quảng trường Thánh Phêrô ở Vatican, theo kiểu thế kỷ 18.

Rất nhiều người không được vào khu vực tòa Nhà Trắng, nên ban tổ chức đã thay đổi chương trình, để ĐTC đi xe bọc kính từ Tòa Nhà Trắng về Tòa Sứ Thần sau cuộc gặp gỡ, với mục đích để các tín hữu có thể trông thấy và chào ĐTC. Trong số đông đảo tín hữu, có khoảng 5 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng, từ nhiều nơi ở Mỹ, tụ tập tại công viên Lafayette từ sáng sớm để chào đón ĐTC. Nhiều người dẫn gia đình con cái đi theo, như ông bà José Luis Rosario và Annerias. Ông Bà từ New York đến và dẫn theo 8 người con. Họ nói: ”Đây là cơ hội không những để nghe những lời của ĐTC, nhưng còn để con cai chúng tôi thấy đó là điều quan trọng”.

Kinh chiều với các Giám Mục Hoa Kỳ




Chiều thứ tư, 16-4-2008, ĐTC đã chủ sự buổi hát kinh chiều với 400 GM toàn nước Hoa Kỳ. Đây là Đền Thánh quốc gia và là thánh đường lớn nhất tại Mỹ, được đặt viên đá đầu tiên hồi năm 1920, nhưng sau đó bị tạm ngưng vì khủng hoảng kinh tế năm 1929 và thế chiến thứ hai, và chỉ được tiếp tục từ năm Thánh Mẫu 1954, rồi được khánh thành năm 1959. Trong thành đường này có nhiều nhà nguyện với tượng ảnh Đức Mẹ của các nước khác nhau, trong đó có cả nhà nguyện Đức Mẹ La Vang, được khánh thành năm ngoái.

Hàng ngàn tín hữu tham dự buổi hát kinh tại quảng trường bên ngoài qua màn hình khổng lồ.

Trong bài giảng, sau khi đề cao tầm quan trọng và ảnh hưởng của Cộng đồng Công Giáo Hoa Kỳ, ngài nhắc đến truyền thống của nước Mỹ đón tiếp người di dân và nói:

”Anh em GM, tôi muốn khích lệ anh em và cộng đoàn của anh em tiếp tục chào đón người di dân đang gia nhập hàng ngũ của anh em ngày nay, và chia sẻ những vui mừng và hy vọng của họ, nâng đỡ họ trong những sầu muộn và cơ cực của họ, giúp họ triển nở trong quê hương mới. Đó chính là điều mà đồng bào của anh em đã từng làm qua bao thế hệ.”

Nhắc đến sứ mạng của GM, ĐTC đặt câu hỏi: ”Trong thế kỷ này, đâu là cách thế tốt nhất để một GM có thể đáp ứng lời kêu gọi ”canh tân mọi sự trong Chúa Kitô, niềm hy vọng của chúng ta?” Làm thế nào để dẫn đưa đoàn chiên đến gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, là nguồn mạch của niềm hy vọng biến đổi cuộc sống như Tin Mừng vẫn nói (Spe salvi,4)? Và ĐTC trả lời: có lẽ trước tiên GM cần bắt đầu bằng cách loại bỏ một số hàng rào ngăn cản cuộc gặp gỡ với Chúa. Tuy nước Mỹ nổi bật về một tinh thần tôn giáo chân thành, nhưng ảnh hưởng tinh vi của trào lưu tục hóa có thể tác động tới cách thức dân chúng để cho niềm tin ảnh hưởng đến cách cư xử của họ. Phải chăng là điều thích hợp khi một đàng người ta tuyên xưng đức tin ở nhà thờ vào những ngày chúa nhật, để rồi trong tuần lễ, họ lại làm ăn hoặc cổ võ những biện pháp y khoa trái ngược với niềm tin ấy? Phải chăng là điều thích hợp khi các tín hữu Công Giáo thực hành đạo cố tình không biết tới hoặc khai thác bóc lột người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, cổ võ những lối sống tính dục trái ngược với giáo huấn luân lý Công Giáo, hoặc chấp nhận những lập trường trái ngược với quyền sống của mỗi người, từ lúc mới thụ thai cho đến lúc chết tự nhiên? Cần phải chống lại mọi xu hướng coi tôn giáo chỉ là một sự kiện riêng tư. Chỉ khi nào đức tin thấm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống, thì các tín hữu Kitô mới thực sự cởi mở đối với quyền năng biến đổi của Tin Mừng.

Hàng rào thứ hai là chủ nghĩa duy vật thực hành. ĐTC nói: ”Đối với một xã hội sung túc, một chướng ngại khác cảm trở cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống là ảnh hưởng tinh vi của chủ nghĩa duy vật.. Dân chúng ngày nay cần được nhắc nhở về mục đích tối hậu đời sống của họ. Họ cần nhìn nhận rằng nơi họ có một niềm khao khát sâu xa đối với Chúa. Họ cần được những cơ hội để uống từ giếng tình yêu vô biên của Chúa. Người ta dễ bị bị cám dỗ vì khả năng hầu như vô giới hạn của khoa học và kỹ thuật mang lại cho chúng ta, và dễ đi tới sai làm mà nghĩ rằng ta có thể thỏa mãn những nhu cầu sâu xa nhất với những cố gắng riêng của chúng ta. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng. Nếu không có Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể ban cho chúng ta điều mà tự mình chúng ta không thể đạt được (Spe salvi 31), thì cuộc sống chúng ta chỉ là trống rỗng.”

Trong một xã hội đề cao tự do và quyền tự quyết của cá nhân, thật dễ quên mất sự lệ thuộc của chúng ta vào người khác cũng như trách nhiệm của chúng ta đối với họ. Sự nhấn mạnh tới cá nhân chủ nghĩa này cũng ảnh hưởng tới Giáo Hội (Spe Salvi 13-15), làm nảy sinh một hình thức đạo đức đôi khi nhấn mạnh quan hệ riêng tư với Thiên Chúa và gây thiệt hại cho lời kêu gọi trợ thành những phần tử của một cộng đoàn được cứu chuộc. Ngay từ đầu, Thiên CHúa thấy rằng ”con người ở một mình không tốt” (Gn 2,18). Chúng ta được tạo thành như những hữu thể xã hội, chỉ tìm được sự viên mãn trong tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.

ĐTC nói đến vai trò của giáo dân Công Giáo, nền giáo dục Công Giáo, nhất là sự cần thiết mang lại cho những giáo dân dấn thân trong việc săn sóc sức khỏe một sự huấn luyện về giáo huấn luân lý của Giáo Hội. ĐTC khích lệ các GM lên tiếng về các vấn đề luân lý và xã hội, trong bối cảnh tự do ngôn luận của xã hội. .. Ngài nói: ”Anh em có nhiệm vụ đảm bảo cho việc huấn luyện luân lý ở mọi cấp độ trong đời sống Giáo Hội phản ảnh giáo huấn chân chính của Tin Mừng sự sống”.

ĐTC nhắc đến đến sự sa xút của gia đình như một yếu tố cơ bản của Giáo Hội và xã hội. Ly dị và sự không chung thủy gia tăng, và nhiều người trẻ em nam quyết định hoãn lại hôn phối hoặc coi như không có hôn phối. Đối với một số bạn trẻ Công Giáo, mối dây bí tích hôn phối chẳng khác gì hôn phối dân sự, hoặc chỉ coi hôn phối chỉ là một sự thỏa thuận sống với nhau một cách không chính thức và không bền vững. Vì thế, thật là đáng báo động vì sự giảm sút hôn phối đạo tại Hoa kỳ, đồng thời có sự gia tăng các cặp nam nữ sống chung mà không kết hôn.. “Trong số những dấu hiệu phản Tin Mừng sự sống ở Hoa Kỳ và nơi khác có một dấu hiệu gây tủi hổ sâu xa: đó là sự lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Nhiều người trong anh em đã nói với tôi về nỗi đau khổ hết sức lớn lao mà cộng động anh em phải chịu khi giáo sĩ phản bội nghĩa vụ và những bó buộc của LM qua cách hành xử vô luân trầm trọng như vậy... Anh em có lý khi ưu tiên chứng tỏ sự cảm thông và săn sóc các nạn nhân. Trách vụ Chúa trao cho anh em như những chủ chăn, là băng bó các vết thương do sự hủy hoại sự tín nhiệm gây nên, thăng tiến sự chữa lành, cổ võ hòa giải và tìm đến những người sai trái trầm trọng như vậy với lòng quan tâm yêu thương.

ĐTC không quên nhấn mạnh sự kiện đại đa số các LM tại Mỹ là những người tốt lành và ngài khích lệ các GM Hoa Kỳ rằng: trong nỗ lực chống lại nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên, cần đặt các chính sách và chương trình trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Các trẻ em đáng được tăng trưởng trong sự hiểu biết lành mạnh về tính dục và chỗ đứng đúng đắn của tính dục trong quan hệ giữa con người với nhau. Các trẻ em cần được tránh khỏi những hiện tượng hạ giá và lèo lái tính dục đang thịnh hành ngày nay. Các em có quyền được giáo dục trong các giá trị luân lý chân chính, ăn rễ sâu trong phẩm giá con người. Điều này đưa chúng ta đặt gia đình và sự cần thiết thăng tiến Tin Mừng sự sống ở vị trí trung tâm. Nói về việc bảo vệ trẻ em có nghĩa lý gì khi mà dâm ô và bạo lực ngườt ta có thể xem thấy trong quá nhiều gia đình, qua các phương tiện truyền thông rất phổ biến ngày nay?

ĐTC khẳng định rằng: trong nỗ lực chống lạm dụng tính dục trẻ em, tất cả mọi người đều có một trách vụ phải chu toàn, không những các cha mẹ, các vị lãnh đạo tôn giáo, giáo chức và giáo lý viên, nhưng cả các phương tiện truyền thông và kỹ nghệ giải trí nữa. Mỗi phần tử trong xã hội đều có thể góp phần vào sự canh tân luân lý và được lợi ích từ sự canh tân ấy.

Vì thế, cần đối phó với tội lạm dụng tính dục trong một bối cảnh rộng lớn hơn về luân lý tính dục.

ĐTC đặc biệt nhắn nhủ các GM Mỹ gần gũi các LM thuộc quyền trong thời buổi khó khăn hiện nay.. Và như Đức Gioan Phaolô 2 đã nói cách đây 6 năm: 'Chúng ta phải tín thác rằng thời kỳ thử thách đau thương này phải mang lại sự thanh tẩy cho toàn thể cộng đoàn Công Giáo”, đưa tới một hàng ngũ LM, GM và toàn thể giáo hội thánh thiện hơn” (Diễn văn cho các HY Hoa Kỳ ngày 23-4-2002). Có nhiều dấu hiệu có thấy trong thời gian qua, sự thanh tẩy ấy đang xảy ra. Sự hiện diện âm thầm của Chúa Kitô giữa những đau khổ của chúng ta dần dần biến tăm tối của chúng ta thành ánh sáng: mọi sự đang được đổi mới trong Chúa Giêsu Kitô, niềm hy vọng của chúng ta”.

ĐTC kêu gọi các GM tăng cường quan hệ với hàng giáo sĩ của mình, nhất là trong những trường hợp xảy ra căng thẳng giữa các LM và GM của mình vì cuộc khủng hoảng nói trên.

Sau khi ban phép lành vào cuối buổi hát kinh chiều, ĐTC còn ứng khẩu trả lời một số câu hỏi do các GM nêu lên về trao lưu tục hóa đang gia tăng trong đời sống công cộng, và chủ thuyết duy tương đối trong đời sống trí thức, sự kiện có những tín hữu Công Giáo bỏ hành đạo, một cách minh nhiên, nhưng cũng có nhiều người âm thầm không tham dự thánh lễ và không đồng hóa với Giáo Hội nữa.

ĐTC đặc biệt cảnh giác chống lại quan niệm của những tín hữu Công Giáo chỉ chọn lựa trong giáo lý và luân lý của Giáo Hội những gì mình ưa thích và bỏ qua những điều khác. Ngài khích lệ các GM Mỹ tăng cường việc mục vụ ơn gọi LM và tu sĩ, đồng thời nhấn mạnh tới sự cần thiết giúp các bạn trẻ cầu nguyện, tín thác vào ơn gọi của Chúa. Các GM cần dành những linh mục ưu tú nhất cho chủng viện. Các LM cần cộng tác với nhau, vượt thắng sự chia rẽ vô bổ, những bất thuận và thiên kiến.

Thánh lễ tại Sân vận động ”Công viên Quốc Gia”



<

Thứ năm 17-4-2008 là ngày chót ĐTC viếng thăm vùng thủ đô Washington. Ban sáng ngày cử hành thánh lễ cho các tín hữu tại Sân vận động Công Viên Quốc Gia (Nationals Park), và ban chiều ngài lần lượt gặp gỡ đại diện ngành giáo dục Công Giáo, và các vị lãnh đạo các tôn giáo khác.

Sân Vận Động Công Viên Quốc gia cách tòa Sứ thần chừng 10 cây số và là sân dã cầu tối tân nhất tại Mỹ vì mới được tổng thống Bush khánh thành hồi cuối tháng 3 vừa qua, có thể chứa được 45 ngàn người.

Rất đông các tín hữu đã xin vé để tham dự thánh lễ này, nhưng vì chỗ trong sân vận động giới hạn, nên phần lớn được dành cho giáo phận sở tại và lân cận, phần còn lại dành cho đại diện của các giáo phận khác. Nhiều tín hữu đã tới nơi từ lúc gần 6 giờ sáng, tức là 4 giờ trước khi thánh lễ bắt đầu. Nhiều tín hữu khác không được vé, nhưng họ vẫn tới gần nơi cử hành thánh lễ với hy vọng được thấy ĐTC.

Thánh lễ được cử hành với chủ đề Chúa Thánh Linh. Đồng tế với ĐTC có Đức TGM sở tại Donald Wuerl và 400 HY và GM Hoa Kỳ trong phẩm phục màu đỏ và hàng trăm linh mục trong phẩm phục màu trắng. Các vị ngồi trên sân cỏ trước lễ đài cao. Phần thánh ca do nhiều ca đoàn hàng trăm ca viên thật hùng hậu đảm trách.

Bài giảng

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC ghi nhận những triển vọng đầy hứa hẹn cho nhân loại ngày nay, trở nên gần nhau hơn và lệ thuộc nhau hơn. Nhưng đồng thời chúng ta thấy có những dấu hiệu rõ ràng gây xáo trộn đổ vỡ ngay tại nền tảng của xã hội: những dấu hiệu làm tha hóa, phẫn nộ và trở nên cực đoan phe phái nơi nhiều người thời nay; bạo lực gia tăng, cảm thức luân lý suy yếu, quan hệ xã hội khô cằn hơn, và càng ngày người ta càng quên Chúa. Trong Giáo Hội cũng có nhiều dấu hiệu đầy triển vọng nơi các giáo xứ và phong trào sinh động, lòng hăng hái đối với đức tin nơi nhiều người trẻ, số người gia nhập Giáo Hội Công Giáo mỗi năm gia tăng... Nhưng đồng thời Giáo Hội nhiều khi cũng cảm thấy đau khổ vì sự chia rẽ và cực đoan trong nội bộ, và thái độ của nhiều tín hữu trái ngược với Tin Mừng... Vì thế, ĐTC nói, hôm nay, chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện để Giáo Hội tại Hoa Kỳ được canh tân trong cùng một Thánh Linh, và được nâng đỡ trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho một thế giới đang khao khát tự do chân thành, hạnh phúc đích thực, và thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của mình!

ĐTC kêu gọi Giáo Hội tại Hoa Kỳ tăng cường việc huấn giáo cho giới trẻ, giúp họ phân định rõ con đường dẫn tới tự do đích thực, con đường chân thành và quảng đạo theo Chúa Kitô, con đường dấn thân cho công lý và hòa bình.

ĐTC không quên nhắc đến những đau thương mà Giáo Hội tại Hoa Kỳ phải chịu vì nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Ngài nói: ”Trong bối cảnh niềm hy vọng phát sinh từ tình yêu và lòng trung tin của Chúa, tôi muốn nhìn nhận đau khổ mà Giáo Hội tại Mỹ đã phải chịu vì nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên. Không lời nào của tôi có thể mô tả hết nỗi đau khổ và tai hại mà sự lạm dụng ấy gây ra. Điều quan trọng là những người đã chịu đau khổ phải được quan tâm chăm sóc về mục vụ trong tình yêu thương. Tôi cũng không thể mô tả hết những thiệt hại nó gây ra giữa lòng cộng đồng Giáo Hội. Những cố gắng lớn đã được thực hiện để đối phó một cách lương thiện và tốt đẹp đối ví tình trạng bi thảm ấy, và đảm bảo cho các trẻ em được lớn lên trong một môi trường an toàn, những trẻ em mà Chúa yêu thương sâu xa và là kho tàng lớn nhất của chúng ta. Những cố gắng bảo vệ trẻ em phải được tiếp tục. Tôi đã nói với các GM của anh chị em hôm qua về vấn đề này. Hôm nay, tôi khuyến khích mỗi người trong anh chị em hãy làm những gì có thể để thăng tiến sự chữa lành và hòa giải, cũng như giúp đỡ những người bị tổn thương. Tôi cũng xin anh chị em hãy yêu mến các linh mục của mình và nâng đỡ các vị trong công việc rất tốt đẹp mà các linh mục đang thực hiện. Và trên hết, xin anh chị em hãy cầu xin Chúa Thánh Linh đổ tràn hồng ân của ngài trên Giáo Hội, hồng ân dẫn đến sự hoán cải, tha thứ và tăng trưởng trong sự thánh thiện.

Sau cùng, ĐTC mời gọi các gia đình và mỗi cộng đoàn giáo xứ và dòng tu hãy tín thác nơi sức mạnh của ơn thánh kể kiến tạo một tương lai theo lời Chúa hứa tại đất nước này. Nhân danh Chúa Giêsu, Tôi xin anh chị em hãy gạt bỏ mọi chia rẽ, và vui tươi hoạt động dọn đường cho Chúa, trong niềm trung thành với ý Chúa và luôn hoán cải theo ý Chúa. Nhất là tôi tha thiết kêu gọi anh chị em tiếp tục là men hy vọng của Tin Mừng trong xã hội Hoa Kỳ, nỗ lực mang ánh sáng và chân lý Tin Mừng trong sứ mạng xây dựng một thế giới công bằng và tự do hơn cho các thế hệ tương lai.

Trong phần lời nguyện giáo dân, các ý nguyện được xướng lên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trong đó cũng có một ý nguyện bằng tiếng Việt.

Cuối thánh lễ, ĐTC đã chủ sự nghi thức làm phép viên đá đầu tiên xây cất trường Công Giáo “Gioan Phaolô 2 Cả” trong giáo phận Arlington, giáp giới với Tổng giáo phận Washington, và một viên đá đầu tiên khác xây Nhà nguyện mới của Học viện Thánh Tômasô Aquinô tại thành phố Santa Paula, bang California.

Thánh lễ kết thúc lối 12 giờ trưa. Sau đó, ĐTC đã trở về Tòa Sứ Thần để dùng bữa và nghỉ ngơi, trước khi hoạt động trở lại với cuộc gặp gỡ giới giáo dục Công Giáo tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ và cuộc gặp gỡ Liên tôn tại Trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô 2.

Lm Trần Đức Anh, OP

17/04/2008

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 17.04.2008. 09:00