Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Diễn từ của Đức Thánh Cha tại Bari với các nhà lãnh đạo các Giáo Hội Kitô Trung Đông

§ JB Đặng Minh An

Trước Thế chiến thứ nhất các tín hữu Kitô chiếm 20% dân số Trung Đông. Bây giờ, chúng ta chỉ còn 4% dân số trong vùng. Con số này không dừng lại ở đây nhưng vẫn tiếp tục giảm dần.

Trước những bách hại vẫn đang tiếp diễn trong khu vực đầy bất ổn này, chúng ta có nguy cơ rất thực tế là biến mất hoàn toàn khỏi miền đất đã phát sinh ra Kitô Giáo.

Chính vì thế, ngày thứ Bẩy 7 tháng 7, Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Kitô Giáo tại Trung Đông đã có cuộc gặp gỡ, cầu nguyện và hội thảo về tình trạng các tín hữu Kitô Trung Đông tại thành phố Bari, Italia. Chủ đề của cuộc gặp gỡ này là “Hòa bình ở cùng anh chị em! Các Kitô hữu hiệp nhất vì Trung Đông”

Ý tưởng về cuộc họp tại Bari đến từ Trung Đông và từ nhiều tiếng nói: các Giáo hội và các Thượng Phụ đã nêu vấn đề trực tiếp với Đức Thánh Cha trong các chuyến viếng thăm Rôma của các ngài.

Bari được chọn là nơi diễn ra cuộc họp vì thành phố này là nơi có di tích Thánh Nicholas và là nơi Mẹ Thiên Chúa được tôn kính đặc biệt với tước hiệu Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành. Thành phố này là sự hiện diện của phương Đông ở phương Tây, một nơi hành hương và một cửa ngõ cho hy vọng.

Cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo Giáo Hội Kitô tại Trung Đông bao gồm hai phần chính. Phần thứ nhất là những lời cầu nguyện trên bờ biển với các tín hữu muốn tham gia trực tiếp qua hệ thống truyền hình. Phần thứ hai là thời điểm suy tư và lắng nghe lẫn nhau giữa Đức Thánh Cha và các nhà lãnh đạo các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội tại Trung Đông. Các vị sẽ nêu lên quan điểm của mình, cùng với những quan sát và đề xuất.

Dưới đây là bản dịch Việt Ngữ toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô:

Pope-Bari2.jpg

“Một Trung Đông không có Kitô hữu sẽ không còn là Trung Đông nữa”

Anh em thân mến,

Chúng ta, như những người hành hương, đã đến Bari, là cửa sổ mở ra vùng Cận Đông, với cõi lòng nặng trĩu khi nghĩ đến các Giáo hội, những dân tộc của chúng ta và tất cả những ai đang sống trong những hoàn cảnh quá khổ đau. Chúng ta đang nói với họ: “Chúng tôi gần gũi anh chị em”.

Tôi cảm ơn anh em rất thân yêu từ trái tim chân thành của mình, vì anh em đã quảng đại và sẵn sàng đến đây. Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả những người chủ nhà tại thành phố này vì thái độ niềm nở tiếp đón.

Mẹ Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình cùng nhau này. Tại Bari, Mẹ được tôn kính với tước hiệu Hodegetria: Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành. Tại đây cũng có những di tích của Thánh Nicholas, vị Giám mục Đông phương mà lòng tôn kính dành cho ngài vượt qua bao biển cả và bắt những nhịp cầu nối kết các Giáo hội chúng ta. Xin thánh Nicholas, đấng hay làm phép lạ, can thiệp chữa lành những vết thương mà quá nhiều người đang phải chịu đựng. Ở đây, khi chúng ta chiêm ngưỡng chân trời và biển cả, chúng ta cảm thấy bị cuốn hút để sống ngày hôm nay với tâm trí và trái tim hướng về Trung Đông, giao lộ của các nền văn minh và là cái nôi của các tôn giáo độc thần vĩ đại.

Từ Trung Đông, Chúa chúng ta, là “mặt trời từ trên cao” (Lk 1:78), đã đến thăm chúng ta. Từ đó, ánh sáng đức tin lan truyền khắp thế giới. Ở đó có những dòng suối tâm linh luôn mới mẻ, và cũng từ đó phát xuất ra đời sống viện tu. Ở đó những nghi lễ cổ kính và độc đáo được bảo tồn, cùng với một di sản vô giá về thần học và nghệ thuật thánh. Ở đó di sản của những Nghị Phụ vĩ đại của chúng ta trong đức tin vẫn tiếp tục sống động. Truyền thống này là một kho báu cần được bảo tồn với mọi khả năng của chúng ta, vì Trung Đông là nơi linh hồn chúng ta bắt rễ.

Tuy nhiên, đặc biệt là trong những năm gần đây, khu vực tràn ngập ánh sáng này đã bị che phủ bởi những đám mây đen tối của chiến tranh, bạo lực và hủy diệt, các trường hợp chiếm đóng và các loại chủ nghĩa cực đoan đa dạng, cưỡng bức di cư và bị quên lãng. Tất cả điều này đã diễn ra giữa sự im lặng đồng lõa của nhiều người. Trung Đông đã trở thành vùng đất của những người phải bỏ lại quê hương sau lưng. Cũng có nguy hiểm là sự hiện diện của các anh chị em của chúng ta trong đức tin sẽ biến mất, làm biến dạng chính khuôn mặt của khu vực này. Một Trung Đông không có Kitô hữu sẽ không còn là Trung Đông nữa.

Ngày hôm nay đã được bắt đầu với lời cầu nguyện của chúng ta xin ánh sáng của Thiên Chúa xua tan bóng tối của thế gian. Chúng ta đã thắp lên, trước Thánh Nicholas, “ngọn đèn một ngọn lửa”, là biểu tượng cho một Giáo Hội duy nhất. Hôm nay, hiệp nhất là một, chúng ta muốn thắp lên một ngọn lửa hy vọng. Xin cho các ngọn đèn chúng ta sẽ đặt chung quanh đây trở nên cơ man những dấu chỉ của một ánh sáng tiếp tục tỏa sáng trong bóng tối. Kitô hữu là ánh sáng của thế gian (x. Mt 5:14) không chỉ khi mọi thứ sáng sủa xung quanh họ, mà cả trong những khoảnh khắc đen tối của lịch sử. Họ không nản chí lui vào bóng tối bao quanh, nhưng trái lại tiếp tục nuôi dưỡng hy vọng với dầu cầu nguyện và tình yêu. Vì khi chúng ta giơ tay lên trời cầu nguyện, và khi chúng ta giơ tay ra cho các anh chị em của mình mà không tìm kiếm lợi lộc riêng, thì ngọn lửa của Thần Khí, Thần Khí hiệp nhất và hòa bình, được nhen nhúm và bùng cháy.

Chúng ta hãy cầu nguyện trong sự hiệp nhất, xin Chúa ban hòa bình là điều mà các thế lực trên thế gian chúng ta chưa có khả năng mang lại. Từ các vùng đồng bằng sông Nile đến thung lũng Jordan và xa hơn nữa, từ Orontes đến Tigris và Euphrates, xin cho lời cầu xin trong Thánh Vịnh được vang lên: “Bình an cùng bạn!” (122: 8). Hướng đến tất cả những anh chị em đau khổ của chúng ta, đến bạn bè và mọi người thuộc mọi tín ngưỡng, chúng ta hãy lặp lại: Bình an cùng bạn! Cùng với Vịnh Gia, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện này một cách đặc biệt cho Giêrusalem, thành thánh yêu quý của Thiên Chúa đang bị thương tích bởi con người, khiến Chúa phải tiếp tục khóc: Bình an cùng bạn!

Hãy có hòa bình! Đây là tiếng kêu của tất cả những ai là Abel của ngày hôm nay, một tiếng kêu thấu đến ngai Thiên Chúa. Vì họ, chúng ta không có quyền nói, dù là ở Trung Đông hay bất cứ nơi nào khác trên thế giới, rằng “Tôi là người giữ em tôi hay sao?” (Sáng Thế Ký 4: 9). Sự thờ ơ gây ra cái chết, và chúng ta mong muốn cất cao tiếng nói chống lại sự thờ ơ giết người này. Chúng ta muốn đưa ra một tiếng nói cho những người không có tiếng nói, cho những ai không còn có thể làm gì khác hơn là âm thầm lau đi những giọt nước mắt của họ. Trung Đông ngày nay đang khóc lóc, đau khổ và câm nín trước những kẻ đang chà đạp lên những vùng đất đó để tìm kiếm quyền lực hay giàu có. Thay mặt cho những người nhỏ bé, đơn sơ, những người bị thương, và tất cả những người mà Thiên Chúa đứng về phía họ, chúng ta hãy cầu xin: “Hãy có hòa bình!”. Lạy “Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự an ủi” (2 Cor 1: 3), Đấng chữa lành những tâm hồn tan nát và bị bầm dập với những vết thương (x. Tv 147: 3), xin nghe lời cầu nguyện của chúng con.

+ Giáo Hoàng Phanxicô

Source - Libreria Editrice Vaticana - MONIZIONE INTRODUTTIVA DEL SANTO PADRE ALLA PREGHIERA ECUMENICA PER LA PACE Rotonda sul Lungomare Sabato, 7 luglio 2018

JB Đặng Minh An dịch

Đọc nhiều nhất Bản in 07.07.2018 16:21