Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐHY George Pell: Tự thuật về cuộc đời, vai trò của Kitô hữu trong thế giới đương đại

§ Đặng Tự Do

Linh mục Raymond J. de Souza, chủ bút tập san Convivium, gọi đích danh vụ khởi tố Đức Hồng Y Pell là Bách Hại Tôn Giáo trong bài “Calling Cardinal Pell’s Prosecution What It Is: Religious Persecution”. Chữ nghĩa nghe táo tợn vì ai cũng biết Úc là một quốc gia dân chủ tiên tiến. Tuy nhiên, cần phải đọc một cách nghiêm chỉnh bài viết của ngài.

GodandCaesar.jpg

Nếu muốn biết rõ hơn những nhận định của cha Raymond J. de Souza, và tìm ra chút ý nghĩa cho những chiến dịch phỉ báng hết đợt này đến đợt khác nhắm vào Đức Hồng Y Pell đã kéo dài từ gần 3 thập niên qua, mà đỉnh cao là vụ khởi tố này; cũng như những xung đột giữa Giáo Hội và chính quyền dân sự như việc bắt các linh mục vi phạm ấn tín giải tội, yêu sách đòi Giáo Hội bỏ luật độc thân linh mục, câu chuyện khởi tố Đức Cha Wilson của tổng giáo phận Adelaide… có lẽ ta nên đọc qua cuốn “God and Caesar” của chính Đức Hồng Y George Pell.

Ngay trong những dòng đầu tiên của cuốn sách, Đức Hồng Y, một tác giả viết rất nhiều, rất hay, nổi tiếng đến mức từng được coi là ứng viên Giáo Hoàng sáng giá trong Cơ Mật Viện 2013, sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tuyên bố thoái vị, đã nói về nền dân chủ tại Úc, và cho biết rằng tại Úc đã có những thời tâm tình bài Công Giáo trắng trợn đến mức không hiếm những quảng cáo về công ăn việc làm ghi rõ “Người Công Giáo và Do Thái Giáo xin miễn nộp đơn.” Miễn nộp đơn không có nghĩa là khỏi cần nộp đơn, cứ ngang nhiên vào làm thẳng. Không. Miễn nộp đơn là “đi chỗ khác chơi đi”.

Trong những ngày này, người ta nghe và thấy nhan nhãn trên các đài truyền hình những tiếng hò reo và những biểu ngữ “Cút đi, đừng thống trị thế giới chúng tôi.” Trước đó, hơn một thập niên trước, sau khi cuốn “God and Caesar” của Đức Hồng Y được tung ra vào năm 2007, có những người như David Marr viết hàng chục cuốn sách khác, cũng như tổ chức hàng trăm buổi diễn thuyết để công kích ngài. Những điều này tiêu biểu cho sự cọ sát quyết liệt giữa Giáo Hội và chủ nghĩa thế tục cực đoan tại Úc.

Bàn về hiện tượng này, Đức Hồng Y George Pell đã viết trong cuốn “God and Caesar”:

“Một trong những vấn đề then chốt vẫn tồn tại cho đến nay là tiến trình dân chủ có ý nghĩa gì và đâu là mức độ nó cho phép sự hội nhập các giá trị căn bản Kitô Giáo như cơ sở cho các luật cụ thể. Quan điểm đương đại và đang lan tràn cho rằng Giáo Hội không thể áp đặt các ý tưởng của mình trong một xã hội tự do thời nay. Tuy nhiên, cần phải chỉ ra những chỉnh lý cần thiết cho quan điểm đương đại và đang thịnh hành này, chẳng hạn như sự ngộ nhận của đa số dân chúng đối với lương tâm cá nhân, khuynh hướng đẩy lùi niềm tin và qua đó là các giáo huấn của Giáo Hội vào bầu khí cá nhân như thể các giáo huấn ấy không phản ảnh những sự thật cơ bản, tầm quan trọng của việc ta phải có thể khẳng định niềm tin của mình, và tiến trình dân chủ phải thực sự khích lệ một sự thảo luận mạnh mẽ về bản chất thực sự của việc tham gia vào tiến trình xây dựng dân chủ. Sự kiện đơn giản là Giáo Hội có một vai trò căn bản trong việc hình thành các giá trị của một quốc gia, đặc biệt thông qua các tranh luận một cách dân chủ. Bất cứ mưu toan nào nhằm làm câm nín vai trò thực sự này của Giáo Hội là một mối nguy hiểm cho xã hội đương đại.”

Xin được dịch sang Việt ngữ toàn văn nhận định của ngài về nền dân chủ tại Úc; và vai trò của Kitô hữu trong thế giới đương đại: phê phán và đối thoại.

Nền dân chủ tại Úc là một thiện ích đối với cộng đoàn Công Giáo, những người trải rộng trên toàn thể lục địa này, nhưng chẳng chiếm được đa số ở bất cứ một địa phương nào.

Từ năm 1986, Công Giáo đã thay thế Anh Giáo trong vai trò là tôn giáo có đông tín hữu nhất quốc gia, với hơn một phần tư dân số một chút. Người Công Giáo đã hoan nghênh việc tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước, đầu tiên như một sự bảo vệ cho họ chống lại khối đa số Anh Giáo – Tin Lành, trong khi lặng lẽ lờ đi thông điệp Vehementer Nos của Đức Giáo Hoàng Piô thứ Mười công bố vào tháng Hai 1906, trong đó ngài gọi việc tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước là “một bất công nghiêm trọng” chống lại Thiên Chúa. Cũng như tại Hoa Kỳ, họ nhận thức rằng nền dân chủ của họ, về cơ bản, không nhằm chống lại Thiên Chúa cũng như tôn giáo của họ.

Nhiệt tình bài tôn giáo hiếm khi bùng lên tỏ tường tại Úc. Chẳng hạn, chưa từng có nhà thờ Công Giáo nào bị đốt bởi một nhóm côn đồ gây rối người Úc. Thực hành tôn giáo thấp hơn hầu hết mọi miền tại Hoa Kỳ, nhưng sự hung hăng thể hiện bằng bạo lực của chủ nghĩa thế tục cũng ít hơn. Người ta cho rằng người Úc bị cám dỗ để tầm thường hóa Chúa Kitô nhưng không đến mức đóng đinh Ngài. Chắc chắn là việc tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước không ngăn chặn những khoản trợ cấp của nhà nước cho vốn ban đầu và chi phí điều hành các trường học của các tôn giáo như các trường của Công Giáo, Tin Lành, Do Thái Giáo, Hồi Giáo và các tôn giáo khác.

Trong hầu hết các phần của thế giới nói tiếng Anh bên ngoài Anh quốc và Ái Nhĩ Lan, đức tin Công Giáo được gieo trồng bởi các di dân Ái Nhĩ Lan, là những người không có chút cảm tình nào với Hoàng Gia và cái hệ thống đã đối xử tệ bạc với họ hàng bao nhiêu thế kỷ tại Ái Nhĩ Lan. Do đó, khác với nhiều miền tại lục địa Âu Châu, người Công Giáo tại Úc không mặn mà chút nào với những gì liên hệ đến nữ hoàng, triều đình và thường bỏ phiếu cho đảng Lao Động hay đảng Dân Chủ. Điều này ngày nay đang thay đổi hay đã thay đổi.

Chủ nghĩa bè phái, lan tràn như một trận dịch tái đi tái lại nhiều lần trong lịch sử Úc cho đến sau Thế Chiến Thứ Hai, là một sự xung đột giữa người Anh và người Ái Nhĩ Lan, giữa người Tin Lành và người Công Giáo hơn là bất cứ cuộc chiến nào giữa chủ nghĩa thế tục và tôn giáo, mặc dù ngày nay căng thẳng xã hội đáng kể nhất là giữa chủ nghĩa tự do thế tục và một hình thức liên minh mới giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo, mà các thành viên tích cực là những người Công Giáo và người Tin Lành.

Úc không có một miền tương đương với miền New England của người Thanh Giáo vào thế kỷ thứ 17, ngay cả tại khu vực Nam Úc, và cũng không có một miền nào so sánh được với vùng vành đai Tin Lành (Bible Belt) đương đại tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ.

Sinh ra trong thời Thế Chiến Thứ Hai, kết thúc với thắng lợi của Đồng Minh trước khi tôi đủ trí khôn để nhận thức được cuộc xung đột này, tôi là một thiếu niên trong thập niên 50 đỉnh cao của cuộc chiến tranh lạnh, và rất ngưỡng mộ Đức Giáo Hoàng Piô thứ 12, và các Hồng Y trong Giáo Hội Công Giáo như Wyszyński, Mindszenty, Stepinac, Beran, và Slipyj là những vị công khai dám đương đầu với chủ nghĩa cộng sản [Đây có thể là một trong những lý do Đức Hồng Y Pell rất yêu mến người Việt Nam tị nạn – chú thích của người dịch].

Ở tiểu bang quê hương tôi là Victoria ở miền đông nam Úc châu, đời sống người Công Giáo diễn ra dưới quyền cai quản của Đức Tổng Giám Mục Melbourne từ 1917 đến 1963 là Đức Tổng Giám Mục Daniel Mannix, một người Ái Nhĩ Lan. Ngài là người ái mộ Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13, và tin rằng người Công Giáo đã quá chậm lụt trong việc nắm lấy những cơ may của nền dân chủ mở ra trước mắt họ. Ngài cũng là người phê phán mạnh mẽ các “sacristy priests” (linh mục trong phòng thánh nhà thờ), là những vị cho rằng tôn giáo không nên vươn ra bên ngoài bốn bức tường nhà thờ. Cũng như Đức Hồng Y Moran của Sydney và Đức Tổng Giám Mục Duhig của Brisbane, ngài dấn thân trở thành một gương mặt của công chúng, và dùng điều đó như một phương tiện để khích lệ người Công Giáo tăng cường sự tham gia vào đời sống công cộng tại Úc.

Những ưu tiên chủ đạo của Đức Tổng Giám Mục Mannix là vấn đề tôn giáo, và khi ngài qua đời vào năm 1963, đàn chiên của ngài đã có một đức tin sâu sắc và việc thực hành đạo cao một cách hiếm thấy trong lịch sử Kitô Giáo. Ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến nở rộ. Khích lệ của ngài trong ngành giáo dục thể hiện nơi một hệ thống trường học kéo dài suốt 90 năm mà không cần bất cứ tài trợ nào của nhà nước, được điều hành thông qua các dòng tu, đã hình thành một tầng lớp trung lưu người Công Giáo so sánh được – và có lẽ vượt qua cả - những thành công tại Hoa Kỳ.

Khi ngài đặt chân đến đất Úc, nhan nhãn những quảng cáo về công ăn việc làm ghi rõ người Công Giáo và Do Thái Giáo xin miễn nộp đơn. Sự phân biệt đối xử và cô lập là rất thật, cho dù thường là nhẹ nhàng. Ngài khích lệ niềm tự tin và lòng trung thành với Chúa Kitô trong cộng đoàn chủ yếu là người Ái Nhĩ Lan của ngài với những lời bình luận và phê phán xã hội thường xuyên của ngài.

Hai vấn đề gây tranh cãi liên quan đến thời gian cai quản lâu dài của ngài là thành công của ngài trong việc chống lại chính sách bắt buộc thi hành quân dịch trong hai kỳ trưng cầu dân ý hồi Thế Chiến Thứ Nhất và việc ngài công khai ủng hộ các thành viên nghiệp đoàn có xu hướng chống cộng sản (là những người hoạt động trong “các nhóm kỹ nghệ” trong đảng Lao Động thường được gọi là “Groupers”). Bị trục xuất khỏi đảng Lao Động sau những chia rẽ từ 1954 đến 1955, những người này hình thành nên đảng Dân Chủ Lao Động. Trong cố gắng thứ hai này, Đức Tổng Giám Mục Mannix được sự ủng hộ của nhà văn và chính trị gia nổi tiếng người Melbourne B. A. Santamaria.

Tôi ngưỡng mộ Đức Cha Mannix và ông Santamaria khi còn là một thiếu niên, và ngày nay, sau 50 năm, tôi vẫn hết sức ngưỡng mộ các vị. Họ linh hứng trong tôi quyết tâm chống lại bất cứ mưu toan nào nhằm đẩy các giáo huấn Kitô và Công Giáo vào bầu khí riêng tư, và hình thành đáng kể trong tôi nền tảng tri thức cho tư duy của mình. Gương sáng và những bài viết của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng nâng đỡ và khích lệ tôi, và vô số những người khác, giúp tôi kiên trì trong các cuộc chiến về văn hóa, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lại “nền văn hóa sự chết”. Thoạt đầu, tôi không thích từ này lắm, nghĩ rằng nó cường điệu quá, thậm chí là có vẻ gây hấn, nhưng khi tôi suy tư về sự lan tràn của nạn dịch phá thai (mà có lẽ một phần ba phụ nữ Úc là nạn nhân), khi tôi nghĩ đến nhiệt tình của công chúng đối với an tử và trợ tử, trào lưu đòi hợp pháp hóa ma túy và những hậu quả của nó, tình trạng suy thoái nhân khẩu học mọi nơi trong thế giới phương Tây, chúng ta phải thấy rằng thuật ngữ này là chính xác và có tính tiên tri.

Quan tâm chủ yếu của tôi là vấn đề tôn giáo. Những bài viết triết học này không phải là một sự thay thế cho lời mời gọi hoán cải, ăn năn và tin vào Tin Mừng của Chúa Kitô, nhưng như là một hệ quả tất yếu quan trọng của lời mời gọi ấy, là chúng ta phải đóng góp vào cuộc đối thoại với xã hội chung quanh chúng ta. Lịch sử và xã hội học chỉ ra rằng các tôn giáo lớn sản sinh ra một cách khác biệt đáng kể các xã hội và các nền văn hóa. Các tôn giáo không chân thật các loại có thể là thuốc độc, nhưng quan tâm của tôi là sự đóng góp của Kitô Giáo và Công Giáo vào đời sống xã hội phương Tây.

Có một vài xác tín cơ bản xuyên suốt những luận văn này. Căn cơ nhất là sự cam kết và kính trọng dành cho lý trí, với tin tưởng rằng trong nhiều trường hợp lý trí có thể giúp chúng ta nhận thức được chân lý. Không có xác tín này, việc bàn cãi về những khác biệt trở thành vô vị và thậm chí là nguy hiểm về lâu dài.

Trong diễn từ gây nhiều tranh cãi của ngài tại Đại Học Regensburg vào năm 2006, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã hùng hồn nhấn mạnh tầm quan trọng của lý trí trong truyền thống tư duy Công Giáo. Chúng ta được mời gọi đến với cuộc gặp gỡ giữa đức tin và lý trí, một cuộc gặp gỡ giữa sự khai sáng thực sự và tôn giáo, vì chính Thiên Chúa là hợp lý. Lý trí là cây cầu chung mà chúng ta bước đi với những người thuộc các tôn giáo khác và những ai không có niềm tin tôn giáo khi chúng ta hoạt động để duy trì và cải thiện các cộng đồng và xã hội chúng ta thông qua đối thoại và bàn cãi.

Năm chương đầu tiên cố gắng xác định những đóng góp của các tín hữu Kitô cho đời sống dân chủ, những gì chưa được nhìn nhận và những gì đã được xác định, những gì được khích lệ và những gì bị người ta chống lại. Trong một nền dân chủ, các Kitô hữu có quyền hoạt động để đa số trong xã hội chấp nhận quan điểm của họ cũng như đã và đang chấp nhận quan điểm của các công dân khác nhưng không phải được chấp nhận chỉ vì quan điểm ấy được diễn dịch từ các giá trị Kitô nhưng vì nó đóng góp cho sự thăng tiến của nhân loại. Chính trị là lãnh địa của người tín hữu giáo dân hơn là hàng giáo sĩ, đó là một hệ quả tốt từ việc tách biệt giữa Giáo Hội và Nhà nước.

Các tín hữu Kitô tin rằng Thiên Chúa là một mầu nhiệm của tình yêu, rằng hai giới giới răn trọng nhất đòi buộc tình yêu dành cho Chúa và dành cho tha nhân. Tình yêu chân thật là tình yêu hoàn toàn tự do trao ban, và mọi xã hội tốt phải hoạt động để mang lại một cấu trúc cho tự do. Cái khó khăn ở đây là tự do chỉ có thể tìm thấy nơi sự thật. Tự do, lý trí, và tình yêu là một thể thống nhất ba ngôi vị và đây là lý do trọng tâm tại sao học thuyết xã hội Công Giáo không thể bị cho là công khai hay che đậy việc cổ vũ cho một nền chính trị thần quyền.

Năm chương cuối cùng bàn về quan hệ giữa chân lý Kitô Giáo và các giá trị khác nhau trong các lãnh vực của cuộc sống phương Tây.

Dù cho có một ít các khoa học gia vẫn khăng khăng cho rằng tôn giáo đang héo tàn, vai trò của thần học và siêu hình học vẫn còn quan trọng trong đời sống Đại Học, quan trọng như cuộc đối thoại về sự tương hợp giữa Thiên Chúa và thuyết tiến hóa, về khả năng hay nhu cầu của một Đấng Hoạch Định Sáng tạo đằng sau sự sắp đặt trật tự thế giới.

Tính hợp lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa phải được đề cập thường xuyên, đặc biệt cho những người Công Giáo trầm lặng, cho dù tỉ lệ người vô thần có suy giảm đi chăng nữa, trong hoàn cảnh mà các quan điểm trái ngược về hôn nhân, gia đình, sự sống thường gắn bó với việc có niềm tin tôn giáo hay không vẫn tiếp tục khơi lên các xung đột chính trị tại Hoa Kỳ, Úc và các nơi khác.

Chính Chúa Kitô bảo chúng ta rằng “của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” (Lc 20:25) Điều này vẫn là điểm khởi đầu cho mọi suy tư về Kitô hữu và đời sống chính trị.

Source: Catholic University of America Press God and Caesar

Đặng Tự Do

Đọc nhiều nhất Bản in 04.03.2019 16:53