Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐGH sẽ viếng thăm Ả rập?

§ Phụng Nghi

Viễn tượng sau đây dường như là chuyện không thể có: Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI sẽ là vị giáo tông đầu tiên trong thời đại mới đặt chân lên Bán đảo Ả rập.

Nhưng một cuộc viếng thăm như thế không thể xẩy ra được sao? Những lời đồn đoán về khả năng ĐGH thăm viếng vùng đất này đã gia tăng từ hồi đầu tháng 7 khi vua Hamad nước Baharain mời Đức thánh cha tới thăm nước ông. Nhà vua là vị quốc trưởng Ả rập đầu tiên chính thức ngỏ lời mời Đức giáo hoàng trong một buổi triều yết riêng, tiếp theo sau việc phó thủ tướng nước Qatar năm ngoái cũng ngỏ lời mời tương tự.

Cả hai cử chỉ nói trên nói lên một hiện tượng đáng chú ý đang xảy ra trong khu vực này: đó là sự gia tăng số người Kitô giáo sinh sống tại đây, và sự hiện diện của họ gây ra áp lực buộc các chính quyền Ả rập phải giúp đỡ họ. Bahrain, giống như hầu hết các quốc gia Ả rập, có một số lớn di dân. Người lao động nước ngoài nay chiếm 35 % dân số vương quốc này, trong khi đó tại Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất tỷ lệ này là 80%, còn ở Kuwait là 60%.

Quả vậy, trong số dân 35 triệu người tại Bán đảo Ả rập có đến 40% là công dân nước ngoài. Một số lớn từ châu Á tới, theo Kitô giáo hoặc không theo đạo Hồi; trong số đó có một tỷ lệ đáng kể những người đến từ các vùng Kitô giáo truyền thống như Phi luật tân và miền nam Ấn độ.

arabian-map.gif

Bán đảo Ả rập (mầu vàng) gồm 7 quốc gia

Theo thống kê, số người theo Kitô giáo nay chiếm gần 9% trong tổng số dân 720 ngàn người nước Bahrain. Tại Ả rập Saudi, Giáo hội Công giáo ước tính có tới 1 triệu 2 người Công giáo Phi luật tân, tăng từ 800 ngàn người vào năm 2005, biến họ thành nhóm di dân đông đảo nhất sau những người Ấn và Bangladesh.

Vì thế ta không ngạc nhiên khi các nhà cầm quyền trong vùng này bắt đầu chú ý đến hiện tượng đó. Suy cho cùng, sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế trong vùng Vịnh có được phần lớn là dựa trên lưng những người lao động di cư, và vì thế, ở một mức độ nào đó, sự tăng trưởng trong tương lai tùy thuộc vào tình trạng cuộc sống của họ.

Yếu tố này đã gián tiếp thúc đẩy Bahrain gửi một nhà ngoại giao gốc Do thái làm đại diện quốc gia này tại Hoa kỳ. Trong khi đó, một nhà thờ Công giáo đầu tiên tại Qatar đã mở cửa hồi tháng Ba năm nay. Theo Giám mục Oaul Hinder, người đại diện ĐGH tại Ả rập, trú sở đặt tại Abu-Dhabi, thì các chính quyền trong vùng Vịnh đang “thi đua” với nhau về những sáng kiến đối thoại liên tôn giáo.

Nhưng con đường đi vẫn còn dài trước khi các quyền tự do tôn giáo đầy đủ được ban bố cho người dân, như những người Tây phương đang được hưởng, ngay cả ở một quốc gia có tự do tôn giáo như Bahrain. Nạn quan liêu và sự xa cách trong quan hệ giữa vua chúa với thần dân là lý do có sự chậm chạp về phát triển tự do tôn giáo. Điều này thật rõ rệt khi ta có dịp đến thăm một xứ đạo Công giáo trong vùng. Tổng cộng chỉ có 20 giáo xứ, do các nhóm linh mục điều hành, hầu hết là các cha thuộc dòng Capuxinô, đảm nhiệm coi sóc có khi cả hàng trăm ngàn giáo dân trong chỉ một xứ đạo, vì nhà cầm quyền không cho phép xây cất thêm nhà thờ.

Giáo hội đang nhẹ nhàng làm áp lực với các vương quốc để họ cho thêm giấy phép xây cất, nhưng cũng gia tăng thêm các mối quan tâm khác nữa.

Đặc biệt là Giáo hội muốn có được việc bảo đảm công ăn việc làm tốt hơn cho con chiên. Đa số di dân là những người không có năng khiếu chuyên môn, hay chỉ làm lao động chân tay, kiếm được khoảng 10 mỹ kim một ngày ngay cả trong những vùng rất giàu có.

Hàng triệu người đó sống trong các trại lao công tồi tàn và, có những trường hợp tồi tệ nhất, phải sống trong cảnh nô lệ của thời đại mới hoặc lao động theo giao kèo. Những người giúp việc nhà, đa số là giáo dân Công giáo Phi luật tân, còn đặc biệt bị nguy hiểm, với hàng ngàn vụ bị lạm dụng, gần như bị chủ nhà giam giữ, không được hưởng quyền gì và không được tự do đi lễ. Hơn nữa, hầu hết các tôn giáo không phải là đạo Hồi trong vùng Vịnh cảm thấy bất an và lo sợ có thể bị mời ra khỏi khu vực này bất cứ lúc nào.

Tất cả những vấn đề này có thể được đặt ra và có thể được giải quyết bắng một cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng, cuộc thăm viếng cũng tạo ra sự thúc đẩy rất mạnh cho những đối thoại liên tôn giáo.

Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho sự hiện diện của Đức giáo hoàng tại Ả rập, là các khuynh hướng cải cách hiện nay tại gia đình hoàng gia Hồi giáo Sunni tại Vương quốc Ả rập Saudi (House of Saud). Vua Abdullah là người đang từ tốn trong nỗ lực tiếp xúc với các tôn giáo và cải tiến theo thời đại mới. Tháng Sáu năm nay, ông đưa một số các vị lãnh đạo Hồi giáo tới Mecca để thảo luận về phương pháp tốt nhất nhằm đối thoại với các tôn giáo khác. Và hồi trung tuần tháng Bẩy, ông trở thành quốc vương Saudi đầu tiên chủ trì một cuộc hội nghị liên tôn, đem lại gần nhau các nhân vật trưởng thượng không chỉ từ Hồi giáo và Kitô giáo, mà còn cả Do thái giáo nữa.

Những cuộc hội họp ghi dấu mốc đó lại có thêm buổi gặp gỡ của ông với Đức giáo hoàng Bênêđictô năm ngoái tại Roma, những tiến triển khiêm tốn về tự do tôn giáo (chẳng hạn: các buổi thờ phượng riêng tư của người không theo Hồi giáo nay không bị trừng phạt nữa), và sự ngăn chặn thành công nạn khủng bố ở Saudi. Mặc dầu ông không thể nói thẳng ra là nhờ ở sự hiện diện của những người cực đoan trong chính quyền của ông, nhưng việc nhà vua sẽ hoan nghênh một cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng là chuyện ít người ngờ vực.

Chỉ có hai điều thực sự làm trở ngại cho cuộc viếng thăm như thế.

Trước hết, những người cực đoan chắc chắn sẽ phản đối. Vì thế, còn tuỳ thuộc nhiều vào các sáng kiến của Vua Abdullah và các nhà lãnh đạo Ả rập khác nhằm xoa dịu hoặc làm mất thế giá tiếng nói của nhóm người thiểu số đó.

Thứ hai, đối với Đức giáo hoàng, khó khăn là về vấn đề nghi thức ngoại giao – ngài nên thăm viếng những Quốc gia nào? Chẳng hạn, ngài có thể viếng thăm khu vực này mà lại không đến Ả rập Saudi? Giám mục Hinder nói: “Đối với tôi, sẽ là điều vui mừng rất mực nếu một ngày kia cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng có thể thực hiện được. Nhưng tôi thiết tưởng cũng cần có thời gian vì nhiều vấn đề liên quan phải giải quyết.”

Nếu điều đó quả thực xảy ra, Bênêđictô XVI cũng không phải là vị giáo tông thứ nhất du hành đến vùng này: Giáo tông Shenouda III, đứng đầu Giáo hội Coptic Ai cập đã viếng thăm Vương quốc Ả rập Thống nhất năm ngoái để khánh thành một nhà thờ Coptic mới tại Abu Dhabi. Tuy nhiên một cuộc thăm viếng của người kế nhiệm Thánh Phêrô, sẽ thu hút sự chú ý hơn nhiều và mang theo với nó một số phúc lợi hiển nhiên cho tất cả các dân tộc trong vùng.

Nguồn: Edward Pentin/Newsmax

Phụng Nghi

Đọc nhiều nhất Bản in 29.07.2008. 11:19