Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐGH: Những khác biệt tôn giáo không thể làm ngưng đối thoại

§ Phụng Nghi

Sydney, Australia (CNS) – Không thể không chú tâm tới những điều khác biệt giữa người Kitô giáo và các tôn giáo khác, nhưng đó cũng không thể là lý do viện ra để ngưng cuộc đối thoại. Đó là lời của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI phát biểu trước các nhà lãnh đạo các tôn giáo tại Sydney.

80715PopeTongiao.jpg

ĐGH họp với các lạnh đạo tôn giáo ở Úc

Hôm 18 tháng 7 Đức giáo hoàng có hai cuộc họp riêng rẽ với đại diện của những cộng đồng Kitô giáo Australia, và với đại diện các tôn giáo khác.

Trong cuộc họp đại kết, ngài nói rằng công nhận nhau như là người Kitô giáo chỉ vì có chung một phép thanh tẩy, đó chỉ mới là bước đầu trong mối liên lạc nên có giữa những người cùng theo Đức Kitô.

“Con đường đại kết chung cuộc sẽ hướng tới một cử hành chung với nhau phép Thánh Thể, được Đức Kitô trao phó cho các Tông đồ của Người như là một bí tích hiệp nhất của giáo hội.”

Nhưng Đức giáo hoàng Bênêđictô cũng nói với các thành viên Kitô giáo khác đang đối thoại với Giáo hội:”Tôi nghĩ là quý vị cũng đồng ý với tôi rằng phong trào đại kết đã tiến tới một giai đoạn khó khăn.”

Đức giáo hoàng nói: trong lúc người Kitô giáo cố gắng noi theo Kinh Thành và tìm kiếm chân lý, thì họ phải cầu nguyện xin Chúa phù trợ và xin Chúa Thánh thần hướng dẫn.

“Chúng ta phải chống lại những cám dỗ muốn coi tín lý là điều gây ra chia rẽ và do đó là điều làm trở ngại cho công tác tức thời và cấp thiết hơn, đó là cải thiện thế giới chúng ta đang sống.”

Ngài nói thêm: Người Kitô hữu càng hiểu biết hơn những điều Chúa đòi hỏi nơi họ và càng sống gần lại với Đức Kitô hơn, thì họ sẽ càng xích lại gần nhau hơn.

Đức giáo hoàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Kitô giáo, gồm cả những đại diện Anh giáo, trong lúc Hội nghị Lambeth của Liên hiệp hội Anh giáo đang họp tại nước Anh. Nghị trình của hội nghị đó gồm có việc thảo luận các đường hướng nhằm củng cố sự hiệp nhất của Anh giáo và khắc phục mối đe dọa phân ly tạo ra do những khác biệt liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ và luyến ái đồng tính.

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói ngài hy vọng các giám mục Anh giáo sẽ tìm ra được đường lối để duy trì sự hiệp thông trong niềm trung thành với Phúc âm và truyền thống Kitô giáo.

Giám mục Anh giáo Robert Forsyth là giám mục phụ tá tại Sydney nói rằng ông được khích lệ do lời dậy của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI về việc tìm kiếm chân lý trong tình yêu thương và không nhìn nhau như thù địch.

Ông nói: Trong nhiều lãnh vực, những người Kitô giáo khác công nhận và khâm phục tài lãnh đạo của Giáo hội Công giáo như là một “tảng đá giữa những thác ghềnh”, bảo vệ sự quan trọng của ơn cứu độ nơi Đức Kitô, uy thế của Kinh Thánh và “tính khách quan của nền luân lý Kitô giáo.”

Giám mục Forsyth cho biết ông ngờ rằng chỉ đến ngày tận thế người Kitô giáo mới hiệp nhất trọn vẹn được với nhau. Ông nói với Đức giáo hoàng:

“Như ngài rõ, vào ngày đó, chỉ có ba điều còn lại, mà điều cao cả nhất là tình yêu thương. Và vì thế, với tấm lòng thương mến, thưa ngài, hôm nay chúng tôi chào mừng ngài.”

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đi thẳng từ cuộc họp đại kết sang cuộc họp với các dại diện của những cộng đồng tôn giáo tại Australia là Do thái giáo, Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo và đạo Zoroast.

Ngài ca ngợi cấp độ đối thoại và cộng tác liên tôn giáo tại Australia và nói rằng “mối liên lạc hài hòa giữa cuộc sống tôn giáo và đời sống công cộng càng quan trọng hơn bao giờ hết vào lúc mà người ta tiến đến chỗ coi tôn giáo là nguyên nhân gây ra chia rẽ hơn là một sức mạnh tạo nên tình đoàn kết.”

Ngài cho biết rằng sự tìm kiếm Thượng đế, việc công nhận những điều cá nhân hoàn thành được có đi kèm theo với sự chia sẻ, tính quan trọng của lòng hy sinh và tự kỷ luật là những giáo huấn chung của mọi tôn giáo.

“Tính phổ quát của kinh nghiệm con người, vượt quá mọi biên giới địa dư và các giới hạn văn hóa, làm cho các tín đồ các tôn giáo có thể đi vào đối thoại, cũng như để nắm bắt được những niềm vui và nỗi khổ trong huyền nhiệm cuộc đời.”

Giáo sĩ Jeremy Lawrence, giáo trưởng tại Đại Hội đường ở Sydney nói với Đức giáo hoàng rằng “mặc dầu chúng ta có thể khác biệt sâu xa về các chi tiết và cách diễn giải, nhưng những điểm cùng chia sẻ nơi cội nguồn của chúng ta sẽ liên kết chúng ta lại với nhau” trong tình huynh đệ và sự tương kính.

Ông nói rằng Ngày Giới Trẻ Thế Giới của Công giáo là một dấu hiệu chứng tỏ “sự quan trọng liên tục của đức tin trong thế giới chúng ta và nơi những người trẻ tuổi.”

Ông cầu xin cho giới trẻ sẽ học hỏi được rằng “đức tin đó không chỉ sống động và thích đáng” nhưng cũng còn “mặc nhiều mầu áo khác nhau.”

Hội họp với Đức giáo hoàng không chỉ có các nhà lãnh đạo các tôn giáo mà còn những người trẻ từ các cộng đồng đó. Hầu hết các đại diện giới trẻ này đã tham gia diễn đàn liên tôn giáo trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới hôm 17 tháng 7.

Vivek Thakkar, một đại diện giới trẻ Ấn giáo nói với các phóng viên rằng diễn đàn giới trẻ nhấn mạnh đến việc người trẻ đã chán ngán “mọi lời nói suông” về hoà hợp và muốn có những ý tưởng thiết thực để cùng nhau hoạt động, đặc biệt là trong các dự án nhằm phục vụ con người và công bằng xã hội.

“Thật là một đặc ân rất lớn” khi được mời gặp gỡ Đức giáo hoàng. Thật là điều bất ngờ và làm tôi khúm núm. Các bậc đạo sư và các nhà lãnh đạo tinh thần đều được người theo Ấn giáo rất mực tôn kính.”

Đạo trưởng Mohamadu Saleem, thành viên thuộc Hội đồng Imam Quốc gia của Australia, nói với Đức giáo hoàng: ”Người Hồi giáo nên có tư tưởng bao quát và phổ cập hơn trong sự hiểu biết về tôn giáo của mình. Đồng thời, nhiều thành phần đáng kể trong cộng đồng Kitô giáo và các tôn giáo khác cũng nên sửa đổi quan niệm lệch lạc và thiên kiến về Hồi giáo, về người theo đạo Hồi.

“Nếu tín đồ Hồi giáo, tín hữu Kitô và các cộng đồng tôn giáo khác đưa tay ra cho nhau và bắc những nhịp cầu hơn là dựng nên những rào cản, thì toàn thể nhân loại sẽ mãi mải hân hoan.”

Sau cuộc họp, Salem nói với các ký giả rằng một trong những điều khó khăn nhất Hồi giáo tại Australia phải đương đầu là làm sao “lôi cuốn được giới trẻ và thuyết phục họ rằng tôn giáo không phải là chướng ngại vật ngăn cản hoà bình.”

Phụng Nghi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 19.07.2008. 13:32