Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐGH mang đến cho Mỹ quốc các nhãn quan mới và những tư tưởng đầy thử thách

§ Phụng Nghi

VietCatholic News (Thứ Năm 08/05/2008 11:52)

Washington DC (CNA) – Giữa lúc sự hiện diện và những lời nói của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI còn đậm nét và vang vọng nơi tâm trí người Mỹ, ông George Weigel - một tác gia và học giả Công giáo - đã cống hiến một bản phân tích về chuyến tông du của ngài trong một bài báo đăng trong tạp chí Newsweek. Theo lời ông, Đức giáo hoàng không chỉ cố thay đổi một cách khéo léo sự nhận thức sai lạc của nhiều người mà còn chuyển cho người Mỹ những lời nói minh triết đầy thách đố.

“Ngay từ lúc đầu tiên có mặt tại Căn cứ Không lực Andrews, ta thấy rõ rằng đây không phải là một viên chức đến áp đặt lý thuyết thần học cứng ngắc. Xuất hiện trước mắt nước Mỹ không phải là một Ratzinger trong các bức biếm họa, mà là một con người giản dị, thân thiện, một nhân vật gốc gác Bavarian có dáng dấp ông nội ông ngoại với phong cách tao nhã và mái tóc bạc không giữ nếp, đầy lòng mến yêu và thán phục Mỹ quốc.”

Sự thay đổi nhận thức về Bênêđictô XVI như thế cũng còn kèm theo sự sụp đổ tất cả các thiên kiến bài Công giáo về phía chính quyền Mỹ.

“Bây giờ thì một người xuất thân từ Texas theo đạo Tin lành Methodist lại kéo ra đủ thứ lễ lạc để chào đón vị giám mục thành Rome ở sân cỏ phía nam tòa Bạch ốc – và người ta thấy vị giám mục thành Rome này, một cựu tù nhân chiến tranh của Mỹ, lại đang hát, cùng với ban nhạc của Quân đội Hoa kỳ, phần điệp khúc “Bài ca Chiến đấu của Nước Cộng Hòa’”.

Sự thay đổi nhận thức về Đức giáo hoàng Bênêđictô cũng đổi thay ngay cả trong phạm vi Giáo hội nữa. “Hình ảnh của vị giáo hoàng đã hoàn toàn biến đổi khi Bênêđictô XVI làm sửng sốt mọi người (gồm cả nhiều vị chức sắc cao cấp trong giáo hội) khi gặp riêng để trò chuyện và cầu nguyện với 5 nạn nhân vùng Boston đã bị giáo sĩ lạm dụng tình dục.”

Chương sách đổi thay này bắt đầu ngay cả trước lúc Đức giáo hoàng đặt chân lên phần đất của Mỹ. “Trên đường bay tới Hoa kỳ, Đức giáo hoàng đã nắm vững vấn đề, đề cập tới ‘nỗi tủi hổ’ của chính mình vì cách hành xử của các linh mục đã lạm dụng thanh thiếu niên; một thời gian sau đó ngài công nhận cung cách tồi tệ tương ứng và liên hệ của các giám mục đã thiếu bổn phận bảo vệ đoàn chiên.”

“Thế mà, phải đợi đến lúc gặp gỡ với những kẻ đã chịu đau khổ trong bàn tay của ai đó cả họ và ngài đều yêu mến – đó là Giáo hội Công giáo – mới làm cho mọi người thấu hiểu rằng Bênêđictô XVI không phải chỉ đơn thuần là một học giả thân thiện. Bằng gặp gỡ, cầu nguyện, và, bằng mọi cách, cả khóc với những người đã bị xúc phạm nặng nề, Bênêđictô tỏ rõ cho mọi người một cách hiển nhiên không thể nhầm lẫn, điều ai biết về ngài đều đã biết: đó là một con người mang trái tim của một mục tử và lòng nhân hậu của một linh mục chân chính.”

Phong cách mục tử của Bênêđictô XVI cũng còn được tỏ lộ khi ngài thuyết giảng tại Nhà thờ chính tòa St. Patrick ở New York. Những thách đố thẳng thừng ngài đặt ra cho thính giả, dù già dù trẻ, được dùng như là “lời nhắc nhở các mục tử thuộc mọi tông phái rằng ‘nhìn lên khi truyền giảng’, chứ không phải ‘rao truyền nhìn xuống’, là phương cách gây hứng khởi và nuôi dưỡng.”

Tất cả những điều này đi kèm theo với vẻ huy hoàng và lễ lạc bao quanh cuộc viếng thăm của một vị giáo hoàng, nhưng nếu chỉ nhìn vào vẻ hào nhoáng bên ngoài thôi sẽ bỏ mất các ý tưởng trọng yếu được Đức thánh cha nêu ra.

Đáng chú ý nhất là các “tư tưởng về đường lối mà thế giới vận hành, tư tưởng về cuộc đối thoại liên tôn giáo, và tư tưởng về hợp nhất Kitô giáo.” Cả ba loại hình tư tưởng này được kết hợp bởi một mạch chung: “dự án của Bênêđictô nhằm làm sôi động lại cuộc đàm thoại qua việc khôi phục lý trí đạo đức.”

Nhân quyền: Từ vựng Luân lý của Thế giới

Chú ý trước nhất đến “mục đích chính yếu của chuyến du hành xuyên Đại tây dương của Bênêđictô là đọc diễn từ trước đại hội đồng LHQ”, ông Weigel nói rằng mục tiêu của Đức giáo hoàng tại LHQ là trình bày cho cơ cấu thế giới một phương tiện để bắt đầu tiến trình cải cách.

Loại hình cải cách này chỉ có thể thực hiện được nếu đề cập đúng vào khó khăn của phương Tây, đó là mất “niềm tin vào lý trí”. Tây phương có “một niềm xác tín rất lung lay (niềm tin làm cơ bản cho nền văn minh Tây phương từ thời Socrate đến cuộc cách mạng khoa học) rằng con người có thể biết được chân lý của các sự việc, gồm cả chân lý đạo đức của các sự việc.”

Weigel viết: Cuộc khủng hoảng niềm tin vào lý trí “dường như đối với Bênêđictô không phải tự thân là một vấn đề nghiêm trọng, nhưng là một vấn đề chính trị nghiêm trọng: vì làm sao cuộc đàm thoại, tranh luận, và biện bác – đó là dòng máu cần thiết cho sự sống còn của các nền chính trị nhân văn – có thể xảy ra được khi mỗi người nói một ngôn ngữ khác nhau, không cùng đồng ý lời nói của một người thông dịch, và chính nhu cầu “dịch thuật” lại được nhóm người tiên phong hậu hiện đại coi là chuyện không tưởng cũ rích?”

Giải pháp mà Đức giáo hoàng chỉ ra, đó là ngôn ngữ của các quyền con người, được “xây trên nền tảng luật tự nhiên ghi trong tâm khảm con người và hiện hữu nơi các nền văn hóa và văn minh khác biệt.”

Trong khi lý luận về điểm này, Đức thánh cha đưa ra một “đòi hỏi cần sự tham gia của những người không có tín ngưỡng cũng như người có niềm tin thuộc mọi truyền thống tôn giáo coi trọng lý trí.”

Đối thoại đặt trọng tâm vào Sự Thật

“Đức giáo hoàng cũng có một số điều quan trọng và thách đố để nói lên, về chuyện biến đổi tiếng dức lác ồn ào thành cuộc đàm thoại, trong phạm vi các tôn giáo, và trong căn nhà Thiên Chúa giáo đã bị rạn nứt.”

Đức giáo hoàng, ngoài những vấn đề khác ra, đã minh định tại cuộc họp với các tôn giáo khác rằng “trong tâm trí ngài, lòng bao dung không có nghĩa là trốn tránh các dị biệt để đổi lấy những lời xã giao và những điều tầm thường vô vị; trái lại, ngài từ tốn đề nghị, đối thoại chân chính có nghĩa là coi trọng các điều dị biệt, và xem xét chúng, trong mối dây văn hóa tạo nên do sự tương kính khi kiếm tìm chân lý.”

Ông Weigel giải thích rằng đối với Bênêđictô XVI “cuộc đối thoại liên tôn giáo đích thực” không tránh né các câu hỏi khó; nó bắt đầu bằng các vấn nạn khó trả lời.”

“Thật chẳng khó khi tưởng tượng rằng, ở đây Bênêđictô XVI nghĩ đến cuộc đối thoại với Hồi giáo ngài đã chậm rãi nuôi dưỡng từ lâu: một đối thoại nhắm vào tự do tôn giáo và sự tách biệt giữa thần quyền và thế quyền trong một quốc gia. Không giống những người tham dự các cuộc đối thoại Công giáo-Hồi giáo trước kia, thường từ lâu muốn tránh né các câu hỏi đó, Bênêđictô nhấn mạnh, lặng lẽ nhưng quyết liệt, về chuyện phải bắt đầu bằng những vấn nạn này. Tiến trình của ngài có giúp hỗ trợ các nhà cải cách Hồi giáo đang làm việc để xây dựng một đạo Hồi có khả năng sống với chủ nghĩa đa nguyên và tính hiện đại về chính trị được hay không, đó là một trong những câu hỏi lớn, ở đó phần lớn lịch sử thế kỷ 21 sẽ tùy thuộc.”

Weigel sau đó đề cập đến bài diễn từ Đức giáo hoàng Bênêđictô chuyển đạt đến những người Kitô giáo hội họp trong khung cảnh đại kết, một nhóm thường có vẻ rạn nứt vì chia rẽ.

Ông Weigel chủ trương rằng, trong bài diễn văn khích động này “Bênêđictô đã nâng thách đố đại kết lên, với lời yêu cầu các nhà lãnh đạo Kitô giáo bằng hữu hãy xem xét coi những sự chia rẽ đó có đúng là đã không phản ảnh một ‘cách tiếp cận theo chủ thuyết tương đối’ với tín lý Kitô giáo và giáo huấn đạo đức chăng.”

Đức giáo hoàng chỉ rõ ra rằng cách tiếp cận theo chủ nghĩa tương đối này, thật lạ thay, lại đi song hành với các chỉ trích Thiên Chúa giáo do phía thế tục: một “chủ nghĩa tương đối” về chân lý của đức tin Kitô giáo, được hình thành bởi giả định rằng “chỉ khoa học mới là ‘khách quan”, một giả định hạ thấp tất cả các niềm tin tôn giáo đến chỗ chỉ còn là “cảm thức cá nhân trong lãnh vực chủ quan.”

Theo ông Weigel, “câu trả lời cá nhân của Bênêđictô cho vấn nạn đó, dĩ nhiên là: có.”

“Điều đó gợi ý rằng con người này – đã có thời giữ ghế giáo sư tại Tubigen - chính xác là để tiến hành sâu xa hơn cuộc đối thoại về thần học của riêng mình với các đồng nghiệp theo đạo Lutheran – nay nhận thức rằng tương lai thực của một cuộc đối thoại đại kết nghiêm chỉnh nằm ở cuộc gặp gỡ của Giáo hội Công giáo với các cộng đồng Thiên Chúa giáo (đặc biệt là, nhưng không chỉ riêng với, phái evangelical), còn tin tưởng rằng Tin mừng và kinh Tin kính vẫn đứng vững để thẩm định sự suy đoán thần học của chúng ta, chứ không phải ngược lại. Tin Mừng và kinh Tin kính, theo gợi ý của Đức giáo hoàng, là những biên giới trong đó việc đàm thoại chân thực có thể từ tiếng ồn ào đại kết mà lớn mạnh lên.”

Một trong những điều quan sát được đã kích động George Weigel về cuộc viếng thăm của Đức giáo hoàng đó là: “thật thú vị trước sự có mặt của một con người trưởng thành – một người trưởng thành đối xử với chủ nhà như những người trưởng thành, bằng cách khen ngợi họ đã biện luận nghiêm chỉnh và tự chế.”

Ông viết tiếp: Thêm vào đó, “đa số người Mỹ được xác tín rằng sự biện luận luân lý đậm nét tôn giáo có chỗ đứng trong cuộc sống công cộng; thiểu số người không có niềm tin cảm nghiệm được một nhà lãnh đạo tôn giáo biết cố gắng nói bằng một ngôn ngữ mà người không có đức tin cũng có thể hiểu được.”

Quả vậy, “bằng cách tỏ bày ra tấm lòng của người mục tử, con người là một trong những nhà trí thức nhất thế giới, hiện thân một chân lý mà cả ngài và Gioan Phaolô II đã xác tín: đức tin và lý trí cùng đi đôi với nhau.”

Phụng Nghi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 08.05.2008. 15:11