Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

ĐGH lên án chủ nghĩa bài Do thái và cầu nguyện cho sự hòa hợp giữa các tôn giáo

§ Phụng Nghi

JERUSALEM (CNS) - Tới Israel, quốc gia trọng tâm cuộc hành hương vùng Đất Thánh của ngài, Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã kết án chủ nghĩa bài Do thái và cầu nguyện cho một kỷ nguyên mới trong đó mọi người tin vào cùng một Thiên Chúa sẽ sống trong hòa bình, đối xử với nhau bằng niềm tôn trọng và công bằng.

Trong bài diễn từ khi tới phi trường Ben Gurion ở Tel Aviv, Đức giáo hoàng cầu nguyện để lời tiên tri Isaia được thực hiện và để mọi dân tộc trên thế giới sẽ đi trên đường lối của Chúa – “đường lối hòa bình và công chính, đường lối dẫn đưa đến hoà giải và hòa hợp.”

Tại phi trường, Đức giáo hoàng được chào đón bằng những cái bắt tay thân tình của Tổng thống Shimon Peres và Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng như những lời chúc mừng của các viên chức khác trong chính quyền, và của các đại diện những cộng đồng Thiên Chúa giáo, Do thái và Hồi giáo trong nước Israel.

Ngay lúc mới tới, vị giáo hoàng sinh trưởng tại nước Đức này đã tỏ lòng tưởng niệm 6 triệu người Do thái bị Đức Quốc xã sát hại trong Thế chiến II, và đã kết án chủ nghĩa bài Do thái còn đang tiếp tục tiềm ẩn khắp nơi trên thế giới.”

Ngài nói: “Điều đó không thể chấp nhận được.”

Đức giáo hoàng Bênêđictô nói với các nhà lãnh đạo: “Tôi đến đây, như rất nhiều người khác đã đến trước tôi, để cầu nguyện tại những nơi chốn thánh thiêng, để nguyện cầu đặc biệt cho hòa bình – hòa bình nơi đây trong vùng Đất Thánh, và hoà bình trên khắp thế giới.”

Đức giáo hoàng nói rằng tuy Jerusalem có nghĩa là “thành phố hòa bình”, nhưng bất hạnh thay “hàng bao thập niên qua, hòa bình đã lảng tránh một cách bi thảm những cư dân của vùng đất thánh thiêng này.”

Đức giáo hoàng Bênêđictô nói: “Con mắt của thế giới dõi nhìn vào các dân tộc nơi vùng đất này, những người đang tranh đấu để đạt thành một giải pháp lâu dài và công bằng cho những tranh chấp đã từng gây ra bao nhiêu thương đau.”

Cũng như đã phát biểu ở Jordan trong chặng đầu chuyến công du, Đức giáo hoàng Bênêđictô nói với người Israel rằng muốn có hòa bình và công lý trong khu vực này, phải cần đến lòng tôn trọng căn tính tôn giáo của mỗi người, đảm bảo cho họ được đi tới những địa điểm linh thánh của họ và công nhận quyền của cả người Israel lẫn người Palestine được sống trong an bình “nơi xứ sở quê hương của họ trong phạm vi các biên giới an toàn đã được quốc tế công nhận.”

Phát biểu tại phi trường, Tổng tống Peres nói với Đức giáo hoàng rằng ông thấy cuộc tông du của ngài là “một sứ mạng tinh thần quan trọng có ưu tiên cao nhất: một sứ mạng hòa bình, một sứ mạng gieo trồng hạt giống bao dung và nhổ bật rễ những đám cỏ dại của chủ nghĩa cuồng tín.”

Tổng thống nói: “Chúng tôi đã hòa hoãn được với Ai cập và Jordan, chúng tôi đang thương thuyết để hòa hoãn với người Palestine; chúng tôi cũng có thể đạt được một nền hòa bình toàn diện ở khu vực này trong một tương lai không xa.”

Ra tiễn Đức giáo hoàng tại phi trường ở Amman vào buổi sáng hôm đó, quốc vương Abdullah II nước Jordan nói: “Điều sống còn là phải biến công lý thành hiện thực cho tất cả những ai ngày nay đang chịu khổ đau, bất kể là vì bị chiếm đóng, bị tước đoạt hay không được tôn trọng.”

“Đã quá lâu vùng Trung Đông bị vướng mắc trong những cuộc xung đột. Đặc biệt là dân tộc Palestine đã chịu khổ đau vì bị chiếm đóng và tai họa do đó gây ra. Đã đến lúc tình cảnh này phải chấm dứt qua một cuộc dàn xếp để đảm bảo cho người Palestine quyền có được tự do, có được đất nước, và cho người Israel được công nhận cũng như sự an ninh cần thiết cho họ.”

Quốc vương nói: “Giải pháp hai quốc gia” – hoàn toàn độc lập và được công nhận, cho người Israel và người Palestine – được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, chính là vì giải pháp này đưa ra được lời cam kết duy nhất cho một nền hòa bình trường cửu.”

Vào lúc khởi đầu cuộc viếng thăm Israel và lãnh địa Palestine, Đức giáo hoàng Bênêđictô cũng đưa ra cho các cộng đồng Thiên Chúa giáo trong khu vực này những lời khuyến khích đặc biệt:

"Vì các con đã là chứng nhân trung thành với Đấng rao truyền sự thứ tha và hòa giải, vì các con đã cam kết đề cao sự thánh thiêng của mỗi sinh mạng con người, nên các con có thể góp phần đặc biệt để chấm dứt những hận thù và chiến tranh đã từ lâu làm khổ cực vùng đất này.”

Trong một khu vực tiếp tục có những cuộc thiên cư của người theo đạo Thiên Chúa, Đức giáo hoàng nói với người Công giáo sống trong vùng Đất Thánh: “Cha nguyện cầu rằng sự tiếp tục hiện diện của các con ở Israel và các lãnh địa Palestine sẽ mang lại kết quả trong việc triển dương hòa bình và tương kính nơi tất cả mọi người đang sống nơi vùng đất của Tin Mừng.”

Phụng Nghi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.05.2009. 16:33