Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đấu tranh cho nền văn hóa sự sống (3)

§ Nguyễn Kim Ngân

Bài suy tư của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Raymond L. Burke, D.D., J.C.D., Chánh Án Toà Án Tối Cao

SUY LUẬN LUÂN LÝ THEO CHỦ NGHĨA DUY CÂN XỨNG

Cội nguồn của nỗi hoang mang về luật luân lý chính là một hình thức suy luận méo mó về luân lý gọi là chủ nghĩa duy cân xứng (proportionalism) hay duy hệ quả (consequentialism). Đầy tớ Chúa, ĐGH Gioan Phaolô II, đã đề cập đến sự sai lạc của suy luận luân lý theo chủ nghĩa duy cân xứng trong Thông Điệp “Splendor Veritatis” (Chân lý ngời sáng). Xét về gốc rễ, sự sai lạc nằm ở chỗ đặt tất cả mọi vấn nạn luân lý ở trên cùng một bình diện, mà không biết phân biệt giữa các hành vi sai xấu tự nội, nghĩa là, các hành vi ở đâu và bất cứ khi nào cũng đều sai hết, với các hành vi có thể, hoặc có thể không hề xấu, tùy thuộc các điều kiện khách quan vốn đòi phải có để hành vi ấy trở thành đúng về mặt luân lý. Cũng phải kể đến sự lẫn lộn giữa cứu cánh và phương tiện, trong khi dùng cùng đích để làm tiêu chuẩn phê phán thiện tính của một hành vi, mà không hề đả động gì đến tính vô luân của phương tiện được sử dụng hầu đạt đến cùng đích. ĐGH Bênêđictô XVI đề cập đến sự tác hại của các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, khi lẫn lộn cứu cánh với phương tiện (xem BACL số 71). Ngài còn lưu ý chúng ta về sự mờ ám trong cách sử dụng hạn từ, đạo đức, trong các vấn đề về phát triển. Ngài viết: “Thật vậy, điều đó tùy thuộc phần lớn vào hệ thống luân lý mà người ta qui chiếu vào. Về chủ đề này, giáo huấn xã hội của Giáo hội có phần đóng góp đặc biệt vì giáo huấn này xây nền trên việc tạo dựng con người ‘theo hình ảnh Thiên Chúa’ (Gen 1:27); từ đó phát xuất phẩm giá bất khả vi phạm của nhân vị cũng như giá trị siêu việt của những luật luân lý tự nhiên” (BACL số 45).

Theo lối tư duy kiểu duy cân xứng thì phá thai--điều luôn luôn và bất cứ ở đâu cũng đều sai xấu—thì được đặt ngang hàng với các hành vi chiến tranh, vốn có thể, hoặc chưa chắc, đã là sai xấu. Một bài viết mới đây trong một tạp chí đạo đức sinh học Công giáo có thể cho ta một thí dụ về lối tư duy này. Tác giả cho biết ông đã bỏ phiếu cho một ứng cử viên mà ông biết rõ là người ủng hộ cho việc nghiên cứu tế bào gốc--vốn bao hàm việc dứt khoát hủy hoại mầm sống con người ngay từ giai đoạn đầu, bởi vì ông đồng ý với ứng cử viên ấy về các vấn đề khác, tỉ như “cuộc chiến tại Iraq, chăm sóc sức khỏe phổ cập, tầm quan trọng của ngoại giao và đối thoại, chính sách năng lượng, ưu tư về môi sinh, và thay đổi khí hậu toàn cầu” (W. Malcolm Byrnes, “Tự thú của một người phò-sinh ủng hộ Obama,” Tập San Đạo Đức Sinh Học Công Giáo Quốc Gia, số 9, 2009, 241). Ứng cử viên ông ta bầu cho cũng ủng hộ phá thai, kể cả phá thai trễ hạn, và hôn nhân đồng tính.”

Cũng theo lối suy tư kiểu duy cân xứng thì mỗi người đều có quyền lựa chọn những vấn đề luân lý quan trọng nhất cho mình. Thế là rốt cuộc, chẳng hề có liên quan gì đến chân lý hành động khách quan. Lối suy tư này cũng chẳng hề nhận ra rằng: nếu các thiện ích luân lý nền tảng mà không được bảo vệ, tỉ như mạng sống con người và sự thánh thiện của hôn nhân, thì các vấn đề luân lý khác, dẫu quan trọng đến mấy, cũng sẽ mất hết ý nghĩa tối hậu của nó. Cứ theo lối suy nghĩ này, thì ta vẫn có thể chấp nhận chương trình cải tổ y tế, ngay cả khi nó kéo theo luật cưỡng bức phá thai cũng như quan niệm cho rằng cải tổ y tế là vì lợi ích của những kẻ được coi là “có sản xuất” trong khi cung ứng phương tiện làm cho mau chết những người già, kẻ yếu đuối và người có nhiều nhu cầu cần trợ giúp đặc biệt, vốn thường bị coi là “vô sản xuất,” theo lối suy nghĩ của kẻ đang nắm trọn quyền lực chính trị.

Về khía cạnh này, tôi thấy cái ngôn ngữ về giá trị trong suy luận luân lý thật là thiếu sót. Cho dù ai cũng nói đến vấn đề giá trị luân lý, thế nhưng cần phải nhớ rằng ngôn ngữ về giá trị--vốn đến với chúng ta từ thế giới kinh tế--rất thường chỉ nói lên một thứ thẩm định giá trị rất tương đối. Điều đối với tôi có giá trị chưa chắc đã có giá trị đối với một người khác. Các thiện hảo khách quan, được Thiên Chúa dựng nên và thông dự vào sự tốt lành của chính Chúa, tỉ như sự sống con người và sự kết hợp của nam nữ trong hôn nhân, không dưng lại trở thành vấn đề. Thực ra, chúng thiện hảo tự bản chất, cho dù nhìn dưới bất kỳ góc cạnh nào. Chỉ khi nào ta nhìn chúng đúng y như bản chất của chúng, theo kế hoạch của Thiên Chúa, thì khi đó ta mới có thể làm được điều đúng đắn và thiện hảo. Và cũng chỉ khi đó ta mới tìm được niềm hạnh phúc trong một tương quan xác đáng với người khác và với thế giới.

Dù ta có thiện ý đến đâu chăng nữa khi dùng đến hình ảnh chiếc áo không có đường may để ám chỉ các vấn đề luân lý về sự sống con người, nó vẫn mang hơi hướng của lối suy nghĩ duy cân xứng, trong đó, tỉ như hành động chiến tranh, án tử hình, phá thai, nghiên cứu tế bào gốc, và an tử, đều được nhìn như những vấn đề có sức nặng luân lý ngang nhau. Nói cách khác, hình ảnh chiếc áo không có đường may ấy bao hàm cả việc phân biệt giữa hành vi sai xấu tự nội với hành vi không sai xấu tự nội, nhưng có thể trở thành sai xấu, nếu được thi hành một cách bất công. Các câu hỏi luân lý liên quan đến việc bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống con người thì đều liên quan đến nhau, thế nhưng chúng không hề có sức nặng như nhau. Nếu dùng hình ảnh chiếc áo thì phải nói rằng chúng không được dệt bằng cùng một thứ vải. Khi dùng ẩn dụ chiếc áo không đường may, cho dủ mục đích là để thăng tiến nền văn hóa sự sống, nhưng phải nói thật rằng nó được sử dụng để biện minh cho việc chấp nhận các hành vi hoàn toàn đối chọi lại với nền văn hoá sự sống nhân danh việc đạt đến một sự thiện hảo nào đó. Cho dù ai đó có thành tâm thiện chí đến mấy khi sử dụng luận cứ chiếc áo không đường may, thì họ vẫn sai khi đặt các hành vi sai xấu tự nội--tức là các hành vi sai xấu về mặt luân lý bất cứ khi nào và bất cứ nơi nào—ngay cùng bình diện với các hành vi, mà theo phán đoán khôn ngoan, có thể không đủ sức mạnh bảo vệ được sự sống con người.

Tương tự như thế, ngôn ngữ về ‘sân khấu chung’ được sử dụng nhằm cổ võ cho lối suy luận luân lý theo chủ nghĩa duy cân xứng hoặc duy hệ quả. Nếu hiểu đúng, sân khấu chung chính là miền đất của sự thiện luân lý. Nó được thiết lập bởi điều thiện hảo khách quan. Ngược lại, nếu hiểu nó như một thỏa hiệp về một số sự thật luân lý nhằm tạo sự hòa đồng với những ai chối bỏ một sự thật luân lý, tỉ như, sự sai xấu tự nội của việc phá thai hoặc an tử, thì đây sẽ là một phản bội lại thiện hảo, và sẽ chỉ dẫn đến sự tai hại cho mình, cho người khác, và cho chính xã hội nữa.

Có đôi lúc, ta nghe thấy rằng, với tư cách là Kitô hữu, là những tông đồ của Tin Mừng Sự Sống, chúng ta phải cẩn thận để sống hoà hợp với xã hội, chứ đừng tách mình ra khỏi xã hội hoặc tỏ ra là phản-văn-hóa. Thứ ngôn ngữ này rõ ràng không phù hợp với cốt lõi của Tin Mừng, nghĩa là “một dấu vấp phạm” (x. Lk 2:34). Cùng lúc ấy, ta không thể không nghĩ đến ý nghĩa của việc Kitô hữu hoà đồng với người khác và có thái độ chính xác về mặt chính trị tại các quốc gia trong đó các vị lãnh đạo đã theo đuổi các nghị trình đầy chết chóc và chủ nghĩa độc tài lúc nào cũng hăng say đẩy mạnh nghị trình ấy.

Một cách nào đó, lương tâm chúng ta đã trở thành lú lẫn trước sức nặng của một số vấn đề luân lý. Khi xu hướng loại trừ việc phá thai hợp pháp tại đất nước này bị bác bỏ như là một lối tiếp cận thuộc loại “vấn đề đơn độc,” như là mối ám ảnh của “quyền lợi tôn giáo” vốn chẳng kể gì đến toàn thể các vấn đề luân lý, thì ta đã đánh mất cảm thức về niềm kinh hãi khi phải phá bỏ một mầm sống trong bụng người phụ nữ. Cũng vậy, khi việc từ chối sự dinh dưỡng và bỏ cho chết khát người bệnh nan y bị coi là “vấn đề đơn độc” thì chúng ta đã đánh mất cảm thức về niềm kinh hãi khi từ chối sự săn sóc căn bản dành cho một người anh chị em đang bị suy nhược vì một lý do nào đó. Đây không hề là một vấn đề đơn độc, mà là điều nền tảng của chính sự sống và của xã hội. Tôi nhớ đến những lời nói của Tôi Tớ Chúa, ĐGH Gioan Phaolô II: “Việc chấp nhận phá thai—theo đầu óc của đại chúng, trong động thái và ngay cả trong chính luật lệ--đã cho thấy dấu hiệu của một cơn khủng hoảng cực kỳ nguy hiểm về cảm thức luân lý, vốn ngày càng khiến cho người ta mất khả năng phân biệt tốt xấu, ngay cả khi quyền sống căn bản đang bị xâm hại. Đứng trước một tình huống nghiêm trọng đến thế, hơn bao giờ hết, ta càng phải can đảm hơn để nhìn thẳng vào sự thật, cũng như gọi sự vật bằng đúng tên gọi của chúng, mà không nhượng bộ theo kiểu thỏa hiệp dễ dàng, hoặc thúc thủ trước cơn cám dỗ tự lừa dối mình” (Thông Điệp “Tin Mừng Sự Sống,” ngày 25 tháng 3 năm 1995, số 58).

CÔNG ÍCH

Sau hết, khi đẩy mạnh nền văn hoá sự sống, ta phải minh bạch về ý nghĩa khách quan của công ích. Công Đồng Đại Kết Vaticanô II đã miêu tả công ích như là “toàn thể các điều kiện xã hội, vốn cho phép con người, dù tập thể hay cá nhân, đạt đến sự thành toàn của mình đầy đủ hơn và dễ dàng hơn (Hiến Chế “Vui Mừng và Hy Vọng,” ngày 7 tháng 12 năm 1965, số 26). Việc thành toàn của cá nhân và xã hội không hề là một quyết đoán chủ quan của giới cầm quyền. Đó là sự thành toàn đã được ghi khắc vào chính bản chất con người, vào chính thiên nhiên. Đó là sự thành toàn mà bởi đó Thiên Chúa tạo dựng nên ta, nên trời đất, chứ không phải là sự thành toàn, mà vào một thời điểm nào đó, ta thấy hấp dẫn và hữu dụng. Thật là thú vị khi thấy từ vựng Anh ngữ ‘fulfillment/thành toàn’ được dịch từ La ngữ ‘perfectio,’ nghĩa là sự thiện toàn của cá nhân hay đoàn thể, theo bản chất và cứu cánh riêng của con người. Trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập, sự thành toàn hay thiện toàn khách quan mà công ích hằng bảo vệ và thăng tiến thì được mô tả là “Sự Sống, Tự do, và Theo Đuổi Hạnh Phúc.”

Trong lúc đẩy mạnh nền văn hóa sự sống, ta phải minh bạch về bản chất khách quan của công ích và về sự thành toàn nó có thể đem lại. Không phải người nào sử dụng hạn từ ‘công ích’ cũng đều thấu hiểu ý nghĩa của nó. Mới đây, trong một bài viết phê bình bài diễn văn của TT Obama đọc tại viện Đại Học Notre Dame vào ngày 17 tháng Năm, 2009 vừa qua, một thần học gia Công giáo bên Âu Châu đã nhận xét như sau: “Trên thực tế, bài diễn văn tại viện Đại Học Notre Dame xem ra vương vãi những điểm tham chiếu từ truyền thống Kitô giáo. Tỉ như có một lối nói được lập đi lập lại nhiều lần, đó là ‘sân khấu chung,’ nghe rất phù hợp với một khái niệm căn bản trong giáo huấn của Giáo Hội về xã hội, đó là khái niệm ‘công ích.’” (Georges Cottier, O.P., “La politica, la morale e il peccato originale,” 30 tháng 6 năm 2009, số 5, trang 33)

Công ích ám chỉ một thành toàn khách quan, không được định nghĩa bởi sự đồng thuận của một số người. Công ích được định nghĩa bằng chính cuộc tạo dựng đến từ bàn tay của Tạo Hóa. Chẳng những ý niệm về sân khấu chung không hề phù hợp với thực tại của công ích, mà nó còn đối nghịch với công ích là đàng khác (tỉ như trong xã hội có thể có sự đồng thuận về việc thừa nhận là thiện hảo hay tốt đẹp một điều gì đó trong thực tế là một điều sai xấu ở mọi nơi và mọi lúc).

Nói theo ngôn từ của ĐGH Bênêđictô XVI thì công ích “chính là lợi ích của ‘chúng ta tất cả,’ từ từng cá nhân, gia đình và những nhóm nhỏ, tạo thành một cộng đoàn xã hội…Dấn thân cho công ích có nghĩa là, một mặt bảo vệ và mặt khác phục vụ cho toàn bộ các cơ chế qui định đời sống xã hội về mặt pháp lý, dân sự, chính trị và văn hóa, với cách thức này đời sống xã hội trở thành POLIS (thành phố)” (BACL số 7). ĐGH còn an ủi và thúc đẩy chúng ta tiến bước trong việc tìm kiếm công ích: “Tình yêu Thiên Chúa kêu gọi chúng ta vượt qua tất cả những gì ngăn cách và chóng qua; củng cố sức lực chúng ta để tiếp tục làm việc trong công cuộc tìm kiếm công ích cho mọi người, cho dù chưa hiện thực ngay bây giờ; và những gì chúng ta cố gắng hiện thực – chúng ta và những nhà chức trách chính trị và chuyên viên kinh tế – vẫn luôn thấp kém hơn những gì chúng ta khao khát. Thiên Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu và để chịu đau khổ vì tình yêu, lo lắng cho công ích, vì Người là TẤT CẢ cho chúng ta, là hy vọng vĩ đại của chúng ta.” (BACL, số 78)

KẾT LUẬN

Hy vọng rằng những suy tư này giúp ta có được niềm hưng phấn mới và nghị lực mới trong cuộc đấu tranh cho nền văn hóa sự sống tại đất nước này. Cuộc đấu tranh rất cam go và đối phương thì đông đảo và xảo quyệt. Nhưng chiến thắng thì đã đạt được, và Vị Chiến Thắng chưa hề bao giờ bỏ rơi ta trong cuộc tranh đấu, bởi vì Ngài luôn trung tín với lời đã hứa với ta: “Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ta biết rằng, nếu ta nói lên sự thật và sống sự thật, là chính Chúa Kitô là Chúa trời đất, thì ta sẽ nuôi dưỡng được một nền văn hóa sự sống tại đất nước này, một nền văn hóa trong đó “Sự Sống, Tự Do, và Sự Theo Đuổi Hạnh Phúc” sẽ được bảo vệ và dưỡng nuôi cho mọi người, vượt mọi biên giới và không hề loại trừ ai.

Ta hãy phó thác bản thân và tổ quốc cho lời chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, dưới tước hiệu Mẹ Guadalupe, mà ta hằng yêu mến sùng mộ. Qua sự che chở ân cần không ngừng, Mẹ sẽ đem chúng ta và quốc gia này đến với sự thật, đến với người Con Từ Ái của Mẹ là Chúa Giêsu Kitô. Tôi xin mượn lời kinh mà ĐGH Bênêđictô XVI đã dùng để kết thúc Thông Điệp “Bác Ái trong Chân Lý” của Ngài để kết thúc là thư này:

“Đức Trinh nữ Maria, Đấng đã được Đức giáo hoàng Phaolô VI tuyên bố là Mẹ Hội thánh (Mater Ecclesiae) và được các Kitô hữu tôn vinh là ‘Speculum iustitiae’ (Gương công lý) và ‘Regina Pacis’ (Nữ Vương bình an), xin Mẹ che chở, và qua lời cầu bầu trên thiên quốc của Mẹ, ban cho anh chị em sức mạnh, hy vọng và niềm vui mà chúng ta đang cần để tiếp tục dấn thân cách quảng đại để thực hiện “sự phát triển con người toàn diện và tất cả mọi người” (BACL số 79).

Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, 11/29/09

Nguyễn Kim Ngân (phỏng dịch)

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 30.11.2009. 11:23