Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đấu tranh cho nền văn hóa sự sống (2)

§ Nguyễn Kim Ngân

Bài suy tư của Đức Tổng Giám Mục (TGM) Raymond L. Burke, D.D., J.C.D., Chánh Án Toà Án Tối Cao

Lại thêm một bản tin buồn về một thế giới ngày càng tục hóa: Theo Zenit.org ngày 4 tháng 11, 2009 vừa qua, thì Vaticăng đã biểu lộ “niềm kinh ngạc” và “tiếc nuối” khi Toà Án Nhân Quyền Châu Âu ra phán quyết rằng “tượng chịu nạn treo trong các lớp học thuộc hệ thống học đường công lập là một vi phạm tự do.”

Cha Federico Lombardi, trưởng phòng báo chí tòa thánh, lên tiếng như sau: “Tượng chịu nạn luôn luôn là một dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa, dấu chỉ hiệp nhất và dấu chào mừng cho toàn thể nhân loại. Thật là đáng tiếc khi đó lại bị coi là dấu chỉ của chia rẽ, loại trừ và giới hạn tự do. Không phải thế, hoàn toàn không phải thế, trong tâm tư tình cảm của dân tộc chúng tôi.” Ngài nói thêm: “Tôn giáo là một đóng góp qúy báu cho việc đào tạo con người và cho sự phát triển luân lý. Nó là một cấu tố thiết yếu tạo ra nền văn minh chúng ta. Thật là sai lầm và thiển cận khi muốn loại bỏ nó khỏi lãnh vực giáo dục. Riêng về Tòa Án Châu Âu thì thật hết sức ngạc nhiên khi nó can thiệp trắng trợn vào một vấn đề vốn có một mối liên hệ sâu đậm với căn tính của dân tộc Ý, về mặt lịch sử, văn hóa, lẫn tinh thần. Hình như người ta đang cố “chơi bản tình lờ” đối với vai trò thiết yếu--vốn đã từ lâu và sẽ còn tiếp tục như thế-của Kitô giáo trong việc đào tạo căn tính Châu Âu. Trong khi đó, chính phủ Ý quyết liệt phản đối phán quyết nêu trên, cho rằng tượng chịu nạn treo tại các trường công lập chính là biểu tượng văn hóa và lịch sử của quốc gia.

Riêng tại Hoa Kỳ, tuần qua dự luật cải tổ y tế đã được thông qua dù với tỉ lệ sát nút. Cái giá của sự thông qua này chính là Tu chính án Stupak--đặt theo tên của Dân biểu Dân Chủ Công giáo, Bart Stupak, tác giả Tu chính án, và cũng là Đại diện Hiệp Sĩ Kha-luân-bố. Với tuyệt đại đa số là phe Dân Chủ kiểm soát cả hai ngành lập pháp lẫn hành pháp, cứ tưởng rằng dự thảo cải tổ y tế phò phá thai sẽ chắc chắn được thông qua dễ dàng! Nhưng thực tế đã cho thấy khác hẳn: chỉ sau khi Tu chính án Stupak được cài vào, dự luật cải tổ mới được thông qua. Điều này Dân biểu VN Cao Quang Ánh phải là người biết rõ nhất. Sức mạnh của “thiểu số đầy sáng tạo” đã được bộc lộ. “Thiểu số đầy sáng tạo” là thuật ngữ mà ĐGH Bênêđictô đã sử dụng trong chuyến tông du Tiệp Khắc vừa qua. Nguyên văn lời nói của Ngài như sau: “Cha muốn nói rằng, cứ sự thường thì chính một thiểu số có óc sáng tạo sẽ định hướng cho tương lai. Trong ý nghĩa này, Giáo Hội Công giáo cần hiểu rằng mình chính là nhóm thiểu số đầy sáng tạo đó, một thiểu số đang mang theo cả một di sản là các giá trị vốn không hề là những thứ còn lại của quá khứ, mà là một thực tại rất linh hoạt và hợp thời. Giáo Hội phải canh tân để có thể hiện diện trong cuộc đối chất công khai” (zenith.org ngày 11/10/09).

Trong tâm tình này, xin mời bạn đọc tiếp tục lắng đọng với những suy tư thời sự của Đức TGM Raymond Burke sau đây.

ĐỨC TIN VÀ ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ

Về đức tin và đời sống chính trị, tại đất nước chúng ta hiện đang nẩy sinh một thứ ý niệm sai lạc rằng: để trở thành một công dân thực thụ, người Kitô hữu hoặc bất kỳ ai có niềm tin đều phải tách rời đời sống đức tin ra khỏi đời sống chính trị. Theo lối này, thì người Kitô hữu--về phương diện cá nhân, vì là thành viên trung thành của Giáo Hội--do đó cũng phải tuân giữ những đòi hỏi của luật luân lý tự nhiên. Thế nhưng, trong đời sống chính trị, họ lại ngang nhiên hỗ trợ và bênh vực cái quyền được vi phạm luật luân lý đến tận cái cốt lõi và nền móng sâu xa nhất. Chính vì thế mà ta chứng kiến những vị tự nhận là Công giáo mà lại năng nổ bênh vực và hết mình hỗ trợ cho người phụ nữ có quyền sinh sát đối với cái bào thai trong bụng mình, hoặc cho hai người đồng tính có quyền được Tiểu Bang nhìn nhận y hệt như một người nam và một người nữ trong đời sống hôn nhân. Một người Công giáo chân chính không thể hành xử như thế trong đời sống chính trị.

Lối hành xử ấy cũng không phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của quốc gia và chính phủ chúng ta. Cho dù Tu Chính Án Thứ Nhất bảo đảm quyền tự do tôn giáo, ngăn cấm những việc thực hành công khai có tính cách thuần túy tuyên tín, nhưng nó vẫn nuôi dưỡng việc giáo huấn và tuân giữ luật luân lý, mà ai cũng công nhận, bởi nó nằm trong chính trọng tâm của mọi tôn giáo chân chính. Còn có thể gọi là chính quyền nữa hay không, nếu họ yêu cầu các công dân cũng như giới lãnh đạo chính trị cứ việc hành xử mà không cần tham chiếu những đòi hỏi căn bản của luật luân lý?

Cho dù tôn giáo chân chính giảng dậy luật luân lý tự nhiên, nhưng việc tuân giữ luật luân lý lại không phải là một việc thực hành mang tính chất tuyên tín. Đúng ra, đó là lời đáp trả cho điều đã khắc sâu trong đáy tim con người. Niềm tin tôn giáo chỉ phát biểu luật luân lý tự nhiên, khiến cho những con người của lòng tin biết sẵn sàng hơn nữa để nhận ra điều bản tính nhân loại và bản tính sự vật đòi hỏi, cũng như sống sao cho phù hợp với chân lý mình đã nhìn nhận. Vì lẽ đó, các nhà lập quốc của chúng ta đã thừa nhận tầm quan trọng của niềm tin tôn giáo tác động trên nhịp sống của toàn quốc gia. Quả thế, quyền tự do tôn giáo nhắm đến việc bảo vệ và thực hành niềm tin tôn giáo vì lợi ích chung. Trong Thông Điệp “Caritas in Veritate”, ĐGH đã nhắc nhở ta rằng: “Kitô giáo và các tôn giáo khác có thể đóng góp phần mình vào sự phát triển, khi Thiên Chúa có được vị trí của Người trong lãnh vực công cộng, điều này bao gồm những chiều kích văn hóa, xã hội, kinh tế và đặc biệt chính trị. Giáo huấn xã hội của Giáo hội được hình thành để đòi “quyền công dân” của Kitô giáo. Việc phủ nhận quyền tuyên xưng đức tin nơi công cộng và quyền đem ra thực hành những chân lý đức tin tác động trên đời sống công cộng, sẽ mang theo những hậu quả tiêu cực cho việc phát triển đích thực. Việc loại bỏ tôn giáo ra khỏi bình diện công cộng – và ở một cực đoan khác là chủ trương bảo thủ cực đoan – sẽ ngăn cản việc gặp gỡ giữa con người và sự cộng tác của họ cho sự tiến triển nhân loại. Đời sống công cộng sẽ nghèo nàn và chính trị sẽ mang bộ mặt đàn áp và gây hấn. Nhân quyền sẽ gặp nguy hiểm vì không còn được tôn trọng, hoặc vì nền tảng siêu việt của nhân quyền bị cướp mất hay vì sự tự do của con người không được công nhận. Cả chủ thuyết thế tục hóa lẫn chủ trương bảo thủ cực đoan đều làm cho con người mất khả năng có được một sự đối thoại đầy hiệu năng và sự cộng tác đầy thắng lợi giữa lý trí và niềm tin tôn giáo. Lý trí luôn cần được đức tin thanh luyện, điều này cũng áp dụng cho lý trí chính trị, thứ lý trí này không được phép cho mình là toàn năng. Mặt khác, tôn giáo cũng cần để lý trí thanh luyện, để có thể bày tỏ khuôn mặt mang tính nhân bản đích thực. Sự đổ vỡ cuộc đối thoại này phải trả một giá đắt cho sự phát triển nhân loại.” (số 56)

Hiện nay, tại quốc gia này, niềm tin Kitô giáo đang mang một trọng trách là phát biểu minh bạch luật luân lý tự nhiên cũng như những đòi hỏi của nó. Do ảnh hưởng liên lỉ của một thứ triết học duy lý và duy thế tục, vốn lấy con người--chứ không phải Thiên Chúa—làm thước đo tối hậu cho cái tốt và cái đẹp, ta như bị hoang mang bối rối khi đối diện với các chân lý căn bản nhất, tỉ như phẩm giá bất khả xâm phạm của đời sống con người vô tội, từ giây phút đầu thai cho đến khi nhắm mắt chết tự nhiên, cũng như sự toàn vẹn của hôn nhân giữa một người nam và người nữ xét như tế bào tiên khởi và bất khả thay thế của đời sống xã hội. Khi không phát biểu và tuân thủ luật luân lý tự nhiên, người Kitô hữu đã không làm tròn bổn phận của người công dân yêu nước bằng việc phục vụ công ích. ĐGH Bênêđictô XVI nhắc nhở ta rằng “luật luân lý tự nhiên phổ quát là nền tảng vững chắc cho một cuộc đối thoại mang tính chất văn hóa, tôn giáo và chính trị, chấp nhận một sự đa nguyên, đa dạng của nhiều nền văn hóa khác nhau, hợp tác để cùng nhau tìm những gì là chân, thiện và Thiên Chúa.” (BACL số 59) Khi nói đến nhược điểm của nền văn hóa hiện nay, tức là “một lương tâm không còn nhận ra đâu là tính nhân bản nữa,” ĐGH Bênêđictô XVI đã tuyên bố: “Thiên Chúa mạc khải con người cho chính họ; lý trí và đức tin có thể sát cánh trong việc chứng minh cho chúng ta biết điều gì là tốt, miễn là chúng ta muốn thấy; luật tự nhiên là nơi mà Lý trí sáng tạo chiếu soi, luật ấy mạc khải sự vĩ đại của chúng ta nhưng cũng cho ta thấy sự khốn cùng của con người khi nó không nhận biết tiếng gọi của sự thật luân lý.” (BACL, số 75)

THỰC TẠI CỦA CỚ VẤP PHẠM

Khi nhìn nhận trách nhiệm của người Kitô hữu cũng như của những con người thành tâm trong việc phát biểu và tuân thủ luật luân lý, chúng ta cũng nhìn nhận thực tại của cớ vấp phạm mà một số những Kitô hữu không tuân thủ luật luân lý này trong đời sống công khai. Một khi đã tự nhận là Kitô hữu mà đồng thời lại ủng hộ các chính sách cho phép sát hại mạng sống của người vô tội và không có khả năng tự vệ, hoặc yểm trợ các luật lệ cho phép xâm phạm sự toàn vẹn của hôn nhân và gia đình, thì các công dân ấy đã tỏ ra hoang mang dẫn tới những sai lạc về các điều khoản của luật luân lý. Hiện nay người ta rất ngại khi phải đề cập tới cớ vấp phạm, coi nó chỉ như một hiện tượng xẩy ra cho những người có đầu óc nhỏ mọn và u mê, để rồi trở thành một thứ dụng cụ họ dùng để kết án người khác một cách sai lầm. Hẳn nhiên là cũng có loại cớ vấp phạm của người biệt phái, nghĩa là, cắt nghĩa với ác ý về một sự thiện luân lý hoặc về các hành vi của người khác vốn chẳng dính dáng gì đến luân lý cả. Đó là trường hợp “gương mù” theo lối hiểu của nhóm Biệt Phái khi Chúa Giêsu, trong ngày Sabbat, đã chữa lành cho người mù từ thuở mới sinh (x. Jn 9:13-34).

Nhưng có cả gương mù đúng nghĩa nữa, đó là dùng lời nói, hành động, cũng như những hành vi thiếu sót, dẫn đến hoang mang, sai lầm, và tội lỗi. Chúa Giêsu đã có thái độ rõ ràng dứt khoát khi lên án những kẻ gieo rắc hoang mang và dùng hành động đưa người khác vào vòng tội lỗi. Chúa đã giáo huấn các môn đệ về vấn đề cám dỗ như thế này: “Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã; nhuưg khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô nó xuống biển còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã.” (Lk 17:1-2)

Rõ ràng là Chúa Giêsu đã dậy phải hết sức thận trọng, cân nhắc những hệ quả nặng nề nhất trong việc xa tránh cớ vấp phạm—nghĩa là hành vi hoặc sự thiếu sót nào có thể đưa người khác vào vòng tội lỗi. Lời Chúa—như đã thấy trên--thật hết sức cứng rắn.

Sự kiện những người Công giáo, trong đời sống công khai, liên tục vi phạm luật luân lý liên quan đến tính bất khả xâm phạm của sự sống con người hoặc sự toàn vẹn của sự kết hợp phu thê, đã khiến nhiều người tỏ ra hoang mang, thậm chí còn có quan niệm sai lạc về những giáo huấn luân lý nền tảng nhất. Nếu ta làm ngơ sự kiện này thì sẽ càng gây thêm hoang mang lầm lạc, càng gia tăng sự thiệt hại nghiêm trọng đối với các người anh chị em, và cho toàn thể quốc gia dân tộc. Vì lý do đó, và còn nhiều lý do khác nữa, kỷ luật xưa nay của Hội Thánh là cấm không cho tham dự phần Hiệp Lễ cũng như được phép an táng trong thánh đường đối với những ai, sau khi được khuyến cáo, mà vẫn tiếp tục vi phạm luật luân lý một cách nghiêm trọng (Giáo Luật, cann. 915; và 1184, §1, 3º).

Có người cho rằng những loại kỷ luật vừa nói—Giáo Hội đã liên lỉ áp dụng qua hàng bao thế kỷ nay rồi--thực ra chỉ đến sau sự phán xét về phần rỗi đời đời của một linh hồn, điều này hoàn toàn là quyền duy nhất của Chúa, do đó phải được bãi bỏ. Không phải thế đâu, điều trái ngược lại mới đúng. Các kỷ luật này không hề là sự phán xét về phần rỗi đời đời của một linh hồn, mà là sự thừa nhận chân lý khách quan này là: các hành vi công khai của linh hồn ấy đã rõ rang vi phạm luật luân lý, làm phương hại cho chính người ấy, và di hại nghiêm trọng cho tất cả những ai đã đi đến chỗ hoang mang hoặc sai lầm do bởi các hành vi của người ấy. Hội thánh trao phó mỗi linh hồn cho lòng thương xót Chúa--điều này vượt xa trí tưởng của ta—nhưng không vì thế mà Giáo hội được miễn khỏi việc công bố sự thật của luật luân lý, cho dù phải dùng đến biện pháp kỷ luật xưa cũ, vì lợi ích phần rỗi của mọi người.

Khi một ai đó công khai yểm trợ và hợp tác với các hành vi tội lỗi nghiêm trọng, khiến cho nhiều người đi đến chỗ hoang mang, lầm lạc về các vấn nạn nền tảng như tôn trọng sự sống con người và sự toàn vẹn của hôn nhân và gia đình, thì sự thống hối của người ấy cũng phải được công khai hóa. Người ấy phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về cớ vấp phạm nghiêm trọng mình đã gây ra. Trách nhiệm này thực sự nặng nề đối với các vị lãnh đạo chính trị. Sự đền bù lại duyên cớ vấp phạm phải khởi sự bằng việc công khai nhìn nhận lỗi lầm của mình, và công khai tuyên bố rằng mình hoàn toàn chấp nhận luật luân lý. Linh hồn nào biết nhìn nhận sự nghiêm trọng của điều mình đã làm, tất sẽ hiểu ngay rằng mình cũng phải công khai hóa sự hối lỗi của mình.

Nếu việc gây ra cớ vấp phạm cho người khác qua các hành vi tội lỗi (hay thiếu sót) công khai và nghiêm trọng lúc nào cũng nguy hại, thì sự nguy hại ấy trong thời đại hôm nay lại càng gia trọng hơn nữa. Do bởi sự hoang mang về luật luân lý--vốn thấy được nhan nhản trong các diễn từ công cộng, thậm chí trong cả những luật lệ và công bố pháp lý--người Kitô hữu lại càng có lý do và trách nhiệm nặng nề trong việc phát biểu minh bạch và tuân thủ luật luân lý hơn nữa. Có một thứ âm mưu xảo quyệt nào đó trong xã hội hôm nay, khiến cho người ta trong khi hết sức hoang mang về những thiện ích căn bản nhất, thì lại cũng tin rằng cớ vấp phạm chỉ là một chuyện của quá khứ xa xưa. Chính vì thế mà ta thấy được bàn tay lông lá của kẻ mệnh danh là “Cha kẻ nói dối” đang thao túng khiến cho người ta coi thường cớ vấp phạm hay coi đó chỉ là trò cười, thậm chí còn chỉ trích những kẻ cảm nghiệm được cớ vấp phạm ấy. Khi dậy về mối tương quan giữa sinh thái học nhân bản và sinh thái học môi trường, ĐGH Bênêđictô XVI đã nhấn mạnh đến sự mâu thuẫn trong “thái độ luân lý của toàn thể xã hội,” vốn làm cho ta, và nhất là giới trẻ đi đến chỗ hoang mang và lầm lạc: “Khi quyền được sống và quyền được chết một cách tự nhiên không được tôn trọng, khi việc thụ thai, mang thai và sinh hạ của con người chỉ được thực hiện theo kỹ thuật, khi các phôi người dành cho việc khảo sát tìm tòi, cuối cùng ý niệm môi sinh nhân bản sẽ bị chao đảo và cùng với nó, ý niệm về môi sinh môi trường cũng bị loại ra khỏi ý thức chung của con người. Thật là một điều nghịch lý khi đòi hỏi các thế hệ mới phải tôn trọng môi trường tự nhiên, trong khi giáo dục và luật lệ không giúp gì để họ tự tôn trọng chính mình. Quyển sách thiên nhiên là duy nhất và không thể phân chia, cũng như môi trường của sự sống và các bình diện tính dục, hôn nhân, gia đình, liên hệ xã hội, tắt một lời, của sự phát triển toàn diện con người. Những trách nhiệm của chúng ta đối với môi trường liên kết với các trách nhiệm mà chúng ta phải có đối với con người tự tại và trong liên hệ với những kẻ khác. Người ta không thể đòi buộc một trách nhiệm và giẫm đạp lên các trách nhiệm khác. Đây là một điều nghịch lý nặng nề của tâm thức và thực hành của ngày nay, làm cho con người chán nản, khuynh đảo môi trường và gây hại cho xã hội.” (BACL số 51)

Một trong các điều thật đáng mỉa mai của thời đại hôm nay là khi có ai đó cảm nghiệm được cớ vấp phạm nơi hành vi tội lỗi công khai và nghiêm trọng của một người bạn Công giáo thì tức khắc người ấy sẽ bị coi là thiếu tình bác ái và gây chia rẽ làm hại đến tình hiệp nhất của Giáo Hội. Trong một xã hội mà suy tư bị kềm kẹp bởi “tính bạo ngược của chủ nghĩa tương đối,” và sự chính xác về chính trị cũng như tôn trọng nhân bản phải là khuôn vàng thước ngọc cho điều phải làm và điều phải tránh, thì cái khái niệm về việc “dẫn đưa người khác vào vòng lầm lạc luân lý” liệu còn có ý nghĩa gì chăng? Trong một xã hội như thế, điều người ta quan tâm chỉ là ai đó không tuân thủ sự chính xác về chính trị và vì đó mà phá rối trị an trong một xã hội yêu chuộng hòa bình. Tuy nhiên, nói dối, hoặc không nói sự thật, thì không bao giờ có thể là dấu chỉ của bác ái được. Sự hiệp nhất nào không được xây dựng trên sự thật của luật luân lý thì đó không phải là sự hiệp nhất của Hội Thánh, vốn chỉ được xây dựng trên việc nói lên sự thật bằng tình yêu. Người biết cảm nghiệm cớ vấp phạm gây ra do một người Công giáo nào đó có các hành vi công khai phản lại luật luân lý một cách nghiêm trọng, không những không phá bỏ sự hiệp nhất, mà trái lại còn kêu mời Giáo hội tự sửa sai, tự hàn gắn những đổ vỡ của chính mình. Nếu không biết cảm nghiệm cớ vấp phạm từ sự công khai hỗ trợ việc tấn công vào sự sống con người và gia đình, thì lương tâm của ta sẽ mãi mãi vô tri hoặc u mê về những thực tại linh thiêng nhất.

(còn tiếp 1 kỳ)
11/13/09

Nguyễn Kim Ngân

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 14.11.2009. 09:34