Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đàng Thánh Giá Ngày Quốc Tế giới trẻ tại Sydney

§ Lm Trần Đức Anh, OP

SYDNEY. Chiều thứ sáu 18-7-2008, 250 ngàn bạn trẻ và các tín hữu đã tham dự các hoạt cảnh trong Đàng Thánh Giá được cử hành trong khuôn khổ Ngày Quốc Tế giới trẻ thứ 23 tại Sydney bên Úc.

Khác với những lần trước đây có tính chất 'truyền thống', buổi đi Đàng Thánh Giá trong Ngày Quốc Tế giới trẻ lần này có đặc tính Kinh Thánh nhiều hơn, và gồm 13 chặng dựa theo các biến cố được Kinh Thánh kể lại rõ ràng. Hình thức này đã được Đức Phaolô 6 phê chuẩn trong năm thánh 1975 và cũng đã được Đức Gioan Phaolô 2 sử dụng nhiều lần.

Chặng thứ I diễn ra lúc 3 giờ chiều tại tiền đường Nhà Thờ chính tòa với hoạt cảnh Chúa Giêsu dùng bữa tiệc ly với 12 môn đệ và lập phép Thánh Thể (Mc 14,17-26). Giuđa kẻ phản bội bỏ ra đi để chuẩn bị giao nộp thầy mình.

ĐTC Biển Đức 16 đã đọc kinh nguyện cuối chặng thứ nhất kết thúc với Kinh Lạy Cha và Kinh Kính Mừng. Sau khi đọc kinh nguyện này, ngài xuống tầng hầm của Nhà Thờ chính tòa để tham dự qua truyền hình buổi đi đàng Thánh Giá của các bạn trẻ, lần lượt diễn ra tại 5 nơi trong thành phố Sydney. Trong chặng thứ 7, một thanh niên thổ dân, mang áo da Canguru đã đóng vai ông Simon xứ Xirênê vác đỡ thánh giá Chúa. Các chặng cuối cùng của đàng Thánh Giá tại khu vực bến tầu Barangaroo.

Các bạn trẻ và tín hữu tụ tập tại 5 địa điểm và theo dõi qua các màn hình khổng lồ. Các hoạt cảnh trong buổi đi đàng thánh giá dài 2 giờ 45 phút do LM Franco Cavarra thuộc giáo phận Melbourne dàn cảnh với sự cộng tác của 100 diễn viên, đặc biệt là anh Alfio Stuto 27 tuổi người Úc gốc Ý, thủ vai Chúa Giêsu. Cha Cavarra nguyên là đạo diễn kịch trường.

Buổi đi đàng thánh giá cũng được trực tiếp truyền đi qua nhiều đài truyền hình với số khán thính giả được ước lượng vào khoảng 500 triệu người.

Hoạt động của ĐTC

Trước đó, vào ban sáng, ĐTC đã gặp gỡ và cầu nguyện đại kết với 15 vị lãnh đạo các Giáo Hội Kitô không Công Giáo tại tầng hầm Nhà Thờ chính tòa Đức Maria, cạnh tòa TGM. Trong bài giảng sau đoạn thư thánh Phaolô, trích từ thư gửi tín hữu Ephêsô (2,19-22), ĐTC ghi nhận nước Úc gồm nhiều chủng tộc và tôn giáo khác nhau, và quốc gia này nhìn nhận tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Đây là một quyền căn bản, nếu được tôn trọng, thì sẽ để cho các công dân được hành động theo những giá trị vốn ăn rễ sâu nơi tín ngưỡng của họ và nhờ đó góp phần xây dựng an sinh của xã hội.

ĐTC ghi nhận rằng phong trào đại kết đang ở trong một giai đoạn khó khăn. ”Để tiến bước, chúng ta cần liên tục cầu xin Chúa canh tân tâm trí chúng ta nhờ Thánh Linh của Ngài (Rm 12,2), Đấng nói với chúng ta qua Kinh Thánh và hướng dẫn chúng ta đến chân lý (2 Pet 1,20-21). Chúng ta phải tránh đừng coi đạo lý là điều chia rẽ và là một cản trở công tác có vẻ cấp thiết và ngay trước mặt, đó là cải tiến thế giới chúng ta đang sống. Trong thực tế, lịch sử Giáo Hội chứng tỏ rằng đời sống thực hành chẳng những không thể tách rời khỏi, nhưng còn xuất phát từ giáo huấn. Hể chúng ta càng cố gắng hiểu rõ hơn các mầu nhiệm của Chúa, thì công việc bác ái của chúng ta càng nói hùng hồn hơn về sự tốt lành của Thiên Chúa và tình thương của Chúa đối với chúng ta.”

Tiếp đó, ĐTC đã tới Phòng Hội của Kinh Sĩ đoàn Nhà Thờ chính tòa chỉ cách đó 50 mét để gặp gỡ 40 vị lãnh đạo các tôn giáo khác vào lúc gần 11 giờ rưỡi sáng. Trong số các vị lãnh đạo đó, một đại diện Do thái giáo và một đại diện của Hồi giáo đã ngỏ lời chào mừng ĐTC. Rabbi Lawrence ca ngợi những tiến bộ trong cuộc đối thoại Kitô và Do thái giáo trong những năm qua, và Sheik Saleem của Hồi giáo khẳng định rằng ”chủ thuyết cực đoan (fontamentalism) đích thực chính là chủ thuyết cực đoan tình yêu”.

Về phần ĐTC, ngài đề cao sự hòa hợp giữa các tôn giáo và nói rằng: ”Một tương quan hòa hợp giữa tôn giáo và đời sống công cộng là điều rất quan trong trong một thời đại mà một số người coi tôn giáo là nguyên nhân gây chia rẽ hơn là một sức mạnh hiệp nhất. Trong một thế giới bị đe dọa vì những hình thức bạo lực kỳ thị và đen đối, tiếng nói thống nhất của các tôn giáo thúc giục các quốc gia và cộng động giải quyết các cuộc xung đột bằng những phương thế ôn hòa và hoàn toàn tôn giáo phẩm giá con người. Một trong những cách thức tôn giáo phục vụ nhân loại là mang lại một nhân sinh quan đề cao khát vọng bẩm sinh của chúng ta là sống quảng đại, thiết lập những quan hệ thân hữu với những người láng giềng của chúng ta. Xét cho cùng, những quan hệ giữa con người với nhau không thể bị xác định theo những tiêu chuẩn quyền lực, thống trị hoặc tư lợi ích kỷ. Đúng hơn, những quan hệ ấy phản ánh và kiện toàn xu hướng tự nhiên của con người là sống hòa hợp với tha nhân”.”

Sau bài diễn văn, ĐTC còn gặp và thăm hỏi các vị lãnh đạo các tôn giáo khác, rồi về tòa TGM để dùng bữa trưa với 12 bạn trẻ nam nữ gồm 2 người đại diện cho nước Úc và 10 bạn trẻ còn lại đại diện cho 4 châu. Trước bữa ăn, các bạn trẻ đã tặng quà cho ĐTC, như một thiếu nữ thuộc Đông Timor đã tặng ngài 3 khăn quàng cổ, Anh Armando từ Orange, California tặng ĐTC hòn bi lớn màu vàng chống bệnh căng thẳng (depress) và chiếc mũ Mickey Mouse, biểu tượng của khu giải trí Disneyland ở Cali. Anh Crasig Ashby gốc thổ dân Úc mang chiếc áo khoác bằng da Canguru có cả cái đuôi, nhưng vẫn thắt crà-vạt. Thực đơn khá đơn sơ, chỉ có canh khoai và lê, thịt gà và khoai tây với đậu, bánh ngọt và trái cây. 12 bạn trẻ ngồi bàn tròn với ĐTC và ĐHY George Pell. Ngài đã gợi chuyện trước và yêu cầu mỗi bạn trẻ tự giới thiệu.

Lm Trần Đức Anh, OP

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 18.07.2008. 10:59