Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc tông du tới Đất Thánh

§ Vũ Văn An

Chỉ còn vài ngày nữa, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ rời Vatican lên đường qua thăm Do Thái. Những xáo trộn do vụ ngài tha vạ tuyệt thông cho bốn vị giám mục thuộc nhóm Lefèbvre và các phản ứng dữ dội của một số giới chức Do Thái trong những ngày kế tiếp liên quan tới quan điểm bài Do Thái của một trong bốn vị giám mục này nay đã hoàn toàn lui vào dĩ vãng, nhường chỗ cho một thái độ hợp tác hết sức tích cực, dọn đường cho sự thành công của chuyến tông du.

Một trăm giáo sĩ Do Thái chuẩn bị chào đón Đức Giáo Hoàng

Ngày 30 tháng Tư vừa qua, hãng tin Zenit thông báo: hơn một trăm giáo sĩ Do Thái thuộc đủ hệ phái khác nhau sẽ ký tên trên một thông điệp để chào đón Đức Bênêđíctô XVI nhân dịp ngài đặt chân tới Đất Thánh, và để khích lệ cuộc đối thoại giữa người Do Thái Giáo và người Kitô Giáo.

Các vị Chủ tịch Qũy Quốc Tế dành cho việc Giáo Dục Liên Tôn và Liên Văn Hóa là Adalberta và Armando Bernardini cho hay:sứ điệp này sẽ được công bố trên trang mạng của nhật báo Do Thái "Ha'Arezt". Sáng kiến này được một trong các hội viên của Qũy cổ vũ, đó là Giáo Sĩ Jack Bemporard. Vị này đồng thời cũng là giám đốc Trung Tâm Hiểu Biết Liên Tôn (Center for Interreligious Understanding) đặt tụ sở tại New Jersey.

Từ ngày 8 tới ngày 15 tháng Năm, Đức GH sẽ viếng thăm Đất Thánh, Gio-đăng, Do Thái và lãnh thổ Palestine, trong một cuộc thăm viếng được chính phủ Do Thái mô tả là “cây cầu hòa bình”. Sứ điệp của các giáo sĩ có tên là “Hợp nhất trong Thời Đại ta” được gợi hứng từ văn kiện “Thời Đại Ta” (Nostra Aetate) của Công Đồng Vatican II, tức tuyên ngôn của Công Đồng Vatican II, công bố ngày 28 tháng Mười năm 1965, nhằm cổ vũ các mối liên hệ gần gũi hơn giữa người Do Thái Giáo và người Công Giáo.

Một cách đặc biệt, thông điệp nói trên trích dẫn đoạn sau đây của tuyên ngôn kia: “Vì gia tài thiêng liêng chung đối với người Kitô Giáo và người Do Thái Giáo hết sức lớn lao, nên thánh công đồng này muốn cổ vũ và khuyến cáo sự hiểu biết và kính trọng lẫn nhau ấy, vốn trước nhất là hoa trái của các cuộc nghiên cứu về thánh kinh và thần học cũng như đối thoại trong tình anh em”.

Ngỏ lời với Đức Thánh Cha, thông điệp trên khẳng định rằng: “Trong tinh thần đó, chúng tôi, các giáo sĩ và các nhà lãnh đạo Do Thái, xin niềm nở chào đón ngài và phái đoàn hòa bình của ngài tới Do Thái. Đồng thanh nhất trí, chúng ta hợp nhất với nhau trong cam kết đối thoại liên tôn, trong việc mở rộng nhiều ngả đường hơn nữa để gia tăng sự hiểu biết, và để liên tục thừa nhận và củng cố mối liên hệ quan trọng giữa người Công Giáo và người Do Thái Giáo khắp nơi trên thế giới.

“Và đâu là chỗ tốt hơn để tái khẳng định mối liên hệ ấy cho bằng Thánh Địa Do Thái, một nơi mà cả hai tôn giáo chúng ta đều trân quí như là một phần trong gia tài chung”.

Tiến bộ đáng kể

Theo tin Zenit ngày 3 tháng Năm, tại Giêrusalem, Ủy Ban Thường Trực Song Phương Giữa Nhà Nước Do Thái và Tòa Thánh đã cho công bố kết của cuộc họp vào ngày thứ Năm vừa qua. Ủy Ban này định kỳ gặp nhau để cố gắng thăng tiến các cuộc thương thảo liên quan tới Thoả Hiệp Căn Bản năm 1993.

Bản tuyên ngôn vừa nói viết rằng: “Phiên họp toàn thể của Ủy Ban đã diễn ra trong bầu không khí rất thân hữu và trong tinh thần hợp tác cũng như thiện chí… Phiên toàn thể ghi nhận rằng Ủy Ban Cấp Làm Việc đã thực hiện được tiến bộ đáng kể, vào thời điểm trước cuộc thăm viếng quan trọng sắp đến của Đức Giáo Hoàng tới Giêrusalem. Hai bên thoả thuận sẽ tổ chức phiên toàn thể sắp đến vào ngày 10 tháng Mười Hai năm 2009 tại Vatican. Trong khi đó, ủy ban cấp làm việc sẽ gặp nhau để đẩy xa cam kết của cả hai phái đoàn nhằm gia tốc các cuộc thương thảo và kết thúc thoả hiệp vào một lúc sớm sủa nhất”.

Những con mắt lé

Trong khi ấy, không thiếu những người Công Giáo tỏ ra dè dặt đối với cuộc tông du này. Tuần báo Công Giáo Anh là tờ The Tablet số ngày 2 tháng Năm vừa qua liên tiếp có một số bài nhấn mạnh nhiều hơn đến những chuyện tiêu cực. Như bài của Robert Mickens chẳng hạn, chỉ cần nghe cái tựa cũng thấy có mùi không tích cực: “Trước cuộc tông du, căng thẳng đang tích lũy tại Đất Thánh”. Ông này kể ra ba sự kiện: một là địa điểm dựng khán đài chào đón Đức GH khi ngài tới thăm trại tỵ nạn Aida tại Bethlehem vào ngày 13 tháng Năm. Do Thái đang yêu cầu giới chức Palestine ngưng việc dựng khán đài ấy vì nó quá gần bức tường ngăn West Bank với Do Thái, đe dọa tới an ninh của họ. Thị trưởng Bethlehem là Salah Taameri thì cho rằng Palestine cần chào đón Đức GH ở địa điểm ấy, để ngài thấy rõ nỗi thống khổ của họ. Người Palestine vốn lên án bức tường “an ninh” này (được bắt đầu xây năm 2002 và nay đã hoàn thành được 2/3) vì nó trưng thu gần 10% đất đai của họ tại West Bank. Còn người Do Thái thì cho rằng bức tường đó cần thiết để đề phòng những tay súng và đánh bom tự sát của Palestine. Chưa biết kết quả vụ tranh chấp này kết cục ra sao. Nhưng Tòa Thánh từ chối không bình luận chi.

Vấn đề an ninh thứ hai là sự an toàn của Đức GH trong Thánh Lễ ngoài trời tại Nadarét vào ngày 14 tháng Năm. Nhật báo Do Thái Ha'aretz nói rằng sở an ninh Shin Bet yêu cầu không nên chở Đức GH vòng quanh khu hành lễ bằng “giáo hoàng xa” có kiếng vì sẽ không an toàn trong trường hợp bị những nhóm quân sự Hồi Giáo quá khích tấn công. Tuy nhiên, Đại Sứ Do Thái bên cạnh Tòa Thánh là Mordechay Lewy, vào tuần này, nhấn mạnh rằng sẽ không có chuyện đó để mà quan tâm. Các Kitô hữu người Ả Rập cũng như người Do Thái hy vọng rằng giáo hoàng xa sẽ được sử dụng để càng nhiều người được nhìn thấy Đức GH càng tốt. Một lần nữa, Tòa Thánh cũng từ chối không bình luận gì.

Một bất đồng khác có thể gây phiền phức cho cuộc tông du là việc nội bộ, liên quan tới phản ứng của Giáo Hội Melkite (thuộc nghi lễ Byzantine), là giáo hội có số người Công Giáo lớn nhất trong vùng, hiện hiệp thông đầy đủ với tòa Rôma. Họ cho rằng họ bị đẩy ra bên lề cuộc viếng thăm, hay đúng hơn, ban tổ chức chỉ muốn họ là một đám đông, chứ không phải là một giáo hội, bởi vì nghi thức phụng vụ dùng trong cuộc tông du này không hề có một nét Byzantine nào cả. Theo họ, các giới chức phụ trách cuộc tông du nên hiểu rằng: “Đức Thánh Cha là giáo hoàng của cả Giáo Hội Công Giáo, chứ không của riêng Giáo Hội La Tinh”.

Đất Thánh, bãi mìn chính trị

Tờ báo này còn đăng bài của Anshel Pfeffer với tựa đề giật gân như trên. Theo Pfeffer, nếu biết nhìn xa, Đức GH không nên nhận lời mời của Tổng Thống Do Thái, Shimon Peres, qua thăm Đất Thánh vào ngay lúc gay cấn nhất của lịch sử sóng gío tại vùng này. Nhiều biến cố đã xẩy ra làm thay đổi khung cảnh chính trị của Do Thái trong khoảng sáu tháng kể từ ngày cuộc tông du được thỏa thuận vào tháng Mười Một năm ngoái. Trong đó, phải kể đến chiến dịch đẫm máu Do Thái tấn công phong trào Hamas tại Giải Gaza vào dịp Giáng Sinh và Năm Mới vừa qua. Một tháng sau, một chính phủ Do Thái cực hữu nhất trong vòng một thập niên qua đã được bầu lên. Những biến cố ấy có cái nguy biến Đức GH đầy thiện chí thành một trái túc cầu cho các phe địa phương đá qua đá lại.

Tờ báo này còn cho rằng việc Giáo Triều sẵn sàng chấp nhận lời mời của Do Thái khiến chính ông Peres phải ngạc nhiên. Một phụ tá ông Peres thổ lộ: sau khi gặp sứ thần Tòa Thánh là Đức TGM Antonio Franco, ông Peres phát biểu: “chúng tôi không nghĩ là sẽ có cơ may Đức Giáo Hoàng tới thăm trong một tương lai gần. Khi Đức Sứ Thần bảo nếu chúng tôi đặt lời mời thì chắc chắn sẽ có đáp ứng tích cực, điều ấy làm chúng tôi ngạc nhiên”.

Vấn đề chính lúc ấy là cuộc tranh cãi quanh Đức Piô XII. Phía Công Giáo đòi phải thay đổi lời ghi chú liên quan tới Đức Piô XII tại Yad Vashem, là địa điểm toàn quốc tưởng niệm Nạn Diệt Chủng của Do Thái. Phía Do Thái thì phản đối diễn trình phong thánh cho vị Giáo Hoàng này. Thỉnh nguyện viên phong thánh cho Đức Piô XII là linh mục sử gia Peter Gumpel, Dòng Tên, tuyên bố rằng Đức GH sẽ không viếng Do Thái cho tới khi lời ghi chú kia được thay đổi. Mặc dù Tòa Thánh tỏ ra dè dặt đối với lời tuyên bố của Cha Gumpel, nhưng một cuộc viếng thăm thì xem ra chỉ là chuyện sau cùng trên nghị trình. Thế rồi cơ hội xuất hiện, ông Peres đặt lời mời và lời mời ấy mau chóng được tiếp nhận.

Tuy nhiên, dù được chấp nhận, phía Do Thái cũng giữ rất kín việc này sợ tuyên bố sớm, trước khi các chi tiết được giải quyết xong, sẽ làm trật đường rầy cuộc viếng thăm. Họ tự hỏi không biết cuộc tông du này có gây ra phiền toái gì về phương diện ngoại giao hay không.

Nhóm đặt kế hoạch đã vẽ ra cả một bãi mìn chính trị có thể có. Theo thông lệ, việc tới thăm Yad Vashem là một điều bắt buộc đối với các vị nguyên thủ quốc gia và là địa điểm mà vị giáo hoàng người Đức không thể loại khỏi lộ trình của mình, nhưng cuộc tranh cãi quanh Đức Piô XII có thể tránh được bằng cách không để Đức GH tới thăm viện bảo tàng nơi có lời chú giải gây xúc phạm kia, mà chỉ cần ngài tới đặt vòng hoa tại đài kỷ niệm mà thôi. Còn đối với cuộc tranh chấp Palestine và Do Thái, Đức GH sẽ lập thế quân bình bằng cách dừng lại thăm các thành phố Bethlehem và Ramallah của Palestine.

Tuy nhiên đó mới chỉ là những cái bẫy ở đầu đường. Dù nhiều người Do Thái muốn cải thiện mối liên hệ giữa hai tôn giáo, nhưng chính phủ Do Thái thì chỉ nhằm cái lợi chính trị. Một viên chức chính phủ, ngay sau khi cuộc tông du được công bố đã cho rằng “Chúng tôi coi cuộc thăm viếng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô tới Do Thái là một khích lệ có ý nghĩa đối với thế đứng quốc tế của chúng tôi”. Trưởng phòng thông tin tại phủ thủ tướng, là cơ quan phối hợp các cố gắng giao tế quốc tế của Do Thái, được chỉ định làm thành viên trong ủy ban đặt kế hoạch, để đảm bảo các hình ảnh các nhà lãnh đạo Israel tiếp đón Đức GH được phổ biến khắp thế giới. Vatican dĩ nhiên hiểu rõ phương cách Do Thái mô tả cuộc viếng thăm; đó chính là lý do cho việc đặt tên cuộc hành trình này là “cuộc hành hương Đất Thánh” chứ không phải cuộc thăm viếng một quốc gia.

Ấy thế nhưng không phải chỉ có nhà nước Do Thái chơi trò chính trị. Các lãnh tụ của một cộng đồng nhỏ Công Giáo Ả Rập đang o bế giới báo chí trong những ngày gần đây để họ đừng chỉ dành các cột báo cho duy một mình Đức GH mà thôi, mà còn rao bán họ như một nhóm có hiệu quả tại Israel. “Với Đức Giáo Hoàng tại đây, chúng tôi có thể chứng tỏ cho các anh em Hồi Giáo thấy tuy nhỏ, nhưng chúng tôi có những người bạn rất lớn”.

Ngay trong số người Công Giáo địa phương, cũng không hẳn là hoàn toàn hoà điệu. Hai cộng đồng chính là Haifa và Nadarét từng tranh biện không biết nên chọn nơi đâu làm địa điểm Thánh Lễ bế mạc. Nadarét thì có tính lịch sử. Nhưng Haifa lại tự hào nhờ số người Công Giáo đông nhất trong xứ và đóng góp nhiều nhất cho cuộc tông du lần này. Vả lại, năm 2000, Đức GH Gioan Phaolô II đã viếng Nadarét rồi. Nay hiển nhiên phải đến lượt Haifa. Cũng lại là vấn đề chính trị.

Mối liên hệ giữa người Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo tại Haifa có lẽ là mối liên hệ hài hòa nhất tại bất cứ nơi nào thuộc Trung Đông, trong khi tại Nadarét, người Công Giáo đang phải tranh đấu, một cuộc đấu tranh đang thua, chống lại các phong trào chính trị và tôn giáo của Hồi Giáo, nhằm kiểm soát tòa thị chính địa phương. Kế hoạch xây một đền hồi giáo lớn ngay bên cạnh Vương Cung Thánh Đường Truyền Tin luôn là nguồn gây ra bạo động khôn nguôi. Cuối cùng, Nadarét vẫn được chọn. Một ai đó trong Giáo Triều rất có thể cho rằng sự hiện diện của Đức GH tại đó sẽ khích lệ lòng tự tin của người Công Giáo, nếu không phải là viễn ảnh đang xuống dốc của họ.

Những chạy vạy chính trị ấy không qua được mắt cấp lãnh đạo của nhóm Hồi Giáo lớn nhất tại Do Thái, tức Phong Trào Duy Hồi Giáo (Islamist Movement). Hai tuần trước đây, nhóm này tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Lý do chính đưa ra là Diễn Văn Năm 2006 tại Regensburg của ngài. Nhưng cũng có khía cạnh chính trị trong đó. Nhóm này vốn gần gũi với Hamas, là nhóm đang kiểm soát Giải Gaza và đánh nhau với quân đội Do Thái cách nay mấy tháng, với tổn thất lên tới 1,300 sinh mạng. Nên họ tự hỏi: tại sao Đức GH lại không thăm Gaza? “Nếu ngài nhậy cảm đến thế đối với người Do Thái về nạn Diệt Chủng, thì hẳn ngài cũng phải nhậy cảm như thế đối với nạn diệt chủng của thế kỷ 21, tức nạn diệt chủng tại Gaza. Đàng này, ngài chỉ biết chiều theo đe doạ và yêu sách của Do Thái”. Nhóm này cũng phản đối việc Đức GH viếng Bức Tường Phía Tây hiện đang đặt dưới quyền Do Thái, mà họ cho là một phần của đền thờ Haram al-Sharif. Trong khi tuyên bố không dự tính tổ chức bất cứ cuộc phản đối nào, thì Phong trào này lại cho dán các bích chương và thả truyền đơn nặc danh tại Nadarét kêu gọi người Hồi Giáo gây gián đoạn cho cuộc viếng thăm và tấn công chính Đức Giáo Hoàng. Sở Tổng An Ninh của Do Thái đã cho rằng giáo hoàng xa không nên chạy quanh thành phố này là vì vậy.

Những nhóm Palestine khác thì rất vui vẻ chào đón Đức Thánh Cha. Nhà cầm quyền Palestine và các lãnh tụ Palestine địa phương cũng nôn nóng như chính người Do Thái muốn đầu tư tư bản chính trị trong vụ này. Chính quyền của Mahmoud Abbas, dựa vào phe phái Fatah hiện đang lâm bí, hy vọng sẽ đẩy mạnh được tính hợp lệ của mình bằng cách đón tiếp một nhà lãnh đạo nổi bật của thế giới, trong khi nhóm Hamas ở Gaza hiện đang bị phần lớn các quốc gia Tây Phương xa lánh. Việc bách hại trực tiếp dân số Kitô Giáo đang mỗi ngày một giảm tại Bethlehem phần lớn nằm trong tay các phần tử Hồi Giáo cực đoan, nhưng cấp lãnh đạo Palestine sẽ không để cho một giọng điệu chói tai nào làm hư hình ảnh đoàn kết tôn giáo do chính họ dựng lên. Họ sẽ cố sử dụng cuộc viếng thăm này để làm nổi các khiếu nại của họ chống lại nhà nước Do Thái.

Hiện cũng đang có bàn tán tới việc tẩy chay về phía Do Thái. Các thành phần trong Hội Đồng Thành Phố Giêrusalem đã lên tiếng kêu gọi thị trưởng của họ không tham dự các buổi tiếp tân tại thủ phủ này, để phản đối việc Vatican tham gia hội nghị “Durban 2” về nhân quyền do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Genève vào tuần rồi, trong đó Tổng Thống Iran là Mahmoud Ahmadinejad, đã đọc bài diễn văn chính. Đức GH từng ca ngợi hội nghị ấy, gọi nó là “một sáng kiến quan trọng”. Còn các cư dân Do Thái tại Khu Cổ Thành Giêrusalem thì đang dự tính sẽ phản đối ngồi tại Tường Phía Tây để phán đối cảnh sát đã ra lệnh đóng cửa đền thánh thiêng nhất của Do Thái Giáo trong suốt 12 giờ Đức GH đến thăm.

Hành hương củng cố tín hữu

Thiển nghĩ Tòa Thánh và chính Đức Bênêđíctô XVI biết rất rõ ‘bãi mìn chính trị’ trên đây và những khó khăn do nó tạo ra cho chuyến tông du sắp tới. Nhưng Đức Bênêđíctô XVI, như cả thế giới đã thấy, không phải là người sợ bất cứ bãi mìn nào. Các phản ứng dữ dội của thế giới Hồi Giáo đối với bài diễn văn Regensburg chưa dịu hẳn, ngài vẫn đã tới Thổ Nhĩ Kỳ, và chiếm được cảm tình của mọi người. Phi Châu là một bãi mìn khác, bãi mìn ‘condom’, bãi mìn của những tay trọc phú làm giầu bằng việc bán ‘áo mưa’ tình dục. Đức Bênêđíctô sẵn sàng tới đó để chính thức ‘lột mặt nạ’ những tên trọc phú kia, bằng cách bảo họ: áo mưa không những không làm giảm bệnh AIDS mà còn làm băng hoại con người. Lần này cũng thế, thiển nghĩ không cần The Tablet, ngài cũng biết rõ tình hình chính trị của Đất Thánh, của Do Thái, của Gio-đăng, và của Palestine.

Theo tin Zenit, ngày 3 tháng Năm vừa qua, trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Coeli) với khách hành hương tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha cho mọi người hay: mục đích chuyến hành hương tới Đất Thánh của ngài là để cổ vũ đối thoại, hòa giải và hoà bình. Ngài xin họ cầu nguyện cho chuyến hành hương được thành công. Ngài nói thêm: ngài chỉ theo chân Đức Phaolô VI và Đức Gioan Phaolô II, đến để “củng cố và khích lệ các Kitô hữu của Đất Thánh, những người ngày đêm phải đương đầu với nhiều nỗi khó khăn. Trong tư cách kế nhiệm Tông Đồ Phêrô, cha muốn chứng tỏ (cho họ) sự gần gũi và nâng đỡ của toàn bộ cơ thể Giáo Hội. Mặt khác, cha cũng sẽ là một khách hành hương hòa bình, nhân danh Thiên Chúa độc nhất, là Cha mọi người. Cha sẽ làm chứng cho sự cam kết dấn thân của Giáo Hội Công Giáo đối với những ai đang cố gắng thực hành đối thoại và hòa giải, đạt tới một nền hòa bình ổn định và bền vững trong công lý và lòng kính trọng lẫn nhau”.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói rằng: chuyến tông du này “tất yếu sẽ có một ý nghĩa đại kết và liên tôn đáng ghi nhận. Theo quan điểm này, Giêrusalem là kinh thành có tính biểu tượng tuyệt hảo: tại đây, Chúa Kitô đã chết để tái hợp nhất mọi con cái tản mác của Thiên Chúa”.

Với mục tiêu ấy và với lời cầu nguyện của tín hữu hoàn cầu, “bãi mìn” nào ngài cũng sẽ vượt qua để ban bố 29 bài diễn văn và bài giảng lễ, gặp gỡ các nhà cầm quyền dân sự và đại diện Kitô Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo ở đấy.

Không chính trị, vẫn lên đường

Cũng theo tin Zenit (3/5/09), phát ngôn viên Tòa Thánh là Linh Mục Federico Lombardi, Dòng Tên, tuyên bố rằng cuộc tông du của Đức Thánh Cha tới Đất Thánh đúng là một cuộc hành hương tôn giáo, chứ không phải là một cuộc công du chính trị.

Cha cho hay: cuộc tông du này là cuộc tông du “được chờ mong nhất” xưa nay, và có lẽ là cuộc tông du “kết liên nhất”. Cha minh xác rằng: trước hết đây là một hành trình đức tin, mặc dù các biến cố ở Trung Đông phần lớn được người ta giải thích theo nghĩa chính trị. “Lòng khao khát thiêng liêng của mọi Kitô hữu đã trở thành ưu tiên tự phát cho nhiều vị giáo hoàng kể từ khi việc du hành quốc tế trở thành một khả thể cụ thể… Không phải là tình cờ khi cuộc hành hương của Đức Phaolô VI tới Đất Thánh chính là cuộc hành hương đầu hết trong tất cả các chuyến đi loại này. Nó là thời khắc thực sự có tính lịch sử và là thời khắc của ân sủng đối với Giáo Hội Công Giáo, lúc ấy đang cử hành Công Đồng, vì con đường đại kết qua cuộc gặp gỡ với Đức Thượng Phụ Athenagorus, và vì lời kêu gọi hòa bình giữa các dân tộc trong vùng và trên thế giới’.

Cha Lombardi còn nói thêm rằng: “Đức Gioan Phaolô II phải chờ một thời gian khá lâu trước khi thể hiện được ước muốn hành hương tới đó, nhưng sau đó, ngài đã thực hiện được chuyến đi trong thanh thản, giữa ngay Năm Thánh, lúc cao điểm nhất trong triều giáo hoàng của ngài, bằng những giờ phút cầu nguyện cực kỳ thâm hậu và bằng những cử chỉ thân hữu và gần gũi hết sức đáng nhớ đối với nhân dân Do Thái và nhân dân Palestine, với các thống khổ quá khứ và hiện tại của họ”.

Bây giờ đến lượt Đức Bênêđíctô XVI. Cha Lombardi nhìn nhận rằng: “tình hình chính trị trong khu vực rất bấp bênh, và khả thể hòa bình rất mỏng manh. Nhưng Đức Giáo Hoàng vẫn lên đường, với một lòng quả cảm đáng khâm phục, đặt căn bản trên đức tin, để lên tiếng cho hòa giải và hòa bình”. Theo cha, “mọi người chúng ta cần tháp tùng ngài không những chỉ bằng lời cầu nguyện bình thường, mà còn bằng một chuyển động tâm linh mà Đức Gioan Phaolô II gọi là ‘lời cầu nguyện vĩ đại’, để Giáo Hội được canh tân ngay ở chính nguồn của mình, để sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu xẩy ra sớm hơn, và để thù hận cuối cùng phải nhường bước cho hòa giải”.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 07.05.2009. 00:18