Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc tông du tới Đất Thánh (5)

§ Vũ Văn An

Tầm quan trọng lịch sử của chuyến tông du Đất Thánh

Karna Swanson của hãng tin Zenit đã đến phỏng vấn Linh Mục David Neuhaus về chuyến tông du bắt đầu hôm nay của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tại Đất Thánh. Cha David Neuhaus là một linh mục Dòng Tên, hiện là đại diện cho các người Công Giáo nói tiếng Hybálai của Tòa Thượng Phụ Latinh tại Giêrusalem. Trong cuộc phỏng vấn này, cha Neuhaus đề cập tới việc Do Thái chuẩn bị nghênh đón Đức Giáo Hoàng, các thách đố chính của chuyến đi và tầm quan trọng lịch sử của chuyến tông du này.

Hỏi: Do Thái đang chuẩn bị ra sao cho cuộc viếng thăm của Đức Bênêđíctô XVI? Đặc biệt là người Công Giáo nói tiếng Hybálai tại Do Thái, họ đang chuẩn bị ra sao?

Cha Neuhaus: Như một quốc gia, Do Thái đang chuẩn bị để nghênh đón một vị khách hết sức nổi bật. Cờ Vatican đang tung bay trên các đường phố Đức Thánh Cha sẽ đi qua. An ninh và các biện pháp khác đã thấy hiển hiện tại các nơi ngài sẽ đến viếng. Báo chí đầy những truyện kể về Đức GH Bênêđíctô, về lịch trình thăm viếng của ngài, về các khía cạnh sinh hoạt của Giáo Hội, và có lẽ có ý nghĩa nhất là về Giáo Hội địa phương, là giáo hội hiện ít được ai chú ý vì (hiện diện) trong một xứ sở mà Kitô hữu chỉ chiếm từ 2 tới 3% dân số.

Tuy nhiên, cộng đồng Công Giáo nói tiếng Hybálai, cũng như cộng đồng Công Giáo nói tiếng Ả Rập, đang ráo riết chuẩn bị để nghênh đón vị mục tử của chúng ta, trong niềm vui và phấn khích. Chúng tôi chuẩn bị lắng nghe và quan sát, học hỏi và mở rộng cõi lòng mình ra. Chúng tôi rất hy vọng được Đức Giáo Hoàng khích lệ và giúp đỡ để hiểu rõ sâu sắc hơn bao giờ hết ơn gọi làm “số sót nhỏ bé” tại vùng đất này, một vùng đất thường vẫn được đánh dấu bằng tranh chấp. Chúng tôi hãnh diện khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô nhấn mạnh rằng ngài tới đây trước hết và đầu hết để thăm chúng tôi và hiện diện với chúng tôi.

Câu hỏi: Đức Thánh Cha nhiều lần xin mọi người cầu nguyện cho cuộc hành hương này và phát ngôn viên của ngài gọi nó là một chuyến đi “nhất định là can đảm”. Cha nghĩ liệu có những nguy cơ đặc thù nào xẩy ra cho chuyến đi tới Đất Thánh vào lúc này hay không?

Cha Neuhaus: Đây quả là chuyến đi can đảm vì quả có nhiều rủi ro. Chúng tôi đang sống trong một tranh chấp có tính chính trị khắp nước. Mọi phía đều cố gắng khai thác chuyến thăm của Đức Thánh Cha để thăng tiến quyền lợi của riêng họ. Đức Thánh Cha không những gặp gỡ thực tại tôn giáo trong sinh hoạt Đất Thánh mà ngài còn phải thăm viếng các đại diện chính thức của cả Do Thái lẫn Thẩm Quyền Palestine.

Ngài sẽ phải nghe hai câu truyện quốc gia ở những nơi bi thảm nhất của họ, lúc tới thăm Yad Vashem (tưởng niệm các nạn nhân Diệt Chủng) và Trại Aida (trại tị nạn Palestine từ cuộc chiến năm 1948). Rủi ro rất rõ, vì Đức Giáo Hoàng cố gắng tới đây như một người hành hương để cầu nguyện cho hòa bình và hợp nhất. Nhiều người đang chờ ngài lên tiếng ủng hộ chính nghĩa của họ. Đức Giáo Hoàng cố gắng tới đây như một mục tử. Nhưng nhiều người sẵn sàng mổ xẻ từng lời ngài nói và mọi động thái ngài làm để rút ra một kết luận chính trị.

Chuyến viếng thăm sẽ phải được biên đạo một cách tuyệt đối khéo léo sao cho chủ đích của Đức Thánh Cha được bảo toàn, trong một bối cảnh bị nhiều người mưu toan kéo ngài vào vũng lầy tranh chấp và quyền lợi nhỏ nhen. Đức Giáo Hoàng cần một lòng can đảm của các tiên tri xưa khi giáp mặt với các thế lực, ngõ hầu có thể nói lên tiếng nói chân lý và hoàn tất được hành động viếng thăm mảnh đất này trong tư cách người hành hương hoà bình, hợp nhất và yêu thương. Ước chi lời cầu xin của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tăng sức cho Đức GH Bênêđíctô để ngài tiến bước trên con đường của vị tiền nhiệm. Ước mong cuộc hành hương này bồi đắp và thăng tiến hơn nữa cuộc hành hương tuyệt vời của vị tiền nhiệm ấy.

Câu hỏi: Đức hồng y Leonardo Sandri vào tuần này vừa tiết lộ rằng chuyến đi Đất Thánh là chuyến đi được Đức Giáo Hoàng dự tính thực hiện ngay từ đầu triều đại giáo hoàng. Tại sao chuyến đi này lại quan trọng đến thế?

Cha Neuhaus: Chuyến đi quan trọng vì nhiều bình diện khác nhau.

  1. Thứ nhất, Đức Thánh Cha tới một lãnh thổ vốn là hiện trường lịch sử cứu rỗi của chúng ta, lãnh thổ của các tổ phụ, tiên tri và hiền nhân Cựu Ước, lãnh thổ của Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, của các môn đệ và tông đồ Tân Ước. Ngài tới để nhắc chúng ta nhớ tới tầm quan trọng của những địa điểm thánh thiêng này đối với bản sắc Kitô Giáo của chúng ta vì chúng chính là những nhắc nhớ trường cửu lòng trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta.
  2. Thứ hai, ngài tới để khuyến khích và hỗ trợ Giáo Hội mẹ Giêrusalem. Trong các tuần lễ này, từ Lễ Phục Sinh tới Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta vốn đọc Công Vụ Tông Đồ trong đó Giêrusalem và Giáo Hội thành này là những điểm quy chiếu khôn nguôi. Chúng ta phải tăng sức cho Giáo Hội Giêrusalem như là điểm quy chiếu tìm về nguồn cội, và vì việc làm chứng cho Chúa Giêsu là một việc chủ yếu tại mảnh đất Người từng sinh sống.
  3. Thứ ba, Đức Giáo Hoàng tới chính trái tim của một khu vực bất ổn để trình bày khuôn mặt của Giáo Hội như là người cổ vũ công lý, hòa bình và quan trọng hơn cả là tha thứ và cảm thương. Chúng ta cần chuyến tông du này một cách đặc biệt để cổ vũ sự tha thứ, hiện hết sức vắng bóng trong ngôn từ bình thường về cuộc tranh chấp ở đây.
  4. Thứ bốn, Đức Giáo Hoàng tới để cổ vũ đối thoại với cả người Do Thái Giáo lẫn người Hồi Giáo.

Câu hỏi: Chuyến đi này sẽ là cơ hội gặp gỡ giữa người Công Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo. Đức Giáo Hoàng có thể làm gì để tránh hiểu lầm với Do Thái Giáo và Hồi Giáo như đã xẩy ra vào đầu năm nay liên quan tới vụ tha vạ tuyệt thông cho giám mục Richard Williamson, và bài diễn văn Regensburg lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng của ngài, một bài diễn văn làm một số người Hồi Giáo bất bình?

Cha Neuhaus: Các cuộc gặp gỡ với các thẩm quyền Do Thái Giáo và Hồi Giáo là yếu tố quan trọng trong chuyến viếng thăm này. Cũng thế, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm một vài địa điểm quan trọng của hai truyền thống tôn giáo này, tức Đền Haram al-Sharif (của Hồi Giáo, nơi ngài sẽ viếng Vòm Nhà Đá [Dome of the Rock]) và Bức Tường Phía Tây (của Do Thái Giáo). Trước hai cuộc viếng thăm này, là cuộc gặp mặt liên tín ngưỡng trong đó, Đức Giáo Hoàng sẽ nói truyện với hàng trăm người Do Thái Giáo, Kitô Giáo và Hồi Giáo đang đảm nhiệm các công tác đối thoại liên tôn, giáo dục, phúc lợi xã hội, nhân quyền, dân chủ, khoan dung, những người đang hoạt động trong tư cách kiến tạo hòa bình và cổ vũ cho công lý và hòa giải.

Cả người Do Thái Giáo và người Hồi Giáo đều đang mong chờ các ngôn từ và hành vi hòa giải đối với các căng thẳng trước đây. Những giây phút quan trọng đối với việc này không những sẽ là các cuộc viếng thăm các thẩm quyền tôn giáo và những địa điểm thánh thiêng đối với các truyền thống Do Thái Giáo và Hồi Giáo, mà còn là tại những nơi Đức Giáo Hoàng sẽ chứng kiến nỗi đau đớn của nhân dân trong vùng. Những cuộc gặp gỡ này tự chúng đều là những cơ hội để Đức Thánh Cha tỏ cho anh chị em Hồi Giáo và Do Thái Giáo khuôn mặt của một người anh em khi nói tới những lời khôn ngoan và yêu thương và đặt để được việc khởi động các hành vi tôn trọng và cảm thương nhau.

Câu hỏi: Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài tới Đất Thánh như một “Người Hành Hương Hòa Bình”. Làm thế nào vị đứng đầu Giáo Hội Công Giáo có thể là một sức mạnh hòa bình tại vùng đất này?

Cha Neuhaus: Đây là một thách đố rất lớn trong một vùng xem ra thường là không muốn lên đường tìm kiếm hòa bình. Đức Giáo Hoàng tới không với tư cách một nhà lãnh đạo chính trị, nhưng trong tư cách một nhà lãnh đạo tinh thần và tôn giáo đi hành hương. Điều ấy có nghĩa ngài có được sự tự do của Chúa Thánh Thần và ngài có thể tìm cách biến đổi trí tưởng tượng của mọi người trong vùng vốn chỉ nhìn thấy tranh chấp và thách thức.

Có lẽ Đức Thánh Cha không có công thức chính trị mới mẻ nào để đề nghị với các nhà lãnh đạo ở đây, nhưng tôi chắc chắn ngài sẽ nhấn mạnh tới các yếu tố chủ chốt cho việc kiến tạo hòa bình, những yếu tố rất hiếm khi được nhắc tới trong ngôn từ chính trị đang thịnh hành tại vùng này. Tha thứ và cảm thương là hai trong các yếu tố chắc chắn Đức Giáo Hoàng sẽ nhấn mạnh trong các cuộc gặp gỡ với người Do Thái và Palestine.

Đức Giáo Hoàng tới không như một vị vua, mà như một tiên tri, một hiền nhân. Điều ấy giúp ngài thoát khỏi phần nào các thúc bách của quyền lực và quyền lợi chính trị để ngài có thể đề cập tới hoàn cảnh đáng buồn của chúng ta bằng ngôn từ của sự thật và yêu thương. Chỉ cần mở được trí tưởng tượng để chúng ta nhìn thấy điều chúng ta không thể tự mình nhìn thấy, như người khác chính là anh em chứ không phải thù địch của ta, là ngài đã có thể giúp ta trừ khử được con qủy sợ hãi, ngờ vực và hận thù vốn thuộc địa hóa tâm trí chúng ta từ trước đến nay.

Câu hỏi: Đối với những người theo dõi chuyến đi của Đức Giáo Hoàng từ ngoại quốc, đâu là một vài yếu tố văn hóa cần ghi nhận?

Cha Neuhaus: Có lẽ đơn giản hơn hết, những người theo dõi như thế cần hiểu rằng Đức Giáo Hoàng tới những quốc gia không phải là Công Giáo, mà đúng hơn là những quốc gia được xác định bằng truyền thống, lịch sử và căn tính Do Thái (Israel), cũng như truyền thống, lịch sử và căn tính Hồi Giáo (Giođăng và Thẩm Quyền Palestine). Đối với phần lớn các dân tộc này, Đức Giáo Hoàng không phải là vị mục tử qúy yêu, mà chỉ là một vị vọng ngoại quốc vốn bị coi như đại biểu cho cái đau và cái phiền phức vốn lên sắc diện cho các liên hệ giữa người Do Thái Giáo và người Công Giáo một đàng, và đàng kia giữa người Hồi Giáo và người Công Giáo.

Nên tất cả chúng ta phải cầu nguyện để cuộc viếng thăm này trở thành một giờ khắc biến đổi quan trọng trong đó, người Do Thái và người Palestine, người Do Thái Giáo và người Hồi Giáo, biết nhìn ra khuôn mặt của Chúa Giêsu Kitô, một người khiêm hạ, biết cảm thương và là đầy tớ của anh chị em mình, nơi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI. Tựu chung, đó là thách đố quan trọng nhất của cuộc tông du lần này.

Xem trang mạng của VP đại diện người Công Giáo nói tiếng Hybálai tại Do Thái: www.catholic.co.il

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 09.05.2009. 02:32