Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc tông du Đất Thánh (8)

§ Vũ Văn An

Hiến thân phục vụ người khác

Hôm nay, ngày 10 tháng Năm (2009), thánh lễ do Đức Giáo Hoàng cử hành tại Vận Động Trường Quốc Tế Amman có sự tham dự của chừng 30,000 người Công Giáo, trong tổng số 109,000 tín hữu tại Giođăng.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha khuyên các Kitô hữu Trung Đông ở lại Đất Thánh và làm chứng cho Chúa Giêsu tại vùng đất vốn bị ám ảnh bởi tranh chấp này. Chính phủ Giođăng cho phép người Kitô hữu được nghỉ làm việc trong ngày này, mặc dù Chúa Nhật là ngày làm việc bình thường tại Giođăng. Các cửa tiệm và công ty cũng cho phép như thế.

Đức Giáo Hoàng khuyên: “Lòng trung thành với gốc rễ Kitô Giáo, lòng trung thành với sứ mệnh của Giáo Hội tại Đất Thánh, đòi mỗi người chúng con một loại can đảm đặc biệt: lòng can đảm của xác tín, phát sinh từ niềm tin bản thân, chứ không phải chỉ là ước lệ có tính xã hội hay truyền thống gia đình; lòng can đảm dấn thân vào đối thoại và làm việc bên cạnh các Kitô hữu khác để phục vụ Phúc Âm và liên đới với người nghèo, người rời cư, và các nạn nhân của các thảm kịch nhân bản sâu xa; lòng can đảm xây dựng những nhịp cầu mới phục vụ cuộc gặp gỡ có hiệu quả giữa những con người thuộc các tôn giáo và văn hóa khác nhau, và nhờ thế, làm giầu cho cấu trúc xã hội”.

Ngài cũng cho rằng lòng trung thành của các Kitô hữu Trung Đông cũng có nghĩa là phải “làm chứng cho tình yêu, là thứ tình linh hứng cho ta phải bỏ mạng sống mình mà phục vụ người khác, và do đó, chống lại những lối suy nghĩ vốn biện minh cho việc loại trừ các mạng sống vô tội”.

Bàn thờ hôm nay được trang trí bằng một bức tranh lớn vẽ Chúa Kitô là Mục Tử Nhân Lành vì các giáo hội Đông Phương mừng Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh và là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành (Họ mừng Phục Sinh sau chúng ta một tuần). Hình Đức Mẹ và hình Thánh Gioan Tẩy Giả, quan thầy Giođăng, cũng được trưng trên bàn thờ.

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng được một trong những người con của Giođăng chào mừng bằng “một lòng hiếu khách Ả Rập và Gio Đăng” đó là Đức TGM Fouad Twal, thượng phụ Latinh của Giêrusalem. Đức TGM báo một tin vui mà ngài nói đùa là một cuộc khủng hoảng: hiện khu vực dưới sự trông coi của ngài có nhiều đại chủng sinh hơn là tài nguyên cho phép, nên ngài đang phải tìm cơ sở mới cho số ơn gọi này. Đức TGM Twal cũng đề cập tới thách đố mà Giáo Hội địa phương đang phải đương đầu, tức vấn đề tịn nạn từ Iraq. Hiện Giáo Hội nói chung và cơ quan Caritas nói riêng đang yểm trợ người tị nạn Iraq (cả triệu người, trong đó có 40,000 là Kitô hữu) về cả hai phương diện tâm linh và vật chất. Đức HY Emmanuel III Delly, thượng phụ Baghdad, cũng có mặt trong thánh lễ. Trong thánh lễ này, 40 trẻ em Giođăng đã được Đức Thánh Cha cho rước lễ lần đầu.

Bênh vực phụ nữ tại Trung Đông

Cũng trong thánh lễ trên, Đức Thánh Cha đề cập tới sự đóng góp độc đáo của phụ nữ đối với xã hội. Ngài dành phần lớn bài giảng trong thánh lễ để suy niệm về Năm Gia Đình mà Giáo Hội địa phương tại Đất Thánh kỷ niệm vào năm nay. Ngài tập chú vào phẩm giá người phụ nữ, trình bày một số suy tư xem ra rất có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Đông và nơi nhiều quốc gia khác đang mừng Ngày Hiền Mẫu.

Ngài cho hay: “Trong khi cử hành Năm Gia Đình hiện nay, Giáo Hội khắp miền Đất Thánh vốn nghĩ gia đình như là một mầu nhiệm của tình yêu trao ban sự sống, được Thiên Chúa, trong kế hoạch của Người, ủy thác cho một ơn gọi và một sứ mệnh riêng: là rạng chiếu tình yêu Thiên Chúa vốn là nguồn cội và là hoàn tất tối hậu cho mọi tình yêu khác trong cuộc đời chúng ta”.

Món nợ biết ơn

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “Một khía cạnh quan trọng trong các suy niệm của các con về Năm Gia Đình này vốn là phẩm giá, ơn gọi và sứ mệnh đặc thù của phụ nữ trong kế hoạch Thiên Chúa”.

Theo Đức Thánh Cha, Giáo Hội tại Trung Đông này mang ơn nhiều nơi người phụ nữ. “Giáo Hội tại các lãnh thổ này mang nợ xiết bao đối với chứng tá đầy kiên nhẫn, đầy yêu thương và trung tín của vô vàn các bà mẹ, các nữ tu, các cô giáo, các nữ bác sĩ và nữ y tá Kitô hữu. Xã hội của các con mang nợ xiết bao đối với những người đàn bà, bằng nhiều cách thế khác nhau, đôi khi hết sức can đảm, đã hiến trọn cuộc đời để xây dựng hòa bình và cổ vũ yêu thương”.

Đức Giáo Hoàng tiếp tục: “Ngay từ những trang đầu tiên của Thánh Kinh, ta đã thấy người đàn ông và người đàn bà, vốn được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, đã được sắp đặt để bổ túc cho nhau trong tư cách quản lý viên các ơn phúc của Thiên Chúa và trong tư cách hùn hạp để thông truyền ơn phúc sự sống, cả sự sống thể lý lẫn sự sống tâm linh, cho thế giới”.

Nhưng, Đức Giáo Hoàng buồn rầu nói tiếp “đáng buồn thay, cái phẩm giá và vai trò phụ nữ do Thiên Chúa ban này đã không phải lúc nào cũng được hiểu và trân quí một cách tạm đủ”. Ngài trích dẫn vị tiền nhiệm để nói rằng: “Ta cần điều Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vốn gọi là ‘đặc sủng có tính tiên tri’ của phụ nữ trong tư cách người ấp ủ yêu thương, thày dạy nhân từ và người kiến tạo hòa bình, đem ấm áp và nhân tính lại cho một thế giới vốn chỉ biết phán đoán gía trị của một con người dựa trên tiêu chuẩn lạnh lùng của việc có ích hay có lợi nhuận”.

Đức Thánh Cha kết luận: "Qua chứng tá công khai cho lòng tôn trọng đối với phụ nữ, và việc mình bênh vực phẩm giá bẩm sinh của mọi con người nhân bản, Giáo Hội tại Đất Thánh có thể góp phần quan trọng vào việc thăng tiến một nền văn hóa có nhân tính thực sự và xây đắp được một nền văn minh tình thương”.

Vua Abdullah II ‘hướng dẫn du khách’

Cũng trong ngày 10 tháng Năm, Vua Abdullah II bất ngờ xuất hiện bên bờ Sông Giođăng để cùng Đức Giáo Hoàng làm một vòng thăm viếng khu vực đang thực hiện nhiều cuộc khai quật khảo cổ giá trị. Ngồi bên cạnh Đức Giáo Hoàng trên một xe chơi cù (golf) cải tiến, Nhà Vua giải thích cho Đức Giáo Hoàng các công trình khảo cổ kia. Các công trình này đang được ủy ban khảo cổ của Giođăng giám sát.

Các nhà khảo cổ đã khám phá ra hơn 20 nhà thờ, thánh động và giếng rửa tội tại khu vực này, đủ chứng tỏ đây là một địa điểm hành hương hết sức nổi tiếng thời Giáo Hội sơ khai. Ngày nay, khu vực gần như bị quên lãng, chỉ mở cửa mỗi năm một đôi lần. Nhưng Nhà Vua cho hay: một kế hoạch phát triển khu vực đang được tiến hành: ông đang dự trù xây năm nhà thờ Kitô giáo gần địa điểm lịch sử vẫn được coi như nơi phát sinh ra Kitô Giáo. Và một trong các hậu quả được người ta mong chờ từ chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng là khách hành hương sẽ tái khám phá ra tầm quan trọng của nó.

Sau khi thăm địa điểm làm phép rửa, Đức Giáo Hoàng cùng đoàn tùy tùng đến một địa điểm công cộng, nơi ngài được hàng ngàn tín hữu nghênh đón và là nơi ngài đặt viên đá đầu tiên xây dựng hai ngôi thánh đường, một cho nghi lễ Latinh, một cho nghi lễ Melkite Hy Lạp.

Tại đây, ngài cho hay: “Thật là niềm vui thiêng liêng lớn, khi tôi được làm phép các viên đá nền cho hai Nhà Thờ Công Giáo sẽ được xây cất bên sông Giođăng, nơi vốn đánh dấu nhiều biến cố đáng ghi nhớ trong lịch sử Thánh Kinh”.

Ngài nói rằng: “Viên đá nền của một nhà thờ là biểu tượng của Chúa Kitô. Giáo Hội dựa trên Chúa Kitô, được Người nâng đỡ và không thể nào tách rời khỏi Người. Người là nền tảng duy nhất của mọi cộng đồng Kitô Giáo, là viên đá sống động, bị thợ xây loại bỏ nhưng đã được tuyền chọn và qúy giá trước nhan Thiên Chúa như là viên đá góc. Cùng với Người, chúng ta cũng là những viên đá sống động xây thành ngôi nhà thiêng liêng, nơi Thiên Chúa cư ngụ”.

Ngài bảo: “Ta hãy vui mừng khi biết rằng hai toà nhà này, một cho nghi lễ Latinh, một cho nghi lễ Melkite Hy Lạp, sẽ dùng để bồi đắp gia đình duy nhất của Thiên Chúa, mỗi tòa theo truyền thống riêng của cộng đồng mình”.

Cùng tham dự nghi thức này, có Đức Gregorios III Laham, Thượng Phụ Antiôkia của Giáo Hội Melkite Hy Lạp, Tổng GM Fouad Twal, Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, Thượng Phụ hồi hưu Michel Sabbah, Tổng GM Joseph Jules Zerey và GM Salim Sayegh.

Nhận định của phát ngôn viên Tòa Thánh

Cha Federico Lombardi, Dòng Tên, phát ngôn viên Tòa Thánh, người tháp tùng Đức Thánh Cha trong suốt chuyến tông du này, cho rằng Đức Bênêđíctô XVI đã đạt được mục tiêu cho chặng đầu tiên trong chuyến tông du một tuần tại Đất Thánh.

Theo Cha Federico Lombardi, kết quả phần đầu trong chuyến tông du từ trước đến nay “rất tích cực”. Cha cho hay: “Đức Giáo Hoàng đã có thể cử hành tất cả các buổi gặp gỡ, được dự trù trước trong chương trình, với một sự thanh thản lớn lao. Ngài nhận được sự nghênh đón rất nồng nhiệt và thân ái, về phía các nhà cầm quyền chính phủ và hoàng gia cũng như về phía thế giới Hồi Giáo và cộng đồng Công Giáo”.

Cha nhận định rằng “Đối với tôi, khởi đầu chuyến đi này bằng cánh cửa hòa bình, bằng cánh cửa thanh thản quả là điều khôn ngoan. Vào lúc này, trong khung cảnh Trung Đông, Giođăng quả là một đất nước chủ yếu thanh thản, và do đó, việc khởi đầu cuộc du hành qua khắp Trung Đông từ điểm này, tôi nghĩ, sẽ làm cho cuộc du hành ấy tích cực một cách đặc biệt”.

Bước tiến tới với người Hồi Giáo

Cha Lombardi nhấn mạnh đến việc Đức Giáo Hoàng tới thăm Đền Hồi Giáo Hussein bin Talal vào ngày Thứ Bẩy. Cha nhận định rằng: “Dường như càng ngày càng trở nên bình thường hơn đối với việc một vị giáo hoàng thân thiện bước vào một địa điểm Hồi Giáo để cầu nguyện. Ngày nay, đây là một dấu chỉ tiến bộ trong mối liên hệ tích cực giữa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo”.

Suy nghĩ về biến động năm 2006 liên quan đến bài diễn văn của Đức Bênêđíctô XVI tại Regensburg, Cha Lombardi cho rằng ngài tin cuộc khủng hoảng trong liên hệ Kitô Giáo và Hồi Giáo, phát sinh từ sự hiểu lầm ấy, nay đã được giải quyết hấu hết. Và theo cha, “Hiện nay, ta thấy, khi một hiểu lầm xẩy ra đối với các vấn đề phức tạp, một loạt biện pháp và nhiều thì giờ cần phải qua đi mới có thể hoàn toàn hàn gắn được mọi hậu quả. Bởi thế không nên lấy làm ngạc nhiên khi đây đó vẫn có người nhắc tới giờ khắc khó khăn trên. Nhưng ta đã có được hơn hai năm cảm nghiệm tích cực từ ngày có giờ khắc ấy”.

Cha ghi nhận rằng Hoàng Tử Ghazi Bin Muhammed Bin Talal, một cố vấn của Vua Abdullah II, tuy có nhắc tới bài diễn văn Regensburh trong bài diễn văn nghênh đón Đức GH tại Đền Thờ Hồi Giáo nói trên, “nhưng ông rõ ràng phát biểu rằng nó là một chương sách hoàn toàn bị bỏ lại phía sau rồi, và sau đó, ông chào mừng Đức Giáo Hoàng là ‘Người Kế Vị Thánh Phêrô’, một điều hết sức có ý nghĩa trên môi miệng một đại diện của thế giới Hồi Giáo”.

Một khích lệ đối với thiểu số Công Giáo

Cha Lombardi cho hay: một mục tiêu khác trong chặng viếng thăm Giođăng của Đức GH là bày tỏ sự hỗ trợ đối với cộng đồng Kitô Giáo bé nhỏ, chỉ chiếm không đầy 3% dân số nước này, một đất nước có hơn 6 triệu dân. Chỉ khoảng phân nửa Kitô hữu là người Công Giáo.

Theo cha, “một hình ảnh tươi đẹp mà Đức Bênêđíctô XVI sẽ mang mãi trong trái tim ngài là hình ảnh nồng ấm của cộng đồng Kitô hữu nghênh đón ngài”. Sự hào hứng trong cuộc nghênh đón Đức Thánh Cha tại Nhà Thờ Chính Tòa Thánh George thuộc nghi lễ Melkite Hy Lạp được cha Lombardi mô tả là “hết sức gây ấn tượng”. Cha cho hay: “[Giáo Hội Công Giáo ở đây] là một giáo hội sống động, và họ có khả năng biểu dương điều đó với Đức Giáo Hoàng không phải bằng cuộc nghênh đón đầy tình thân ái và những giờ phút cầu nguyện sốt sắng, mà còn trong nhiều dịp quan trọng khác nữa. Như tại Trung Tâm Regina Pacis dành cho thanh thiếu niên khuyết tật chẳng hạn, ngài đã khánh thành một khu mới; tại Madaba, ngài làm phép viên đá đầu tiên của một đại học, một sáng kiến cực kỳ quan trọng không những cho Giođăng mà thôi mà cho toàn vùng Trung Đông nữa, nơi việc triển khai các đóng góp của Giáo Hội vào nền văn hóa sẽ hết sức có ý nghĩa. Rồi việc đặt viên đá đầu tiên cho hai ngôi nhà thờ tại nơi Chúa Giêsu chịu phép rửa… cho thấy sự lớn mạnh tại các nơi có sự hiện diện của Giáo Hội. Chắc chắn việc liên kết cuộc thăm viếng của Đức GH với những dịp tốt đẹp ấy cho thấy đó là một Giáo Hội đang cảm thấy mình sống động và đang hướng về tương lai”

Nhìn về phía trước

Nói về việc đến Do Thái và các lãnh thổ Palestine sắp tới, Cha Lombardi cho biết: Đức Giáo Hoàng hy vọng chuyến tông du của ngài sẽ thực sự là “một thông điệp hòa bình, hòa giải, và khích lệ đối với các cộng đồng Kitô hữu đang lâm khó khăn, một thông điệp hy vọng, tin tưởng, yêu thương sẽ đóng góp một cách hữu hiệu vào việc cải thiện tình hình trong vùng”.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 12.05.2009. 10:47