Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc tông du Đất Thánh (6)

§ Vũ Văn An

Tại Giođăng, Đức Giáo Hoàng nói hòa bình

Tin Reuters ngày 8 tháng Năm, từ Amman, cho hay: Đức Giáo Hoàng bắt đầu chuyến đi khá tế nhị tới Trung Đông vào hôm Thứ Sáu bằng cách tỏ lòng “tôn kính sâu xa” đối với Hồi Giáo và cho hay: Giáo Hội Công Giáo sẽ làm mọi điều có thể làm được để góp phần vào diễn trình hòa bình đang bị ngưng đọng trong vùng.

Khởi đầu chặng thứ nhất của một chuyến đi sẽ bao gồm Do Thái và các Lãnh Thổ Palestine, ngài cũng kêu gọi một cuộc đối thoại ba chiều giữa Kitô Giáo, Hồi Giáo và Do Thái Giáo để hỗ trợ hòa bình. Ngài nói với các phóng viên báo chí trên chuyến máy bay chở ngài tới Giođăng rằng: “Chắc chắn tôi sẽ cố gắng đóng góp cho hòa bình, không với tư cách cá nhân mà với tư cách nhân danh Giáo Hội Công Giáo, nhân danh Tòa Thánh. Chúng tôi không phải là một thế lực chính trị nhưng là một sức mạnh tâm linh và sức mạnh tâm linh này là một thực tế có thể góp phần tạo tiến bộ cho diễn trình hòa bình”.

Tòa Thánh có liên hệ ngoại giao đầy đủ với hầu hết các quốc gia tại Trung Đông và có thoả hiệp ngoại giao với Thẩm Quyền Palestine. Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Là tín hữu, chúng tôi xác tín rằng cầu nguyện là một sức mạnh thật sự, nó mở cửa thế giới cho Thiên Chúa. Chúng tôi xác tín rằng Thiên Chúa đang lắng nghe và có thể tác động trên lịch sử và tôi nghĩ rằng nếu hàng triệu tín hữu biết cầu nguyện, thì đó là một sức mạnh có ảnh hưởng và có thể đóng góp vào việc thăng tiến hòa bình”.

Ngài cũng nói với các nhà báo rằng các cố gắng hòa bình thường bị ngăn chặn bởi quyền lợi phe phái, do đó Giáo Hội có thể “góp phần làm cho quan điểm hữu lý triển nở” vì Giáo Hội muốn mời gọi cả người Do Thái Giáo lẫn người Hồi Giáo dấn thân vào một cuộc đối thoại cho hòa bình đặt căn bản trên đức tin. Ngài bảo: “Cuộc đối thoại ba chiều phải tiến lên phía trước. Nó rất quan trọng đối với hòa bình, và còn cho phép mỗi người sống tốt niềm tin của mình”.

Vị giáo hoàng 82 tuổi này tỏ ra thận trọng trong việc tránh né các ngôn từ chính trị lộ liễu, ngay ở giai đoạn đầu tiên trong chuyến công du tới vùng này. Thay vào đó, ngài nhấn mạnh tới tiềm năng của tôn giáo trong việc giải quyết tranh chấp. Cuộc tông du của Đức Bênêđíctô xẩy ra trong dư vị bài diễn văn năm 2006 tại Regensburg, trong đó ngài trích dẫn nhận xét của một vị hoàng đế Byzantine cho rằng Hồi Giáo ưa bạo lực và phi lý. Bài diễn văn đó hiện vẫn còn làm một số thành phần Hồi Giáo bất bình và các lãnh tụ của Phong Trào Duy Hồi Giáo tại Giođăng từng lên tiếng phản đối cuộc viếng thăm nếu ngài không chịu xin lỗi trước. Tòa Thánh cũng như Đức Giáo Hoàng minh xác nhiều lần rằng ngài không ủng hộ nhận định của vị hoàng đế kia. Nay là lúc không cần phải nhắc tới biến cố ấy nữa. “Cuộc viếng thăm Giođăng cho tôi cơ hội thuận tiện để nói lên lòng tôn kính sâu xa của tôi đối với cộng đồng Hồi Giáo”, đó là lời Đức Bênêđíctô nói trong bài diễn văn tại phi trường Amman. Ngài cũng ca ngợi Vua Abdullah II đã tận tình “cổ vũ một cái hiểu tốt hơn về các nhân đức được Hồi Giáo truyền dạy”.

Nhà vua nói chính trị

Tuy nhiên, Vua Abdullah II, người nồng nhiệt nghênh đón Đức Giáo Hoàng tại phi trường Amman, đã không tránh né các vấn đề chính trị đặc thù của vùng này và đã cho Đức Giáo Hoàng nếm thử các khó khăn mà ngài sẽ thấy ở chặng kế tiếp của chuyến đi, lúc tới Do Thái. Nhà Vua lên tiếng kêu gọi giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Do Thái và Palestine. Ông cho rằng: “Các giá trị chung chia của chúng ta có thể góp phần quan trọng tại Đất Thánh, nơi, chúng ta phải cùng nhau cất bỏ cái bóng của tranh chấp”.

Theo tờ tuần báo Anh, the Tablet, trước ngày đức Giáo Hoàng tới Gio-đăng, Vua Abdullah II nói với hãng truyền hình RAI của Ý rằng: ông hy vọng cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ làm gia tốc các cố gắng nhằm đạt hòa bình cho Trung Đông. Ông bảo: “Cuộc viếng thăm này rất đúng lúc”. Ông cũng nói với nhật báo Corriere della Sera của Milan rằng: "các lời ngài nói sẽ là một kích thích nhằm vào tất cả chúng ta, thúc đẩy chúng ta tiến nhanh hơn tới hòa bình”.

Theo tờ The New Straits Time, tại buổi nghênh đón Đức Giáo Hoàng, nhà vua nhấn mạnh tới “tầm quan trọng của việc chung sống và sự hoà hợp giữa người Hồi Giáo và người Kitô Giáo” và cảnh giác rằng “những giọng nói khiêu khích, các ý thức hệ hàm hồ gây chia rẽ, chỉ đe dọa đem đến những thống khổ khôn tả mà thôi… Chúng tôi hoan nghênh cam kết của ngài trong việc loại trừ các quan điểm lầm lạc và gây chia rẽ từng mang họa lại cho các mối liên hệ giữa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo… Tôi hy vọng rằng cùng nhau chúng ta sẽ mở rộng cuộc đối thoại mà chúng ta đã mở ra”.

Về phía Do Thái, từ ngày tuyên thệ làm người đứng đầu tân chính phủ cánh hữu vào ngày 31 tháng Ba đến nay, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu chưa bao giờ đặc thù thảo luận tới việc thiết lập một nhà nước Palestine tại West Bank và Giải Gaza, vốn được Mỹ và khối Ả Rập coi là ưu tiên. Tại cuộc họp của Uỷ Ban Các Vấn Đề Công Cộng Mỹ Do Thái (American Israel Public Affairs Committee [Aipac]) tại Hoa Thịnh Đốn vừa qua, Netanyahu cho hay hòa bình với thế giới Ả Rập là một ưu tiên đối với ông: “Chúng tôi muốn hòa bình với thế giới Ả Rập, nhưng chúng tôi cũng muốn hòa bình với người Palestine.Tôi tin rằng việc ấy có thể thực hiện được, nhưng tôi nghĩ việc ấy đòi một phương thức mới hẳn”.

Trong bối cảnh ấy, bất cứ Đức Giáo Hoàng nói điều gì về chủ đề này đều sẽ có tiếng vang khắp vùng, nhất là lúc ngài tới thăm trại tị nạn của người Palestine, không xa hàng rào mà Do Thái đã và đang xây cất gần Bêlem trong lãnh thổ West Bank hiện đang bị Do Thái chiếm đóng. Đức Tổng Giám Mục Michel Sabbah, thượng phụ về hưu của Giêrusalem và là một người Palestine, nói rằng: “Tôi tin Đức Giáo Hoàng sẽ đem tới một sứ điệp nói lên nỗi đau khổ của người Palestine dưới sự chiếm đóng của Do Thái”.

Tại phi trường Amman, Đức Tổng Giám Mục Sabbah nói với thông tín viên của Reuters rằng: “Tôi nghĩ ngài sẽ gửi một thông điệp nói lên nỗi bất công từng giáng xuống người Palestine, bất kể họ là Kitô hữu hay người Hồi Giáo”.

Ưu tiên thăm người khuyết tật

Đúng như chương trình, Vua Abdullah II đã thân hành ra tận máy bay để cùng hoàng hậu Rania nghênh đón Đức Giáo Hoàng lúc ngài đáp xuống phi trường Amman. Cũng theo chương trình, hai vị sẽ còn gặp nhau vào buổi chiều tại hoàng cung để thảo luận. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của Đức Giáo Hoàng là tới thăm trung tâm dành cho người khuyết tật tại giáo xứ Regina Pacis (Nữ Vương Hòa Bình). Theo tin Catholic News Service, trung tâm trên do Giáo Hội Công Giáo sở hữu và điều hành, nhằm chăm sóc sức khỏe và khôi phục cho hơn 600 người Giođăng khuyết tật về thể lý và tinh thần. Tại đây, ngài xúc động đề cập tới việc biến khổ đau thành có ý nghĩa và các cố gắng của Giáo Hội nhằm trợ giúp người khuyết tật. Việc ngài tới thăm trung tâm này cũng nói lên quan tâm của Giáo Hội đối với những người bệnh hoạn. Tại Giođăng, người ta ước lượng có tới 10% người trẻ dưới tuổi 19 mang khuyết tật trầm trọng. Trung tâm điều trị hết sức tối tân này được điều hành bởi ba nữ tu thuộc Dòng Truyền Giáo Comboni và một nhóm giáo viên, điều trị viên và thiện nguyện viên để giáo dục và chăm sóc miễn phí cho những người Hồi Giáo và Kitô Giáo tàn tật.

Đức Giáo Hoàng đến trung tâm giữa tiếng reo hò của đám đông. Ngài len lỏi vào giữa hàng ngũ tín hữu, trong khi ban nhạc Giođăng thổi gerpe, một loại kèn ống của họ, và đánh tabla (trống đánh bằng tay). Trong bài huấn dụ, ngài nhận rằng đôi khi thật “khó tìm được lý lẽ giải thích điều xem ra chỉ là một trở ngại phải vượt qua hay đơn giản chỉ là đau khổ phải hứng chịu, đau khổ thể lý hay đau khổ xúc cảm”. Ngài cho rằng: đức tin vào Thiên Chúa và tình yêu vô điều kiện của Người đem lại tầm nhìn cần thiết, và cầu nguyện có thể giúp ta chữa lành các vết thương tâm linh và xúc cảm. Ngài vui cười nói với đám đông tại trung tâm: “Các bạn thân mến, không giống người hành hương thuở xưa, tôi tới đây chẳng mang theo quà cáp hay lễ dâng gì cả. Tôi chỉ đến với một chủ đích, một niềm hy vọng: là cầu nguyện cho hồng phúc hợp nhất và hòa bình đầy qúy giá, nhất là hợp nhất và hòa bình cho Trung Đông”.

Phản ứng của người Hồi Giáo

Vào sáng hôm nay, ngài cũng sẽ đọc diễn văn trước các nhà lãnh đạo Hồi Giáo và ngoại giao đoàn sau khi viếng Đền Thờ Hồi Giáo Al-Hussein Mosque. Các học giả Hồi Giáo coi cuộc viếng thăm Đền Thờ này là một dấu hiệu thiện chí.

Basma Dajani, một giáo sư dạy tiếng Ả Rập tại Đại Học Giođăng cho hay: “chúng tôi hoan nghênh cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng tại nơi thánh ấy. Chúng tôi hy vọng cuộc viếng thăm này không chỉ nhằm gây tác động hỗ tương về tôn giáo, mà còn là cơ hội cho sự hợp tác văn hóa giữa người Ả Rập và người Phương Tây”.

Hamdi Murad, một học giả Hồi Giáo và là thành viên của Trung Tâm Nghiên Cứu Chung Sống Liên Tín Ngưỡng Giođăng cho hay: “Trong tư cách một quốc gia Hồi Giáo, chúng tôi hoan nghênh Đức Giáo Hoàng. Cuộc thăm viếng của ngài thật tích cực… và giúp xua đuổi mọi hiểu lầm giữa Vatican và thế giới Ả Rập”.

Lớn mạnh, góp phần xây dựng Trung Đông

Trước khi rời Gio-đăng qua Do Thái, Đức Giáo Hoàng sẽ làm phép viên đá đầu tiên xây dựng ít nhất ba cấu trúc Công Giáo: một đại học tân lập tại Madaba, cách Amman 20 dặm, và hai nhà thờ tại Bethany-quá-bên-kia-Giođăng gần địa điểm người ta tin Chúa Giêsu xưa kia đã được Thánh Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho. Giám đốc báo chí của Tòa Thánh là Cha Federico Lombardi cho biết: khi làm phép các viên đá đầu tiên nói trên, Đức Giáo Hoàng hy vọng cộng đồng Kitô hữu nhỏ bé của nước này tiếp tục ở lại và lớn mạnh, góp phần vào sự phồn vinh của đất nước.

Marie-Ange Siebrecht, một nhân viên thuộc tổ chức “Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu”, vừa từ Trung Đông trở về Đức, mô tả điều kiện sống hết sức khó khăn của các Kitô hữu tại vùng này. Theo cô, người Kitô hữu tại Galilê chẳng hạn, tuy có được những điều kiện sống tốt hơn người Palestine tại West Bank, nhưng đối với Do Thái, họ vẫn bị coi là công dân bậc nhì, nghĩa là không được đủ tự do như các công dân Do Thái khác, như không được tự do du hành như các công dân kia. Dù thế, vẫn có chừng 73,000 người Công Giáo tại Galilê, một con số không nhỏ.

Cô cho hay khu vực quanh Bêlem thuộc West Bank có nhiều vấn đề tồi tệ nhất. Ở đấy, người ta như sống trong một nhà tù, vì bức tường phân cách kia, họ không thể tới lui được chi cả. Vấn đề càng trở nên khó khăn hơn cho các cặp vợ chồng Kitô giáo còn trẻ. Cô trưng trường hợp người chồng trẻ được cấp giấy đi Giêrusalem làm việc, nhưng người vợ của anh thì không được phép rời Bêlem để cùng đi và sống với anh…

Cô kêu gọi Kitô hữu hãy tới Đất Thánh không phải chỉ để thăm những nơi thánh mà còn thăm những ‘viên đá sống’ vì những người Kitô hữu này rất vui khi thấy anh chị em Kitô hữu tới lui gần gũi với mình.

Đó chính là điều Đức Thánh Cha đang làm. Ngài đến nói với những viên đá sống này rằng: nay quả là một thời kỳ hết sức khó khăn đối với họ, nhưng cũng là thời điểm của hy vọng, thời điểm của “một bắt đầu mới và một cố gắng mới tiến tới hòa bình”. Ngài cho họ hay: họ là thành tố quan trọng trong sinh hoạt của các quốc gia tại trung Đông, và Giáo Hội muốn khích lệ họ hãy “can đảm, khiêm nhường và nhẫn nại để tiếp tục ở lại trong nước” và đóng góp cho xã hội, đặc biệt qua hệ thống học đường và bệnh viện của mình. Nhất là các học đường, những định chế này sẽ giúp đưa người Kitô Giáo và người Hồi Giáo tìm về với nhau.

Tự do tôn giáo

Trong đáp từ của ngài tại phi trường Amman, Đức Giáo Hoàng nói rằng các công trình xây dựng trên còn làm chứng cho sự tự do tôn giáo của Gio-đăng. Và ngài hy vọng sự tự do ấy được quảng bá khắp vùng. Theo ngài, tự do tôn giáo là một quyền căn bản, “và tôi hết sức hy vọng và cầu nguyện để việc tôn trọng các quyền và phẩm giá bất khả nhượng của mọi con người, bất kể nam hay nữ, được khẳng nhận và bênh vực mỗi ngày một hơn, không phải chỉ ở Trung Đông, mà còn ở mọi vùng trên thế giới”.

Theo tin của Catholic News Service, Đức Thánh Cha nhân dịp này cũng ca ngợi các nhà lãnh đạo Giođăng trong việc ủng hộ các cố gắng tìm ra giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Do Thái và Palestine. Cuối tháng Tư vừa qua, Vua Abdullah II từng gặp Tổng Thống Barack Obama và thúc giục ông này có những động thái cương quyết cho hòa bình giữa Do Thái và Palestine, bằng cách cảnh cáo rằng một cuộc chiến tranh Trung Đông mới sẽ bùng nổ nếu không có tiến triển thật sự nào trong 18 tháng tới. Nhà Vua cũng mới gặp Tổng Thống Ai Cập là Hosni Mubarak để cố gắng tái phát động các cuộc thương thảo nghiêm chỉnh về hòa bình giữa người Palestine và người Do Thái, đặt căn bản trên giải pháp hai quốc gia.

Đức Giáo Hoàng cũng ghi nhận việc Giođăng tiếp nhận người tị nạn từ Iraq. Con số người tị nạn này lên đến 700,000 người, trong đó có 70,000 người là Kitô hữu. Một số Kitô hữu này cũng đã tham dự các buổi nghênh đón Đức Giáo Hoàng tại Giođăng.

Thù tiếp của Giođăng

Báo chí tường thuật rằng theo truyền thống Đức Giáo Hoàng không ăn uống với các vị nguyên thủ quốc gia, nên tại Giođăng, dù được quốc vương, hoàng hậu và hoàng gia đón tiếp nồng hậu, ngài vẫn không dự yến tiệc chi tại hoàng cung cả. Phần lớn các bữa ăn của ngài diễn ra tại Tòa Đại Sứ của Vatican ở Amman, do các đầu bếp thượng thặng trông coi. Thực đơn đã được gửi trước cho Vatican và các đầu bếp được dặn dò cẩn thận là Đức Giáo Hoàng không dùng nấm và đồ biển.

Giođăng đã dành cả hai tháng chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng. Biển ngữ chào đón ngài được chăng khắp các phố, có biển ngữ viết rằng: “Hãy đứng sau quốc vương để nghênh đón Đức Giáo Hoàng trong suốt cuộc hành hương của ngài. Hỡi người Hồi Giáo và Kitô Giáo”. Sở bưu điện Giođăng cũng sẽ phát hành các tem thư đặc biệt trong những ngày tới để đánh dấu cuộc viếng thăm này, nhưng các viên chức không cho biết thêm tin tức gì về hình thù các tem thư này.

Chuyến đi của Đức Bênêđíctô phản ảnh chuyến đi lịch sử năm 2000 của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người được cả người Do Thái Giáo lẫn người Hồi Giáo ca ngợi như nhau. Phản ứng tốt đẹp vào ngày đầu cuộc viếng thăm cho người ta hy vọng Đức Bênêđíctô XVI cũng sẽ gặt hái được một thành quả tương tự. Một viên chức, ông Bader, cho hay hàng ngàn chiếc nón mang cờ Giođăng và Vatican cũng như các áo thung in hình nhà vua và Đức Giáo Hoàng đã được phân phối tại vận động trường quốc tế tại Amman vào ngày Chúa Nhật trước Thánh Lễ Đức Giáo Hoàng cử hành tại đó. Theo tin của tờ The National, Nhà Cầm Quyền Palestine đã bằng lòng bỏ kế hoạch tiếp đón Đức Giáo Hoàng tại một khán đài cạnh bức tường phân cách West Bank với Do Thái, mà theo Essa Qaraqie, một nhà lập pháp của Palestine, là do áp lực của Do Thái. Họ đã di chuyển địa điểm nghênh đón tới một ngôi trường của Liên Hiệp Quốc bên trong trại tị nạn. Phải chăng, đó cũng là vết rạn của sự căng thẳng cố hữu trong vùng.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 10.05.2009. 00:14