Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cuộc tông du Đất Thánh (13)

§ Vũ Văn An

Trên đường rời Do Thái, rộng tay với người chỉ trích

Hôm nay, 15 tháng Năm, trên đường rời Do Thái trở lại Rôma, sau tám ngày tại Đất Thánh, Đức Giáo Hoàng một lần nữa đã mạnh mẽ lên án Nạn Diệt Chủng, để phần nào minh xác với những người cho rằng ngài không phản đối đủ thảm kịch kia lúc đến viếng Đài Tưởng Niệm Yad Vashem.

Phần lớn những lời chỉ trích tập chú vào việc ngài không chịu dùng từ ngữ “sát nhân” trong bài diễn từ đọc ở đó, và không minh nhiên đích danh nhắc tới Chủ Nghĩa Quốc Xã. Tại buổi lễ tiễn chân tại Phi Trường Quốc Tế Ben Gurion tại Tel Aviv, Đức Giáo Hoàng dành ít phút để nhắc lại toàn bộ chuyến hành hương của ngài, trong đó, ngài đặc biệt nhắc đến lúc thăm đài tưởng niệm, và gọi nó là “một trong những giờ phút long trọng nhất của thời gian tôi lưu lại Do Thái”.

Nói rồi

Ngài nhắc khéo những ai chỉ trích ngài rằng: “Những giây phút hết sức cảm động ấy khiến tôi nhớ lại cuộc thăm viếng của tôi cách nay ba năm tại tử trại Auschwitz, nơi quá nhiều người Do Thái, vốn là những người mẹ, người cha, người chồng, người vợ, con trai con gái, anh em, chị em, bằng hữu, đã bị tru diệt một cách dã man dưới một chế độ vô thần từng gieo rắc một ý thức hệ bài Do Thái và hận thù”.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “cái chương lịch sử khiếp đảm ấy không bao giờ được lãng quên hay bác bỏ. Trái lại, các ký ức đen tối ấy phải tăng cường quyết tâm xích lại gần nhau của chúng ta như những chiếc cành của cùng một cây ô-liu, vốn được cùng một rễ nuôi sống và vốn hợp nhất trong cùng một tình đệ huynh”.

Ở đây, Đức Giáo Hoàng nhắc tới việc ngài cùng Tổng Thống Simon Peres trồng một cây ô-liu tại dinh tổng thống hôm đầu tiên của chuyến viếng thăm Do Thái. Ngài cho hay: cây ô-liu là hình ảnh được Thánh Phaolô dùng để mô tả các liên hệ gần gũi giữa người Kitô hữu và người Do Thái Giáo. Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô nói rằng: Giáo Hội của Dân Ngoại giống như nhánh ôliu dại được tháp vào cây ôliu được vun trồng đàng hoàng, tức Dân Giao Ước (cf. 11:17-24).

Một số đại diện Do Thái vốn chỉ trích rằng Đức GH không nhắc gì tới gốc gác Đức của ngài trong bài diễn văn tại đài tưởng niệm. Đức GH trả lời họ một cách mặc nhiên bằng cách nhắc lại bài diễn văn ngài đọc hồi tháng Năm năm 2006 lúc tới thăm Auschwitz, trong đó, ngài minh nhiên nhắc tới gốc gác ấy. Thực vậy, trong bài diễn văn này, ngài nói rằng: ngài đến thăm Auschwitz trong tư cách “một người con của nhân dân Đức”. Chính vì thế, ngài có bổn phận phải tới “vì sự thật và món nợ công chính đối với những người chịu thống khổ tại đây, một bổn phận đối với Thiên Chúa”. Nhân dịp ấy, ngài lên án tội ác của “Chế độ Quốc Xã hung bạo”

Bằng hữu

Trong bài diễn từ chia tay, đọc trước sự hiện diện của Tổng Thống Simon Peres và Thủ Tướng Benjamin Netanyahu, Đức Giáo Hoàng tỏ bày thiện chí đối với mọi dân tộc. Ngài khẳng định: “Tôi đến thăm xứ sở này như một bằng hữu của người Do Thái, giống hệt như tôi là bằng hữu của nhân dân Palestine”.

Theo ngài, bằng hữu phải đau cái đau của nhau. “Không bằng hữu của người Do Thái và của người Palestine nào lại không buồn vì sự căng thẳng liên tục đang xẩy ra giữa hai dân tộc. Không bằng hữu nào lại không khóc khi thấy những đau thương và mất mát sinh mạng mà cả hai dân tộc này phải kinh qua trong suốt hơn sáu thập niên qua”.

Cho nên, ngài lớn tiếng kêu gọi: "Đừng đổ máu nữa! Đừng đánh nhau nữa! Đừng khủng bố nữa! Đứng có chiến tranh nữa!”.

Cụ thể hơn, nhân lúc tạm biệt hai người bạn thân yêu này, Đức Giáo Hoàng nói rõ: “Mọi người hãy phổ quát nhìn nhận rằng Nhà Nước Do Thái có quyền hiện hữu, và được hưởng hoà bình và an ninh trong các biên giới được quốc tế nhìn nhận. Cũng vậy, mọi người hãy thừa nhận rằng nhân dân Palestine có quyền có một quê hương tự chủ độc lập, được sống hợp phẩm giá và tự do đi lại”.

Và sợ có thể bị hiểu lầm, ngài nói thêm: “Hãy biến giải pháp hai nhà nước thành thực tế, chứ không phải là một giấc mơ nữa”. Ngài còn cụ thể hơn bằng cách đề cập thẳng tới bức tường phân cách: “một trong các cảnh tượng đau buồn nhất đối với tôi trong chuyến viếng thăm này là bức tường”. Theo ngài, các dân tộc Đất Thánh có thể sống với nhau trong hòa bình và hòa hợp mà không cần tới những “dụng cụ an ninh và phân cách” như thế. Ngài nói với ông Peres rằng mục tiêu ấy khó đối với cả Do Thái lẫn Palestine. Nên ngài và Giáo Hội Công Giáo khắp thế giới sẽ cầu nguyện để hai dân tộc tiếp tục các cố gắng nhằm xây dựng được một nền hòa bình công chính và lâu bền.

Vùng đất màu mỡ

Ngài ngỏ lời cám ơn đối với chuyến viếng thăm và hy vọng vào một “nền hòa bình lâu dài dựa trên công lý” và việc “hoà giải cũng như hàn gắn chân chính” tại Đất Thánh. Theo ngài, “vùng đất này quả là một mảnh đất màu mỡ cho cuộc đối thoại đại kết và liên tôn và tôi cầu xin cho các chứng tá tôn giáo phong phú trong vùng này mang lại nhiều hoa trái trong việc hiểu biết và kính trọng lẫn nhau mỗi ngày một thăng tiến hơn”. Ngài nói thêm: “Chúng ta gặp nhau như anh em, những anh em, đôi khi trong lịch sử, có căng thẳng trong liên hệ, nhưng nay cương quyết dấn thân vào việc xây dựng những chiếc cầu tạo tình huynh đệ lâu dài”.

Không phải chỉ là tạm biệt cho có lệ

Đối với cha Thomas D. Williams, LC, việc tiễn chân Đức Giáo Hoàng tại phi trường quốc tế Ben Gurion không phải chỉ là một nghi thức tạm biệt cho có lệ. Thực vậy, Đức GH đã lợi dụng cuộc gặp gỡ cuối cùng với Tổng Thống Sion Peres để nhắc lại các sứ điệp chủ yếu trong chuyến tông du của ngài. Vị giáo hoàng mà nhiều người nghĩ không có khả năng thốt ra lời nào lành mạnh, đã cô đọng trọn mọi sứ điệp của mình trong bài diễn văn chỉ có 859 chữ và chỉ kéo dài không quá 3 phút đồng hồ.

Dù sao, trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, ngài cũng đã tóm lược được cốt lõi 29 cuộc gặp gỡ khác nhau trong suốt tuần lễ thăm viếng. Xem ra ngài đã trở lại lớp học đại học một lần nữa để tóm lược bài giảng trong ngày giúp các sinh viên đãng trí nắm vững bài học.

Từ hình ảnh cây ôliu mà ngài và ông Peres cùng trồng trong dinh tổng thống Do Thái, hình ảnh được ngài dựa vào thư Rôma của Thánh Phaolô để nói lên mối liên hệ gần gũi giữa Kitô Giáo và Do Thái Giáo, ngài nhắc đến cuộc gặp gỡ tại Yad Vashem, để ngầm cho những ai chỉ trích ngài thiếu xúc cảm ở đấy hay: ngài “xúc động một cách sâu xa” giống như lúc thăm tử trại Auschwitz cách nay 3 năm, nơi ngài đích danh nói tới gốc gác Đức của mình và minh nhiên nêu danh kẻ tạo ra Nạn Diệt Chủng.

Rồi, như để đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài, nhất là sau những chỉ trích bất công nhân dịp ngài tha vạ tuyệt thông cho người bác bỏ Nạn Diệt Chủng là GM Richard Williamson, Đức Giáo Hoàng nói: “Cái chương lịch sử khiếp đảm ấy không bao giờ được lãng quên hay bác bỏ”.

Chưa hết, bằng một ngôn từ không chút hàm hồ, ngài xác định ngài là bạn của cả Do Thái lẫn Palestine, đau buồn vì đau đớn và mất mát của cả hai trong suốt hơn 6 thập niên qua. Rồi với một giọng tha thiết chưa từng có trong suốt chuyến viếng thăm này, ngài thống thiết xin hai người bạn hãy ngưng đổ máu để xây dựng hòa bình dựa trên công lý.

Để cụ thể hóa điều vừa nói, ngài minh nhiên kêu gọi quyền sống như một quốc gia hay như một nhà nước tự chủ, độc lập, an toàn cho cả người Do Thái lẫn người Palestine, với những biên giới được quốc tế công nhận.

Không biết thủ tướng Do Thái, ông Benjamin Netanyahu, có hài lòng hay không, nhưng hôm trước há ông đã chẳng yêu cầu Đức Giáo Hoàng lên tiếng về việc Iran bác bỏ quyền hiện hữu của Do Thái như một quốc gia đó sao? Tuy ngài không đích danh nêu tên Iran, nhưng há đó không phải là một đáp ứng đầy thiện chí hay sao?

Như trên đã nói, điều hết sức cụ thể thứ hai trong bài diễn văn tạm biệt Do Thái (và Đất Thánh nói chung) là bức tường phân cách. Ngài gọi nó là một trong những cảnh tượng đau buồn nhất trong suốt chuyến viếng thăm Đất Thánh. Phá bỏ nó là điều không dễ, nên ngài hứa cầu nguyện để mục tiêu ấy mau thành thực tại.

Với bài diễn văn tạm biệt, không ai còn mơ hồ về thiện chí và ý định của Đức Giáo Hoàng trong chuyến đi này. Chỉ còn phải chờ xem thính giả của ngài phản ứng ra sao trong trái tim họ.

Thành công hay không?

Trước ngày Đức Giáo Hoàng lên đường trở lại Rôma, Cha Thomas D. Williams, LC, đặt câu hỏi: chuyến đi của ngài có thành công hay không?

Như đã thấy, cuộc tông du Đất Thánh chủ yếu không có tính chính trị, mà có tính tâm linh. Ngay từ đầu, Đức Bênêđíctô XVI vẫn nhấn mạnh rằng đây là một chuyến “hành hương” chứ không phải là cuộc du hành hay thăm viếng thông thường. Và mặc dù khía cạnh công khai của nó, cuộc hành hương bao giờ cũng có chiều kích bản thân một cách sâu sắc. Trước hết và đầu hết, Đức Giáo Hoàng là một tín hữu Kitô Giáo, một môn đệ của Chúa Giêsu.

Hãy nghĩ việc này có ý nghĩa gì đối với Đức Bênêđíctô XVI khi ngài thăm Galilê lần đầu và có lẽ là lần cuối trong tư cách giáo hoàng. Galilê, nơi Thánh Phêrô gặp Chúa Giêsu lần đầu, được Người kêu gọi, rồi bỏ mọi sự mà theo Người, không bao giờ biết mình sẽ trở thành vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội Chúa Kitô và là một trong những tử đạo đầu tiên của Giáo Hội ấy.

Hãy nghĩ việc này có ý nghĩa gì đối với ngài khi ngài lưu lại Giêrusalem và thăm viếng các nơi thánh của nó. Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu bị Phêrô chối bỏ, bị Giuđa phản bội, lập Phép Thánh Thể, và hiến mạng sống cho chúng ta trên thánh giá. Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết và lên trời.

Đức Giáo Hoàng là người tâm linh sâu sắc, vốn mong ước được thực hiện chuyến hành hương này. Đây là cuộc hành trình mà ngài mong ước hơn bất cứ cuộc hành trình nào khác. Và rồi lúc này đây, ngài đang ở đây. Bên dưới những cơn sóng bạc đầu của hoạt động và chống đối, vẫn có những chỗ thanh thản như đáy biển nơi Đức Giáo Hoàng lui về không bị ai quấy rầy, nơi ngài hiện diện một mình với Thiên Chúa. Giống như Đức Maria, ngài giữ mọi sự ấy ở trong lòng và suy đi nghĩ lại (xem Lc 2:19).

Trong bối cảnh ấy, ta hiểu rõ câu nói đầy ý vị của Thánh Augustinô với tín hữu Hippo: “Với anh chị em, tôi là một Kitô hữu; vì anh em chị em, tôi là một giám mục”. Ở đây, tại Đất Thánh này, Đức Bênêđíctô là cả hai. Vì chúng ta, thực ra vì mọi quốc gia và mọi dân tộc, ngài là giám mục Rôma và là Đại Diện Chúa Giêsu Kitô. Ngài là một nhà lãnh đạo, một tiên tri hòa bình, một người rao giảng Phúc Âm và một thày dạy muôn nước. Vì chúng ta, ngài chăm sóc đoàn chiên của Chúa Kitô và củng cố anh chị em mình trong đức tin. Ấy thế nhưng, với chúng ta, Đức Bênêđíctô XVI chỉ là một Kitô hữu đơn giản, một khách hành hương đi thăm viếng các nơi thánh và rút tỉa được sức mạnh từ ơn thánh đang hiện diện ở đấy. Với chúng ta, ngài đứng thán phục trước mầu nhiệm của quan phòng Thiên Chúa và sự uy nghi của việc Người làm.

Cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng Bênêđíxctô XVI thành công, không phải vì những lý do nhiều người vốn nghĩ. Vì theo Đức Giáo Hoàng, sự thay đổi thực sự và lâu dài, mà chỉ có sự thay đổi này mới đáng kể, không phải là kết quả của các chương trình chính trị, biện luận hay ho, hay vận dụng được sự ủng hộ của quần chúng. Nó chính là công trình của Chúa trong trái tim con người. Đức Bênêđíctô tới trong tư cách một dụng cụ của ơn thánh đó và, như lời Thánh Phanxicô, một máng chuyến hòa bình của Thiên Chúa. Đó là điều ngài được mời gọi thực hiện, và trong tư cách người phục dịch tốt và trung thành, ngài đang thực hiện việc ấy.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 16.05.2009. 23:38