Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Con đường đồng nghị của Đức được cả hoan hô lẫn đả kích khi diễn ra

§ Vũ Văn An

Theo Catholic News Service, phiên họp đầu tiên của “con đường đồng nghị” về tương lai Giáo Hội Công Giáo ở Đức đã nhận được cả lời ca ngợi lẫn phê bình chỉ trích.

Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, dĩ nhiên thuộc phe ca ngợi. Ngài nói rằng tinh thần hội nghị “tích cực và đầy khích lệ” và gọi diễn trình đồng nghị này là “cuộc thử nghiệm thiêng liêng”.

Thomas Sternberg, chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Các Người Công Giáo Đức, đại diện hàng ngũ giáo dân, nói rằng “ở đây, không ai tranh luận về lòng đạo của người khác”. Và “hình ảnh mới về Giáo Hội” đã được nhìn thấy tại hội nghị ở Frankfurt.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, của Cologne, thuộc phe chỉ trích. Ngài nói rằng “mọi nỗi sợ hãi của tôi đã được xác nhận, thực sự như thế”. Ngài cho biết con đường đồng nghị đã thiết lập ra một hình thức nghị viện kiểu Giáo Hội Thệ Phản, và các đại biểu vốn hoài nghi diễn trình cải tổ thấy khó có thể lên tiếng.

Trong một cuộc phỏng vấn của KNA, Đức Hồng Y nói phiên họp bị mờ đục bởi nhiều bất cập về thần học.

Ngài nói: “cảm tưởng của tôi là ở đây, phần lớn những gì thuộc học lý thần học không còn được chung chia với chúng tôi, và thay vào đó, người ta tin rằng họ có thể lên khuôn Giáo Hội một cách hoàn toàn mới và khác biệt”. Nhiều luận điểm trình bầy đã không tương hợp với đức tin và giáo huấn của Giáo Hội hoàn vũ.

Hội nghị này là bộ phận đưa ra quyết định cao cấp nhất của con đường đồng nghị. Đây là cố gắng của Hội Đồng Giám Mục Đức và Ủy Ban Trung Ương Các Người Công Giáo Đức nhằm phục hồi niềm tin tiếp theo tường trình hồi tháng 9 năm 2018 do Giáo Hội bảo trợ; tường trình này cho thấy chi tiết hàng ngàn vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ trong 6 thập niên qua. Quan sát viên từ 8 quốc gia láng giềng cũng như đại diện của nhiều giáo phái và giáo hội khác đã theo dõi hội nghị diễn ra tại Frankfurt từ ngày 30 tháng Giêng tới ngày 1 tháng Hai.

Đức Cha Stefan Ackermann của giáo phận Trier và là phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Đức về các vấn đề lạm dụng tình dục nói với hội nghị rằng việc Giáo Hội xử lý vấn đề đã không ngừng được cải thiện và trở nên hữu hiệu hơn; nhiều tiến bộ đã được thực hiện kể từ ngày công bố cuộc nghiên cứu lạm dụng năm 2018. Kể từ đầu năm 2020, các hướng dẫn để xử lý và ngăn cản lạm dụng đã có được hình thức giáo luật trong mọi giáo phận Đức.

Các nhận xét sau đó từ các đại biểu cho thấy các nan đề và vấn đề mới vẫn còn đấy. Bao gồm việc lạm dụng tinh thần và tình dục các thành viên nữ của các hội dòng nữ; đường ranh giữa hai lãnh vực này khá mù mờ, nữ tu dòng Biển Đức Philippa Rath phát biểu như thế. Còn Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick của Bamberg thì nhấn mạnh rằng giáo luật chỉ có thể áp dụng thêm vào luật hình sự của nhà nước, nhưng ngài gợi ý rằng trong tương lai, các linh mục cũng có thể bị trừng phạt bằng cách bị giảm lương và các biện pháp kỷ luật khác. Ngài nói rằng việc ra luật lệ tương ứng có thể được trình bầy năm nay để Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn.

Trong cuộc tranh luận về luật độc thân, luân lý tính dục của Giáo Hội và chia sẻ quyền hành, điều trở nên rõ ràng là đại đa số các tham dự viên tin rằng cần có sự thay đổi.

Giáo Hội vốn dạy rằng các người đồng tính luyến ái “phải được chấp nhận một cách tôn trọng, cảm thương và nhậy cảm” và “mọi dấu hiệu kỳ thị bất công đối với họ phải được xa tránh”. Nhưng sách giáo lý cũng mô tả xu hướng đồng tính là “vô trật tự một cách khách quan” và hành vi đồng tính là “vô trật tự từ trong nội tại” vì tính dục là “phần cấu tạo ra tình yêu nhờ đó một người đàn ông và một người đàn bà hoàn toàn cam kết với nhau cho tới chết”.

Nhưng Đức Tổng Giám Mục Stefan Hesse của Hamburg tự tách ngài ra khỏi giáo lý của Giáo Hội về đồng tính luyến ái. Ngài nói rằng Giáo Hội khinh miệt người đồng tính và không đối xử công bằng với các cặp đồng tính vốn tuân giữ các giá trị như trung thành, tôn trọng và chịu trách nhiệm trong mối liên hệ của họ.

Đức Giám Mục Franz Jung của Wurzburg nói ngài cảm thấy tinh thần xây dựng trong hội nghị. Hội nghị không nhằm vứt bỏ giáo lý Công Giáo nhưng tìm cách giúp nó tiến bộ và phát triển.

Đức Giám Mục Karl-Heinz Wiesemann của Speyer yêu cầu có sự chuyển dịch về văn hóa trong việc xử lý quyền hành trong Giáo Hội.

Ngài nói với KNA, “chúng ta cần một sự minh bạch và giải trình nhiều hơn liên quan đến việc thi hành quyền lực; chúng ta cần một sự kiểm soát an toàn về cơ cấu và sự tham gia của toàn thể dân Chúa”. Ngài cho hay ngài có ấn tượng bởi bầu khí cởi mở của ba ngày hội nghị và lạc quan “rằng chúng ta sẽ đạt được các kết quả trông thấy trong hai năm”.

“Chúng Ta Là Giáo Hội”, một nhóm chuyên cổ vũ thay đổi trong Giáo Hội, mô tả hội nghị như “một khởi đầu đầy hy vọng, nhưng, cũng cho người ta những dấu hiệu cản trở đối với diễn trình cải tổ mới mẻ này”. Tổ chức này cho rằng các vấn đề cải tổ nay đã được đặt để rõ ràng.

Phiên họp tới sẽ diễn ra tại Frankfurt trong các ngày 3-5 tháng 9, và phiên họp đầu tiên đã thỏa thuận các qui định về thủ tục và thành phần 4 nhóm làm việc.

Các nhóm, mỗi nhóm 35 thành viên, sẽ tiến hành các cuộc thảo luận trong 4 diễn đàn: quyền hành, cuộc sống giáo sĩ, luân lý tính dục và vai trò phụ nữ.

Đức Hồng Y Marx nói rằng ngài sẽ thông tri cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong dịp ngài tới Rôma vào tháng 2. Ngài cho biết tinh thần hội nghị “tích cực và đầy khuyến khích”.

Các quan sát viên quốc tế nhận xét rằng con đường đồng nghị cũng sẽ có tác động đối với các Giáo Hội ở bên ngoài Đức. Khoảng 145 nhà báo đã tham dự hội nghị, cho thấy diễn trình này được lưu tâm khá nhiều.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 05.02.2020 16:53