Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Chuyến tông du lịch sử

§ Lm Nguyễn Hữu Thy

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã trở bình an lại Roma. Còn tại Hoa Kỳ những dư âm và những thành quả tích cực của cuộc tông du thành công tốt đẹp của Đức Thánh Cha đã bắt đầu khai mầm thực sự. Hầu như chưa bao giờ các nhà bình luận của báo chí cũng như của các phương tiện truyền thông khác tại Hoa Kỳ lại nhất trí với nhau như trong dịp chuyến tông du vừa qua của Đức Bênêđíctô XVI tại quốc gia này; họ đã không ngần ngại gọi đó là "chuyến tông du lịch sử."

pope_511.3.jpg

Dân chúng Hoa Kỳ hào hứng đón tiềp Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI

Thật vậy, đó là một điều qua hiển nhiên không ai dám chối cãi. Bởi vì cuộc tông du lần này của Đức Thánh Cha được gắn liền với những giây phút rất tế nhị và đầy phức tạp, như: Việc cầu nguyện tại Ground Zero, cuộc gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục hay việc đến phát biểu công khai tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc trước mặt các đại biểu của các nước. Tuy nhiên, cuộc tông du không chỉ dừng lại ở chỗ đó. Đức Bênêđíctô không chỉ đã có được những ấn tượng tốt đẹp về Hoa Kỳ, nhưng ngài còn để lại tại đất nước này những dấu vết tích cực và sâu đậm, những dấu vết khó phai nhạt.

Đức Thánh Cha đã vạch ra cho Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ con đường cần thiết cho một cuộc đột phá mới, một cuộc phục sinh mới. Vâng, Đức Thánh Cha đã chỉ cho biết Giáo Hội Hoa Kỳ cần phải làm gì để có thể tìm ra được lối thoát hợp lý cho những bế tắc hiện tại, đó là: Nhìn nhận những tội lỗi của mình, sửa chữa những sai trái, hướng nhìn lên Đức Kitô và dấn thân vào cuộc sống xã hội với đức tin Kitô giáo của mình một cách đầy xác tín.

Người ta có thể khẳng định được rằng vị Giáo Hoàng người Đức đã làm cho nhiều người không khỏi ngỡ ngàng, khi ngài đã kết thúc cuộc tông Hoa Kỳ một cách thành công tốt đẹp trong một thời điểm vô cùng khó khăn phức tạp, một điều mà nhiều người đã tỏ vẽ nghi ngờ trước khi Đức Giáo Hoàng bước chân lên máy bay bắt đầu chuyến tông du. Chỉ chưa đầy sáu ngày mà Đức Bênêđíctô đã chiếm trọn được con tim, sự yêu kính của dân chúng Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, không phải ồ ạt vũ bão như một siêu minh tinh màn ảnh thượng thặng, nhưng tuần tự từng bước nhỏ, với mỗi lần xuất hiện trước công chúng, với mỗi bài thuyết trình, bài giảng hay bài nói chuyện, v.v… vị Giáo Chủ Công Giáo lại tiến sâu thêm trong cảm tình và sự kính trọng của người Mỹ. Thật vậy, trước khi bước lên máy bay bắt đầu chuyến tông du, đối với nhiều người dân Hoa Kỳ Đức Bênêđíctô XVI còn là một người xa lạ, nhưng vào buổi chiều ngày chúa nhật vừa qua, ngài lại từ giã dân chúng Hoa Kỳ như một người bạn thân yêu của họ từ bao thủa. Sự nghi ngờ lúc ban đầu đã nhanh chóng đổi thành sự khâm phục và hào hứng.

Chúng ta đừng quên rằng, mục đích tiên quyết chuyến tông du của Đức Bênêđíctô XVI là an ủi, củng cố và động viên Giáo Hội Hoa Kỳ. Đức Thánh Cha đã chỉ cho họ thấy đâu là nguồn sức mạnh cần thiết phải kín múc để có thể thoát ra khỏi được cơn khủng hoảng. Phương châm của cuộc tông du là: "Đức Kitô là niềm hy vọng của chúng ta!" Vì thế, trong tất cả mọi bài phát biểu của Đức Thánh Cha câu phương châm đó luôn luôn được khéo léo nhắc lại như một điệp khúc thân thương và đáng yêu.

Tiếp đến, mặc dù trước hết đây là một cuộc tông du mục vụ, nhưng người ta cũng không thể phủ nhận được tính cách chính trị của nó. Bởi vì, khi một vị Giáo Hoàng của Giáo Hội Công Giáo thăm viếng Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, thì đương nhiên màu sắc chính trị đã ẩn hiện đâu đó rồi. Đức Giáo Hoàng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, đức tin không bao giờ là vấn đề cá nhân riêng tư. Qua đó, Đức Giáo Hoàng đã minh nhiên chống lại một "sự tách rời sai lầm giữa đức tin và đời sống chính trị" và kêu gọi sự dấn thân một cách hợp lý trong lãnh vực chính trị và xã hội. Nhưng Đức Giáo Hoàng cũng không quên cảnh cáo trước những "Phúc Âm sai lầm về sự tự do và về hạnh phúc". Sự tự do chân chính chỉ có thể tìm gặp được trong sự hy sinh cho Thiên Chúa.

80417pope-usa-lhq.jpg

Đức Bênêđíctô XVI được nhiệt liệt đón tiếp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc

Đức Bênêđíctô XVI ca ngợi tinh thần tín ngưỡng sống động của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Qua nhiều hình thức khác nhau của tinh thần tín ngưỡng, lòng khao khát sự siêu việt và ý nghĩa của cuộc sống con người được biểu lộ ra bên ngoài. Trước sự khao khát tìm kiếm đó, Giáo Hội không thể thoái thác hay tránh né được, nhưng cần phải đưa ra một câu trả lời cụ thể, rõ ràng và thỏa đáng, tức: Đức Giêsu Kitô, Đấng là nguyên ủy và chung cuộc, là đầu và cuối, của một cuộc sống sung mãn! Vì thế, chỉ trong Đức Kitô những khát vọng về tín ngưỡng của con người mới hoàn toàn được thoả mãn.

Bởi vậy, Đức Giáo Hoàng đã thẳng thắn tuyên bố, chứ không chút úp mở rằng, một xã hội thực sự tân tiến không thể là một xã hội vô tôn giáo được. Trái lại, đức tin gắn bó vào Thiên Chúa là nền tảng để đánh giá khả năng về tương của xã hội. Ngài còn quả quyết rằng không có tôn giáo thì không thể có một xã hội nhân bản được. Nhưng mức độ và tiêu chuẫn của tính cách nhân bản lại tuỳ thuộc vào mức độ và tiêu chuẫn của đức bác ái, của tình yêu. Và người Kitô hữu tin tưởng một cách đầy xác tín rằng tình yêu đã trở thành cụ thể trong con người Đức Giêsu Kitô.

Ngay từ đầu, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã kịch liệt phản đối cuộc chiến tranh tại Irak. Sau đó, Đức Bênêđíctô XVI cũng theo một quan điểm như vị Tiền Nhiệm đáng kính của ngài. Tuy nhiên, quan điểm của Giáo Hội Công Giáo hoàn toàn khác với quan điểm của các nhà lãnh đạo chính trị. Giáo Hội Công Giáo chống chiến tranh là vì sự sống con người, là vì tôn trọng các quyền căn bản của con người, là vì nền hòa bình và hạnh phúc của các dân tộc. Trong khi đó quan điểm chống chiến tranh của đa số các nhà lãnh đạo chính trị các quốc gia là nhằm lợi dụng nhãn hiệu "chống chiến tranh" như một phương tiện để củng cố đường lối chính trị riêng tư của họ. Nhất là quan điểm của Vatican chống lại sự gây chiến ở Irak không hề mang hậu ý bài trừ ảnh hưởng của người Mỹ như những nhà lãnh đạo chính trị các nước. Thái độ của Vatican là một ý thức trách nhiệm đối với thế giới, chứ không phải nhằm thu hút lá phiếu của cử tri, không phải để nhằm thắng cử như mục tiêu sau cùng. Đúng thế, một đàng người ta có thể yêu mến nước Mỹ, những một đàng khác người ta cũng phải cương quyết "nói không" với chiến tranh, phải kịch liệt chống lại chiến tranh; nói cách khác, Giáo Hội Công Giáo luôn ý thức được sứ mệnh thánh liêng của mình là luôn can đảm lên tiếng ngăn cản khi hành động của con người vượt ra khỏi biên giới của lý trí và đức tin.

Điều đó muốn khẳng định rằng: "Nói không" với chiến tranh và "nói có" với nước Mỹ là một điều có thể và cần đi song hành với với nhau. Và chính điều đó đã được minh chứng một cách rõ ràng nhất trong chuyến tông du của Đức Bênêđíctô vừa qua tại Hoa Kỳ, chuyến tông du lịch sử.

Lm Nguyễn Hữu Thy

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 23.04.2008. 02:19