Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cha Mariano Zelazek, 56 năm phục vụ bệnh nhân phong và người nghèo ở Orissa

§ Hồng Thủy

Ngày 11/02/2018, hàng ngàn Kitô hữu và tín hữu Ấn độ giáo đã họp nhau tại nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm ở Puri, Ấn độ để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha Mariano Zelazek, nhà truyền giáo người Ba lan thuộc dòng Ngôi lời, đã chọn Orissa, Ấn độ, để tận hiến 56 năm cuộc đời mình cho những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội, các bệnh nhân phong, các trẻ em và người bộ tộc.

Mariano Zelazek sinh ngày 30 tháng 1 năm 1918 tại Paledzie, gần thành phố Poznan, Ba lan. Năm 1926, do cuộc khủng hoảng kinh tế, ông bà thân sinh của Mariano buộc phải bán hết gia sản ở ngôi làng quê và di chuyển lên thành phố sinh sống. Dù cho những khó khăn, ông bà vẫn nuôi dạy đàn con đông đúc lớn lên trong đời sống đức tin vào Chúa và yêu quý Giáo hội. Năm 1932, Mariano tìm hiểu dòng Ngôi Lời ở Gorna Grupa. Ngày 8 tháng 9 năm 1937, Mariano gia nhập chủng viện Ngôi Lời ở Chludowo, gần Poznan.

Khi thế chiến thứ hai bùng nổ, quân Đức xâm chiếm Ba lan. Mariano và các bạn học phải chọn: hoặc là rời nhà tập hoặc là bị bắt. Ngày 20 tháng 5 năm 1940, vì các thầy tập sinh từ chối rời nhà dòng, các xe tải của quân cảnh sát mật vụ Đức đã bắt 26 người “cứng đầu” này và đưa họ sang trại tập trung Dachau ở Đức, nơi Hitle sẽ giết những người Do thái, những kẻ chống đối chế độ, người bệnh tật, các tín hữu, vv. Tại đây, Mariano đã chứng kiến những bạn đồng tù bị chết vì đói và tra tấn. Mariano đã thề hứa: nếu sống sót rời khỏi trại tập trung, cậu sẽ làm điều gì đó để thế giới trở nên tốt đẹp hơn, nơi mà không còn ai phải chết vì đói vì lao khổ, không xứng với nhân phẩm. Mariano đã bị giam ở trại Dachau 5 năm cho đến khi được quân đội Mỹ giải phóng vào ngày 29 tháng 4 năm 1945. Rời khỏi trại, Mariano không cảm thấy cay đắng oán hận nhưng cảm thấy một niềm tin vẫn vững mạnh vào Thiên Chúa và vào con người.

Những năm khốn khó trong trại tập trung đã là thời gian giúp Mariano hiểu rõ hơn cuộc sống truyền giáo trong tương lai ở Ấn độ. Từ vực thẳm Dachau, nơi con người không được sống đúng với nhân phẩm, cha Mariano được tôi luyện trở nên người của Chúa, trở nên một người cha của người bệnh phong và các bệnh nhân nghèo. Kinh nghiệm sống trong các trại lao động cưỡng bách, sự sỉ nhục mà cha và các bạn phải chịu không thể hủy diệt tinh thần hy vọng bất khuất của cha. Càng chứng kiến sự hủy diệt sự sống cách tàn bạo ở Dachau, cha càng quyết tâm sống để giúp đỡ người khác. Từ kinh nghiệm trong trại tập trung, cha đã ra khỏi trại với quyết tâm tiếp tục sống và và với tinh thần tông đồ, cha giúp đỡ những người đang chiến đấu và đau khổ được sống với phẩm giá của họ.

Tháng 9 năm 1948, Mariano gia nhập dòng Ngôi Lời ở Roma. Năm 1950, theo nguyện vọng, cha Mariano được gửi sang Ấn độ, đến Sambalpur thuộc bang Orissa để truyền giáo. Cha Mariano làm việc ở Orissa trong suốt 56 năm dài. Mọi người gọi cha Mariano với tiếng “Bapa” thân thương và cha được các tín đồ thuộc mọi tôn giáo kính trọng. Đầu tiên tại trung tâm truyền giáo Sambalpur, cha giúp dân bộ lạc và bản xứ, tìm cách giúp họ bằng cách tạo cho họ cơ hội được học hành. Tại Puri và các vùng lân cận, cha hoạt động để các bệnh nhân phong, người nghèo, người bị bỏ rơi được sống trong phẩm giá.

Tại vương quốc người phong cùi nơi cha Mariano hoạt động, các bệnh nhân phong cùi không còn là những người “không được chạm đến”. Cha Mariano hiểu họ không chỉ đói khát thể chất nhưng còn đói tình yêu. Cha đã chia sẻ tình yêu với họ, mang lại cho ánh sáng rạng ngời trong đôi mắt và trên gương mặt. Cha xây trường cho con em của bệnh nhân vì chỉ có giáo dục mới thay đổi cuộc đời các em. Cha dạy cho họ xây nhà gạch; gắn hệ thống nước để họ tắm giặt; xây nhà bếp; cung cấp sữa cho trẻ em mỗi sáng. Cha còn thành lập các nông trại chăn nuôi và trồng loại bông dệt thảm; lâp xưởng làm giày riêng cho bệnh nhân phong. Cha giúp cho họ có nhà ở, không chỉ là nơi cư trú nhưng còn là nơi yêu thương và được yêu thương; nơi đó họ có thể tìm lại quyền lợi để được xem như những con người thật sự; nơi đó họ không chỉ là con Chúa nhưng còn là các công dân; và nơi đó, niềm hy vọng của họ có thể được thực hiện. (Asia News 12/02/2018)

Hồng Thủy

Đọc nhiều nhất Bản in 24.02.2018 09:01