Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Câu chuyện của bà Mary Ann, 76 tuổi, cầu nối giữa tù nhân và gia đình họ

§ Ngọc Yến

Bà Mary Ann 76 tuổi có sở thích truyền cảm đặc biệt. Cách đây 7 năm, bà quyết định trở thành một tình nguyện viên trong tù. Công việc của bà đã gây ảnh hưởng rất sâu đậm đến những đứa trẻ dễ bị tổn thương.

Mọi việc bắt đầu cách đây 15 năm khi bà Mary Ann là giáo viên về hưu, bà bắt đầu đi đến các trường học, thư viện, và các trung tâm chăm sóc trẻ em để kể chuyện cho các em nghe. Bà tự gọi mình cách hài hước là “người đọc truyện mũi đỏ”, vì bà thường đeo cái mũi giả màu đỏ để làm trò cười cho trẻ em.

“Câu chuyện nối kết”

Một ngày kia bà đọc một bài báo nói về một sáng kiến của nhà tù ở Missouri, Hoa Kỳ được gọi là “Câu chuyện nối kết”. Theo sáng kiến này, các tình nguyện viên sẽ vào trong tù để thu âm các “câu chuyện buổi tối” do các tù nhân đọc cho trẻ em nghe. Sau đó họ sẽ gởi bài thu âm cùng với những quyển truyện cho con cháu của họ để các em cảm thấy được gần gũi và liên kết với người thân yêu của mình đang ở xa.

Bài báo này đã đánh động tâm hồn bà. Bà như nghe được tiếng gọi sâu thẳm trong tâm hồn và bà đã trả lời lớn tiếng rằng: “Tôi muốn làm công việc này”. Và thế là bắt đầu một hành trình khám phá mới được bắt đầu ở tuổi 70.

Bà Mary Ann làm việc ở Idaho, là một bang lớn, rất ít dân cư sinh sống nhưng lại là một bang có nhiều tù nhân mang án tử, họ chỉ được thăm thân nhân và bạn bè qua tấm chắn bằng kính. Nhà tù ở xa thành phố, vì thế việc thăm nuôi các tù nhân của người thân thường là một hành trình tốn kém và đầy khó khăn. Gọi điện thoại cũng rất đắt và không có tác dụng gì nếu tương quan gia đình đã bị tổn thương.

‘Câu chuyện buổi tối’ điểm khởi đầu cho sự hòa giải

Bà Mary Ann, một phụ nữ có nụ cười dễ thương và giọng nói nhẹ nhàng đã kể câu chuyện đánh động lòng người chỉ bằng một cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để giúp một ai nào đó: “Tôi nhớ có một anh thanh niên kết hôn lần thứ nhất rồi ly dị, rồi lại kết hôn trước khi anh bị bắt vào tù. Với lần kết hôn đầu tiên anh đã có một cô con gái, nhưng vợ anh đã quyết định cắt đứt quan hệ và không cho con gái liên lạc với anh sau khi anh vào tù. Năm ngoái anh ta được tin con gái mình đã có con nghĩa là từ nay anh đã là ông ngoại. Anh rất muốn được gặp lại con gái mình hay ít nhất là được liên lạc với con nhưng người mẹ không cho phép. Anh xin tôi cho anh được đọc ‘Câu chuyện buổi tối’. Anh đã chọn đọc một câu truyện để thu băng gởi cho cho gái của mình. Khi cô con gái nghe được giọng kể của cha mình đọc câu chuyện mẹ thường kể khi cô còn nhỏ, cô rất xúc động và đã khóc . . . Chính lúc đó cô quyết định thay đổi tương quan giữa cô và cha mình. ‘Câu chuyện buổi tối’ đã trở thành điểm khởi đầu cho sự hòa giải. Sau khi trả tự do anh đã được đoàn tụ với gia đình và đã gởi cho tôi tấm hình anh chụp cùng với các thành viên trong gia đình”.

Một công việc thu âm đơn giản đã có thể hàn gắn và nối kết gia đình lại với nhau. Đôi khi câu chuyện được thu âm đơn giản cũng đã giúp cho tù nhân hiểu được nổi đau của sự xa cách với những người thân trong gia đình và từ đó họ muốn thay đổi cuộc sống. Khi được trả tự do họ có thể hòa nhập vào xã hội.

Sống Lời Chúa

Bà Mary Ann giải thích: “Là Kitô hữu, chúng ta biết rất rõ lời Chúa Giêsu đã truyền dạy: cho kẻ đói ăn, cho người nghèo áo mặc, đón tiếp người ngoại kiều, thăm tù nhân. Điều cuối cùng thường được xem là điều khó khăn nhất. Tuy nhiên chúng ta không thể làm ngơ. Tất cả chúng ta đều là tội nhân. Do vậy, nhà tù chính là nơi cần tình yêu của Thiên Chúa nhất, một tình yêu được diễn tả bằng hành động cụ thể”.

Bà Mary Ann chia sẻ: “Tôi chọn trở thành người làm hề vì tôi muốn nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt mọi người. Và đó cũng chính là lý do tôi trở thành tình nguyện viên trong nhà tù để nối kết tù nhân và những người ở ngoài, đem cho họ niềm hy vọng giúp họ không cảm thấy mình bị mất tình yêu thương hay bị bỏ rơi. Bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân tìm kiếm sự thông cảm và đặc ân, Không ai trong chúng ta bị loại trừ khỏi ơn cứu độ. Chúa Kitô chỉ muốn chúng ta được giải thoát khỏi bóng tối”.

Bà Mary Ann thực sự là chứng nhân hy vọng về tình yêu Thiên Chúa dành cho các Kitô hữu, những người muốn theo sát Đức Kitô qua những cử chỉ bác ái bé nhỏ nhưng cụ thể trong cuộc sống hàng ngày .

Ngọc Yến - Vatican News

Đọc nhiều nhất Bản in 12.06.2020 11:23