Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Các nhận định về Tự Sắc “Các con là ánh sáng thế gian” của Đức Thánh Cha Phanxicô

§ Vũ Văn An

Điều đầu tiên nên biết là nhận định của người đóng góp lớn vào việc soạn thảo tự sắc. Người đó là Đức Tổng Giám Mục Charles Jude Scicluna của Malta, hiện là phụ tá tổng thư ký tại Bộ Giáo Lý Đức Tin, Bộ được coi là “Bộ Có Năng Quyền” hàng đầu trong diễn trình báo cáo do Tự Sắc dự liệu. Chính ngài đã giới thiệu tự sắc với báo chí tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh.

Theo Linda Bordoni của VaticanNews, Đức Tổng Giám Mục Scicluna đã dùng một ngôn từ đơn giản để tóm tắt tinh thần của Tự Sắc: “Nếu bạn thực sự yêu mến Giáo Hội, bạn cần báo cáo tác phong xấu; nếu bạn báo cáo tác phong xấu, bạn sẽ được bảo vệ; các nạn nhân nên biết rằng Giáo Hội có nghĩa vụ lắng nghe họ, nâng đỡ họ, cung cấp cho họ sự giúp đỡ họ cần”.

Đức Tổng Giám Mục cũng cho hay văn kiện này do một đội ngũ thuộc nhiều bộ sở khác nhau cùng soạn thảo “nó là kết quả của việc làm theo nhóm, rất khổ công” chứ không phải chỉ của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Theo Michael J. O’Loughlin của Tạp chí America, các nhà lãnh đạo Công Giáo nói chung hoan nghinh Tự Sắc của Đức Phanxicô. Tuy nhiên, các nhóm tranh đấu cho các nạn nhân thì tỏ ra dè dặt hơn.

Trong số những vị ủng hộ Tự sắc, ta thấy có Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, người hồi tháng 11, 2018, đã thả nổi ý niệm trách nhiệm giải trình của giám mục (bishop accountability) tương tự như điều Vatican vừa công bố. Ngài gọi các biện pháp của Tự Sắc là “cách mạng”.

Trái lại, Anne Barrett Doyle, đồng giám đốc của BishopAccountability.org, trong một tuyên bố, viết rằng quy tắc mới là “một bước tiến tới” đặc biệt trong việc bảo vệ người báo cáo, không đòi người báo cáo phải giữ im lặng và buộc các giám mục phải tiếp nhận các thủ tục báo cáo vi phạm. Tuy nhiên, cô cho biết thêm: “Thế nhưng gần như không đủ” vì không nói tới trừng phạt, không đề cập gì tới “zero tolerance” (tuyệt đối không dung thứ).

Nhóm Survivors Network for Those Abused by Priests cũng đưa ra lời ca ngợi Tự Sắc đã truyền phải báo cáo kể cả các lạm dụng đối với “người lớn dễ bị tổn thương”. Tuy nhiên, nhóm cho rằng mặc dù Tự Sắc đòi các giám mục phải tuân theo luật lệ dân sự địa phương liên quan đến việc báo cáo các lạm dụng, nhưng không đòi mọi giám mục phải báo cáo với cảnh sát.

Nhóm trên có cái nhìn giới hạn của các quốc gia tự do dân chủ không muốn Giáo Hội giữ một số cuộc điều tra cho riêng mình. Họ bảo: “có lẽ chúng ta sẽ có ấn tượng nhiều hơn nếu luật lệ mới đòi các viên chức của Giáo Hội, thay thế vào đó, phải báo cáo cho cảnh sát và các công tố viên. Sự giám sát của các thẩm quyền bên ngoài, thế tục sẽ bảo vệ trẻ em tốt hơn và ngăn đe các vụ che đậy”.

Điều ấy không nhất thiết lúc nào cũng đúng, nhất là khi các thẩm quyền bên ngoài kia càng ngày càng tỏ ra muốn triệt hạ ảnh hưởng của Giáo Hội. Vả lại, Tòa Thánh từ lâu vốn cho rằng các hệ thống luật lệ khác nhau tại các quốc gia khác nhau khiến một luật lệ phổ quát về báo cáo trở thành bất khả hữu, và việc áp đặt một luật lệ như thế nhất định sẽ xâm hại tới giáo hội ở những nơi người Công Giáo là một thiểu số bị bách hại. Đàng khác, lần đầu tiên trong lịch sử, các quy tắc mới này có dự liệu việc các giáo sĩ phải tuân theo các đòi hỏi báo cáo dân sự nơi họ sinh sống, và nghĩa vụ báo cáo cho Giáo hội không hề phương hại đến ác đòi hỏi này.

Về phương diện minh bạch (transparency), Đức Hồng Y Cupich cho rằng việc tham gia của giáo dân trong diễn trình điều tra bảo đảm sự minh bạch ấy. Tuy nhiên, Kim Smolik, người đứng đầu tổ chức Leadership Roundtable, một nhóm cải cách do giáo dân lãnh đạo nhằm cổ vũ sự minh bạch và việc giải trình trách nhiệm trong Giáo hội, tuy gọi luật lệ mới là “một bước tiến quan trọng cho người Công Giáo khắp thế giới” nhưng cho hay: nhiều điều hơn nữa cần được thực hiện.

Bà cho rằng mặc dù chưa hẳn dựa vào sự thay đổi văn hóa cần thiết cho việc giải quyết tận gốc các nguyên nhân tạo ra việc lạm dụng và che đậy, nhưng luật lệ mới đã cung cấp nền tảng để các hội đồng Giám Mục tạo ra các chính sách giải trình trách nhiệm có ý nghĩa đối với khu vực của họ.

Đức Hồng Y Seán O’Malley, trong một tuyên bố, viết rằng điều rất có ý nghĩa là luật lệ mới đã bao gồm các người lớn “bị vi phạm tình dục do bạo lực hoặc đe dọa hay lạm quyền” vì các nạn nhân này có thể là các chủng sinh và tu sĩ.

Trong mấy tháng gần đây, cả truyền thông thế tục lẫn tạp chí phụ nữ của Tòa Thánh đều đã tường trình việc lạm dụng tình dục các nữ tu Công Giáo trên thế giới. Trong một tuyên bố gừi cho tạp chí America, Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu nói rằng họ “hài lòng khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra một biện pháp tiến bộ có ý nghĩa” và họ sẽ tiếp tục học hỏi Tự Sắc đê hiểu các hệ luận của Tự Sắc đối với các nữ tu.

Gần đây cũng đã có những trường hợp các giám mục Mỹ bị các Tổng Giám Mục giáo tỉnh điều tra, điều Đức Hồng Y Cupich cho là mô thức hữu hiệu. Như trường hợp Tổng Giám Mục William Lori của Baltimore điều tra các lời tố cáo Đức Cha Michael Barndsfield của Tây Virginia có tác phong tình dục xấu xa. Và vụ Đức Hồng Y Timothy Dolan xử lý các đơn tố cáo cựu Hồng Y McCarrick dựa vào cuộc điều tra của một ủy ban giáo dân của tổng giáo phận; cuộc điều tra này thấy các lời tố cáo đã có từ mấy thập niên chống lại vị cựu Tổng Giám Mục Washington là đáng tin cậy.

Đức Hồng Y Dolan của New York cho rằng luật lệ mới là “một dấu chỉ nữa cho thấy ý của Đức Thánh Cha muốn thiết lập việc cải tổ, phát huy việc hàn gắn, và bảo đảm công lý. Đây là một bước tiến hết sức cần thiết và cực kỳ quan trọng đối với giáo hội hoàn vũ”.

Mọi người còn nhớ, tháng 11 năm ngoái, Hội Đồng Giám Mục Hoa kỳ sắp sửa bỏ phiếu để chấp thuận một số biện pháp rốt ráo nhằm loại bỏ tai tiếng lạm dụng, nhưng được Tòa Thánh yêu cầu, các ngài đã hủy bỏ cuộc đầu phiếu ấy. Và sau đó là Hội Nghị thượng đỉnh về việc bảo vệ trẻ em. Nay, theo nhận định của Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, “khuôn khổ hiện có tại Hoa Kỳ, bao gồm việc vươn tay ra với các nạn nhân, lập trường tuyệt đối không dung thứ, báo cáo các lời tố cáo cho thẩm quyền dân sự và tài chuyên môn của giáo dân tại các ủy ban duyệt xét sẽ đặt chúng ta vào thế sẵn sàng đem các chỉ thị của Đức Thánh Cha ra hành động”.

Đức Hồng Y Cupich thì cho rằng “điều xẩy ra hồi tháng 11 giúp mọi sự có thời gian chín mùi vì lợi ích của Giáo Hội hoàn vũ”.

Ký giả John Allen của Tạp chí Crux gọi việc ban hành Tự Sắc là một việc làm lớn vì luật lệ mới là “một bước thêm nữa và sâu sắc trong việc ngăn ngừa và đấu tranh chống lạm dụng”.

Ông cho rằng đây là lần đầu tiên, mọi giáo phận trên thế giới đều phải có 1 hệ thống công khai để tiếp nhận các lời tố cáo lạm dụng và che đậy, các giáo sĩ và tu sĩ có nghĩa vụ báo cáo và khi báo cáo được bảo vệ.

Và mặc dù luật lệ mới không đề cập đến việc báo cáo tội lạm dụng và che đậy cho nhà cầm quyền dân sự, vì đây chỉ nói đến các thủ tục của Giáo Hội, nhưng các thủ tục này không hể ngăn cản các nghĩa vụ hiện có dưới luật pháp dân sự.

John Allen cũng lưu ý tới một nét đặc biệt trong việc đòi bất cứ cơ quan giáo triều xử lý sự việc như thế nào đều có nghĩa vụ phải thông báo cho Phủ Quốc Vụ Khanh và các bộ sở khác có liên quan biết điều gì đang diễn ra. Trong thế giới gần như phong kiến của Vatican, chia vùng “lãnh chúa” riêng biệt xưa nay, sự phối hợp này phải được coi là cách mạng.

Tuy nhiên, Ông cũng cho rằng tác dụng của Tự Sắc mạnh mẽ nhất nơi các nước bên ngoài Phương Tây. Vì nói cho cùng, các nước Phương Tây, hầu như nước nào cũng đã có các biện pháp này rồi. Vả lại, Tự Sắc dường như muốn củng cố vị trí nổi bật của Phủ Quốc Vụ Khanh, một điều nhiều người vốn cho là gây trở ngại cho việc đánh phá tệ nạn lạm dụng và che đậy.

Nhưng điều cũng rõ ràng là Đức Phanxicô nghiêm túc đối với việc diệt trừ tai tiếng lạm dụng và che đậy lạm dụng trong Giáo Hội.

Theo Inés San Martin của tạp chí Crux, trong buổi họp báo công bố Tự Sắc, Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho rằng đây là “một ngày quan trọng đối với việc bảo vệ các vị thành niên trong Giáo Hội” và mô tả luật lệ mới là một đóng góp vào việc “làm cho Giáo Hội trở thành căn nhà an oàn hơn bao giờ hết cho các trẻ em, người yếu đuối và dễ bị thương tổn của chúng ta”.

Cũng theo Martin, Đức Tổng Giám Mục Scicluna nhấn mạnh rằng lần đầu tiên trong lịch sử, luật lệ Giáo Hội hoàn vũ minh nhiên nói đến “nguyên tắc có tính yếu tính” là mình không chứa đựng bất cứ điều gì phương hại đến “các quyền lợi và nghĩa vụ được thiết lập ở mọi nơi bởi pháp luật nhà nước”.

Theo Martin, việc soạn thảo văn kiện này do Phủ Quốc Vụ Khanh điều động nhưng các bộ sở khác được yêu cầu góp ý kiến ít nhất vào hai dự thảo, 1 vào đầu tháng Tư và 1 vào cuối tháng ấy. Tiết lộ này có lý hơn vì như Allen đã nhận định, tự sắc có vẻ đề cao vai trò của Phủ Quốc Vụ Khanh.

Hannah Brockhaus của CNA thì gọi việc trao trách nhiệm điều tra cho vị Tổng Giám Mục giáo tỉnh là mô hình Tổng Giám Mục giáo tỉnh (Metropolitan Model) do Đức Hồng Y Cupich đề xuất tại phiên họp hồi tháng 11, 2018 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ và tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ở Vatican hồi tháng 2, 2019 về việc bảo vệ vị thành niên.

Và dù Tự Sắc không nói đến các hình phạt, nhưng theo Brockhaus, các hình phạt đã có sẵn trong Giáo Luật. Ở cuối cuộc điều tra, kết quả được gửi tới Bộ có năng quyền và Bộ này sẽ áp dụng các hình phạt sẵn có trong Bộ Giáo Luật.

Kurt Martens, giáo sư thường trú của trường giáo luật Đại Học Công Giáo America và là chủ bút của tờ The Jurist, viết trên America cho rằng với tự sắc mới, Đức Giáo Hoàng Phanxicô chứng tỏ ngài rất nghiêm túc đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng. “Luật lệ mới ban hành chỉ mấy tháng sau hội nghị thượng đỉnh về lạm dụng hồi tháng 2, 2019 tại Rôma. Thời gian và giọng điệu của luật lệ mới quả có tính cách mạng, thế nhưng luật lệ thì đặt cơ sở vững chắc trên truyền thống”.

Ông cho rằng đây cũng là do trải nghiệm đau đớn và đôi khi cay đắng của Giáo Hội Hoa kỳ và các tiếng nói của tín hữu hoàn cầu giúp đem đến sự thay đổi trong thái độ và luật lệ. “Nay không còn đường trở lui, và giọng điệu quả đã được điều hướng về tương lai”.

Martens coi việc bảo vệ người tố cáo có “tính cách mạng trong giáo luật và bảo đảm bất cứ nạn nhân nào muốn kể lại câu truyện của họ đều không thể bị im tiếng”.

Ông cũng cho rằng một trong các điều phi thường của luật lệ mới là nếu hành xử không tốt 1 cuộc điều tra mà ngài chịu trách nhiệm, vị giám mục có thể bị điều tra về tội che đậy.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 11.05.2019 17:56