Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Các nhận định về Tông Huấn Gaudete et Exultate của Đức Phanxicô

§ Vũ Văn An

Inés San Martín của Tạp Chí Crux, trước ngày công bố Tông Huấn Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, cho rằng không ai nghĩ tông huấn này sẽ châm ngòi cho một cuộc tranh cãi như Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương, trong đó, Đức Phanxicô thận trọng đưa ra khả thể rước lễ cho những người ly dị tái hôn dân sự. Nhưng cô thêm rằng “dĩ nhiên, Đức Phanxicô là vị giáo hoàng của những bất ngờ” nên không ai biết chắc phản ứng đối với nó sẽ ra sao".

Opus Dei: Tông huấn ngỏ lời với mọi người

Christopher Wells gọi Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng là bản chỉ dẫn vào Kitô Giáo của thế kỷ 21. Jack Valero, Giám Đốc Truyền Thông của Opus Dei ở Anh, có giọng khiêm tốn hơn, cho rằng Tông Huấn nhấn mạnh tới ơn gọi nên thánh trong đời sống hàng ngày và đặc biệt nhắc đến chứng tá giáo dân. Đây cũng là sứ điệp được cổ vũ và đem ra sống bởi các thành viên của Phủ Doãn Tông Tòa Opus Dei.

Valero nói rằng: “Đây là một văn kiện tuyệt vời ngỏ với mọi người, tuyệt đối là với mọi người, và bảo họ rằng bạn không cần phải là một con người đặc biệt, hay một linh mục, hoặc một nữ tu, hay một giáo hoàng mới cố gắng nên thánh. Mọi người nên cố gắng nên thánh và việc này dễ thôi: bạn chỉ cần muốn và để Chúa thực hiện nó trong bạn, ơn thánh Chúa luôn có đó cho mọi người".

“Chính trong những việc bình thường hàng ngày của đời sống bạn sẽ tìm thấy sự nên thánh ấy...”.

Theo Valero, Đức Phanxicô phác thảo các phương cách truyền thống để nên thánh: cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái, với việc nhấn mạnh tới phương cách thứ ba: “nhìn những người chung quanh ta và thấy họ đại diện Chúa Kitô đối với ta”.

Valero cũng cho rằng, ngoài các việc thương xót những người túng thiếu, nên thánh hệ ở việc “đi làm, làm việc của mình đàng hoàng, và liên hệ với các bạn đồng nghiệp tại nơi làm việc”. Thành thử “Mọi hành động liên quan tới đời sống hàng ngày, tới người khác, đều là thành phần của cố gắng nên thánh”.

Trận chiến không ngừng

Deborah Castellano Lubov của Zenit thì chú trọng tới khía cạnh “chiến đấu không ngừng” của việc nên thánh, không phải là chuyện cơm bữa.

Ký giả này dù có nhắc đến quan điểm “các thánh nhà bên cạnh” của Đức Phanxicô, chứ không phải các thánh xa xôi diệu vợi, nhưng khi nhắc đến “biện phân”, một việc có lẽ chỉ “dễ” với mấy môn đệ của Thánh Inhaxiô thành Loyola, chứ không dễ với bàn dân thiên hạ, nên đã coi “đời sống Kitô hữu là một trận chiến”. Nếu không nghĩ như thế, thì Tông Huấn cảnh cáo rằng, chúng ta “sẽ trở thành mồi ngon của thất bại và tầm thường”. Có điều, theo ký giả này, Tông Huấn bảo đảm Chúa ban cho ta “những vũ khí rất mạnh” như cầu nguyện, suy niệm, Thánh Lễ, Xưng Tội, Chầu Thánh Thể, các hành vi bác ái và nối vòng tay lớn cộng đồng.

Chống việc quá nhấn mạnh tới tín lý và luật lệ

Ký giả Edward Pentin của tờ National Catholic Register thì bảo Tông Huấn này “dài dòng” (lengthy). Dĩ nhiên, vì nó gồm tới 22,000 chữ, “nói về nhiều thể tài mà Đức Thánh Cha từng nhắc đi nhắc lại trong 5 năm qua”, trong đó, có việc “nhấn mạnh quá đáng tới tín lý”.

Theo Pentin, khi nhắc đến hai lạc giáo Ngộ Đạo và Pêlagiô, từng được Văn Kiện Placuit Deo của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin ban hành hồi tháng Hai năm nay, Đức Phanxicô có nới rộng định nghĩa về chúng. Ngài bảo ngộ đạo ngày nay “phán đoán người khác dựa vào khả năng hiểu sự phức tạp của một số tín lý nào đó”. Họ cũng “thu gọn giáo huấn của Chúa Giêsu vào một thứ luận lý lạnh lùng và khắc nghiệt chỉ tìm cách thống trị mọi sự”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm: “khi một ai đó có câu trả lời cho mọi câu hỏi, thì đó là dấu hiệu họ đang không ở trên con đường đúng. Rất có thể họ là tiên tri giả, chuyên dùng tôn giáo cho các mục đích riêng của họ, để cổ vũ các lý thuyết tâm lý học hay tri thức của riêng họ”. Ngài cũng cảnh cáo chống lại việc tin rằng biết tín lý giúp người ta trở thành “hoàn hảo và tốt hơn ‘đám quần chúng dốt nát’”.

Còn bọn tân Pêlagiô ngày nay thì bị Đức Phanxicô cho là “ám ảnh với lề luật, chi li quan tâm tới phụng vụ, tín lý và tiếng tăm của Giáo Hội, dành tầm quan trọng quá đáng cho một số qui luật” hơn là muốn lan truyền “vẻ đẹp và niềm vui của Tin Mừng và tìm kiếm người lạc lối”.

Ngài khẩn thiết “Xin Chúa giải thoát Giáo Hội khỏi các hình thức tân ngộ đạo và Pêlagiô này đang đè bẹp Giáo Hội và ngăn chặn Giáo Hội tiến bước trên đường thánh thiện!”

Mạnh mẽ và thẳng thắn

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám Mục Galveston-Houston và là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục/Hoa Kỳ, ngày 9 tháng Tư, lên tiếng ca ngợi Tông Huấn Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng của Đức Phanxicô vì “những lời lẽ mạnh mẽ, thẳng thắn” và “rất rõ ràng” trong cương vị “Đấng Đại Diện của Chúa Kitô”.

Đức Hồng Y cho rằng câu “Đừng sợ nên thánh” ở số 30 đã đập thẳng vào mắt ngài trước nhất. Vì ai cũng sợ phải cố gắng nên thánh, sợ bị chê cười, chế giễu, thậm chí ghét bỏ. Nhưng đây là điều Chúa kêu gọi mỗi người chúng ta thực hành (1Tx 4:3) (số 19).

Trong số những việc cần làm để nên thánh, Đức Hồng Y lưu ý đặc biệt tới “sự lịch thiệp (civility) trong mọi tương tác của chúng ta, nhất là trong các phương tiện truyền thông”. Và ngài nhấn mạnh: “ngay trong các bất đồng gay gắt với nhau, ta phải luôn nhớ rằng Thiên Chúa mới là người phán kết, không phải con người” (Gcb 4:12).

Biện phân

Các tác giả Dòng Tên, Dòng của Đức Phanxicô, thì làm nổi bật các nét “Dòng Tên” trong văn kiện mới nhất của Đức Phanxicô. Và không nét Dòng Tên nào nổi bật trong triều giáo Hoàng Phanxicô hơn việc biện phân.

Thực vậy, linh mục Bill McCormick, SJ, khi viết bài tóm lược Tông Huấn trên tờ Jesuit Post, đã nhấn mạnh tới điểm này. Theo ngài, “Món mang về nhà ăn (take-away) hào nhoáng nhất lấy từ văn kiện này là sự biện phân, và sự biện phân có nghĩa gì đối với tính công đồng, thẩm quyền giáo hoàng và các áp dụng mục vụ của giáo huấn Giáo Hội”.

Linh Mục cho rằng nhờ biện phân, ta có có thể giải quyết sự căng thẳng giữa “sự nên thánh của giai cấp trung lưu” và sự tầm thường. Đây là một sự căng thẳng quan trọng đối với Đức Phanxicô, người vốn khuyên ta vì Chúa hãy từ bỏ mọi sự... thế nhưng lại lo ngại là chúng ta sẽ không nhận ra và trân qúi tính thánh thiện nơi những điều bình thường”.

Theo Linh Mục, “một đàng, Đức GH Phanxicô muốn chúng ta nhìn thấy sự nên thánh của những người xung quanh ta, của những người và ở những nơi ta thấy mình hiện diện. Nhưng đàng khác, Đức Phanxicô lại hỏi chúng ta sự nên thánh này làm sao mà biết được, yêu mến được, và thực hành được để đưa chúng ta lại gần Thiên Chúa hơn. Nói cách khác, ngài thúc cùi chỏ khiến ta tiến tới magis (điều hơn)”.

Cha McCormick cho rằng “Thích đáng xiết bao khi một Giáo Hoàng Dòng Tên hướng dẫn chúng ta nhìn thấy sự nối kết thân mật giữa ơn gọi nên thánh phổ quát và magis (điều hơn) của Thánh Inhaxiô thành Loyola”. Ai cũng biết khẩu hiệu của Dòng Tên là: Ad Majorem Dei Gloriam, Để Chúa Được Vinh Hiển Hơn). Cái hơn ấy chính là sự nên thánh.

Trả lời những người phê phán Niềm Vui Yêu Thương

Nữ ký giả Inés San Martín của Crux chú trọng tới một điểm khác trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng. Cô viết: dù trong tông huấn mới, Đức Phanxicô bàn tới nhiều thể tài vẫn thường có trong tư duy của ngài và trong nền linh đạo Công Giáo, “nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó cũng đã cung cấp một nhận định gián tiếp về hai vấn đề nóng bỏng gần đây: Thứ nhất, vị giáo hoàng này thực sự tin gì về hỏa ngục, đời sau, và lãnh vực tâm linh? Thứ hai, ngài trả lời ra sao những người phê bình giống hàng trăm người mới đây tụ họp tại Rôma vào hôm thứ Bẩy để thách thức văn kiện Niềm Vui Yêu Thương năm 2016 của ngài?”

Theo cô, tuy không trực tiếp nói đến hỏa ngục, nhưng Đức Phanxicô quả quyết có ma qủy và ảnh hưởng ma quái của chúng. Về những người chỉ trích Niềm Vui Yêu Thương, Đức Phanxicô có cái nhìn khá ảm đạm. Ngài viết: “Trái với sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, đời sống của Giáo Hội có thể trở thành một mảnh của bảo tàng viện hay tài sản của một số ít người được chọn. Việc này có thể xẩy ra khi một số nhóm Kitô hữu dành tầm quan trọng quá đáng cho một số qui luật, phong tục hay cung cách hành động. Tin Mừng lúc đó bị rút gọn và thu hẹp, mất hết nét đơn giản, sức quyến rũ và vị ngọt của nó”.

Cổ điển Phanxicô

Christopher Altieri thì cho rằng Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng là văn kiện có tính “cổ điển Phanxicô” vì bàn đến các chủ đề và thể tài vốn được coi là chủ yếu đối với Đức Phanxicô, dù chủ yếu nói đến ơn gọi nên thánh phổ quát.

Tuy nhiên, như người Ý quen nói: la lingua batte dove il dente duole (lưỡi liếm chiếc răng đau) nên người ta đoán trong tông huấn này, Đức Phanxicô có một số “chiếc răng đau”.

Chiếc răng đau đáng lưu ý nhất rất có thể là vấn đề di dân. Trong đoạn 102, ngài viết: “Chúng ta thường nghe nói rằng, vì chủ nghĩa duy tương đối và các thiếu sót của thế giới hiện nay, hoàn cảnh của di dân, chẳng hạn, là vấn đề ít quan trọng. Một số người Công Giáo coi nó là vấn đề hạng hai so với các vấn đề đạo đức sinh học ‘nghiêm trọng’ hơn. Nếu một chính khách đang mong có phiếu bầu mà nói như thế thì ta còn hiểu được, nhưng một Kitô hữu thì không, vì với họ thái độ thích đáng duy nhất là đứng về phía các anh chị em của chúng ta đang liều mạng sống để đem lại một tương lai cho con cái họ”.

Nét nổi bật nữa trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng là điều tác giả này gọi là “chiêm niệm trong hành động”. Thực vậy, Đức Phanxicô cho rằng:

“Điều không lành mạnh là yêu sự thinh lặng trong khi trốn chạy việc tương tác với người khác, muốn hòa bình và yên tĩnh trong khi trốn tránh hoạt động, tìm kiếm cầu nguyện trong khi khinh ghét phục vụ. Mọi sự đều có thể chấp nhận và tích hợp vào cuộc sống của ta trên trái đất, và trở thành một phần của đường nên thánh. Ta được kêu gọi trở thành người chiêm niệm giữa lúc hành động và lớn lên trong sự thánh thiện bằng cách thi hành sứ mệnh riêng của mình một cách có trách nhiệm và quảng đại”.

Mười lăm chữ chủ yếu

Antoine Mekary của ALETEIA thì liệt kê 15 chữ chủ yếu của Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng: Các Mối Phúc (số 63), Đức Maria (số 176), Bách Hại (số 92-93), Hân Hoan (các số 122 và 126), Thinh Lặng (các số 149, 150 và 151), Thánh Thể (số 157), Chứng Từ (số 138), Khiêm Nhường (các số 118,119 và 120), Ma Qủy (các số 158-161), Liên Mạng (số 155), Ý Thức Hệ (các số 100 và 101), Người Nghèo (các số 96 và 97), Di Dân (các số 102 và 103), Mạnh Dạn Truyền Giáo (các số 129, 130 và 131).

Không theo các vị tiền nhiệm

Tạp Chí LifeSiteNews thì cho biết tại sao các vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô không đồng ý với ngài. Vì phá thai là quan trọng nhất trong mọi vấn đề nhân quyền.

Tạp chí trên cho rằng Đức Phanxicô coi phá thai cũng tương đương như các vấn đề luân lý khác như di dân chẳng hạn, ngược với các vị tiền nhiệm coi phá thai là vấn đề trầm trọng nhất. Chính vì thế, ngài chỉ trích những người coi di dân là một vấn đề “hạng hai so với các vấn đề đạo đức sinh học nghiêm trọng hơn”.

Tạp chí trên trích dẫn Đức Gioan Phaolô II coi quyền sống là nhân quyền căn bản nhất, đệ nhất hạng. Do đó, Tạp Chí này cho rằng, trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, Đức Phanxicô đã “huấn quyền hóa một ý thức hệ mà chính ngài đã phát biểu sáu tháng sau ngày lên ngôi giáo hoàng, khi ngài nói với tạp chí America rằng: ‘chúng ta không thể chỉ nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan tới phá thai, hôn nhân đồng tính và sử dụng các phương pháp ngừa thai’. Ngài chỉ trích Giáo Hội bị ‘ám ảnh’ với các vấn đề luân lý này trong điều tờ New York Times gọi rất đúng là một nhận định 'gây chấn động khắp Giáo Hội Công Giáo Rôma'”.

Tạp Chí này cho rằng “luận điểm táo bạo của một vị giáo hoàng cho rằng không nên coi các vấn đề đạo đức sinh học như việc sát hại những con người vô tội, rất trẻ quan trọng hơn việc ‘chào đón’ các di dân xem ra chưa từng có”, nhất là vì văn kiện này được công bố nhân dịp Lễ Truyền Tin. Đây cũng là quan điểm của nhóm phò sự sống lớn nhất của Mỹ là nhóm Susan B. Anthony List. Nhóm này cho rằng Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng “làm mờ chiến tuyến và gây nên hàm hồ lẫn lộn”.

Tuy nhiên, theo Christopher Wells của Crux, Greg Schleppenbach, phó giám đốc của Văn Phòng Các Sinh Hoạt Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục/Hoa Kỳ, cho rằng tông huấn này không có gì mới lạ vì Giáo Hội vốn chủ trương phải hăng say bảo vệ như nhau mọi sự sống con người, ở mọi giai đoạn, và trong mọi điều kiện. Nên phải đọc đoạn nói về chống phá thai như lời kêu gọi những người phò sự sống chỉ biết chống phá thai mà loại bỏ mọi vấn đề khác, như nhận định của Charles Camosy, giáo sư đạo đức học tại Đại Học Fordham.

Có điều, Giáo Sư Camosy khuyên các đồng minh công khai của Đức Phanxicô nên lớn tiếng hơn chút nữa trong việc bảo vệ sự sống con người, chứ hiện họ không “rõ ràng, cương quyết, và hăng say” cho lắm trong việc bảo vệ sự sống các trẻ chưa sinh.

Ơn thánh mới là trọng tâm

Austen Ivereigh, người viết tiểu sử của Đức Phanxicô, thì cho rằng những người chỉ trích Đức Phanxicô không hiểu chút gì về ngài. Theo ông, Niềm Vui Yêu Thương chẳng hạn không tập trung vào việc bảo vệ sự thật của hôn nhân ở bình diện văn hóa và luật lệ mà nhằm mở rộng đường vào ơn thánh, giúp người ta sống sự thật này.

Trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, ngài cũng kêu gọi mọi người mở lòng mình ra đón nhận ơn thánh.

Tác giả này cho rằng Đức Phanxico theo đường hướng của Thánh Augustinô coi ơn thánh là hồng phúc bên trong luôn có đó cho chúng ta trong cầu nguyện khiêm nhường khi chúng ta sai phạm, và trong sai phạm này, Thiên Chúa luôn dùng sáng kiến để thay đổi con người.

Cũng theo Thánh Augustinô, các yếu đuối của con người không được ơn thánh chữa lành một lúc là xong, nhưng sự nên thánh của ta lớn mạnh dần với thời gian trong việc chúng ta khiêm nhường tiếp nhận ơn thánh, từng bước, từng bước, giữa những giới hạn của hoàn cảnh và sức lực.

Ngược lại, “không thừa nhận từ tận đáy lòng và một cách cầu nguyện các giới hạn của ta sẽ ngăn cản ơn thánh làm việc hữu hiệu ở trong ta” vì chúng ta tự đóng cửa không cho điều ta nghĩ ta không cần bước vào.

Theo tác giả này, Đức Phanxicô tin rằng việc Giáo Hội nhấn mạnh tới sự thật và giới luật luân lý mà không nhấn mạnh tới tính trung tâm của ơn thánh đã khiến lời mời gọi của Kitô Giáo trở nên gớm guốc, thậm chí đe dọa, và là một lý do tại sao nhiều người đã ngưng lắng nghe Giáo Hội”

Không chỉ để trả lời phe chỉ trích

Phil Lawler, một ký giả Công Giáo bảo thủ, thì cho rằng Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngkhông phải chỉ để trả lời phe chỉ trích, như truyền thông thế tục vốn nghĩ.

Thực vậy, theo Lawler, Tờ New York Times cho chạy hàng tít: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đặt việc Quan Tâm Di Dân và Chống Đối Phá Thai Trên Cùng Một Vị Thế Như Nhau”. Hãng Tin Reuters cho rằng theo Đức Phanxicô “Chống Các Bất Công Xã Hội Cũng Quan Trọng Như Chống Phá Thai”; Tờ Wall Street Journal cho chạy hàng tít: “Đức Giáo Hoàng nói Đấu Tranh Chống Nghèo Đói Cũng Nhất Thiết Như Chống Phá Thai”; còn hãng CNN thì nói: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô Nói Rằng Giúp Người Nghèo Và Di Dân Cũng Quan Trọng Như Chống Phá Thai”.

Tờ New York Times cho rằng Đức Phanxicô “đánh trả các nhà phê phán bảo thủ bên trong Giáo Hội”. Tờ Wall Street Journal nhận định: tông huấn là “cố gắng mới nhất của ngài nhằm tái điều chỉnh các ưu tiên của giáo huấn luân lý của Giáo Hội khỏi điều ngài gọi là quá nhấn mạnh tới nền đạo đức tính dục và y học”.

Lawler cho rằng các nhận định trên không hẳn phi lý. Vì Đức Phanxicô quả có những đoạn nhắm vào người Công Giáo bảo thủ. Nhất là lúc ngài đề cập tới các thuyết tân Ngộ Đạo và Tân Pêlagiô.

Tuy nhiên, chủ đích của Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngkhông phải thế, mà là làm thế nào để nên thánh trong đời sống bình thường hàng ngày.

Chúng ta đang đi về đâu?

Tuy nhiên, người thân tín của Đức Phanxicô dường như nghĩ khác. Vị này cho rằng, Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừnglà câu trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta đang đi về đâu?” (của hội nghị thứ Bẩy qua tại Rôma để chỉ trích Niềm Vui Yêu Thương)

Thực vậy, theo Claire Giangravé của Crux, ít nhất đó là quan điểm của Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, vị đại diện của Đức Phanxicô cai quản Giáo Phận Rôma, và là người trình bầy chính Tông Huấn Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng tại cuộc họp báo 9 tháng Tư, và ngài trả lời: Giáo Hội đang tiến trên đường thánh thiện. Giáo Hội sẽ trống rỗng nếu không giữ vững đường nên thánh của mình.

Nhà báo Valente, một trong ba vị hiện diện trên bàn chủ tọa cuộc họp báo, cho rằng dù không trực tiếp trả lời những người chỉ trích Niềm Vui Yêu Thương, nhưng Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngnối tiếp đường hướng của Niềm Vui Yêu Thương. Vì nó trình bầy “nhu cầu ơn thánh trên căn bản từng giờ từng phút một” của những con người trên thực tế của đời thường. Quan điểm này, trong yếu tính, “kết hợp hai văn kiện”.

Chính để làm nổi bật khía cạnh “những con người thực tế” của đời thường trên, mà buổi họp báo công bố Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, ngoài Đức Tổng Giám Mục Donatis, chỉ có hai người khác đều là giáo dân.

Léon Bloy và tình yêu

Chỉ có bản tin của CNA ngày 9 tháng tư là lưu ý tới sự kiện: trong bài diễn văn đầu tiên trên ngôi giáo hoàng, Đức Phanxicô đã trích dẫn Léon Bloy, người tân tòng Pháp, đồng thời là một tác giả và một nhà huyền nhiệm từng gây ảnh hưởng cho một số tiếng nói văn học quan trọng nhất thời hiện đại. Trong Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừng, ngài lại trích dẫn Léon Bloy một lần nữa, vì ông này cho rằng “thảm kịch lớn nhất và duy nhất ở trên đời là không trở nên một vị thánh”.

Đức Phanxicô còn trích dẫn một câu khác của nhà tư tưởng này: “Tình yêu không làm bạn ra yếu ớt, vì nó là nguồn của mọi sức mạnh”. Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngquả được viết trong yêu thương và nên được đọc trong yêu thương.

Tuy nhiên, nó được chào đón bằng đủ mọi thái độ, trong đó, có cả hoài nghi, phê phán. Facebook và Tweeter trong mấy ngày qua phản ảnh hiện tượng này. Điều này dễ hiểu vì chính Hãy Hân Hoan và Nhẩy Mừngcũng không thiếu các phê phán. Hiện tượng này khiến nhiều sáng kiến của Đức Phanxicô không được lưu ý thích đáng. Nhất là điểm ngài nhấn mạnh rằng đức ái nằm ở tâm điểm sự thánh thiện. Nên nếu các nhà lãnh đạo Công Giáo và các học giả không tiếp nhận và thảo luận văn kiện này bằng đức ái, thì văn kiện này mãi mãi chỉ là chuyện tri thức vô bổ.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 12.04.2018 16:25