Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bóng của Phêrô phủ trên Mỹ quốc

§ Phụng Nghi

Toronto (Zenit) – Tuần lễ trước, Bênêđictô XVI đã thăm viếng Hoa kỳ lần đầu tiên trong chức vị giáo hoàng, và nhiều người đã quan tâm tìm xem ảnh hưởng của vị giáo tông người nước Đức này sẽ ra sao trên một Giáo hội gần như đang bị vây bủa.

Họ hỏi xem Bênêđictô XVI có khả năng “kết nối” được với công chúng như vị tiền nhiệm là Giáo hoàng Gioan Phaolô II trước kia đã làm được hay không. Dù sao, Bênêđictô XVI đặt chân đến nước Mỹ ở tuổi 80, trong khi Gioan Phaolô II chỉ mới 59 tuổi khi thăm viếng Hoa kỳ lần đầu năm 1979.

Cho mãi tới tuần lễ vừa qua, nhiều người cả trong và ngoài Giáo hội vùng Bắc Mỹ chỉ đơn giản chẳng biết Joseph Ratzinger, và còn một số người không muốn bận tâm biết đến ngài nữa.

Họ chỉ biết một nửa sự thật về con người trước kia đã bảo vệ Vatican, người thường được mô tả như con mọt sách, học vấn uyên thâm và nghiêm khắc, thiếu sức lôi cuốn và năng khiếu của người tiền nhiệm trên ngai tòa thánh Phêrô.

Nhưng tuần lễ trước, có điều gì đó đã thay đổi đáng kể nhãn quan của dân chúng về con người Bênêđictô XVI.

Cuộc tông du Hoa kỳ được sắp xếp thận trọng và đã được thực hiện đầy đủ bằng buổi đón tiếp vương giả hôm thứ Tư tại Bạch ốc để mừng sinh nhật thứ 81, một bài diễn văn quan trọng đọc trước các chủ tịch và các nhà giáo dục đại học Công giáo, một cuộc gặp gỡ riêng tư nhưng rất cảm động tại toà sứ thần Vatican ở Washington với các nạn nhân vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục, một buổi nói chuyện với các nhà lãnh đạo nhiều tôn giáo khác nhau, và buổi đại lễ cử hành tại Vận động trường Washington Nationals.

Di chuyển đến New York vào chặng cuối cuộc hành trình, Đức giáo hoàng đọc một diễn văn quan trọng tại phiên họp khoáng đại của Liên hiệp quốc, tiếp theo sau cũng là bài diễn từ quan trọng đọc trước những người ở hậu trường tổ chức LHQ: đó là các thư ký, những người quét dọn, tập việc và ban yểm trợ. (Không có bao nhiêu nhà lãnh đạo chính trị nhìn nhận công lao của những con người nhỏ bé đã làm cho các tổ chức lớn lao vận hành được!)

Vị Giáo hoàng người Đức này cũng thăm một nguyện đường Do thái ở Manhattan vào buổi chiều trước ngày thứ nhất của mùa lễ Vượt qua. Hôm 19 thàng 4, Ngài cử hành thánh lễ đánh dấu năm thứ ba được bầu chọn là Giáo hoàng tại Nhà thờ Chính tòa St. Patrick tại New York, địa điểm được nhiêu người coi là biểu tượng của đạo Công giáo ở Hoa kỳ.

“Mùa xuân mới”

Trong thánh lễ đó ngài phát biểu một tiếng kêu gọi kết đoàn cho “mùa xuân mới” trong một Giáo hội mà theo lời ngài thì quá chia rẽ và bị thương tổn nhiều cách, đặc biệt là vụ tai tiếng lạm dụng tình dục của giáo sĩ. Nhìn những hình ảnh máy hình thu được trong thánh lễ đó, chúng tôi thấy nhiều linh mục và tu sĩ nam nữ đã nhỏ lệ.

Vào cuối thánh lễ cử hành để kỷ niệm năm thứ ba được tuyển chọn làm Giáo hoàng, ngài cất tiếng nói những lời riêng tư và tự phát: “Vào lúc này đây, tôi chỉ biết cảm ơn các bạn, vì lòng các bạn yêu mến đối với Chúa và Giáo hội, vì lòng yêu thương các bạn dành cho Người Kế nhiệm khiêm tốn của Thánh Phêrô. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để xứng đáng làm người kế nhiệm vị đại Tông đồ, tuy cũng là người có lỗi có tội, nhưng trung thành làm tảng đá kiên cố cho Hội thánh đến cùng. Và vì thế, dù với tất cả sự nghèo nàn trong tâm linh, lúc này đây, nhờ ơn Chúa giúp, tôi cũng có thể là Người Kế nhiệm của Phêrô.

Vào buổi chiều ngày thứ Bẩy, Bênêđictô XVI, hiền từ như một người ông nội ông ngoại, đã làm kinh ngạc cả thế giới, và cả bản thân ngài, với sự tỏ bầy lớn lao tình nhân đạo, lòng thương cảm, niềm xác tín, hoàn toàn vui vẻ và những lời nói rất khơi động tại cuộc họp của giới trẻ ở chủng viện vùng Yonkers giáo phận New York.

Trước khi nhập vào không khí của Ngày Giới Trẻ Thế giới, Đức giáo hoàng gặp mấy chục trẻ em khuyết tật trong nguyện đường chủng viện – đa số ngồi trên xe lăn. Ngài chậm rãi bước dọc theo lối đi giữa nguyện đường, có các em xếp thành hàng.

Đức giáo hoàng cầm tay mỗi em, hoặc hôn lên trán. Phụ huynh và người săn sóc đứng bên cạnh, gần như công khai nhỏ lệ.

Phía bên ngoài có gần 30 ngàn người trẻ tập trung. Bênêđictô XVI đề cập – đây là điều rất họa hiếm - đến thời niên thiếu của ngài ở một nước Đức theo chế độ Quốc xã: “Những năm thiếu thời của cha bị thiệt hại vì một chế độ hung hiểm, nó tưởng giải quyết được mọi vấn đề; ảnh hưởng của nó lớn mạnh – xâm nhập vào học đường và các cơ chế dân sự, cũng như chính trị và ngay cả tôn giáo nữa – trước khi bị coi hoàn toàn là con quái vật.” Đó là lời của vị giáo hoàng đã từng đào ngũ khỏi quân đội Đức vào gần ngày kết thúc Thế chiến thứ II.

Suốt cả tuần lễ, Tòa thánh Vatican rất cẩn trọng khi phát biểu lập trường của Đức giáo hoàng về vấn đề di dân, nói lên nhu cầu phải bảo vệ sự hợp nhất của gia đình và nhân quyền của di dân, nhưng cố ý tránh mọi điểm đặc biệt của cuộc tranh luận về di dân ở Mỹ, chẳng hạn vấn đề có nên cho các di dân bất hợp pháp được hưởng quy chế hợp pháp hay không. Chắc rằng, những lời nói tuần qua của Bênêđictô XVI đã khơi động các ý kiến đối nghịch nhau trong cuộc tranh luận vào chính lúc có cuộc bầu cử chức vụ tổng thống ở Hoa kỳ.

Ở đó có Giáo hội

Một thành ngữ tiếng Latinh xưa cũ, được thánh Ambrosio sử dụng lần đầu vào thế kỷ thứ tư, chợt hiện đến trong tâm tưởng tôi tuần qua trong những giây phút của cuộc viếng thăm lịch sử của Đức giáo hoàng tại Hoa kỳ: “Ubi Petrus ibi ecclesia” có nghĩa là “Ở đâu có Phêrô, ở đó có Giáo hội.

Phêrô tuần trước đã ở Mỹ, nơi Sân cỏ phía nam tòa Bạch ốc, nơi trường Đại học Công giáo Hoa kỳ. Nụ cuời rộng mở và khuôn mặt thanh thản rõ rệt của Phêrô, đã thắp sáng một quốc gia, một giáo hội và một đại lục bằng niềm hy vọng giữa không gian hoài nghi và tuyệt vọng, giữa khi nhiều người có lẽ mong muốn cái chết đến mau cho một giáo hội còn đang sống động và trẻ trung.

Những lời Phêrô nói với đại diện của hơn 190 nước thành viên LHQ về nhân quyền, phẩm giá, đối thoại và hòa bình trong một thế giới đang có chiến tranh ở nhiều nơi. Sự im lặng, lời nguyện cầu và các cử chỉ hùng hồn tại Ground Zero của Phêrô đã mang lại ủi an và an bình cho các nạn nhân những cuộc tấn công khủng bố vào cả một quốc gia hôm 11 tháng 9 năm 2001.

Sách Công vụ các Tông đồ trong Tân ước kể lại cho chúng ta rằng “Người ta còn khiêng cả những kẻ đau ốm ra tận đường phố đặt trên giường trên chõng, để khi ông Phêrô đi qua, ít ra cái bóng của ông cũng phủ lên được một bệnh nhân nào đó. Nhiều người từ các thành thị chung quanh Giêrusalem cũng lũ lượt kéo đến, đem theo những kẻ ốm đau cùng những người bị thần ô uế ám, và tất cả đều được chữa lành.

Bênêđictô XVI đến Mỹ quốc tuần qua để đem lại sự hàn gắn và hy vọng. Lời nói và cử chỉ giản dị của ngài là điều tối cần thiết cho một quốc gia tơi tả vì khủng bố và chiến tranh, cho một Giáo hội chia rẽ vì nhiều phe phái. Chỉ có thời gian, suy tư và cầu nguyện, mới phô bầy ra cho biết xem sự hàn gắn vết thương nơi người Công giáo Hoa kỳ, bắt đầu từ tuần trước, sẽ mang lại kết quả cho giáo hội tại Mỹ hay không.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn: Tuần trước bóng của Phêrô đổ trên hàng triệu người ở Mỹ và xa hơn thế nữa. Nhiều người đã lãnh nhận được niềm hy vọng và cảm nghiệm được sự chữa lành khỏi nhiều bệnh tật của chúng ta. Và còn có một điều nữa đã xảy ra tuần qua: đó là Joseph Ratzinger đã thể hiện được chính mình.

Tuy được tuyển chọn và tuyên phong làm Giáo hoàng từ ba năm trước, tôi thiết nghĩ chức vị Giáo hoàng của ngài thực sự bắt đầu trong tâm tưởng và trong cõi lòng của người dân miền Bắc Mỹ tuần trước, khi “Phêrô ở giữa chúng ta.”

Source: The Shadow of Peter Fell on America Last Week [2008-04-23]
Pope Brought Words of Hope and Healing

Phụng Nghi

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 24.04.2008. 15:49