Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bên Lề Chuyến Đức Thánh Cha Thăm Mỹ, phần 3

§ Vũ Văn An

VietCatholic News (Thứ Hai 21/04/2008 22:33)

Hôm qua, chúng tôi đã tường trình một số bài của Tờ Washington Post về chuyến viếng Mỹ của Đức Bênêđíctô XVI. Hôm nay, xin trình bầy một số bài, phần lớn có tính bình luận, về chuyến đi của ngài trên tờ New York Times.

pope_511.3.jpg


Tạm Biệt

Trước đám đông gần 60,000 người tại Yankee Stadium, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã kết thúc cuộc viếng thăm đầu tiên của ngài tại Mỹ trong tư cách nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo La Mã với lời nhắc nhở đoàn chiên rằng “vâng phục” thẩm quyền giáo hội, ngay trên mảnh đất của những người tự do, vẫn là nền tảng cho đức tin tôn giáo của họ.

Trong cuộc thăm viếng 6 ngày tại Washington và New York, Đức Giáo Hoàng đã đề cập đến các vấn đề thế giới, thăm một hội đường Do Thái Giáo và tỏ ý hối tiếc sâu xa về gương mù lạm dụng tình dục trẻ em từng gây thiệt hại cho thế đứng của giáo hội tại nhiều giáo phận Mỹ.

Trong một nghi thức vào buổi sáng tại “Ground Zero”, Đức Giáo Hoàng đã làm phép địa điểm Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới, nơi hơn 2,600 người bị thảm sát trong cuộc tấn công khủng bố, và cầu nguyện cho hòa bình. Và buổi chiều Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng được Phó Tổng Thống Dick Cheney chào tạm biệt tại Phi Trường Kennedy.

Nhưng tại Yankee Stadium trong một buổi chiều Chúa Nhật mát mẻ, sáng láng, với một cử tọa đầy thán phục, Đức Bênêđíctô đã hành động chủ yếu như một mục tử đối với 65 triệu người Công Giáo của Mỹ bằng cách dùng những hạn từ thật đơn giản trình bầy rõ các bổn phận của họ đối với một giáo hội từng đại diện cho điều ngài gọi là “giáo hội duy nhất” do Thiên Chúa thiết lập trên trần gian.

Trong bài giảng Thánh Lễ, ngài nói: “Thẩm quyền. Vâng lời. Nói cho ngay, đó không phải là những chữ dễ nói vào thời nay, nhất là trong một xã hội vốn đặt một giá trị thật cao trên tự do bản thân”.

Ba năm sau cái chết của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người tiền nhiệm được lòng người và nhiều đặc sủng của ngài, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô, một nhà thần học uyên thâm nhưng dè dặt, đã nhẹ nhàng nhưng không chút mập mờ phác họa lại nguồn gốc của thẩm quyền đã được chuyển giao cho ngài và được ngài cho là yếu tính đối với giáo hội.

Chỉ về chính mình, ngài nói rằng “Sự hiện diện quanh bàn thờ này của người kế nhiệm Phêrô, của các anh em giám mục, linh mục và phó tế, của các nam nữ tu sĩ và tín hữu giáo dân từ khắp 50 tiểu bang của liên bang, đã hùng hồn nói lên sự hiệp thông của chúng ta trong đức tin Công Giáo vốn từ các Tông Đồ truyền lại cho ta”.

Lướt qua việc một số linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, ngài cho hay cầu nguyện cho Nước Chúa “có nghĩa là không ngã lòng trước nghịch cảnh, chống đối và gương mù. Nó có nghĩa là vượt thắng mọi hình thức phân rẽ giữa đức tin và đời sống, và chống lại các thứ phúc âm giả tạo tuyên truyền cho tự do và hạnh phúc”.

Thánh Lễ tại Yankee Stadium là biến cố công cộng lớn nhất trong lần thăm viếng này, và được tổ chức cùng ngày với cuộc viếng thăm thân mật nhất của ngài.

Khi đến thăm Ground Zero vào sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng nói chuyện vắn vỏi với một nhóm nhỏ các người sống sót và gia đình các nạn nhân của cuộc tấn công 11/9. Đức Hồng y Edward M. Egan của New York đứng bên cạnh, đọc tên từng người và miêu tả vắn tắt cho Đức Giáo Hoàng hay người thân của họ đã mất ra sao. Một số ôm lấy tay Đức Giáo Hoàng, và nhiều người qùy gối hôn nhẫn ngài.

Đối với những người không được mời để đích thân gặp Đức Giáo Hoàng hay được vé tham dự các biến cố chính, người ta dựng nhiều màn ảnh lớn để họ theo dõi. Tại Quán Thể Thao Billy trên Đại Lộ Bờ Sông ở Bronx có tới 6 màn ảnh lớn. Ở đó, Mike Gonzale, 29 tuổi, cư ngụ ở Woodside, Queens, im lặng ngồi theo dõi Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh Lễ tại vận động trường bên kia dẫy phố. Anh cho hay: “Bạn cảm thấy năng lực; bạn cảm nghiệm được bình an. Tôi nghĩ phần lớn người ta cảm thấy một cảm giác thanh thản thoát ra ngoài cái thế giới phức tạp chúng ta đang sống”.

Bên trong vận động trường đầy nghẹt, năng lực ấy thấy rất rõ. Ở đấy cả một bức tường kiên cố của khăn vàng và tiếng mừng vui. Sau Thánh Lễ, từng làn sóng phấn khích đuổi theo đường đi của Đức Giáo Hoàng, khởi đầu ngài còn buớc đi nhưng sau đã lên Giáo Hoàng Xa chạy quanh đường vòng ngoài sân vận động. Họ reo hò chẳng khác trong một trận giao banh hào hứng.

Nhiều người được phỏng vấn sau Thánh Lễ Chúa Nhật cho hay họ hết sức xúc động được diện kiến vị Đại Diên Chúa Kitô trên trần gian. Đối với một số người Công Giáo, vai trò người cha thiêng liêng của ngài xem ra có tính hết sức bản thân. Sylvia Rios, 45 tuổi, cho hay: “tôi biết ngài không vẫy tay với tôi, nhưng tôi có chỗ ngồi rất tốt, nên mỗi lần nhìn ngài, trông giống như ngài vẫy tay đặc biệt với tôi”.

Tuy nhiên, một số người còn cho hay trong Thánh Lễ họ như được hiệp thông với nhiều người khác và kỳ diệu một điều là sự hiệp thông ấy xẩy ra với sự hiện của Đức Giáo Hoàng là đại biểu cho việc thiết lập ra Giáo Hội trước đây 2,000 năm.

Christina Rivers-Caceres, 37 tuổi, lái xe từ Bushkill, Pensylvannia với chồng là Enrique, 32 tuổi, cho hay có mặt ở Yankee Stadium làm bà có cảm giác như một thành phần của đại gia đình Công Giáo nay đã lên hơn một tỉ người khắp thế giới. Bà nói: “Bạn hãnh diện là người Công Giáo. Điều ấy giúp tái khẳng định đức tin của chúng tôi”.

Efrem Menghs, một người chào hàng cho công ty điện thoại từ Columbus, Ohio, cho hay kinh nghiệm này làm anh trở nên người tốt hơn. “Nhìn lui chắc chắn tôi sẽ thấy rất vui vì đã tới đây tham dự biến cố này. Tôi thấy mình đã làm một điều gì đó cho Chúa”. (Paul Vittello, New York Times, 20-04).

Qúy Hồ Tinh

Mặt tôi vẫn còn bừng bừng sau buổi chiều dài đầy nắng tại Yankee Stadium, và Đức Giáo Hoàng còn chưa vào máy bay để trở lại Rome, thì các chuyên gia đã bắt đầu đưa ra đủ thứ khiếu nại về chuyến tông du của ngài.

Một số than phiền về điều Đức Giáo Hoàng không chịu lên tiếng: ngừa thai chẳng hạn. Số khác lại thắc mắc không biết cuộc viếng thăm này có làm người Công Giáo Mỹ tốt hơn không. Ngay sáng Chúa Nhật có người đã cho là những người Công Giáo từng chống lại Giáo Hội chắc chắn chỉ càng cảm thấy khó chịu vì các lời nói và hành động của Đức Giáo Hoàng.

80421pope_usa.jpg

Có thể họ có lý. Thực thế, cái “Đạo Công Giáo kiểu quán Cà-phê” Mỹ này chắc chắn sẽ vẫn rất sinh động sau khi Đức Giáo Hoàng đã về lại Rôma. Và con số những người Công Giáo lừng khừng (graying) chỉ biết ngồi chờ Đức Giáo Hoàng mang lại thay đổi chắc chắn sẽ vẫn y nguyên.

Nếu đó là cách đo lường sự thành công của Đức Bênêđíctô, thì chắc ngài chỉ được chữ D.

Nhưng sự việc cũng có thể được nhìn cách khác: theo cái nhìn của chính Đức Bênêđíctô. Tôi vốn từng nói rằng: Đức Giáo Hoàng là người theo thuyết tối thiểu (minimalist). Cách đây nhiều năm, khi giải thích Chúa Kitô sẽ thực hiện lời hứa cửa hỏa ngục sẽ không làm gì được Giáo Hội ra sao, nhà thần học Ratzinger từng nói rằng nếu vào thời cánh chung, chỉ một nhúm Kitô hữu sống sót ẩn núp đâu đó trong một dịch bản chủ tương lai của hoang toại đạo, thì lời hứa của Chúa Kitô vẫn được nên trọn và Giáo Hội, cái Giáo hội nhỏ nhoi đến gần như vô nghĩa kia, cũng vẫn sẽ chiến thắng.

Ngài cũng mong người Công Giáo xa đạo trở về với Giáo Hội. Ngài cũng hy vọng những người Công Giáo với một danh sách dài lê thê những chữ “nhưng” chịu vất bỏ những chữ ấy mà chấp nhận trọn vẹn giáo huấn của giáo hội. Ngài cũng mong sao cho có nhiều người không Công Giáo gia nhập Giáo Hội. Nhưng ngài không trông vào những thứ ấy. Bởi đã từ lâu, ngài cho rằng bất cứ hy vọng nào vào việc người Công Giáo ngoan đạo trở thành đa số vinh quang đều là không thực tế, có khi còn ngây thơ nữa. Ngài luôn thích thú câu truyện kể về Gideon, người được Thiên Chúa chọn để lãnh đạo một nhúm quân Do Thái chống lại đạo quân Madian đông như “khối cào cào”. Lúc ấy, Gideon có 10,000 quân, nhưng Thiên Chúa bảo số quân ấy đông quá. Hãy đem chúng xuống nước để trắc nghiệm, và Người chỉ chọn cho ông được 300 binh sĩ biết lấy tay múc nước lên mà uống chứ không uống như những con vật! “Với 300 người này, Ta sẽ cứu ngươi và trao nộp quân Madian trong tay ngươi”.

Cái sứ điệp mà Đức Bênêđíctô gửi những người đàn ông và đàn bà Mỹ cũng chứa đựng một thứ chân lý làm người như thế. Nó cũng “cao” như thử nghiệm của Thiên Chúa Giavê! Chẳng hệ gì, miễn là có được 300 binh sĩ “người cho ra người”. (Alejandro Bermudez, New York Times, 20-04)

Tương Lai Đầy Hy Vọng

Từ ngày Đức Bênêđíctô bắt đầu chuyến tông du với chủ đề “Chúa Kitô Niềm Hy Vọng Của Chúng Ta”, nhiều tia sáng hy vọng đã quét tới các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, những người cuối cùng cảm nhận mình đã được lắng nghe sau khi kể cho Đức Giáo Hoàng câu truyện của mình. Những tia sáng hy vọng ấy cũng đã chạm tới thân nhân các nạn nhân khủng bố, những người tìm lại được hàn gắn khi được Đức Bênêđíctô cùng cầu nguyện với tại Ground Zero. Và những tia sáng kia cũng đụng tới người Công Giáo khắp nước Mỹ từng gắng gượng duy trì đức tin của mình bất chấp tội lỗi, gương mù và các sao lãng của thời đại thế tục.

Điều đặc biệt có ý nghĩa đối với tương lai Giáo Hội Mỹ là niềm hy vọng và khẳng quyết ngài mang lại cho giới trẻ xuyên suốt cuộc tông du này. Tại cuộc tập hợp của hơn 25,000 bạn trẻ tại Chủng Viện Thánh Giuse, Yonkers, ngài nhắc nhở cử tọa rằng người trẻ Công Giáo “là tương lai Giáo Hội và họ đáng được mọi lời cầu nguyện và nâng đỡ mà các con có thể đem lại cho họ”. Rồi ngài kêu gọi ‘những người bạn trẻ’ của ngài công bố Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn của Giáo Hội một cách mạnh dạn, bênh vực sự sống con người ở những giai đoạn dễ bị thương tổn nhất, phục vụ người nghèo và người thiếu thốn bằng tình thương và mở lòng ra với ơn Chúa gọi làm linh mục và cuộc sống tu trì.

Ngài cũng kêu gọi người trẻ mở lòng ra mà kết hiệp lòng trung thành đối với giáo huấn Giáo Hội và việc hội nhập nền văn hóa thế tục vào các giá trị Phúc Âm. Nhấn mạnh của ngài quả đáp ứng tâm tư nhiều người trẻ Công Giáo ngày nay là những người thèm khát một niềm tin biết biến cải văn hóa chứ không bác bỏ hay đầu hàng nó.

Lớp trẻ này nhìn ra nối kết chứ không kình chống giữa quan tâm của họ đối với người nghèo và việc họ tranh đấu bảo vệ trẻ chưa sinh, giữa chú tâm của họ tới mối liên hệ bản thân với Chúa Giêsu và sự lôi cuốn của các hình thức sùng kính Công Giáo thời xưa và giữa việc thuộc về một Giáo Hội phẩm trật và và việc đáp ứng lời mời gọi nên thánh tổng quát được Công Đồng Vatican II xác nhận.

Họ thấy Đức Bênêđíctô cũng có cùng một cảm quan như họ. Trong suốt cuộc tông du này, ngài nhấn mạnh rằng người Công Giáo phải từ khước mọi thứ nhị phân (dichotomies) giả tạo, phải vượt lên trên những chia rẽ tẻ nhạt và ôm lấy một đức tin biết nối vòng tay với thế giới trong khi vẫn chân thực với các giáo huấn từng được truyền lại cho ta bao nhiêu đời nay.

Muốn thế phải sống khiêm hạ, cầu nguyện và đối xử với người khác, kể cả người già là những người “qúy bạn” thường hay bất đồng ý kiến, theo cách “qúy bạn” muốn họ đối xử với mình. (Colleen Carroll Campbell, New York Times, 20-04).

Hướng Về Chúa Giêsu

Chắc chắn, một số bài báo sau cuộc tông du sẽ chú tâm tới một ám ảnh xưa nay của người Mỹ: quan điểm chung. Cuộc tông du này thay đổi cái nhìn của người Mỹ ra sao đối với Đức Bênêđíctô? Liệu ngài đã ra khỏi cái bóng của Đức Gioan Phaolo II chưa? Người Mỹ giờ đây đã yêu ngài chưa?

Dĩ nhiên, người trong nghi vấn chắc chắn muốn rằng đấy không phải là chú tâm của sứ điệp “đồ ăn mang đi” (take-away) của chúng ta. Người “kế vị đáng thương của Phêrô” này, một người luôn khẩn khoản xin người ta cầu nguyện cho mình, quả chỉ là một con người. Chắc chắn ngài rất hài lòng khi được đón tiếp nồng hậu như thế. Nhưng cuộc tông du này nhằm mục đích lớn hơn, đó là mở tâm hồn ta lắng nghe điều ngài muốn nói, điều ngài dùng cả cuộc đời để nói ra.

Người ta có cảm tưởng ngài muốn đem đến cho chúng ta một chiếc gương và khuyên ta, giám mục, linh mục, tu sĩ, nhà giáo dục, người trẻ và toàn bộ Giáo hội, nên nhìn vào chiếc gương ấy để nhận ra chân tướng của mình, một cách trung thực và khiêm hạ.

Hình ảnh trong gương có nhiều điểm mạnh, nhưng cũng không thiếu những nét ngã lòng, sa vào nền văn hóa thời thượng, không tập chú vào Chúa Kitô mà vào tiện nghi, an toàn và các ưu tiên trần tục. Người nghèo ở đâu? Tội lỗi ở chỗ nào? Ta có can đảm trình bầy Chúa Giêsu như chân lý hay đúng hơn chỉ là một ông bạn dễ tính để mà kết thân. Lại còn cái hàng cách phân giữa việc tuyên xưng và việc hành động trong tuần, và chia rẽ trong lòng Giáo Hội…Còn chăng những người như Walker Percy, Flannery O’Connor, Dorothy Day và Thomas Merton?

Suốt 40 năm qua, tâm trí ta loay hoay với những thảo luận và tranh cãi bên trong Giáo Hội từ phong chức phụ nữ đến mầu thích hợp cho mùa Vọng phải chăng là mầu xanh. Như thể, người Công Giáo đầy đức tin phải là người phải hết sức quan tâm và can dự vào nền chính trị và các thủ tục của giáo hội định chế.

Đủ mọi thứ mít-tinh hội họp, nhóm thảo luận và ủy ban cùng tuyên ngôn tuyên bố rồi thì nhóm tập chú này nhóm tập chú kia…Tốn không biết bao nhiêu thì giờ.

Liệu Ta còn bước tới được nữa hay không? Dĩ nhiên dị biệt có đó và ta không thể để qua một bên các vấn đề thần học và giáo hội phức tạp và lý thú. Nhưng tại sao lại không tự hỏi: tại sao ta có mặt ở đây. Đối với tôi, hình như Đức Bênêđíctô muốn đặt câu hỏi ấy với chúng ta: “Tại sao ta ở đây? Tại sao bận tâm với chuyện làm Công Giáo?”

Ai tìm thấy câu trả lời không liên quan chi tới Chúa Kitô bị đóng đinh, sống lại và hiện đang sống động, thì chắc họ cần phải suy nghĩ lại. “Các con là môn đệ ngày nay của Chúa Kitô. Hãy rõi chiếu ánh sáng của Người trên thành phố vĩ đại này và quá bên kia nó nữa. Hãy cho thế giới thấy lý do của niềm hy vọng đang vang vọng trong các con. Hãy cho người khác biết chân lý đã giải phóng các con”. (Amy Welborn, New York Times, 20-04)

Khuôn Mặt Mục Tử

Tôi đã sống qua 6 đời Giáo Hoàng, và đã mục kích nhiều giây phút cả biến đổi lạ thường lẫn thất vọng ê chề. Tôi không ngại đánh giá cuộc tông du của Đức Bênêđíctô trên đất Mỹ. Cuộc tông du này không giải đáp các vấn nạn suy thoái hay biến đổi. Nhưng ít nhất nó cũng đạp thắng để người ta đừng rơi vào một suy thoái không phản hồi được.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội sẽ lục lọi học hỏi bản văn các sứ điệp của Đức Bênêđíctô. Các phe phái trong Giáo Hội sẽ chỉ ra câu nào đoạn nào ủng hộ lập trường của mình. Tôi không thấy bản văn nào thực sự giật gân, ngoài việc chúng là những cột mốc dẫn ta trở lại với các trước tác trước đây của Đức Giáo Hoàng về các chủ đề như đức tin, lý trí, chân lý và tự do.

Tuy nhiên, đối với phần lớn người Công Giáo, thì lời Đức Giáo Hoàng nói về vấn đề lạm dụng tình dục đã xác định ra chuyến đi này. Tôi không nghĩ đó là chủ đích của Đức Giáo Hoàng. Tôi còn ngờ là ngài sợ lời ngài nói về vấn đề ấy sẽ phủ lấp lời ngài nói về các chủ đề khác.

Nhưng khi thấy ngài không sợ điều ấy, tôi rất khâm phục ngài. Ngài là một con người phức tạp với những cái nhìn cực kỳ có sắc thái (extremely nuanced views) không hẳn dễ dãi phù hợp với khuôn mẫu Mỹ, một khuôn mẫu hay đồng hóa tôn giáo với luân lý, và luân lý với luật lệ. Mặt khác, ngôi vị giáo hoàng là một định chế với nhiều chiều kích: vừa dạy dỗ, vừa gây hứng, vừa lay động, cừa giữ kỷ luật, vừa hiệp nhất, vừa lãnh đạo bằng cầu nguyện.

Khuôn mặt về chính mình mà Đức Bênêđíctô chọn để phô bầy với một công chúng vốn không biết nhiều về ngài, khuôn mặt của triều giáo hoàng mà ngài chọn để nhấn mạnh, chính là khuôn mặt mục tử. Không phải nhà thần học, không phải nhà cai trị, cũng chẳng phải là người “quyết định”, nhưng là mục tử.

Khuôn mặt lãnh đạo phải đương đầu với các cá nhân bằng xương bằng thịt, chứ không phải những nguyên tắc trừu tượng. Khuôn mặt lãnh đạo phải sử dụng kín đáo và nhậy cảm, lắng nghe và hòa giải. Khuôn mặt lãnh đạo bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc, hoàn toàn theo luận lý của Phúc Âm và bất chấp cái thứ luận lý của nền quản trị định chế. (Peter Steinfels, New York Times, 20-04).

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 21.04.2008. 21:03