Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bên Lề Chuyến Đức Thánh Cha Thăm Mỹ (4)

§ Vũ Văn An

VietCatholic News (Chúa Nhật 04/05/2008 04:40)

Chúng tôi đã tường thuật một số phản ứng của người Mỹ đối với cuộc viếng thăm lịch sử Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tới nước của họ. Nay xin trình bầy một số phản ứng của Âu Châu đối với cuộc viếng thăm ấy.

Từ Roma, Hấp Lực Của Chúa Kitô

Thông tấn xã Công Giáo Zenit gửi phóng viên tại Rôma của họ là Carrie Gress qua Mỹ theo dõi chuyến đi của Đức Bênêđíctô. Sau đây là một số câu hỏi được cô trả lời như sau:

Cô là đôi mắt của nửa triệu độc giả Zenit theo dõi chuyến đi của Đức Bênêđíctô qua Mỹ. Cô thấy điều gì đáng chú ý nhất?

Gần tới ngày Đức Thánh Cha tới nơi, người ta nghe đủ thứ suy đoán về điều Đức Thánh Cha sẽ nói tới, kể cả cuộc khủng hoảng lạm dụng (tình dục). Tôi không chắc bao nhiêu người đã có thể tiên đoán được tình thế của nó vẫn còn nổ bùng ra sao sau khi ẩn núp dưới bề mặt từ những năm 2002 và 2003, nhưng rõ ràng hồi ấy cuộc khủng hoảng này là một vết thương công khai của Giáo Hội tại Mỹ. Trước khi Ngài đến đây một ngày, tôi tản bộ về phía Tòa Bạch Ốc, và (thấy) một đám đông khá lớn và đùng đùng nộ khí đang tụ lại la ó phản đối, quy việc độc thân như là nguyên cớ gây nên khủng hỏang.

Nên điều đáng lưu ý hơn cả là cung cách Đức Thánh Cha trả lời điều đó, bằng cách không tránh né vấn đề, nhưng sẵn sàng đương đầu với nó ngay từ lúc khởi đầu chuyến bay qua Hoa Kỳ. Việc Ngài gặp gỡ một số nạn nhân cũng là một cử chỉ gây ngạc nhiên, một cử chỉ người ta hy vọng sẽ đem lại nhiều hàn gắn cho vết thương kia. Bằng cách đáp ứng rất cha con đó của ngài, đề tài câu chuyện đã biến đổi từ hiềm thù sâu đậm qua một điều gì đó xem ra đã êm xuôi đi nhiều lắm trong giới báo chí.

Tại Nationals Stadium, Đức Thánh Cha xin các tín hữu “yêu thương các linh mục”. Điều này rõ ràng là một nguồn suối khác đem lại hàn gắn sâu xa cho hàng giáo sĩ, nhưng đồng thời cũng là lời mời gọi giáo dân hãy có trách nhiệm. Ơn phúc qúy giá của chức linh mục không thể bị coi là đương nhiên, nhưng là con đường chông gai của phục vụ và hy sinh. Một hàng ngũ giáo dân biết lưu tâm đến điều ấy sẽ đem lại nhiều trợ giúp trong việc giữ cho những lạm dụng kia không gây tác hại nữa.

Dân chúng ngoài phố và các phóng viên khác phản ứng ra sao?

Thoạt đầu, xem ra cả người Công Giáo lẫn báo chí đều khá thận trọng về cuộc thăm viếng này. Người ta lo lắng không biết đây có phải là “biến cố chân thực” hay không vì biết tính khí của Đức Giáo Hoàng, quá khác biệt với Đức Gioan Phaolô II. Một vài cơ quan truyền thông lớn còn không chịu đưa ra kế hoạch theo dõi cuộc viếng thăm này.

Ấy thế nhưng, ngày đầu tiên ở Căn Cứ Không Quân Andrew khi Đức Giáo Hoàng tới, người ta thấy chuyện lớn quả đang diễn ra trước mắt. Ai cũng muốn thấy nhân vật này, biết nhân vật này, và được đến bên nhân vật này.

Tại Nationals Stadium, tôi hết sức ngạc nhiên trước con số người trẻ và gia đình trẻ. Tôi gặp một gia đình có năm con từ Idaho tới chỉ để dự Thánh Lễ với 46,000 người khác. Đây chắc chắn không phải là buổi triều yết riêng, ấy thế nhưng bạn thấy họ vẫn hết sức hạnh phúc được có mặt tại đó, được tham dự biến cố đó. Chỉ cần thấy thế, ai cũng cầm lòng không được. Ngay báo chí cũng bị lôi cuốn vào biến cố này. Không phải là chuyện thường tình khi hai nhà báo dầy dặn cũng phải cảm kích đến không nói lên lời. Cả Wolf Biltzer của CNN lẫn Tim Russert của NBC đều được yết kiến bán tư với Đức Thánh Cha. Biltzer phát biểu trên CNN như sau: “Tôi phải thú thực, tôi thường không hay thú thực như thế này, nhưng quả tôi thấy mình diễm phúc đã có cơ hội thực hiện được điều tôi vừa thực hiện”.

Ông còn thêm: “qúy bạn thấy đó, tôi không hỏi ngài câu nào, mà là lắng nghe cách cẩn trọng, và qúy bạn có thể tin được hay không, Tim Russert còn lễ phép hơn và cả ngạc nhiên lẫn im lăng hơn cả tôi nữa… Tôi nghĩ hai đứa tôi không làm cho nghề nghiệp của mình, cho nghiệp vụ tin tức của mình phải mắc cỡ. Tôi chỉ biết đứng trân đó, và nhìn, tôi đã làm điều người ta bảo chúng tôi làm”.

Tôi nghĩ không còn lời nhận định nào đáng lưu ý hơn.

Kinh nghiệm tổng quát của cô ra sao khi ở gần Đức Thánh Cha như thế? Cô đến gần Ngài nhất là bao nhiêu?

Một điều khó mà nắm được trên truyền hình và báo chí là số lượng an ninh dành cho các biến cố này. Chờ đợi sáu tiếng đồng hồ là chuyện thông thường. Dù thế, ít thấy người ta kêu ca. Chỉ có điều bất hạnh là cái nhu cầu an ninh ấy đã làm nản lòng số người muốn được nhìn Đức Thánh Cha, dù chỉ là trong chốc lát. Tuy nhiên, sự khoái trá của những người được thấy Ngài và các hy sinh họ phải chịu để đạt đượcđiều đó quả là dễ lây.

Khoảng cách gần nhất tôi đến với Ngài là khoảng 20 bộ lúc ở Đền Thánh Quốc Gia tại Vương Cung Thánh Đường Vô Nhiễm Thai. An ninh nghiêm nhặt và phạm vi bị vây làm tôi không thể đến gần hơn nữa. Những lần khác, tôi phải đứng gần những lối dành cho báo chí hay ở ngoài những khu vực ấy, như trong Thánh Lễ dành cho hàng giáo sĩ tại Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Patrick.

Cuộc du hành này làm gia tăng lòng qúy mến được sống tại Rôma của tôi và được nhiều dịp được thấy Đức Thánh Cha. Chỉ cần nhìn những khoảng đường diệu vợi người khác phải làm chỉ để được thoáng thấy Ngài trong Giáo Hoàng Xa, cũng đủ nhắc tôi nhớ nhiều đến đặc ân được sống gần Vatican của mình.

Cô có nghĩ cuộc du hành qua Hoa Kỳ của Đức Giáo Hoàng đạt được thành công hay không?

Nếu thành công được đo bằng việc đem Chúa Kitô lại cho người khác,thì tôi nghĩ cuộc du hành này là một thành công tuyệt vời. Với Đức Gioan Phaolô II, người ta kéo nhau lũ lượt đến với Ngài là vì nhân cách ngài, tính cởi mở, nét duyên dáng và đặc sủng của ngài. Ngay lúc ngài gần qua đời, người ta vẫn còn cho rằng đó là sức lôi cuốn đối với rất nhiều người trẻ: họ muốn gần gũi người có tiếng tăm (celebrity).

Nhưng với Đức Bênêđíctô, hào quang của tiếng tăm không hề có, ấy thế nhưng Ngài vẫn lôi cuốn người ta với thật nhiều hấp lực, một hấp lực ta chỉ có thể qui cho Chúa Kitô. Từ tổng thống đến một em học sinh, xem ra ai cũng bị lôi cuốn bởi chứng tá hy vọng của Ngài.

Từ London, Cảm Tình Nhờ Khiêm Nhu và Xác Tín

Tạp chí Công Giáo ở London là tờ The Tablet, trong bài xã luận ngày 19 tháng Tư, cho chạy hàng chữ sau: This Surprising Pope (Vị Giáo Hoàng Gây Ngạc Nhiên Này).

Đức Bênêđíctô XVI, người vừa mừng năm thứ ba triều đại Giáo Hoàng của mình, đã làm ngạc nhiên những ai vẫn cho rằng triều đại giáo hoàng này chỉ là một nối tiếp liên tục, không gián đoạn, vai trò đứng đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin của ngài mà thôi. Nhưng, trong cuộc thăm viếng này, không hề có vấn đề săn đuổi những kẻ không chịu đứng vào hàng ngũ chính thống bảo thủ chật hẹp. Thay vào đó, đức khiêm nhu và xác tín bản thân của Ngài đã làm hàng triệu người, dù chỉ thấy Ngài từ xa, nhưng hết lòng thương mến. Còn những người được diện kiến Ngài phải cảm động sâu sắc. Tại Hoa Kỳ, nơi Ngài đang viếng thăm, dân chúng bị hấp dẫn, có khi còn mê hoặc nữa. Ngài thật ít thù mà nhiều bạn.

Ngài từng công bố hai thông điệp uyên thâm và sâu sắc, cả hai đều do đích thân Ngài viết và đều độc đáo, đều được viết bằng một âm sắc đầy tính đối thoại, đôi lúc dò chừng. Ít người đoán ra chính xác vấn đề Ngài chọn để giải quyết trong thông điệp đầu: tức mối liên hệ giữa điều gợi tình và điều thánh thiêng vốn được Ngài quan niệm một cách tích cực. Ngài là một nhà tư tưởng nói to hơn là vị Giáo Hoàng muốn trong một đêm biến các ý kiến cá nhân của mình thành học thuyết của Giáo Hội, một khuynh hướng của vị tiền nhiệm Ngài. Sự kiện Ngài không luôn luôn tính toán trước tác động các nhận định của mình từng làm Ngài xem chừng như dễ mắc lầm lỗi, nhất là trong các vấn đề liên tín ngưỡng. Nhưng khi Ngài nói với các phóng viên trên đường tới Hoa Kỳ vào tuần này rằng gương mù các linh mục lạm dụng tình dục ở xứ này khiến Ngài “xấu hổ một cách sâu xa”, lòng thành thực của Ngài đã được mọi người hoan nghênh. Đó cũng là điều nước Mỹ muốn nghe.

Ngài ủng hộ Nghi Lễ của Công Đồng Trent và việc Ngài cho duyệt lại Lời Kinh Thứ Sáu Tuần Thánh xin cho người Do Thái trở lại quả có cho thấy cái sắc thái hoài nhớ nào đó cái thời kỳ tiền công đồng kia. Phong thái trong việc tái dẫn khởi nghi lễ ấy, một phong thái vượt quyền các giám mục địa phương, khiến người ta sợ rằng quan niệm của Ngài về việc thi hành thẩm quyền trong Giáo Hội vẫn còn là từ trên xuống dưới, chứ không có tính hiệp đoàn (collegial) chút nào. Cả một số những người nhân danh Ngài mà phát ngôn cũng không ủng hộ phong cách ấy.

Vatican không thể quản trị từng chi tiết các giáo hội địa phương, nhưng khuynh hướng vẫn thích có những đôi tay an toàn hơn là những tư tưởng gia độc đáo trong việc bổ nhiệm giám mục. Kết quả ít có các giám mục có khả năng gợi hứng cho đoàn chiên qua tài lãnh đạo có tầm nhìn xa của mình. Đức Bênêđíctô còn cần phải lật ngược lại khuynh hướng này, bất kể trong các vụ đề cử giám mục địa phương hay ở thượng tầng Giáo Triều. Các cơ cấu quản trị Giáo Hội vẫn còn cần được cải cách: nhiệm vụ này rất có thể sẽ chờ đợi đấng kế vị Ngài.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàn sẽ được phê phán trong tư cách đại diện hữu hình, gần như thần thánh (iconic), công khai của Giáo Hội Công Giáo thời hiện đại. Về phương diện này, văn phong cũng quan trọng chẳng kém nội dung. Và ở đây, người ta đánh giá Ngài thành công. Thí dụ, Ngài tỏ ra nhất định không muốn phê phán, nhìn nhận rằng một Giáo Hội mà lúc nào người ta cũng nghe thấy nói “không” sẽ lôi cuốn được rất ít và làm nhiều người xa tránh. Ngài sẵn sàng nói điều Ngài nghĩ nhưng lại không huênh hoang phèng la về điều ấy. Việc Ngài được bầu làm giáo hoàng đã “mạc khải” ra một Joseph Ratzinger ấm áp hơn, nhân bản hơn là hình ảnh người ta phóng chiếu về Ngài; và như một con người, dù ở tuổi 81, vẫn có tri thức và tư chất đáng nể. So với những người có thể nối nghiệp Đức Gioan Paholô II nếu chính Ngài không được chọn, thì các hồng y quả đã chọn lựa thật khéo vậy.

Từ Paris, Mỹ Khám Phá Ra Vị Giáo Hòang Họ Biết Rất Ít.

Nhật Báo Công Giáo ở Paris là tờ La Croix, ngày 29 tháng Tư, có bài với tựa đề: “Les États-Unis ont découvert un pape qu’ils connaissaient mal” (Nước Mỹ đã khám phá ra một vị giáo hoàng họ vốn biết rất ít).

Bằng cách nhìn nhận sự khủng khiếp của gương mù các linh mục ấu dâm, Đức Bênêđíctô đã thiết lập được một tiếp xúc thẳng thắn với xã hội Mỹ, một xã hội từ nay sẽ chú tâm đến các hành vi ấy.

Đối với một vị giáo hoàng ít được công chúng Mỹ biết đến, trước khi có cuộc công du đầu tiên tới Hiệp Chúng Quốc từ ngày 15 đến ngyà 20 tháng Tư, Đức Bênêđíctô XVI đã nhận được tại chỗ sự trân trọng cao nhất từ phía chính phủ và nhân dân Mỹ. Cung cách Ngài chọn để thiết lập cuộc tiếp xúc bản thân với quốc gia này rõ ràng đã đem lại kết quả.

Thomas Groome, giáo sư thần học và giám đốc Viện Giáo Dục Tôn Giáo của Đại Học Công Giáo Boston quả quyết rằng: “Hình ảnh của Đức Giáo Hoàng đã được cải thiện rất nhiều ở Hiệp Chúg Quốc trong cuộc du hành của Ngài. Ý niệm ta vẫn có về ngài là ý niệm về một con người nghiêm khắc, say sưa với nền chính thống và nhanh tay kết án. Không một điểm nào tỏ ra đúng sự thật hết. Thay vào đó, rõ ràng Ngài có tư chất một cảm thức mục vụ tích cực: một người biết cách thuyết phục đối với niềm tin Kitô giáo, chứ không phải kẻ giảng bài độc đoán”.

Trong chuyến máy bay đưa Ngài qua Washington, khi thú nhận sự “xấu hổ” của mình trước gương mù các linh mục ấu dâm, Đức Bênêđíctô XVI ngay lập tức gửi được sứ điệp cởi mở. Cha Robert Hoaston, sáng lập viên hiệp hội Đường Phục Hoạt (Road to Recovery), từng giúp đỡ nạn nhân các vụ linh mục ấu dâm ước tính rằng: “Sự kiện Ngài nhìn nhận vụ gây gương mù này và làm nó trở thành một trong các yếu tố chính chuyến công du của Ngài quả là khích lệ”.

Vũ Văn An

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 04.05.2008. 13:43