Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Báo La Croix: vấn đề không phải liệu Đức Phanxicô có từ chức không mà là bao giờ thì ngài làm thế

§ Vũ Văn An

Ngày 8 tháng 2/2019 vừa qua, trên tờ La Croix của Pháp, ký giả Robert Mickens cho rằng vấn đề không phải liệu Đức Phanxicô có từ chức hay không mà là bao giờ thì ngài từ chức.

Theo ký giả trên, việc suy đoán liệu Đức Phanxicô có ý định là vị giáo hoàng thứ hai liên tiếp sẽ từ chức, theo gương vị tiền nhiệm, Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô thứ 16, xuất hiện trong tâm trí nhiều người vào tuần qua khi ngài tổ chức cuộc họp báo trên chuyến bay từ Abu Dhabi trở về Vatican.

Trả lời câu hỏi của một ký giả, Đức Phanxicô nói rằng ngài đã nhận được nhiều lời mời tới thăm các quốc gia Ả Rập khác, “nhưng năm nay thì không có thì giờ. Để xem liệu năm tới tôi hay một Phêrô (Giáo Hoàng) khác có sẽ đi được không!”

Không phải “liệu”, nhưng là “bao giờ”

Nhận định trên không hẳn là một thông điệp bí ẩn. Thực vậy, giống các vị tiền nhiệm, Đức Phanxicô thường thận trọng trong việc đưa ra các hứa hẹn nhất định sẽ tham dự các biến cố cách xa cả hàng tháng hay hàng năm, vì ý thức được khả năng tử vong của mình cũng như khó đoán được tương lai.

Tuy nhiên, có những dấu hiệu ngay từ đầu triều đại của ngài cho thấy vấn đề không phải là liệu Đức Phanxicô có từ chức hay không, mà là bao giờ thì ngài làm như vậy.

Và lý do thì đơn giản. Ngài không muốn sự từ chức của Đức Bênêđíctô thứ 16 đi vào lịch sử như một biến cố bất thường, bẩy trăm năm mới có một lần. Thay vào đó, ngài muốn nó trở thành một tiền lệ và một điều bình thường.

Tháng 8 năm 2014, trên chuyến máy bay từ Hán Thành trở về Vatican, ngài nói với các nhà báo tháp tùng “tôi luôn nghĩ tới ý tưởng rất có thể không làm hài lòng các nhà thần học (và tôi vốn không phải là một nhà thần học)... Tôi nghĩ rằng một vị giáo hoàng hưu trí không phải là một ngoại lệ”.

Về hưu trở thành định chế, không phải ngoại lệ

Ngài nói tiếp “Tôi nghĩ rằng 70 năm trứơc đây, một Giám Mục hưu trí quả là một ngoại lệ; không hề có chuyện này. Ngày nay, các giám mục hưu trí đã trở thành một định chế”.

"Tôi tin rằng Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 khi đưa ra biện pháp này đã thiết lập ra định chế giáo hoàng hưu trí. Ngài đã mở ra cánh cửa định chế, chứ không còn ngoại lệ nữa”.

Và ngài đã đi xa hơn: "Bạn có thể hỏi tôi: ‘Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu một ngày nào đó ngài không cảm thấy sẵn sàng để tiếp tục?' Tôi sẽ làm như vậy, tôi cũng sẽ làm như vậy! Tôi sẽ cầu nguyện mạnh mẽ về việc này, nhưng tôi sẽ làm cùng một điều như thế".

Đức Phanxicô nêu vấn đề "thoái vị" một lần nữa vào ngày 15 tháng 5 năm 2018 trong Thánh lễ sáng ngày thường tại nhà nguyện Santa Marta.

Ngài đã suy nghĩ về một đoạn trong Tông đồ Công Vụ nơi Thánh Phaolô, "bị ép buộc bởi Chúa Thánh Thần", chấm dứt việc phục vụ của ngài đối với cộng đồng ở Êphêsô và hướng về Giêrusalem. Đức Thánh Cha nói: điều này "chỉ cho chúng ta con đường cho mọi giám mục khi đến lúc phải rút lui và thoái vị".

Đức Phanxicô nói "Khi tôi đọc điều này, Tôi cũng nghĩ về bản thân mình, vì tôi là giám mục và tôi (cũng vậy) phải rút lui và thoái lui".

Rõ ràng, điều đó có thể xảy ra qua việc từ chức hoặc cái chết. Nhưng có một điều hoàn toàn chắc chắn, vị giáo hoàng Dòng Tên sẽ không từ chức vì bị áp lực từ những kẻ thù như Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò hay Hồng Y Raymond Burke, Walter Brandmüller và hồn ma của hai "Hồng Y đa nghi" khác.

Hai giáo hoàng hưu trí cùng một lúc?

Tuy nhiên, những người gần gũi nhất với Đức Phanxicô đã nói riêng rằng họ tin rằng ngài sẽ từ chức khi ngài tin đã đến lúc; nghĩa là, sau khi ngài biện phân rằng ngài đã làm tất cả những gì ngài được kêu gọi làm và đã thực thi những cải cách vững chắc, những cải cách mà vị kế nhiệm khó có thể hủy bỏ.

Đó có thể sẽ là cách để đảm bảo rằng việc từ chức của Đức Bênêđíctô không còn là một biến cố đơn lẻ, một lần duy nhất nhưng thực sự trở thành định chế chứ không phải ngoại lệ.

Trước đây, người ta cho rằng điều không khôn ngoan là từ chức trước cái chết của Đức Bênêđíctô, lý do: việc đồng thời có hai cựu giáo hoàng còn sống, với vị thứ ba tích cực lãnh đạo Giáo hội, là điều có thể gây bất ổn.

Nhưng có một sự đồng thuận ngày càng tăng cho rằng Đức Phanxicô sẽ đưa ra quyết định của ngài, một cách tự do và bình thản, cho dù vị tiền nhiệm của ngài còn sống hay không.

Đức Tổng Giám Mục Victor Manuel Fernandes, một nhà thần học người Á Căn Đình, người đã giúp soạn thảo nhiều bài diễn văn và văn kiện chính của Đức Giáo Hoàng, nói rằng việc này sẽ rõ ràng khi triều giáo hoàng của Đức Phanxicô bước vào giai đoạn cuối.

Cách đây bốn năm, Đức Tổng Giám Mục đã dự đoán rằng "Nếu một ngày nào đó ngài trực giác thấy mình sắp hết thời và không có đủ thời gian để làm những gì Chúa Thánh Thần Linh yêu cầu nơi ngài, bạn có thể chắc chắn ngài sẽ tăng tốc".

Và điều đó cũng có thể có nghĩa là tăng tốc việc từ chức. Bởi vì, như một số người thì thầm, Đức Thánh Cha Phanxicô thích nghỉ hưu hơn là chết trong chức vụ.

Nhiều việc quan trọng vẫn còn phải được hoàn thành

Đức Phanxicô là người ở bên ngoài Rôma. Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên kể từ Thánh Piô X, một người Ý gốc Bắc trị vì từ năm 1903-1914, chưa từng học hay làm việc ở Thành phố vĩnh cửu.

Nhưng ngài cũng là tu sĩ Dòng Tên đầu tiên được bầu làm Giám mục Rôma. Và một số nhà bình luận đã tự tin dự đoán rằng ngài có khả năng tuân theo quy tắc áp dụng cho tất cả các bề trên của Dòng Tên, trừ Cha Bề Trên Cả, là từ chức sau sáu năm giữ chức vụ. Điều này có nghĩa: ngài sẽ có thể từ chức vào tháng 3 tới.

Tuy nhiên, ngài vẫn phải kết thúc cả một danh sách công việc còn dang dở, một điều khiến cho việc từ chức chỉ trong vòng hơn một tháng nữa dường như rất khó xảy ra.

Số một trong danh sách "phải hoàn thành" là cuộc cải cách lâu dài và đang diễn ra của Giáo triều Rôma. Điều này sẽ lên đến cao điểm vào một lúc nào đó trong vài tháng tới khi Đức Phanxicô công bố một tông hiến mới nhằm hệ thống hóa việc tái tổ chức toàn diện và tái định hướng các cơ cấu trung tâm của Giáo hội Rôma.

Santa Marta và sự kết thúc thẩm quyền trung ương tập quyền và quân chủ chế trong Giáo hội

Vị Giáo hoàng người Á Căn Đình đã thực hiện cuộc cải tổ đầu tiên - và quan trọng nhất – trong triều giáo hoàng của ngài ngay trong những ngày đầu tiên sau khi được bầu.

Quyết định của ngài là tránh các căn phòng hẻo lánh dành cho các vị giáo hoàng nằm sâu bên trong Tông điện và chọn Casa Santa Marta, nơi ở của các linh mục nhân viên của Vatican và là nơi các Hồng Y cư ngụ trong thời gian cơ mật viện, làm nơi cư trú thường trực.

Sự lựa chọn chỗ ở là khởi đầu cho các cố gắng từ từ, nhưng miệt mài của Đức Phanxicô nhằm tái cung cấp chiều kích cho phạm vi và các hoạt động của Giáo triều Rôma và phân tản quyền lực của nó. Ngài cũng có kế hoạch phi huyền thoại hóa định chế ngôi vị giáo hoàng và loại bỏ các vết tích còn sót lại của triều đình giáo hoàng xưa cũ.

Đức Giáo Hoàng đã hạn chế phần lớn ảnh hưởng lâu đời và không cân xứng của Giáo Triều đối với các Giáo hội địa phương và toàn bộ Đạo Công Giáo hoàn cầu. Ngài đã thực hiện điều này chủ yếu bằng cách đặt nền tảng (không phải không gặp khó khăn và chống đối) cho các cơ cấu của tính đồng nghị (synodality), trước hết bằng cách củng cố và cải tổ Thượng hội đồng Giám mục.

Ngài cũng đã ban hành luật lệ nhằm ban cho (hoặc nhằm mục đích ban cho) các hội đồng giám mục quốc gia thẩm quyền lớn hơn trong việc quyết định và thẩm quyền giáo lý mà cho đến nay hầu như chỉ dành riêng cho Đức Giáo Hoàng và các phụ tá của ngài ở Vatican.

Nhưng dự án dài hạn này, vốn chỉ nhằm khởi động một diễn trình cần nhiều năm để chín mùi, thực ra vẫn chưa được phát động trọn vẹn. Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn cần cải cách hơn nữa một số định chế và văn phòng tại Vatican vốn liên quan đến ngôi vị giáo hoàng có tính quân chủ toàn diện nhưng nay đã chết.

Hầu hết các định chế và văn phòng ấy, như Phủ Giáo hoàng và Tông Viện (Apostolic Camera), đã được Đức Phaolô VI hiện đại hóa sau Công đồng Vatican II (1962-65). Nhưng chúng cần được đơn giản hóa thêm nếu không bị dứt khoát đưa vào lịch sử.

Đương đầu với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục

Ngay cả khi ngài đã hoàn thành việc cải cách Giáo triều Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn không thể từ chức cho đến khi ngài đối phó dứt khoát và rõ ràng hơn với bệnh dịch giáo sĩ lạm dụng tình dục và việc xử lý sai lầm thuộc định chế.

Đó là điều ngài đã cẩn thận ủy nhiệm cho người khác trong bốn năm đầu tiên của triều đại giáo hoàng của ngài. Nhưng việc xử lý đầy thảm hoạ lúc ban đầu đối với các cáo buộc lạm dụng ở Chí Lợi, và sau đó là sự thay đổi rõ ràng của ngài trong nhiều tháng qua, dường như là chất xúc tác để ngài tập trung chú ý vào vấn đề lạm dụng.

Hội nghị thượng đỉnh trong tháng này với các chủ tịch của các hội đồng giám mục thế giới không thể là sự kết thúc hành động của Đức Phanxicô trong việc dẫn dắt Giáo hội trên con đường đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng lạm dụng. Sở dĩ như thế là vì đây là một cuộc khủng hoảng chưa bùng nổ (mặc dù nó chắc chắn sẽ xảy ra) ở nhiều quốc gia nơi nó không phải là một vấn đề cho đến nay.

Vì vậy, Đức Giáo Hoàng có nhiều việc phải làm trong việc đối phó với sự lạm dụng trong Giáo hội. Và ngài không thể từ chức cho đến khi đặt ra một số dấu ấn quan trọng trong lĩnh vực này. Thật vậy, đây mới chỉ là khởi đầu. Đức Giáo Hoàng sẽ còn phải làm nhiều hơn nữa.

Luật mới về việc bầu cử - và từ chức - của Giám mục Rôma

Hầu hết các giáo hoàng trong một trăm năm qua, ít nhất những vị đã sống hơn 33 ngày, đã cập nhật các quy tắc và thủ tục phải tuân theo trong giai đoạn từ cái chết của Giám mục Rôma cho đến khi bầu người kế vị ngài. Các vị thường đã làm rất tốt việc này trong các triều giáo hoàng tương ứng của các vị.

Đức Bênêđíctô XVI đã ban hành hai bức thư theo lối "motu proprio" (tự sắc), một trong năm 2007 và một bức khác ngay trước khi từ chức năm 2013. Những văn bản này đã cập nhật tông hiến năm 1996 của Đức Gioan Phaolô II về việc trống Tông Tòa và cuộc bầu cử Giám Mục Rôma; nó cập nhật luật năm 1975 của Đức Phaolô VI; nó cũng cập nhật "motu proprio" năm 1962 của Đức Thánh Cha Gioan XIII...

Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã không ban hành một văn kiện nào như vậy. Và, tuy nhiên, một phiên bản cập nhật hiện cấp bách hơn bao giờ hết vì điều ngài gọi là "cánh cửa định chế" mà Đức Bênêđíctô XVI đã mở ra – tức khả năng từ chức của giáo hoàng “chứ không phải chỉ là ngoại lệ".

Đức Phanxicô và những người mà ngài có thể giao phó việc chuẩn bị một văn kiện như vậy phải đối diện với một nhiệm vụ tế nhị. Chừng nào vị giáo hoàng đầu tiên từ chức sau 600 năm vẫn còn sống, bất cứ luật pháp nào đưa ra liên quan đến việc từ chức của giáo hoàng đều có nguy cơ bị đọc là phán quyết chống lại vị này.

Không tham khảo ý kiến của Hồng Y đoàn, Thượng hội đồng Giám mục hay bất cứ đại diện cơ quan nào khác của Giáo hội hoàn vũ, Đức Bênêđíctô đã đưa ra một số quyết định liên quan đến những việc như nơi nghỉ hưu, tước hiệu mới và trang phục của ngài.

Hầu như tất cả các luật sư giáo luật đã lập luận rằng một vị giáo hoàng nghỉ hưu không nên được gọi là Giáo hoàng hưu trí, như Đức Bênêđíctô đã quyết định, mà là Giám mục hưu trí của Rôma.

Có một cuộc tranh luận về những lợi thế và bất lợi của việc có một cựu giáo hoàng sống rất gần với người kế nhiệm mới đắc cử của mình, như Đức Bênêđíctô đã quyết định. Và có một cuộc thảo luận tương tự xung quanh câu hỏi liệu một cựu giáo hoàng có nên vẫn mặc áo giáo hoàng - một lần nữa, như Đức Bênêđíctô, và chỉ một mình ngài, đã quyết định.

Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cuối cùng, ban hành tông hiến để cập nhật luật lệ về việc trống Tông Tòa (bao gồm cả việc từ chức của giáo hoàng) và bầu Giám Mục Rôma, đây rất có thể là dấu hiệu cho thấy ngài bắt đầu dọn dẹp bàn làm việc của ngài.

Ngài rất có thể đang ở giai đoạn chuẩn bị cuối cùng - như ngài đã từng gọi nó - để "rút lui và thoái vị".

Không còn là ngoại lệ

Khi Đức Hồng Y Karol Wojtyla, người Ba Lan, được bầu làm Giám mục Rôma năm 1978, ngài trở thành vị giáo hoàng đầu tiên không phải người Ý trong hơn 450 năm. Nhiều người Công Giáo hiểu chuyện tin rằng cuộc bầu cử của Đức Gioan Phaolô II sẽ mãi là một ngoại lệ đối với truyền thống lâu đời trước đó và người Ý sẽ giành lại quyền giáo hoàng vào cuối triều đại 26 năm làm giáo hoàng của ngài.

Nhưng thực tế đã không diễn ra như thế. Khi Đức Hồng Y Joseph Ratzinger được chọn trong cơ mật viện bầu giáo hàng năm 2005 và lấy tên Bênêđíctô XVI, thực tại giáo hoàng không phải người Ý không còn là ngoại lệ hay hiện tượng hiếm có nữa. Nó đã trở thành định chế.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô hoan nghênh Đức Bênêđíctô vì cũng đã tạo ra thực tại từ chức giáo hoàng. Nhưng, cuối cùng, ngài biết khá rõ - nó thực sự vẫn chỉ là một ngoại lệ hiếm hoi cho đến khi một vị giáo hoàng khác từ chức.

Vũ Văn An

Đọc nhiều nhất Bản in 12.02.2019 18:06