Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vài mẫu chuyện giáo dục

§ Đaminh Phan Văn Dũng

Thực trạng của nền giáo dục hiện nay đã trầm trọng đến mức khó có thể cứu vãn trong một sớm một chiều. Cấp bách và khẩn thiết đến như vậy, nhưng người ta vẫn cứ mãi loanh quanh mò mẫm, đem hết thế hệ này đến thế hệ khác để thử nghiệm toàn những cái chẳng đến đâu. Có mỗi chuyện thi cử mà làm hoài cũng chẳng xong, năm nào cũng xảy ra không chuyện tày trời thì cũng tày đất. Từ cấp mầm non mẫu giáo đến bậc cao học, tiến sỹ cũng lòi ra nhiều cái bất cập, gian dối tham ô nhũng nhiễu. Từ các đối tượng trực tiếp như học sinh, sinh viên đến thầy cô các cấp cũng có vấn đề rồi nay thì đến cả những cơ quan khác như công an, dân phòng, UBND cũng tham gia vào nạn bạo hành học đường thì quả là hết chỗ nói.

Đau lòng quá khi mới đây, Từ cô giáo đến hiệu trưởng rồi dân phòng, công an... cùng hội đồng tra khảo một học sinh mới hơn 3 tuổi đang học mầm non vì nghi ngờ bé trộm điện thoại thì chẳng còn dùng nổi một từ ngữ nào để diễn tả được hành vi mất nhân tính của những người trong cuộc. Tôi xin kể ra đây vài câu chuyện giáo dục của chính bản thân mình khi còn là học sinh, âu cũng như là một lời tri ân các thầy cô mà xưa kia tôi đã từng được học. Hoặc đã từng làm việc.

1. Câu chuyện thứ nhất : Đây là câu chuyện mà mẹ tôi chứng kiến và vẫn hay nhắc nhở cho con cháu mỗi khi có dịp :

Khoảng năm 1978. Lúc đó nhà nhà đều đói, người người đều đói cả cái ăn lẫn cái mặc. Mẹ tôi thường đi cất hàng tại chợ xóm củi về bán, Cái chợ lúc nào cũng bẩn thỉu nhếch nhác, dọc theo mé chợ là rất nhiều người bán hàng với đủ loại tạp nham hàng hóa. Có lẽ vì cái đói đang hoành hành khắp nơi nên khắp nơi trộm cắp cũng như rươi, trong đội quân trộm cắp ấy có một chú bé chừng 10 tuổi, chú thường xuyên trộm thức ăn của người ta bày bán và cũng rất thường xuyên bị bắt và lãnh một trận đòn cũng rất thường xuyên không kém. Nhẵn mặt chú quá nên ai thấy chú đến gần là đuổi đi cho ăn chắc.

Chuyện cứ thế cho đến một ngày, một người đàn bà bắt đầu bày bán những mẹt bánh chưng. Vì là người mới nên bà trở thành mục tiêu của chú bé. Cuối cùng bà cũng bắt được quả tang chú bé đang trộm bánh của bà. Những tưởng, chú sẽ lại bị một trận đòn nhưng không. Bà bóc bánh cho chú ăn, dẫn chú đi mua một bộ quần áo và tắm rửa cho chú, sau cùng bà nói. Nếu con cứ ăn cắp thì người ta sẽ đánh con nên khi nào con đói thì lại đây Dì sẽ cho con ăn, đừng đi ăn cắp nữa. Chỉ một lần như thế. Từ đó, cái chợ ấy không còn chú bé chuyên đi ăn cắp nữa. Mẹ tôi vẫn thường xuyên nhắc đến câu chuyện này với lòng khâm phục.

2. Câu chuyện thứ hai : Khi chúng tôi vào lớp 7, trong lịch học của chúng tôi có thêm môn hóa học vô cơ. Một giáo sinh miền bắc được phân công dậy chúng tôi môn học này. Còn nhớ nguyên tố Hydro. Thầy cứ đọc là Hy đờ rô và Hờ hai (H2) (Chúng tôi đọc là hydro và Hát hai. Bởi thế nên chúng tôi gọi Thầy bằng cái tên Hy đờ rô và dần dần nó trở thành biệt hiệu của Thầy. Thậm chí cho đến nay, thực sự tôi không nhớ nổi tên Thầy ấy mà chỉ nhớ là Ông Hy đờ rô mà thôi. Ông Hy đờ rô rất dễ tính, thuộc bài hay không cũng từ điểm 7 trở lên (Giờ mới biết đó là bệnh thành tích), cuối năm cả lớp đứa nào cũng là học sinh khá, giỏi môn hóa.

Đầu năm lớp tám. Một Ông giáo già (Thầy Phát) miền nam dậy chúng tôi môn hóa này. Thầy luôn mặc quần áo cũ nhưng luôn bỏ áo trong thùng rất nghiêm chỉnh, đi chiếc xe đạp cà tàng có cái vỏ xe cũ cắt ra làm thay cái thắng rất ngộ nghĩnh, dậy xong buổi sáng chỉ ăn cái bánh cam để dậy buổi chiều, Trời nắng hay mưa cũng không bao giờ thay đổi được lịch trình của Thầy, bất kể lớp nào có tiết vắng giáo viên mà Thầy không đứng lớp là nhào vô dạy thay khiến bọn học sinh chúng tôi rất hay bất mãn cho rằng Thầy nghiện dậy. Mà có lẽ Thầy nghiện thật. Tiết học đầu năm. Thầy cho chúng tôi cân bằng một phương trình, cứ từ từ gọi từng đứa và tôi (Lớp trưởng) là đứa sau cùng, không ai cân bằng nổi một phương trình đơn giản. Thầy chẳng mắng ai mà chỉ mắng mỗi mình tôi suốt cả buổi học đó. Những tiết học sau đó là nỗi ám ảnh của riêng tôi vì cứ ăn hết con zero này đến con zero khác mà Thầy vẫn cứ gọi tên tôi lên bảng từng tiết học, lúc ấy chúng tôi ai cũng cho là Thầy trù dập tôi, sao mà ghét thế. Dần dà thành một thói quen là cứ đến tiết học hóa là tôi tự động lên trả bài chẳng cần Thầy gọi, chả lẽ cứ không thuộc bài mãi. Thôi thì cũng phải học thôi. Hết lớp 8 tôi may mắn có được điểm hóa trên trung bình để lên lớp. Hú hồn.

Nhưng tệ thật, tưởng thoát nạn ai dè lớp 9, vẫn là Thầy. Lại những tháng ngày lên bảng trả bài như xưa cho đến gần cuối năm. Thầy cho gọi tôi lên Phòng ban Giám Hiệu. Tôi lo lắm nhưng vẫn phải lên, Lúc đó tôi mới biết rằng Thầy cử tôi đi thi học sinh giỏi Hóa cấp tỉnh. Tôi rất sửng sốt nhưng ... vẫn ghét Thầy lắm. Thầy biết thế nhưng cũng chẳng nói gì cho đến khi chúng tôi dự lễ bế mạc năm cuối cấp để chuẩn bị từ giã ngôi trường Phổ thông cơ sở để lên phổ thông trung học. Lúc ấy Thầy gọi tôi lại và chỉ bảo. Thầy xin lỗi em vì đã đối xử với em như vậy, nhưng Thầy thương em như con Thầy. Việc Thầy làm sau này em sẽ hiểu. Thật vậy, sau này. Khi tôi hiểu ra tấm lòng của Thầy thì cũng là lúc tôi không còn có dịp nói lời tri ân với Thầy được nữa khi nghe tin Thầy mất mấy năm sau đó.

3. Câu chuyện thứ ba : Câu chuyện con ma bút. Năm tôi học lớp 6. Những cây bút hiệu Pilot, Hero, Hongha là những vật báu mà những đứa học sinh thường mơ ước, Đứa nào cũng suýt soa thèm thuồng khi thấy những cây bút như vậy. Ở lớp tôi, duy nhất chỉ có một đứa bạn có một cây bút hiệu Pilot như vậy. Nghe đâu là cây bút được truyền lại từ đời Cha nó như một vật kỷ niệm quý báu.Vậy mà một ngày kia, nó không cánh mà bay. Cả lớp xôn xao, nhìn nhau ngờ vực, chủ nhân của nó chỉ biết ngồi khóc sưng húp cả cả mặt mày.

Chuyện đến tai cô chủ nhiệm lớp. Cô chẳng hạch hỏi ai mà chỉ lặng lẽ giảng cho cả lớp về cái xấu xa của tật ăn cắp, về thiệt thòi tổn thương mất mát mà nạn nhân phải chịu đựng. Nói xong, cô yêu cầu mấy học sinh nam dùng cái bảng che tạm thành một góc nhỏ kín đáo rồi yêu cầu cả lớp, lần lượt từng người một mình vào cái góc nhỏ ấy, nếu ai lỡ lấy thì trả lại bỏ vào cái hộp dùng để đựng phấn. Như vậy sẽ chẳng ai biết ai là thủ phạm và cô nói thêm nếu cây bút không được tìm thấy thì tất cả các tiết sinh hoạt lớp sau này sẽ tiếp tục làm như thế cho đến khi cây bút được tìm ra.... Rất may, khi mở hộp phấn, Cây bút đã được trả về cho khổ chủ. Trước khi ra về, Cô không quên cám ơn và biểu dương tinh thần phục thiện của người đã lỡ.... Thật khéo léo mà hiệu quả, đến bây giờ mỗi khi có dịp gặp lại nhau, chúng tôi vẫn thường nhắc lại câu chuyện con ma bút ngày ấy với tấm lòng biết ơn cô giáo.

4. Câu chuyện thứ tư : Trong một cuộc cắm trại. Một tên trộm bị phát hiện và bị cả đám trại sinh chúng tôi hè nhau tóm gọn. Hí hửng vì bắt được kẻ gian, mấy cái nồi tang chứng còn rành rành, chúng tôi khiêng tên trộm mặt mũi còn non choẹt trên đường giao cho Công an xử lý. Thầy Trại trưởng biết chuyện vội chạy tới đưa chúng tôi và cả tên trộm về khu vực cắm trại. Ông cởi trói và nhẹ nhàng hỏi tên trộm nơi ở, gia cảnh, tuổi tác, lý do nghỉ học và cả lý do ăn trộm. Xong đâu đó. Ông cùng chúng tôi dẫn tên trộm về tận nhà của hắn. Một ngôi nhà toàng hoàng trống vắng. Thầy Trại Trưởng cho bố mẹ tên trộm biết lý do của cuộc việng thăm và Ông lưu ý gia đình về việc giáo dục con cái. Về đến trại, Ông biểu dương chúng tôi về tinh thần cảnh giác. Bọn tôi còn đang vui vẻ thì Ông lại nghiêm khắc phạt chúng tôi với mấy lý do :

Lý do thứ nhất. Không báo cáo cho Trại Trưởng biết sự việc đã đem giao thủ phạm cho Công an.
Lý do thứ hai. Chúng tôi tự ý bỏ khu vực cắm trại khi chưa được phép.
Lý do thứ ba : Chúng tôi chỉ hành động mà chưa rõ nguyên nhân thúc đẩy của sự việc ăn trộm.
Lý do thứ tư : Trong vụ việc này, giao cho công an không phải là cách duy nhất để giáo dục.....

Ông còn nói rất nhiều nhưng chúng tôi cũng thấy lùng bùng cả lỗ tai vì nhận ra sự nông nổi của mình.

Vâng, bốn câu truyện trên chắc chắn chẳng hay bằng những câu chuyện tình cảm Hàn quốc sướt mướt trên truyền hình, chẳng hay bằng những tin nóng cướp giật đâm chém giật gân trên báo chí. Nhưng đó là những câu chuyện có thật của đời tôi. Nhưng nơi đó tôi có thể cảm nhận được sự thực thụ của một nền giáo dục có nhân tính, Một nền giáo dục mang đậm nét nhân văn tình thương.

Đaminh Phan Văn Dũng

Đọc nhiều nhất Bản in 18.07.2009. 00:47