Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thư ngỏ gởi các thầy cô Công Giáo nhân ngày hiến chương Nhà Giáo Việt Nam

§ Lm Giuse Trương Đình Hiền

Quý Thầy, Cô, và tất cả những ai đã từng tham gia công tác giáo dục rất thân mến,

Mỗi năm, khi trời trở lạnh, những cơn mưa mùa Đông kéo đến thường xuyên và không gian thường sẫm lại mỗi chiều, khi tờ lịch của năm bước sang những ngày hạ tuần tháng 11…cũng là lúc, trên mọi nẻo đường dẫn đến các ngôi trường, từ những mái trường xiêu vẹo rách nát nơi những quê nghèo, hay những ngôi trường đại học khang trang nơi đô thành hoa lệ, tiểu học hay trung học, mẫu giáo, mầm non hay cao đẳng, trung cấp…đều nghe những tiếng kháo láo của các em học sinh, sinh viên nói với nhau về ngày thầy cô, bàn chuyện với nhau về quà tặng cho ngày Hiến Chương Nhà Giáo…

Tuy nhiên, chuyện “thầy cô”, chuyện “nhà giáo” đâu chỉ là chuyện thời sự đột xuất mỗi năm chỉ đến một lần vào ngày 20.11; mà từ lâu đã trở thành một chuyên đề, một học thuyết, và nhất là, một đạo lý: Đạo Thầy – Trò, trong lịch sử của loài người muôn nơi và muôn thuở.

Đối với người Kitô hữu, nhờ ánh sáng mặc khải chúng ta lại biết rằng: Thiên Chúa chính là nhà mô phạm, là Thầy tuyệt đối, Là Đấng mà qua mọi chặng đường Lịch sử cứu rỗi, đã không ngừng giáo dục Dân riêng Ngài chọn và qua đó, dạy dỗ toàn thể nhân loại từ con người đầu tiên A-đam, E-va (St 1,28-29; 2, 15-20) cho đến con người sau hết (Kh 21,5-8).

Đặc biệt, qua các Thánh vịnh, chúng ta vẫn thường đọc thấy những lời cầu xin lên Thiên Chúa là Đấng dạy dỗ “Lạy Chúa xin dạy con đường lối thánh chỉ, con nguyện đi theo mãi đến cùng” (Tv 119,33), “xin dạy con hiểu cho tường, xét cho đúng, vì con vẫn tin vào mệnh lệnh Ngài” (119,66), “Tay Chúa đã nắn con nên hình nên dạng, xin mở trí cho con học biết mệnh lệnh Ngài” (119,73), “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (119,105).

Và khi Con Chúa xuống thế làm người thì chính Ngài đã thể hiện cụ thể vai trò “làm Thầy của Thiên Chúa” khi Ngài tự khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Và chúng ta cũng biết “cái giá cuối cùng cho sứ mạng làm thầy dạy của Đức Kitô chính là cái chết thập giá”(Mt 26, 65-67).

Như thế, chúng ta có thể nói được rằng, ơn gọi làm thầy dậy, làm “kỷ sư tâm hồn”, làm kẻ khai sáng cho con người mở nẻo tương lai, làm ngọn đuốc soi đường trí tuệ, làm kẻ hướng đạo khám phá cánh rừng tri thức…chính là sứ mệnh cao cả phản ảnh chính tư cách “làm Thầy” của Thiên Chúa, của “Rabbi Giêsu”. Chính trong ý nghĩa đó, Hội Thánh, trong văn kiện của Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn Giáo Dục Kitô giáo đã có những nhận định sâu sắc và chân xác về ơn gọi và sứ mệnh của nững nhà giáo dục như sau:

“Như thế, thực cao đẹp nhưng cũng thực nặng nề thiên chức của tất cả những ai giúp đỡ cha mẹ chu toàn nhiệm vụ của họ và thay thế cộng đoàn nhân loại nhận lãnh chức vụ giáo dục nơi học đường. Thiên chức nầy đòi hỏi phải có những tài năng đặc biệt về trí tuệ và tâm hồn, được chuẩn bị hết sức kỹ càng, với thái độ sẵn sàng canh tân và thích nghi không ngừng”

(Tuyên Ngôn về giáo dục Kitô giáo, số 5)

Thánh Công Ðồng tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, đã tự hiến theo tinh thần Phúc Âm dấn thân vào công cuộc trọng đại này là giáo dục trong các trường thuộc mọi cấp và mọi ngành. Ðồng thời khuyến khích họ hãy quảng đại và kiên tâm trong bổn phận đã lãnh nhận, nỗ lực vươn lên trong việc đào luyện học sinh thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, trong khoa sư phạm và trong việc trau dồi kiến thức, để họ không những đẩy mạnh cuộc canh tân bên trong Giáo Hội mà còn duy trì và phát huy thêm sự hiện diện hữu ích của Giáo Hội trong thế giới ngày nay nhất là trong giới trí thức.

(Tuyên Ngôn về giáo dục Kitô giáo, Kết luận)

Nhắc lại vài nguyên tắc nền tảng đó trong ngày “Nhà Giáo Việt nam” để quý thầy, cô và những ai đã, đang và sẽ tham gia vào công tác quý trọng và thánh thiện nầy càng ý thức hơn phẩm giá cao đẹp và sứ mệnh khó khăn của mình để can đảm hơn trong việc dấn thân làm chứng cho Chúa Kitô trong môi trường giáo dục theo như ước mong và đòi hỏi của Hội Thánh.

Thật ra, trong lịch sử Giáo Hội nói chung và tại Việt nam nói riêng, đã không thiếu những những vị thầy cô đã sống hết mình vì ơn gọi và can đảm trả giá cho sứ mệnh nhân chứng tại học đường. Trong số đó phải kể đến cô giáo Công giáo thạc sĩ Nguyễn thị Bích Hạnh, giáo viên văn giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm theo diện 'thu hút nhân tài' của tỉnh Quảng Nam, vào hôm tháng 6 trong năm vừa qua, đã bị Sở giáo dục Quảng Nam-Đà Nẵng đình chỉ công tác vì đã thể hiện vai trò chứng nhân của sự thật và tự do trong học đường.

Tại Việt Nam hôm nay, trong môi trường xã hội không mấy thiện cảm, và nhiều khi đối nghịch hẵn với sứ điệp Phúc Âm, chắc chắn người thầy cô Công giáo luôn đặt mình trước những lựa chọn thật khó khăn, đôi khi là “một mất một còn”. Tuy nhiên, hãy cậy dựa vào chính Đức Kitô, Vị Tôn Sư tuyệt đối của mọi thời và là Đấng luôn hiện diện và đồng hành với các môn sinh “trên từng cây số Emmau”, hãy trông cậy vào Chúa Thánh Thần là sức mạnh của tình yêu và chân lý, và phó thác cho Thiên Chúa Cha, Đấng luôn yêu thương chăm sóc giữ gìn con cái kỹ càng và chu đáo hơn cánh hoa huệ tươi nở giữa đồng hoang hay những con chim sẽ líu lo giữa bầu trời.

Điều quan trong là hãy biết “tự làm mới mình” mỗi ngày trong quan hệ với Chúa và với tha nhân; đặc biệt, cần biết vận dụng các phương thế thiêng liêng trong tầm tay để thánh hóa và kiện toàn bản thân như Thánh lễ, nhiệm tích Giải tội, đọc và lắng nghe Lời Chúa, tham gia sinh hoạt giáo xứ, chứng nhân đời sống bác ái, yêu thương, liêm chính, phục vụ nơi môi trường chung quanh…Được như thế, người thầy cô Công Giáo chắc chắn sẽ là những “vì sao sáng giữ tối tăm”, là ngọn đuốc soi đường, là điểm tựa vững chắc cho muôn thế hệ học sinh đang khát khao và “tin tưởng những chứng nhân hơn là những thầy dạy.”

Đó cũng là lời chúc thân thương xin gởi đến quý thầy cô và tất cả những ai đã đang làm công tác giáo dục nhân ngày Hiến Chương Nhà Giáo Việt Nam năm 2009.

Lm Giuse Trương Đình Hiền
Chánh xứ Tuy Hòa – Hạt trưởng Phú Yên

Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo

Gravissimum Educationis
Khóa VII Ngày 28 tháng 10 Năm 1965
Phaolô Giám Mục
Tôi Tớ Các Tôi Tớ Thiên Chúa
Hiệp Nhất Với Các Nghị Phụ Của Thánh Công Ðồng
Ðể Muôn Ðời Ghi Nhớ
Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo

Lời mở đầu

Vai trò vô cùng quan trọng của việc giáo dục trong đời sống con người và ảnh hưởng của nó luôn gia tăng trên đà tiến triển của xã hội hiện nay đã được Thánh Công Ðồng đặc biệt lưu ý. Quả thực, hoàn cảnh của thời đại chúng ta làm cho việc giáo dục thanh thiếu niên, ngay cả việc tiếp tục huấn luyện giới trưởng thành, trở nên ngày một dễ dàng và khẩn cấp hơn. Vì ý thức đầy đủ hơn về phẩm giá và bổn phận của mình, nên con người ao ước được tham dự tích cực hơn vào đời sống xã hội, nhất là đời sống kinh tế và chính trị.

Những tiến bộ kỳ diệu trong lãnh vực kỹ thuật và nghiên cứu khoa học, những phương tiện truyền thông xã hội tân tiến hiến cho con người hoàn cảnh thuận tiện, nhờ đó con người còn nhiều thời giờ nhàn rỗi, không vướng mắc công việc, dễ dàng tham dự vào gia sản văn hóa và tinh thần, và bổ túc lẫn nhau nhờ những liên lạc mật thiết hơn giữa các đoàn thể cũng như giữa chính các dân tộc.

Bởi đó khắp nơi đều cố gắng đẩy mạnh công cuộc giáo dục mỗi ngày một hơn. Người ta thừa nhận những quyền lợi căn bản liên hệ đến việc giáo dục của con người, nhất là của trẻ em và cha mẹ. Các quyền lợi ấy được xác định trong nhiều văn kiện chính thức. Trước con số học sinh gia tăng mau chóng, người ta gia tăng trường ốc và cải tiến học đường, thiết lập thêm những cơ sở giáo dục khác. Các phương tiện giáo dục và giảng huấn được canh tân dựa vào những kinh nghiệm mới. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực lớn lao để đem lại những lợi ích trên cho mọi người, nhưng vẫn còn rất nhiều trẻ em và thanh thiếu niên chưa được hưởng sự huấn luyện căn bản và biết bao người khác vẫn còn thiếu một nền giáo dục thích hợp để phát huy chân lý và bác ái.

Vì vậy, để chu toàn sứ mệnh mà Chúa là Ðấng sáng lập đã trao ban, là loan truyền mầu nhiệm ơn cứu độ cho mọi người và thiết lập mọi sự trong Chúa Kitô, Mẹ Thánh Giáo Hội có nhiệm vụ săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần tục, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Vì thế Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục. Do đó, Thánh Công Ðồng tuyên bố một số nguyên tắc căn bản về giáo dục Kitô giáo, nhất là giáo dục học đường. Một Ủy Ban đặc biệt sau Công Ðồng phải giải thích cặn kẽ và các Hội Ðồng Giám Mục phải thích nghi các nguyên tắc đó tùy theo hoàn cảnh khác biệt tại mỗi địa phương.

1. Quyền hưởng một nền giáo dục xứng hợp

Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với sứ mệnh riêng, phù hợp với cá tính của từng phái, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác huynh đệ với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc hợp nhất chân chính và hòa bình trên mặt đất. Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích của các đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành.

Bởi thế, phải để ý đến những tiến triển của khoa tâm lý, sư phạm và giáo khoa, hầu giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát triển điều hòa những năng khiếu thể xác, luân lý và tinh thần, ý thức dần dần trách nhiệm cách rõ rệt hơn, nhờ luôn cố gắng trau dồi đúng mức đời sống cá nhân và theo đuổi sự tự do chân chính, với lòng can đảm và kiên nhẫn lướt thắng mọi trở ngại. Phải tích cực và thận trọng giáo dục chúng về phái tính tùy tứng lứa tuổi. Ngoài ra, phải huấn luyện cho chúng biết tham dự đời sống xã hội, để sau khi được chỉ dẫn đầy đủ về những phương tiện cần thiết và thích hợp, chúng có thể tích cực dấn thân vào những đoàn thể khác nhau của cộng đoàn nhân loại sẵn sàng đối thoại với người khác cũng như hăng say hoạt động để góp phần thực hiện lợi ích chung.

Cũng vậy, Thánh Công Ðồng còn tuyên bố rằng trẻ em và thanh thiếu niên có quyền được hướng dẫn trong việc phê phán những giá trị luân lý theo lương tâm thẳng thắn, tự ý chấp nhận và tuân giữ những giá trị ấy và nhận biết yêu mến Thiên Chúa cách hoàn hảo hơn. Vì thế Công Ðồng tha thiết mời gọi những nhà lãnh đạo các dân tộc hãy hướng dẫn công việc giáo dục, hãy lo lắng sao cho giới trẻ không bao giờ bị tước mất quyền lợi thiêng liêng ấy. Công Ðồng còn khuyên nhủ các con cái Giáo Hội hãy quảng đại hoạt động trong mọi lãnh vực giáo dục, nhất là để có thể sớm đem lại những lợi ích của một nền giáo dục và giáo huấn xứng hợp cho mọi người ở khắp nơi trên toàn thế giới.

2. Nền giáo dục Kitô giáo

Mọi Kitô hữu, nhờ việc tái sinh bởi nước và Thánh Thần, đã trở nên những tạo vật mới, được gọi là con Thiên Chúa và quả thực như thế, nên có quyền hưởng một nền giáo dục Kitô giáo. Nền giáo dục này không chỉ nhằm giúp con người được trưởng thành như vừa trình bày, nhưng cốt yếu là nhằm giúp những người đã rửa tội ngày càng ý thức hơn về hồng ân Ðức Tin đã nhận lãnh trong khi họ được hứơng dẫn để dần dần hiểu biết mầu nhiệm cứu rỗi. Nền giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23), nhất là qua việc cử hành phụng vụ, cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Eph 4,22-24). Nhờ vậy họ đạt tới con người hoàn thiện, tới tuổi sung mãn của Chúa Kitô (x. Eph 4,13) và góp phần vào việc tăng trưởng của Nhiệm Thể. Hơn nữa, vì ý thức được ơn kêu gọi của mình, chính họ phải tập thói quen minh chứng niềm cậy trông của mình (x. 1P 3,15) cũng như phải giúp cải tạo thế giới theo tinh thần Kitô giáo. Nhờ đó những giá trị tự nhiên sẽ góp phần vào lợi ích của toàn thể xã hội, khi được hòa hợp vào viễn ảnh toàn vẹn của con người được Chúa Kitô cứu chuộc. Vì vậy Thánh Công Ðồng nhắc lại cho những Chủ Chăn hướng dẫn các linh hồn nhiệm vụ rất quan trọng là phải thu xếp mọi sự để các tín hữu được hưởng nhờ nền giáo dục Kitô giáo nhất là giới trẻ, niềm hy vọng của Giáo Hội.

3. Những người lãnh nhận trách nhiệm giáo dục

Là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng. Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được. Thực vậy, chính cha mẹ có nhiệm vụ tạo cho gia đình một bầu khí thấm nhuần tình yêu cũng như lòng tôn kính đối với Thiên Chúa và tha nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân, để hỗ trợ việc giáo dục toàn diện cho con cái trong đời sống cá nhân và xã hội. Do đó gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể. Nhưng đặc biệt trong gia đình Kitô giáo, vì đã nhận ân sủng cũng như bổn phận của bí tích hôn phối, nên cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ nhỏ, để chúng nhận biết và thờ kính Thiên Chúa cùng yêu mến tha nhân theo đức tin chúng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Chính tại nơi đây, con trẻ có kinh nghiệm đầu tiên về xã hội lành mạnh của nhân loại và về Giáo Hội. Sau hết nhờ gia đình, chúng được hướng dẫn dần dần vào cộng đoàn nhân loại cũng như vào Dân Thiên Chúa. Bởi vậy cha mẹ phải ý thức sâu xa tầm quan trọng của gia đình Kitô giáo đích thực trong đời sống và đà thăng tiến của chính dân Thiên Chúa.

Nhiệm vụ giáo dục trước hết thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội. Thực vậy, ngoài những quyền lợi của cha mẹ và của những người được cha mẹ ủy thác cho một phần công việc giáo dục, chắc chắn xã hội dân sự cũng còn có những quyền lợi và bổn phận vì xã hội dân sự có nhiệm vụ tổ chức những gì đem lại lợi ích chung trong phạm vi thế tục. Một trong những gì đem lại lợi ích chung trong phạm vi thế tục. Một trong những bổn phận của xã hội dân sự là đẩy mạnh công cuộc giáo dục giới trẻ bằng nhiều phương cách, như bảo vệ quyền lợi cha mẹ và những người góp phần vào việc giáo dục và phải giúp đỡ họ trong công tác đó. Theo nguyên tắc đồng trách nhiệm, khi cha mẹ và các đoàn thể khác thiếu sáng kiến, xã hội dân sự phải kiện toàn công việc giáo dục, nhưng cũng phải để ý đến nguyện vọng của cha mẹ. Ngoài ra còn phải thiết lập các trường ốc và cơ sở giáo dục riêng theo lợi ích chung đòi hỏi.

Sau cùng với danh nghĩa đặc biệt, Giáo Hội có trách nhiệm giáo dục không những vì Giáo Hội là xã hội trần gian, phải được thừa nhận có khả năng giáo dục, nhưng nhất là vì Giáo Hội có nhiệm vụ loan truyền cho mọi người biết con đường cứu rỗi, cũng như thông ban sự sống Chúa Kitô cho các tín hữu và luôn lo lắng giúp đỡ họ đạt tới sự viên mãn của đời sống ấy. Bởi vậy như một Người Mẹ, Giáo Hội có nhiệm vụ bảo đảm cho con cái một nền giáo dục, đem tinh thần Chúa Kitô thấm nhuần đời sống chúng, nhưng đồng thời cũng cổ võ mọi dân tộc phát triển sự hoàn thiện toàn vẹn của con người, phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới nhân đạo hơn.

4. Phương thế của nền giáo dục Kitô giáo

Ðể chu toàn nhiệm vụ giáo dục, Giáo Hội quan tâm đến tất cả các phương thế thích hợp, đặc biệt là những phương thế riêng của mình. Trước hết là việc giảng dạy giáo lý nhằm soi sáng và củng cố đức tin, nuôi dưỡng đời sống theo tinh thần Chúa Kitô, đưa đến việc ý thức và tham dự linh động vào mầu nhiệm phụng vụ 17, khuyến khích hoạt động tông đồ. Nhưng Giáo Hội cũng tôn trọng và tìm cách đem tinh thần mình thấm nhuần và nâng cao những phương thế khác thuộc di sản chung của nhân loại và góp phần lớn lao vào việc trau dồi tinh thần và đào luyện con người, như các phương tiện truyền thông xã hội, các tổ chức có mục đích tập luyện tinh thần và thể xác, các phong trào thanh thiếu niên và nhất là các trường học.

5. Tầm quan trọng của học đường

Trong tất cả các phương tiện giáo dục, học đường giữ một vai trò quan trọng đặc biệt, vì học đường theo sứ mạng mình luôn lo lắng trau dồi các khả năng tinh thần, dẫn vào gia sản văn hóa mà các thế hệ trước đã thu lượm được, phát huy nhận thức về các giá trị, chuẩn bị đời sống nghề nghiệp, và khuyến khích niềm thông cảm lẫn nhau trong khi cổ cõ tình thân hữu cộng đoàn giữa những học sinh khác biệt về tâm linh và giai cấp. Hơn nữa học đường còn trở nên trung tâm hoạt động và tiến triển, tại đây cần đến sự tham dự của gia đình, thầy dạy, mọi đoàn thể có mục đích phát triển đời sống văn hóa, đời sống công dân và tôn giáo, cả chính quyền cũng như toàn thể cộng đoàn nhân loại.

Như thế, thực cao đẹp nhưng cũng thực nặng nề thiên chức của tất cả những ai giúp đỡ cha mẹ chu toàn nhiệm vụ của họ và thay thế cộng đoàn nhân loại nhận lãnh chức vụ giáo dục nơi học đường. Thiên chức này dòi phải có những tài năng đặc biệt về trí tuệ và tâm hồn, được chuẩn bị hết sức kỹ càng, với thái độ sẵn sàng canh tân và thích nghi không ngừng.

6. Nhiệm vụ và quyền lợi của cha mẹ

Nhiệm vụ và quyền lợi đầu tiên bất khả nhượng của cha mẹ là giáo dục con cái, nên họ phải được thực sự tự do trong việc lựa chọn trường học. Do đó, vì có bổn phận bảo vệ và bênh vực quyền tự do của công dân, chính quyền khi chú tâm đến công bằng phân phối phải lo phân chia những ngân khoản tài trợ chung sao cho cha mẹ có thể được thực sự tự do lựa chọn trường học cho con cái theo lương tâm mình.

Ngoài ra chính quyền còn có bổn phận lo liệu cho mọi công dân được tham dự thực sự vào nền văn hóa và được huấn luyện thích đáng để thi hành nhiệm vụ và quyền lợi công dân. Bởi thế chính quyền phải bảo đảm cho thanh thiếu niên được hưởng một nền giáo dục học đường đầy đủ, phải quan tâm đến khả năng của nhà giáo và trình độ học vấn của học sinh cũng như phải chăm sóc đến cả sức khỏe của chúng. Như thế chính quyền phải phát triển toàn diện học chế, nhưng đừng quên nguyên tắc đồng trách nhiệm. Do đó phải loại trừ mọi chế độ độc quyền học hiệu, vì tất cả mọi chế độ độc quyền thuộc loại này đều trái với quyền tự nhiên của con người, cản trở sự tiến bộ và việc phổ biến văn hóa, làm tan loãng bầu khí thuận hòa giữa các công dân và nghịch với thuyết đa dạng mà ngày nay đang thịnh hành tại nhiều cộng đoàn.

Do đó, Thánh Công Ðồng khuyến khích các Kitô hữu hãy tự động góp phần vào việc khám phá những phương pháp giáo dục thích hợp, cách tổ chức việc học hành và góp phần vào việc đào tạo các giáo chức có khả năng giáo dục thanh thiếu niên một cách đúng đắn bằng cách hỗ trợ họ, và nhất là qua các hội phụ huynh học sinh, phải theo dõi và nâng đỡ mọi công việc của nhà trường, đặc biệt việc giáo dục luân lý được giảng dạy nơi đó.

7. Giáo dục luân lý và tôn giáo nơi học đường

Hơn nữa, ý thức sâu xa nhiệm vụ vô cùng quan trọng là phải ân cần lo lắng giáo dục mọi con cái mình về phương diện luân lý và tôn giáo. Giáo Hội, bằng tấm lòng ưu ái và trợ giúp đặc biệt cần phải hiện diện cho biết bao thanh thiếu niên đang được đào luyện trong các trường không công giáo. Sự hiện diện ấy được cụ thể hóa qua chứng từ đời sống của người giảng dạy và hướng dẫn chúng, qua việc tông đồ của các bạn học, và nhất là qua lời giảng dạy giáo lý cứu rỗi của những linh mục và giáo dân có trách nhiệm bằng những phương pháp thích hợp với lứa tuổi và hoàn cảnh, cùng với việc giúp đỡ thiêng liêng bằng mọi sáng kiến thích nghi theo điều kiện thời gian và sự việc.

Giáo Hội cũng nhắc nhở cho cha mẹ nhiệm vụ quan trọng cố hữu của họ là phải lo liệu mọi sự và đòi hỏi sao cho con cái họ có thể hưởng nhờ những trợ giúp ấy và được tấn tới trong việc giáo dục theo tinh thần Kitô giáo và ăn nhịp với giáo huấn trần thế.

Ngoài ra Giáo Hội còn ca ngợi những cơ quan cũng như các đoàn thể dân sự nào chủ trương thuyết đa dạng trong xã hội hiện nay và chú tâm đến quyền tự do tôn giáo, giúp đỡ các gia đình để việc giáo dục con cái nơi học đường được phù hợp với các nguyên tắc luân lý và tôn giáo riêng của gia đình họ.

8. Trường Công Giáo

Giáo Hội hiện diện đặc biệt trong lãnh vực học đường qua trường công giáo. Thực ra trường công giáo cũng theo đuổi những mục tiêu văn hóa và giáo dục nhân bản cho thanh thiếu niên không kém gì các trường khác. Ðiều riêng biệt của trường công giáo là có sứ mệnh tạo cho môi trường học đường một bầu khí ống động, thấm nhuần tự do và bác ái theo tinh thần Phúc Âm, giúp thanh thiếu niên phát triển nhân cách mình đồng thời làm phát triển con người mới đã được thành hình khi chịu phép rửa tội. Sau cùng, trường công giáo còn phải hướng nền văn hóa chung của nhân loại vào việc loan truyền ơn cứu rỗi để cho các học sinh dần dần nhận thức về thế giới, cuộc đời và con người nhờ ánh sáng đức tin soi chiếu 25. Như thế trong khi mở cửa tiếp nhận đúng mức những điều kiện của thời đại đương tiến bộ, trường công giáo huấn luyện học sinh biết mưu cầu lợi ích cho xã hội trần gian một cách hữu hiệu, và chuẩn bị cho chúng biết phục vụ để mở mang Nước Chúa. Do đó, nhờ sống đời gương mẫu và tông đồ, chúng trở nên như men cứu rỗi cho cộng đoàn nhân loại.

Thực vậy, trường công giáo còn giữ một vai trò rất quan trọng trong hoàn cảnh chúng ta đang sống, vì có khả năng góp phần lớn lao trong việc chu toàn sứ mệnh của Dân Thiên Chúa và giúp cuộc đối thoại giữa Giáo Hội và cộng đoàn nhân loại nhằm đạt tới lợi ích cho cả đôi bên. Vì thế Thánh Công Ðồng tuyên bố một lần nữa rằng Giáo Hội có quyền thiết lập và điều khiển các trường thuộc các cấp và các ngành, như Quyền Giáo Huấn đã xác nhận qua nhiều văn kiện. Công Ðồng cũng nhắc lại rằng việc thi hành quyền lợi này sẽ đóng góp nhiều cho việc bảo đảm tự do lương tâm và những quyền lợi của cha mẹ cũng như sự tiên bộ của nền văn hóa.

Tuy nhiên các nhà giáo nên nhớ rằng họ là những nhân vật chính giúp cho trường công giáo thực hiện được những chương trình và sáng kiến của mình 27. Vậy họ phải được chuẩn bị hết sức chu đáo để lãnh hội những kiến thức đạo đời, được chứng thực do những văn bằng tương xứng, cũng như phương thức giáo dục phù hợp với những phát minh của thời đại tiến bộ. Các nhà giáo dục, nhờ liên kết với các bạn đồng nghiệp và với các học sinh trong tình bác ái và thấm nhiễm tinh thần tông đồ, sẽ làm chứng cho một vị Thầy duy nhất là Chúa Kitô bằng đời sống cũng như bằng lời giảng dạy. Hãy cộng tác với nhau, nhất là với các bậc phụ huynh, và trong suốt thời gian giáo huấn, hãy cùng với họ quan tâm đúng mức đến sự khác biệt phái tính và mục đích riêng của cả hai phái trong gia đình cũng như ngoài xã hội do Chúa Quan Phòng đã đặt định. Hãy cố gắng khuyến khích học sinh làm việc riêng, à khi thời gian học tập chấm dứt, hãy tiếp tục liên lạc với chúng bằng những ý kiến xây dựng, tình thân hữu và bằng việc thành lập các hiệp hội theo đúng tinh thần của Giáo Hội. Thánh Công Ðồng cũng tuyên bố rằng chức vụ của nhà giáo là một hoạt động tông đồ đích thực, rất thích hợp và cần thiết cho thời đại chúng ta, đồng thời là một phục vụ chính đáng cho xã hội. Công Ðồng còn nhắc nhở cho cha mẹ công giáo bổn phận ký thác con em vào các trường công giáo nếu hoàn cảnh thời gian và nơi chốn cho phép. Phải tùy khả năng nâng đỡ và hợp tác với các trường ấy để mưu cầu lợi ích cho con em mình.

9. Các loại trường Công Giáo

Tất cả các trường tùy thuộc Giáo Hội bằng bất cứ cách nào phải phù hợp với hình ảnh của trường công giáo trên theo khả năng mình, dù có thề mang những hình thức khác nhau tùy hoàn cảnh địa phương. Hội Thánh rất khen ngợi những trường công giáo hâu nhận cả những học sinh không công giáo, nhất là ở những miền thuộc các Giáo Hội tân lập.

Ngoài ra, khi thiết lập và điều hành các trường công giáo, cần phải để ý đến những nhu cầu của thời tân tiến. Vì thế, trong khi quan tâm đến các trường tiểu học và trung học là nền tảng của việc giáo dục, người ta cũng phải chú trọng tới những trường do hoàn cảnh hiện tại đòi hỏi, chẳng hạn những trường chuyên nghiệp và kỹ thuật, những viện giáo huấn cho lứa tuổi trưởng thành, cổ võ công tác cứu trợ xã hội, và cả những nhà dành cho những người vì tàn tật cần được chăm sóc đặc biệt, những trường sư phạm đào luyện giáo chức vừa về việc dạy giáo lý, vừa về những hình thức giáo dục khác.

Thánh Công Ðồng ân cần nhắc nhủ các Chủ Chăn của Giáo Hội cũng như mọi Kitô hữu đừng quản ngại hy sinh giúp đỡ các trường công giáo chu toàn bổn phận ngày càng hoàn hảo hơn, và nhất là quan tâm đến nhu cầu của những người thiếu thốn phương tiện vật chất, thiếu tình thương, thiếu sự nâng đỡ của gia đình hoặc còn xa lạ với đức tin.

10. Phân khoa và đại học Công Giáo

Giáo Hội cũng đặc biệt quan tâm đến những trường Cao Ðẳng, nhất là những viện Ðại Học và Phân Khoa Hơn nữa, đối với các trường hợp thuộc quyền, Giáo Hội ước mong tổ chức sao cho mỗi môn được nghiên cứu tường tận theo những nguyên tắc riêng, phương pháp riêng và quyền tự do riêng của việc nghiên cứu khoa học, để hiểu các môn học ấy ngày càng sâu xa hơn, Và để một khi đã tìm hiểu thấu đáo những vần đề mới mẻ, cũng như các công cuộc tìm tòi của thời đại đang tiến bộ, đồng thời theo đường lối của các vị Tiến Sĩ Giáo Hội, nhất là thánh Tôma thành Aquino người ta sẽ nhận thức sâu xa hơn đức tin và lý trí cùng quy hướng về một mục đích duy nhất. Như thế, tinh thần Kitô giáo sẽ hiện diện một cách công khai, vững mạnh và phổ quát trong mọi nỗ lực đưa đến một nền văn hóa sâu xa hơn, và các học viên xuất thân từ những trường ấy sẽ là những người có kiến thức vững chắc thực sự, sẵn sàng đảm nhận mọi trọng trách trong xã hội và trở nên nhân chứng đức tin nơi trần thế.

Tại các Ðại Học Công Giáo không có Phân Khoa Thần Học, nên thành lập một Viện hay một giảng đường thần học để các sinh viên giáo dân cũng có thể lĩnh hội những bài giảng huấn thích hợp. Các khoa học sở dĩ tiến bộ được là nhờ ở các cuộc khảo cứu chuyên biệt có giá trị khoa học cao độ, nên các Ðại Học và các Phân Khoa Công Giáo phải hết sức nâng đỡ các tổ chức nào có mục đích chính yếu là xúc tiến công cuộc khảo cứu khoa học.

Thánh Công Ðồng tha thiết khuyên nhủ các Viện Ðại Học và các Phân Khoa Công Giáo đã được phân phối thích đáng tại các phần đất khác nhau trên hoàn cầu, phải phát triển làm sao để nổi tiếng không phải nhờ số lượng mà nhờ ở phẩm chất của giáo huấn. Phải dễ dãi trong việc thu nhận những sinh viên có nhiều triển vọng dù họ thuộc thành phần kém may mắn, nhất là những người đến từ các quốc gia mới thành lập.

Vì tương lai của xã hội và của chính Giáo Hội liên kết mật thiết với sự tiến bộ của các thanh niên đang hấp thụ nền học vấn cao đẳng, nên các Vị Chủ Chăn trong Giáo Hội không những chỉ săn sóc đến đời sống thiêng liêng, mà còn phải chăm lo việc giáo dục tinh thần cho hết mọi sinh viên con cái mình học tại các Ðại Học Công Giáo. Vì thế, sau khi tùy hoàn cảnh tham khảo ý kiến các Giám Mục, các ngài hãy lo liệu thiết lập tại các Viện Ðại Học không Công Giáo những cư xá và trung tâm Ðại Học Công Giáo. Ở đó, những linh mục, tu sĩ và giáo dân được tuyển chọn và huấn luyện kỹ càng, sẽ thường xuyên giúp đỡ thanh niên đại học về phương diện tinh thần và trí tuệ. Các ngài cũng nên đặc biệt quan tâm và khuyến khích những thanh niên ưu tú trong các Ðại Học Công Giáo cũng như các Ðại Học khác để họ bước vào nghề giáo nếu thấy họ có khả năng giảng huấn và nghiên cứu.

11. Phân khoa dạy các môn học thánh

Giáo Hội đặt kỳ vọng vào hoạt động của các phân khoa dạy các môn học thánh. Vì thế, Giáo Hội ủy thác cho các phân khoa ấy một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là chuẩn bị sinh viên của mình, không những để họ tiến tới chức linh mục, nhưng nhất là để họ hoặc giảng dạy tại các ghế giáo sư cao đẳng của Giáo Hội, hoặc cải tiến các môn học nhờ việc nghiên cứu cá nhân hay để họ nhận lãnh những phần việc khó khăn hơn trong nhiệm vụ tông đồ cho giới trí thức. Các phân khoa ấy cũng có nhiệm vụ khảo cứu sâu xa mọi ngành khác nhau của các môn học thánh để mỗi ngày một thấu hiểu tường tận hơn Mạc Khải Thánh, mở rộng hơn di sản khôn ngoan Kitô giáo do các bậc tiền nhân truyền lại, phát động cuộc đối thoại với các anh em ly khai, với các người ngoài Kitô giáo, và sau hết để giải đáp những vấn đề do sự tiến bộ của các học thuyết đặt ra.

Vì thế, các Phân Khoa Giáo Hội phải lo tu chỉnh những điều lệ cho hợp thời để phát triển mạnh mẽ các khoa học thánh và những khoa học liên hệ. Phải sử dụng những phương pháp và phương tiện tân tiến để hưởng các sinh viên đến những cuộc khảo cứu sâu rộng hơn.

12. Hợp tác trong lãnh vực giáo dục

Sự cộng tác ngày một khẩn thiết và đang được củng cố trong phạm vi giáo phận, quốc gia và quốc tế cũng rất cần thiết trong lãnh vực học đường. Vì thế, bằng mọi cách, phải lo liệu thế nào việc hợp tác giữa các trường công giáo với nhau được thuận lợi, đồng thời vì ích lợi chung của cộng đồng nhân loại đòi hỏi, phải đẩy mạnh việc hợp tác giữa chính các trường công giáo với các trường khác.

Càng liên kết và cộng tác chặt chẽ với nhau, nhất là ở bậc Ðại Học, càng thu lượm được nhiều kết quả. Vì thế trong mỗi Ðại Học, các Phân Khoa phải hợp tác với nhau, tùy theo mục tiêu cho phép. Chính các Ðại Học cũng phải liên kết hỗ tương hành động, đồng thời cổ võ những cuộc họp mặt quốc tế, phân phối với nhau việc nghiên cứu khoa học, thông báo cho nhau những phát minh, trao đổi với nhau các giáo sư trong một thời gian nào đó và phát huy những gì mang lại việc hỗ trợ lớn lao hơn.

Kết luận

Thánh Công Ðồng tha thiết khuyên nhủ các thanh niên hãy ý thức nhiệm vụ cao cả của việc giáo dục, hãy sẵn sàng nhận lãnh nhiệm vụ này với tâm hồn quảng đại, nhất là tại những miền nào việc giáo dục thanh niên đang bị lâm nguy vì thiếu thầy dạy.

Thánh Công Ðồng tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với các linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, đã tự hiến theo tinh thần Phúc Âm dấn thân vào công cuộc trọng đại này là giáo dục trong các trường thuộc mọi cấp và mọi ngành. Ðồng thời khuyến khích họ hãy quảng đại và kiên tâm trong bổn phận đã lãnh nhận, nỗ lực vươn lên trong việc đào luyện học sinh thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô, trong khoa sư phạm và trong việc trau dồi kiến thức, để họ không những đẩy mạnh cuộc canh tân bên trong Giáo Hội mà còn duy trì và phát huy thêm sự hiện diện hữu ích của Giáo Hội trong thế giới ngày nay nhất là trong giới trí thức.

Tất cả và từng điều đã được ban bố trong Tuyên Ngôn này đều được các Nghị Phụ Thánh Công Ðồng chấp thuận. Và dùng quyền Tông Ðồ Chúa Kitô trao ban, hiệp cùng các Nghị Phụ khả kính, trong Chúa Thánh Thần, Chúng Tôi phê chuẩn, chế định và quyết nghị, và những gì đã được Thánh Công Ðồng quyết nghị, Chúng Tôi truyền công bố cho Danh Chúa cả sáng.

Roma, tại Ðền Thánh Phêrô, ngày 28.10.1965
Tôi, Phaolô Giám Mục Giáo Hội Công Giáo

Tiếp theo là chữ ký của các Nghị Phụ

THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEĐICTÔ XVI
VỀ VẤN ĐỀ GIÁO DỤC

Lời giới thiệu

Thứ bảy ngày 23-2-2008, ĐTC Beneđictô XVI đã gặp 50.000 phụ huynh, giáo chức và học sinh Roma tại Quảng trường Thánh Phêrô, và ngài chính thức trao cho họ lá thư của ngài về công tác cấp thiết liên quan tới việc giáo dục.

Trong thư, ĐTC nhắc đến những khó khăn trong việc giáo dục người trẻ ngày nay trong gia đình và tại học đường, trước những khó khăn và thách đố trong xã hội hiện đại, với quá nhiều điều bấp bênh và nghi ngờ lan tràn trong xã hội và nền văn hoá chúng ta, với bao nhiêu hình ảnh bị bóp méo do các phương tiện truyền thông phổ biến. Vì thế, thật là khó đề nghị cho các thế hệ trẻ một cái gì có giá trị và chắc chắn, những quy luật cư xử và những mục tiêu đáng hiến cuộc sống mình để đạt tới. Trước tình trạng đó, nhiều phụ huynh và giáo chức bị cám dỗ muốn buông xuôi và không còn ý thức về vai trò và trách vụ giáo dục của mình nữa.

Tình trạng được ĐTC nói tới, thật ra cũng là những thách đố tại nhiều nơi trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Trong đại hội thường niên hồi năm ngoái tại Hà Nội, HĐGM Việt Nam cũng đã công bố thư chung về vấn đề giáo dục tại Việt Nam. Vì thế, sau đây chúng tôi xin gửi đến quý vị nguyên văn lá thư của ĐTC.

Nguyên văn Thư của Đức Thánh Cha

Các tín hữu Roma thân mến,

Tôi đã nghĩ đến việc ngỏ lời với anh chị em qua lá thư này để nói với anh chị em về một vấn đề mà chính anh chị em đã cảm thấy và nhiều thành phần trong giáo phận chúng ta đang dấn thân giải quyết: đó là vấn đề giáo dục. Tất cả chúng ta đều quan tâm đến thiện ích của những người mà chúng ta yêu mến, đặc biệt là các trẻ em, thiếu niên và người trẻ của chúng ta. Thực vậy, chúng ta biết rằng tương lai của thành này tuỳ thuộc các em. Vì thế, chúng ta không thể không quan tâm tới việc giáo dục cho các thế hệ trẻ, chú ý đến khả năng định hướng của các em trong cuộc đời và khả năng phân biệt thiện ác; quan tâm đến sức khoẻ của các em, không những về thể lý nhưng cả về tinh thần nữa.

Nhưng giáo dục không bao giờ là điều dễ dàng và ngày nay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn. Các cha mẹ, giáo chức, linh mục và tất cả những người có trách nhiệm giáo dục trực tiếp đều biết rõ điều đó. Vì thế, người ta nói đến một “sự cấp thiết về giáo dục”, như được chứng tỏ qua bao thất bại chúng ta gặp phải trong những nỗ lực huấn luyện những con người vững chắc, có khả năng cộng tác với người khác và mang lại một ý nghĩa cho cuộc đời của mình. Trước những thất bại ấy, người ta thường quy trách cho các thế hệ trẻ, như thể các trẻ em sinh ra ngày nay khác với những em sinh ra trong quá khứ. Ngoài ra, người ta nói về một sự “rạn nứt giữa các thế hệ”, điều này chắc chắn là có thực và có ảnh hưởng, nhưng nó là hậu quả hơn là nguyên nhân gây nên sự thiếu thông truyền những điều chắc chắn và các giá trị.

Vậy thì phải chăng chúng ta phải quy trách cho người lớn ngày nay và bảo rằng họ không còn khả năng giáo dục nữa hay sao? Điều rất chắc chắn là, nơi các bậc cha mẹ cũng như nơi các giáo chức, và nói chung nơi các nhà giáo dục, có một cám dỗ mạnh mẽ xúi giục họ buông xuôi, và hơn nữa, nơi họ có một nguy cơ không còn hiểu đâu là vai trò, hay đúng hơn, đâu là sứ mạng được uỷ thác cho họ. Trong thực tế, vấn đề ở đây không phải chỉ là trách nhiệm bản thân của người lớn hay người trẻ - những trách nhiệm này có thực và không nên che đậy - nhưng còn có một bầu không khí lan tràn, một não trạng và một hình thái văn hoá khiến cho người ta nghi ngờ về giá trị nhân vị, ý nghĩa của sự thật và sự thiện, và xét cho cùng, người ta nghi ngờ về chính đặc tính tốt lành của cuộc sống. Vì thế, thật là khó thông truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác một cái gì có giá trị và chắc chắn, những quy luật cư xử, những mục tiêu đáng tin cậy để quy hướng và xây dựng chính cuộc sống của mình.

Anh chị em ở Roma thân mến, về điểm này, tôi muốn nói với anh chị em một lời rất đơn sơ: Đừng sợ! Thực vậy, tất cả những khó khăn ấy không phải là không thể vượt qua được. Có thể nói chúng là mặt trái của một hồng ân lớn lao và quý giá là tự do của chúng ta, với trách nhiệm phải đi kèm. Khác với những gì xảy ra trong lĩnh vực kỹ thuật hoặc kinh tế, trong đó những tiến bộ ngày nay có thể cộng thêm với những tiến bộ trong quá khứ, trong lĩnh vực huấn luyện và tăng trưởng về luân lý của con người không có thể tích luỹ như vậy, vì tự do của con người luôn luôn là điều mới mẻ, và vì thế, mỗi người và mỗi thế hệ phải bắt đầu quyết định lại cho mình. Cả những giá trị lớn lao trong quá khứ cũng không thể để lại như những gia sản, cần biến chúng thành của ta và đổi mới qua một sự chọn lựa bản thân, nhiều khi đòi hỏi nhiều hy sinh đau khổ.

Nhưng khi những nền tảng bị rúng động và thiếu những xác tín chắc chắn thiết yếu, thì nhu cầu cần có những giá trị ấy lại được người ta cấp thiết cảm thấy: vì thế, cụ thể là càng ngày người ta càng đòi hỏi một nền giáo dục xứng với danh xưng của nó. Các cha mẹ, thường bận tâm lo lắng về tương lai của con cái, đang đòi hỏi nền giáo dục ấy; cũng vậy, đối với các giáo chức đang sống kinh nghiệm đau buồn về sự sa sút nơi các trường của họ; xã hội trong toàn bộ cũng yêu cầu nền giáo dục ấy khi thấy chính những nền tảng cơ bản của cuộc sống chung bị nghi ngờ; ngoài ra, tự thâm tâm các thiếu niên và người trẻ cũng yêu cầu nền giáo dục đúng nghĩa như vậy, họ không muốn bị bỏ rơi một mình đứng trước những thách đố của cuộc sống. Tiếp đến, những ai tin nơi Chúa Giêsu Kitô thì càng có thêm một động lực mạnh mẽ hơn để không sợ hãi: thực vậy, họ biết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta và tình yêu của Chúa đến với chúng ta nơi chúng ta đang sống và trong thân phận của chúng ta, nghĩa là với những lầm than và yếu đuối của chúng ta, để mang lại cho chúng ta cơ hội mới để làm điều thiện.

Anh chị em thân mến, để làm cho những suy tư của tôi được cụ thể hơn, cũng nên lên một số đòi hỏi chung để có một nền giáo dục chân chính. Nền giáo dục này trước tiên cần có sự gần gũi và tín nhiệm nảy sinh từ tình thương: tôi nghĩ đến kinh nghiệm đầu tiên và cơ bản về tình thương mà các trẻ em cảm nhận, hay ít là phải cảm nhận với cha mẹ các em. Nhưng mỗi nhà giáo dục đích thực đều biết rằng để giáo dục thì phải trao hiến một cái gì đó từ chính bản thân mình, và chỉ như thế mới có thể giúp các học sinh của mình khắc phục những ích kỷ và trở thành người có khả năng yêu thương đích thực.

Ngay từ khi còn bé thơ, trẻ em đã có một ước muốn được biết và hiểu, được biểu lộ qua những câu hỏi liên tục và yêu cầu giải thích. Vì thế, thật là một sự giáo dục nghèo nàn nếu chỉ giới hạn vào việc thông truyền những ý niệm và thông tin, mà lại bỏ qua một bên câu hỏi lớn liên quan đến chân lý, nhất là chân lý có thể hướng dẫn cuộc sống.

Cả những đau khổ cũng là thành phần chân lý về cuộc đời chúng ta. Vì thế, khi tìm cách tránh cho người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau thương, người ta có nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu ớt, dòn mỏng và ít quảng đại, vì khả năng yêu thương tương ứng với khả năng chịu đau khổ và cùng chịu đau khổ”.

Các bạn tại Roma thân mến, bây giờ chúng ta đi tới một điểm có lẽ là tế nhị nhất trong công tác giáo dục: đó là làm sao tìm được sự quân bình giữa tự do và kỷ luật. Nếu không có quy luật trong việc cư xử và trong đời sống, được nêu bật ngày này qua ngày khác cả trong những chuyện bé nhỏ, thì người ta không huấn luyện tính tình người trẻ và không chuẩn bị chúng trong việc đương đầu với những thử thách trong tương lai. Nhưng quan hệ giáo dục trước tiên là một cuộc gặp gỡ giữa hai nền “tự do và kỷ luật”; và nền giáo dục thành công tốt đẹp chính là sự huấn luyện về cách thức sử dụng tự do một cách đúng đắn. Dần dần trẻ em lớn lên, trở thành một thiếu niên, rồi một thanh niên; chúng ta phải chấp nhận rủi ro của tự do, luôn quan tâm giúp đỡ chúng sửa chữa những ý tưởng và chọn lựa sai lầm. Điều chúng ta không bao giờ được làm, đó là hỗ trợ chúng trong những sai lầm, làm bộ như không thấy những sai lầm ấy, hoặc tệ hơn nữa lại chia sẻ những lầm lẫn đó, như thể đó là những biên cương mới trong sự tiến bộ của con người. Vì thế, giáo dục không thể bỏ qua uy tín làm cho việc thực thi quyền bính trở nên đáng tín nhiệm. Uy tín này là kết quả của kinh nghiệm và khả năng, nhưng người ta đạt được nó nhất là qua cuộc sống phù hợp với những gì mình nói, và nhờ sự đích thân dấn thân, biểu lộ một tình yêu thương chân thành. Do đó, nhà giáo dục là một chứng nhân về sự thật và sự thiện. Dĩ nhiên, nhà giáo dục cũng là người mỏng dòn và có thể thiếu sót, lầm lẫn, nhưng luôn tìm cách làm cho mình được phù hợp với sứ mạng đã nhận lãnh.

Các tín hữu Roma rất thân mến, từ những nhận xét đơn sơ ấy, ta thấy rõ trong việc giáo dục, ý thức trách nhiệm thật là quan trọng có tính cách quyết định: trách nhiệm của nhà giáo dục, và đó cũng là trách nhiệm của con cái, của học sinh, của người trẻ khi bước vào thế giới công việc, tuỳ theo mức độ tuổi tác gia tăng của chúng. Người trách nhiệm là người biết trả lời cho chính mình và cho tha nhân. Ngoài ra và hơn nữa, ai tin tưởng, thì họ cũng tìm cách trả lời cho Thiên Chúa là Đấng đã yêu thương họ trước. Trách nhiệm trước tiên có tính chất bản thân, nhưng cũng có một thứ trách nhiệm mà chúng ta cùng nhau chia sẻ, với tư cách là công dân của một thành phố, một quốc gia, hoặc trong tư cách là phần tử của gia đình nhân loại, và nếu chúng ta là tín hữu, trong tư cách là con của một Thiên Chúa duy nhất, là phần tử của Giáo Hội. Trong thực tế, những ý tưởng, lối sống, luật lệ, hướng đi toàn bộ của xã hội nơi chúng ta sinh sống, và hình ảnh mà xã hội tạo cho mình qua các phương tiện truyền thông xã hội, có một ảnh hưởng lớn đối với việc huấn luyện các thế hệ trẻ, mang lại điều thiện và cả điều xấu cho chúng. Nhưng xã hội không phải là một điều trừu tượng; xét cho cùng, đó là tất cả chúng ta, với những đường hướng, quy luật và những đại diện do chúng ta bầu lên, mặc dù mỗi người có những vai trò và trách nhiệm khác nhau. Vì vậy, cần có sự đóng góp của mỗi người chúng ta, của mỗi cá nhân, gia đình hoặc nhóm xã hội, để xã hội, bắt đầu từ thành phố Roma của chúng ta, trở thành một môi trường thuận lợi hơn cho việc giáo dục.

Sau cùng, tôi muốn đề ý nghị với anh chị em một tư tưởng mà tôi đã khai triển trong Thông điệp mới đây “Spe salvi” về niềm hy vọng Kitô: linh hồn của việc giáo dục, cũng như toàn thể đời sống, chỉ có thể là một niềm hy vọng đáng tín nhiệm. Ngày nay, niềm hy vọng của chúng ta bị vây bủa tấn kích từ nhiều phía và cả chúng ta cũng có nguy cơ trở thành “những người không có hy vọng và không có Thiên Chúa trong thế giới này”, giống như những người cổ xưa, như thánh Phaolô Tông đồ đã viết cho các tín hữu thành Ephêsô (Eph 2,12). Chính từ đó nảy sinh khó khăn có lẽ là sâu đậm nhất đối với một công trình giáo dục đích thực: thực vậy, nơi căn cội của cuộc khủng hoảng về giáo dục, có một cuộc khủng hoảng về sự tín thác trong cuộc sống. Bởi vậy, tôi không thể kết thúc lá thư này mà không nồng nhiệt mời gọi đặt niềm hy vọng của chúng ta nơi Thiên Chúa. Chỉ có Ngài là niềm hy vọng chống lại được mọi thất vọng; chỉ có tình yêu của Ngài không thể bị sự chết tiêu diệt; chỉ có công lý và lòng từ bi của Ngài có thể chữa lành những bất công và bù đắp những đau khổ đã phải chịu. Niềm hy vọng hướng về Thiên Chúa không bao giờ chỉ là hy vọng cho tôi mà thôi, nhưng luôn luôn là hy vọng cho người khác nữa: hy vọng ấy không cô lập chúng ta, nhưng làm cho chúng ta liên đới trong sự thiện, kích thích chúng ta giáo dục lẫn nhau về sự thật và tình thương.

Tôi thân ái chào anh chị em và cam đoan đặc biệt nhớ đến anh chị em trong kinh nguyện, trong khi tôi gửi đến anh chị em Phép lành của tôi.

Vatican, ngày 21 tháng 1 năm 2008
+Giáo Hoàng Benedictô XVI

Lm Giuse Trần Đức Anh OP, chuyển ý

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Đọc nhiều nhất Bản in 24.11.2009. 10:27