Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Thầy Dùi – Sai Một Ly, Đi Muôn Dặm

§ Đaminh Phan Văn Dũng

Kính thưa cô Tâm Đan !

Cô ạ, dịp cuối hè, đầu năm học mới vừa qua, trong một dịp đi chơi xa cháu đã bị một thằng bạn lừa và chiếm đoạt đời con gái của cháu. Cháu không ngờ chỉ một lần thôi nhưng điều cháu lo sợ nhất đã xẩy ra. Cháu đã dính bầu 1 tháng rồi cô ạ. Cháu căm giận nó vô cùng mặc dù trước đó chúng cháu thân nhau. Sau chuyện đó nó cứ lờ đi như chẳng có chuyện gì xẩy ra làm cháu càng thêm tức. Cái thai cứ mỗi ngày một lớn, làm sao cháu đi học được đây, làm sao giải thích với mọi người… ? Trong cháu xáo trộn bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu phương án. Nên “Phá” hay “Để”. Cháu có thể yêu cầu thằng đó lo chi phí không ? Bây giờ mà phá thì sau này có ảnh hưởng đến chuyện con cái không cô ? nếu “để “thì chuyện học hành dang dở mà còn bao nhiêu phiền toái khác nữa. Cháu không muốn nghĩ nhiều đến phương án này. Chỉ một chút nông nổi, không ngờ hậu quả lại nặng nề đến vậy. Hối thì cũng muộn rồi.

Cô cho cháu một lời khuyên đi cô. Cháu muốn được đi học. Cháu xin giấu tên và địa chỉ.

Và sau đây là phần “Tư vấn“ của một người ký tên là “Tâm Đan” trên website báo Đồng Nai.

Cháu gái thương !

“Sai một ly, đi một dặm” cháu à. Cháu còn rất trẻ, còn nhiều cơ hội vươn lên. Cuộc đời còn nhiều điều khiến ta tha thiết. Bước vấp trên đường đời dù có làm thân ta chảy máu nhưng không thể làm ta ngã gục. Vậy ta giải quyết hậu quả tồi tệ kia thế nào để đủ sức bước tiếp ?

Theo cô, thứ nhất cháu nên tìm một cô giáo mà cháu tin cậy nhất trong trường, nếu cô lớn tuổi thì càng tốt ( vì có kinh nghiệm ) để kể hết mọi chuyện và nhờ cô giúp đỡ. Tuỳ tình hình mà cô phối hợp với Ban giám hiệu tìm một phương án giúp cháu tốt nhất. Chẳng hạn cô giáo có thể đến gặp mẹ cháu, gặp cậu bạn cháu để trao đổi và giúp cháu đến bệnh viện… Tất cả mọi chuyện phải giải quyết hết sức tế nhị tránh gây những tư tưởng xáo trộn của học sinh tạo nên những dư luận xấu. Từ câu chuyện của cháu. Có thể các thầy cô sẽ quan tâm hơn đến giáo dục giới tính cho học sinh, bởi đó cũng chính là một trong những nhiệm vụ chính của nhà trường.

Thứ hai, cháu nên “phá”, vì nhiều lý do như cháu đã hiểu một phần, chuyện nuôi con ở lứa tuổi cháu không chỉ cản trở tương lai của chính mình, làm khổ cháu mà khổ nhất là đứa trẻ và khổ cả những người chung quanh. Hiện thai còn nhỏ, cháu nên khẩn trương thực hiện điều một để nhận sự giúp đỡ kịp thời và có trách nhiệm từ người lớn. Cháu càng chậm trễ bao nhiêu thì sự giải quyết sẽ càng gặp khó khăn bấy nhiêu.

Mong cháu có đủ can đảm và gặp nhiều may mắn.

* * *

Vâng, trên các mục tâm sự, tư vấn, hỏi đáp, chia sẻ có đầy rẫy trên các trang báo và trên các trang web mà chúng ta có thể gặp hàng ngày. Rất nhiều các bạn khi gặp phải những hoàn cảnh éo le không biết phải quyết định ra sao nên phải xin những ý kiến tư vấn. Nhưng sẽ ra sao nếu gặp phải những “thầy dùimà dùi đâu lủng đó, dùi đâu chết đó như trên.

Trong bối cảnh giáo dục ngày nay đầy dẫy những câu chuyện, hình ảnh bạo lực trong tất cả các ngành có liên quan đến tuổi học trò. Giáo dục bằng cách đánh đập học trò đến thương tật, Công An thì vu khống rồi khủng bố học sinh đến nỗi có em trở thành kẻ tâm thần. Thậm chí thầy giáo còn hiếp dâm học sinh hay bác sĩ vô tránh nhiệm đùa giỡn trên sinh mạng trẻ nhỏ.

abortion6.jpg

Mới nhất trong tuần vừa qua, tại Bệnh Viện Đa Khoa Thống Nhất tỉnh Đồng Nai. Một cháu bé sinh non còn sống nhưng bác sĩ thông báo cho mẹ em rằng em đã chết, họ bọc lại đưa em xuống nhà xác. Mãi tới hơn 4 giờ sau. Khi cha em mang em ra khỏi nhà xác và đưa đến Nhà Thờ cạnh đó để làm phép xác trước khi chôn cất. Cha xứ phát hiện em còn sống bèn vội vàng đem đi cấp cứu, đáng tiếc tất cả đã quá muộn, bé chỉ sống được hơn một ngày sau.

Tất cả chỉ vì họ coi các em như một vật để thí nghiệm, vật hy sinh chứ không phải là “tương lai của đất nước”. Một xã hội đang có vấn đề về nhân quyền, về quyền sống, một xã hội tôn vinh vật chất chứ không tôn trọng nhân phẩm con người.

Trường hợp cô bé giấu tên trên chỉ là một trong những điển hình của xã hội ngày nay. Cô bé ấy thật đáng trách nhưng cũng thật đáng thương. Đáng trách vì hành vi nông nổi của mình và đáng thương vì đã “trao thân gửi phận” nhầm chỗ nên kết quả là đã sai lầm rồi lại tiếp tục sai lầm trầm trọng hơn nữa sau khi “được tư vấn”. Cũng xin được lấy trường hợp điển hình này để bình luận một số các vấn đề về vai trò của những người có trách nhiệm.

Như người ta thường nói: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Vấn đề tôi muốn bàn ở đây không phải là vấn đề của cô gái đáng thương trên mà là vấn đề của NHỮNG NGƯỜI LỚN CHÚNG TA. Những bậc làm cha, làm mẹ, nhà trường, xã hội, những bậc nhiều kinh nghiệm tư vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các trung tâm tư vấn v.v... nhận ra phần nào trách nhiệm để làm cho cuộc sống của con em chúng ta ngày một trong sáng và tốt đẹp hơn.

1. Với Cha Mẹ:

Cha mẹ là người có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc nhất đối với con cái vì Cha mẹ chính là người sinh ra, là người nuôi dưỡng, là người hướng dẫn và gần gũi nhất với con cái. Vì vậy theo lẽ tự nhiên. Khi một người con gặp vấn đề thì người mà trẻ nghĩ đến đầu tiên phải là cha mẹ để tìm sự trợ giúp, sự hướng dẫn, tuy nhiên trong trường hợp trên cũng như đại đa số các trường hợp khác, con trẻ không dám thổ lộ với cha mẹ vì “SỢ” nên phải tìm đến các nhà tư vấn bên ngoài. Tại sao vậy ? Dĩ nhiên, sợ là đúng vì tâm lý của tất cả con người khi mắc phải sai lầm nào đó đầu tiên sẽ là lo sợ, là hoang mang. Nhưng tiến trình tâm lý sau nỗi sợ sẽ là đi tìm sự thông cảm và niềm tin nhằm giúp giải quyết hậu quả.

Một khi cha mẹ không tạo được cho con cái một niềm tin tưởng rằng cha mẹ luôn là người yêu thương, cảm thông, chia sẻ và hướng dẫn tốt nhất trong mọi trường hợp cho các con trẻ thì việc giấu giếm để đi tìm cách tự giải quyết là điều hiển nhiên gần như chắc chắn. Tiến trình tạo niềm tin cho con trẻ không chỉ một sớm một chiều mà là cả một tiến trình dài trong cuộc sống gia đình.

Cha mẹ có bao giờ biết lắng nghe, có bao giờ biết phân tích, có bao giờ biết tha thứ thông cảm và hướng dẫn khi con cái mắc một sai lầm nào đó ? Cha mẹ có bao giờ trở nên một người bạn tâm giao sâu sắc trong cuộc sống của trẻ ? Cha mẹ có từng ủi an, khích lệ, động viên khi trẻ không đạt được một việc nào đó.

Xin lấy một ví dụ. khi con cái thi rớt chẳng hạn. nếu cha mẹ chỉ biết la mắng và chì chiết những câu đại loại như: “Nuôi cho ăn học chỉ toi cơm tốn gạo, phí công phí sức mà chỉ có mỗi việc học cũng không xong” thậm tệ hơn còn đánh đập, chửi rủa thì thử hỏi khi trẻ phạm phải một sai lầm lớn như cô bé trên kia thì trẻ có dám thú tội với cha mẹ hay không ! Hoặc giả như trường hợp trẻ chơi khuya quá mới về. Cha mẹ chỉ biết chửi rủa, cấm cửa chứ không hề bảo ban, khuyên nhủ và hướng dẫn những nguy hiểm có thể xảy ra bởi việc chơi khuya và những tác hại của nó v.v...

Cuộc sống còn có rất nhiều những vấn đề của nó, nhưng do khuôn khổ của bài viết, chỉ xin nhấn mạnh một điều: Chính chúng ta, những bậc làm cha mẹ, phải làm thế nào để gieo cho con cái một sự kính trọng và niềm tin tưởng vào chính mình. Để khi có bất cứ chuyện gì xẩy ra, cha mẹ sẽ là người được biết trước tiên và thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình đối với con cái.

2. Với nhà trường:

Trong suốt quá trình phát triển của trẻ em. Ngoài gia đình thì phần lớn thời gian và môi trường tác động đến trẻ chính là nhà trường. Phần lớn thời gian trong ngày, các hoạt động của trẻ diễn ra ở trường học. Hình ảnh và cách ứng xử của thầy cô góp phần ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình hình thành nhân cách và hành vi lối sống của trẻ em.

Hiện nay hệ thống giáo dục của chúng ta phần lớn chú trọng đến thành tích vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của Thầy cô. Nhà trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn phải là nơi giáo dục nhân cách. Vậy đấy, nhưng hiện nay truyền đạt kiến thức cũng chưa ra gì. Bằng chứng ư ? Nói ra thì thật cay đắng và nhục nhã, mới cách đây vài tháng, tập đoàn Microsoft phỏng vấn cả vài ngàn kỹ sư đã tốt nghiệp đại học nhưng phải bấm bụng chọn được có vài chục người tàm tạm nhưng cũng phải đào tạo lại tại nước ngoài mới có đủ năng lực làm việc cho họ.

Thật ngạc nhiên và nực cười vì chỉ có ở Việt Nam mới xẩy ra tình trạng phụ huynh xin cho con mình được... ở lại lớp. Học sinh yếu kém bị buộc phải... lên lớp, không lên không được, học đến hết lớp 7 lớp 8 mà chưa đọc được con chữ... Thi cử thì năm nào cũng có vấn đề, hết lộ đề lại đến đề sai. Sách giáo khoa chỗ thiếu chỗ thừa không phù hợp với bậc học, năm nào cũng cải cách lên lên xuống xuống đến choáng váng cả mặt mày.

Còn giáo dục nhân cách thì sao ? Hầu như tất cả các trường đều lừa lọc thành tích thì làm gương cho học sinh thế nào được ? Quá nhiều bất cập và sai lầm trầm trọng từ bộ, ngành, nhà trường, giáo viên, sai lầm cả về phương pháp trên các bình diện vi mô lẫn vĩ mô như chúng ta thường thấy nhan nhản trên báo chí hiện nay.

Tôi quả quyết gần như dám chắc rằng 99% quý vị phụ huynh nào có con em đi học cũng từng bức xúc, bực bội vì các lý do này, lý do khác của hệ thống giáo dục hiện nay. Thế thì vai trò giáo dục, tư vấn làm sao hiệu quả để các học sinh không mắc phải những sai lầm như trường hợp cô bé nêu trên ?

Mỗi năm có cả hàng trăm ngàn vụ phá thai tuổi vị thành niên đủ chứng minh cho ta thấy thực tại chua xót đang diễn ra hàng ngày. Ngày nào hệ thống giáo dục chúng ta còn có vấn đề thì ngày ấy con cái chúng ta sẽ là những vật thí nghiệm và chúng ta sẽ còn phải lo lắng băn khoăn cho tương lai thế hệ sau này. Và môi trường không lành mạnh từ trong nhà trường sẽ là mầm mống cho những tệ nạn vì đào tạo ra các thế hệ không đáp ứng được với cuộc sống.

Con em chúng ta sẽ ra sao ? Khi quy luật số đông sẽ bóp méo các giá trị đạo đức và tâm linh, không kế thừa và phát huy được những tố chất tốt đẹp của dân tộc mà còn bị bào mòn do tác động của thời đại ăn chơi vật chất. Nếu không có sự thay đổi thì vai trò giáo dục của nhà trường sẽ không thể phát huy được tác dụng vào những thế hệ học sinh mà cả năm bẩy chục năm nữa đất nước vẫn cần đến họ.

3. Với xã hội:

Tác động của xã hội cũng là một tác động không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của con người sống trong xã hội đó. Nói thật, một xã hội mà một nửa vô thần xã hội chủ nghĩa còn một nửa là tư bản chủ nghĩa với kinh tế thị trường như hiện nay, nửa nạc nửa mỡ như thế thì phát huy làm sao được các vai trò của nó trong việc nâng cao đời sống con người chứ chưa nói đến đời sống tinh thần.

Việc sát hạch để lựa chọn những con người có đủ khả năng, kiến thức, tầm nhìn và quan trọng là đạo đức để ngồi vào các vị trí lãnh đạo của tất cả các cấp không được xem xét một cách công khai, công bằng, dân chủ mà chủ yếu dựa vào thân thế, chạy chọt, mua quan mua chức đã để lại các hậu quả nặng nề cho xã hội. Cái thói dung túng bao che cho nhau trơ trẽn đến mức có ông lãnh đạo Công An một tỉnh cầm trên tay thanh kiếm hung khí đã phát biểu công khai với báo chí rằng: “Không biết đây là cái gì vì nó không dán nhãn mác” trong vụ án con một cán bộ cầm kiếm loạn đả tại sân bay cách đây không lâu.

Việc chi phối của xã hội chỉ chú trọng đến tiền, quyền và tham nhũng đối với con người đang rất phổ biến, gây ảnh hưởng đến nhân cách mà đặc biệt là thế hệ trẻ như ta đã thấy. Hệ luỵ của nó lớn đến mức người ta phải làm càn, ngang nhiên vi phạm quyền sống dẫn những mâu thuẫn ngớ ngẩn đến tức cười trong hệ thống pháp luật.

Ví dụ: Luật chấp nhận cho phá thai vì coi thai nhi không phải là người, nhưng trong luật thừa kế lại chấp nhận cho thai nhi là một đồng thừa kế như vậy coi thai nhi là người chứ chẳng lẽ lại đi thừa kế cho gà cho vịt ? Và còn biết bao nhiêu luật quái đản như vậy ! Phá thai trong bệnh viện thì coi là hợp pháp nhưng phá thai bên ngoài là bất hợp pháp, thế nhưng có thấy ông Hành Pháp nào triệt hạ đám cò mồi phá thai hàng ngày ve vãn công khai trước cổng các bệnh viện hay các phòng phá thai lậu ấy đâu. Chuyện quá dễ thôi mà, nhưng họ không làm, không muốn làm, vì xã hội không tôn trọng quyền sống của con người, ngược lại đi cho phép thuốc phá thai, tránh thai bán tràn lan trên thị trường không cần kiểm soát.

Cứ cái cách như thế thì thảo nào cô bé trên kia lại chẳng hỏi “Nên phá hay nên để“ và trong tư tưởng vẫn muốn “phá” hơn là “để”.

4. Với người tư vấn:

Đã là người tư vấn, trước tiên người đó phải có khả năng, trình độ, tầm hiểu biết sâu rộng và tư cách đạo đức trong nghề tư vấn. Dù có giỏi đến đâu đi nữa, khi tư vấn cũng phải tìm hiểu cặn kẽ tất cả các mối quan hệ dẫn đến nội dung tư vấn và trả lời phải đề cập đến tất cả các phương án và các chuỗi hậu quả cũng như phải lường trước những vấn đề liên quan tương ứng. Phải thận trọng vì ý kiến của họ có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình ra quyết định dẫn đến hành động của người xin tư vấn.

Như chúng ta đã thấy ở trên. Vấn đề đặt ra cực kỳ nghiêm trọng vì nó có thể dẫn đến việc một thai nhi bị giết chết và tính mạng người mẹ nằm trong vòng nguy hiểm trong quá trình phá thai. Tư vấn viên ở trên đã vội vàng nêu ra những ý kiến bất nhân và đầy ích kỷ. Họ đã cố đẩy cô bé đến một sai lầm còn trầm trọng hơn rất nhiều so với sai lầm trước đó.

Cô gái trẻ có hỏi: “Bây giờ mà phá thì sau này có ảnh hưởng đến chuyện con cái không cô ?” Nhưng nhà tư vấn đã phớt lờ tất cả các tác hại của việc phá thai đối với việc sinh sản và ảnh hưởng đến lối sống, hành vi và tâm lý sau này. Không một lời cảnh báo, không một lời ủi an, không cần biết đến hoàn cảnh gia đình, không nhắc nhở đến mối dây liên kết thiêng liêng của tình mẹ con, không cần biết đến tư tưởng của những người có liên quan trực tiếp đến thai nhi như cha mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại hay những người thân ruột thịt v.v... mà lời lẽ chỉ thúc giục để cô bé giải quyết sớm bằng biện pháp phá thai.

Tệ hơn nữa là tư vấn bằng các lập luận nguỵ biện đầy mâu thuẫn. ”Chuyện nuôi con ở lứa tuổi cháu không chỉ cản trở tương lai của chính mình, làm khổ cháu mà khổ nhất là đứa trẻ và khổ cả những người chung quanh”. Chẳng lẽ tất cả các bà mẹ trẻ khi có con thì đứa con là nguyên nhân làm cản trở tương lai sao ? Đã chắc đâu nào, vì cô bé còn biết bao mối tương quan khác nữa có thể giúp cô vượt qua hoàn cảnh này mà không phải phạm tội phá thai. Mà dầu có là khó khăn đến mấy đi nữa thì cũng không thể dùng để biện minh cho hành động phá thai giết chính đứa con của mình.

Chính hành động phá thai mới là tội ác làm cản trở tương lai của cô gái đó mới phải chứ. Vì cô có thể giấu được mọi người nhưng đâu thể giấu được lương tâm chính mình. Đối với ai từng có kinh nghiệm sống và sự từng trải thì khi đối diện với lương tâm chính mình về tội ác đã phạm mới là điều dằn vặt ám ảnh kinh khủng không thể chịu nổi trong suốt quãng đời còn lại. Cái giọng điệu vô nhân: “Khổ nhất là đứa trẻ” thật quái lạ ! Giết nó đi thì đỡ khổ cho nó hơn ư ? Thật nhẫn tâm, thật vô nhân tính. Chưa thấy “khổ” đã thấy “chết” mà chết tức tưởi oan nghiệt.

Một người mẹ, sợ con làm cản trở tương lai, sợ khổ, sợ thiệt thòi, rồi giết chính con mình thì thử hỏi có còn xứng đáng làm mẹ sau này không ? Nội dung tư vấn trên chỉ là sự nguỵ biện không thể chấp nhận được trong xã hội loài người. Đối với cô gái trẻ đúng là sai một ly đi một dặm, nhưng với người tư vấn thì sai một ly sẽ đi cả muôn dặm, vì có biết bao trường hợp tương tự sẽ đọc lời tư vấn trên và sẽ coi đây như là trường hợp của mình để tiến thẳng đến đài xử lý thai nhi bằng cách lăng trì tùng xẻo gieo thêm oan nghiệt. Sai lầm chồng chất và ngày càng trầm trọng.

Xin hãy dừng lại ngay những kiểu tư vấn thiếu trách nhiệm và vô nhân tính ấy đi và hãy học yêu thương Sự Sống. Hãy học lấy giá trị của Sự Sống con người để vai trò của người tư vấn được đúng hướng, giúp ích cho mọi người, chứ đừng... dùi đâu lủng đó, dùi đâu chết đó như trên !

Để kết, xin được trích dẫn một đoạn của Tư Vấn Viên mang tên “Thầy Giêsu”, là Thầy Chân Lý, Thầy Toàn Thiện và cũng là Thầy Yêu Thương, trong Mc 10, 17 – 22; Lc 18, 18 – 23:

“Bấy giờ có một người đến thưa Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng Sự Sống đời đời ?" Đức Giêsu đáp: "Sao anh hỏi tôi về điều tốt ? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn." Người ấy hỏi: "Điều răn nào ?" Đức Giêsu đáp: "Ngươi không được giết người. Ngươi không được ngoại tình. Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ", và "Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình."

(Nguồn: Ephata #367)

Đaminh Phan Văn Dũng
Biên Hòa, 5.2008

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 01.06.2008. 13:37