Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Ở giữa cõi chết và sự sống

§ Đaminh Phan Văn Dũng

Vậy là sau đúng 40 tuần, bé Đaminh Hoàng Phúc, con trai thứ hai của tôi đã đòi chào đời bằng những cơn đau của mẹ cháu lúc 5 giờ sáng ngày 25.10.2008, kết thúc chuỗi ngày hồi hộp chờ đợi mong mỏi sau lần động thai lúc thai kỳ chưa vào tháng thứ ba. Do lần sinh trước là sinh mổ nên lần này bác sĩ chỉ định phải mổ bắt con. Tôi vội đưa bà xã lên bệnh viện lúc 5 giờ 30 sáng. Phòng Cấp Cứu Sản Phụ lúc này vắng tanh, mấy cô khoác áo blouse trắng khám xong chỉ sang Phòng Siêu Âm và Huyết Học để lấy mẫu máu trước khi mổ. Trong lúc chờ đợi, tôi thì thầm cầu nguyện cho cuộc vượt cạn của vợ tôi được an lành. Loay hoay gần một giờ mới xong quay lại Phòng Cấp Cứu, đã 6 giờ 30. Phòng Cấp Cứu lúc này đông nghẹt và các bác sĩ đang tất bật cấp cứu một ca tiền sản giật.

Tôi đã từng nghe nói và đọc các tài liệu về chứng tiền sản giật nơi các người mẹ đang mang thai, tuy nhiên khi được chứng kiến tận mắt mới thấy thế nào là sự nguy hiểm và đau đớn của chứng bệnh này. Từng cơn co giật gồng căng, máu tuôn xối xả tràn cả trên giường xuống nền gạnh, đọng thành vũng. Các bác sĩ tấp nập, người cầm máu, người tìm cách truyền dịch, người lom lom ống nghe tim thai áp sát vào thành bụng liên tục, những người khác thì tìm cách cột chặt và giữ yên thân mình sản phụ. Những cơn tím tái và co giật khiến người sản phụ trẻ lịm dần... Gần hai giờ trôi qua, mặc dù nóng ruột vì vợ tôi cũng đang có dấu hiệu sinh ngay, cần có chỉ định vào phòng mổ gấp, nhưng đứng trước một ca cấp cứu như thế tôi cũng phải nén lòng chờ đợi.

Người nhà của sản phụ trẻ ấy cho tôi biết, trong suốt thai kỳ, mặc dù đã được cảnh báo trước về nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con, người mẹ dũng cảm ấy đã nhất định phải giữ con đến cùng bất chấp tất cả những nguy hiểm và đau đớn có thể xẩy đến cho mình, chị đã chiến đấu với tử thần để bảo vệ đứa con yêu dấu của mình....

Cuối cùng, có lẽ với phương tiện hạn chế của một bệnh viện cấp tỉnh, các bác sĩ không dám mổ mà chuẩn bị chuyển gấp sản phụ lên bệnh viện Từ Dũ Sài-gòn. Tôi cùng phụ một tay với các y tá khiêng người sản phụ trẻ đó lên xe cấp cứu mà trong lòng cảm thấy khâm phục. Ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chị ấy vẫn kiên cường chống chọi để cho con được cơ may chào đời. Tôi hỏi nhỏ cô bác sĩ: “Tình trạng của chị ấy ra sao ?” Chị bác sĩ trả lời: “Cả mẹ lẫn con chắc khó qua khỏi”. Khi chiếc xe cấp cứu hụ còi khuất xa khỏi bệnh viện. Tôi vẫn thầm thì cầu nguyện mong sao cho cả hai mẹ con họ được an lành.

Chỉ cách Phòng Cấp Cứu của bệnh viện một bức tường, là dãy phòng điều hòa sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, vì hôm nay là thứ bảy nên vắng tanh, nhưng những hàng ghế trải dài trên hành lang cũng đủ cho tôi hiểu rằng, nơi đây, trong những ngày làm việc, có biết bao bà mẹ đến để từ bỏ con mình, là nơi người ta lại mong đợi sự chết, là nơi tăm tối nhất của bệnh viện.

Tôi lặng người nhìn những hàng ghế vắng tanh, mong sao cho nó mãi vắng tanh như vậy. Thật lạ lùng, chỉ một bức tường vô tri vô giác mỏng manh chia đôi: một bên là sự sống và bên kia là sự chết; một bên là tấm gương dũng cảm của người phụ nữ và một bên là hình ảnh đáng thương cho những kẻ chối từ làm mẹ; một bên cho tôi thấy những bàn tay đầy tình yêu thương của bác sĩ và bên kia cho tôi thấy bàn tay vấy máu của một số bác sĩ khác. Giữa chết và sống, giữa cứu và giết, ranh giới thật mong manh.

Sức mạnh của đồng tiền, vật chất quả là ghê gớm, nó cho tôi hiểu một phần nào đó những hoạt động rất đỗi bình thường của các bác sĩ, khi cứu cũng vì tiền và khi giết cũng vì tiền. Làm một cách dửng dưng, không trách nhiệm, lạnh lẽo, vô cảm. Nó cũng cho tôi hiểu một phần nào đó ranh giới mong manh giữa cái chết và sự sống, chỉ cần một thoáng sai lầm trong cuộc sống, chỉ cần một chút hèn nhát với cuộc đời, chỉ cần giây phút tự hãnh kiêu căng… và thế là, nó có thể dẫn ta đến bên kia bức tường sự chết.

Tạ ơn Chúa, cuối cùng thì Cu Bin Hoàng Phúc của tôi cũng chào đời mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông. Trong những ngày chăm sóc cho vợ con trên bệnh viện, tôi cứ nghĩ mãi về những hình ảnh mâu thuẫn lẫn nhau: về người sản phụ chấp nhận hy sinh, chấp nhận cái chết cho con đươc chào đời đã làm nên chứng tích tình yêu vĩnh cửu; về những người phụ nữ khác đi tìm cái tôi của mình bằng mạng sống của con và đã gây nên tội ác; về những giây phút vui mừng khi cứu được một con người làm sáng lên tấm áo blouse trắng; về những khi các y bác sĩ để cho chiếc áo cao quý ấy nhuốm máu các thai nhi bị giết… Ranh giới giữa thiện và ác cũng thật mong manh.

Ngẫm đi ngẫm lại, trong chúng ta, thông thường, cũng có thể nhận ra được ranh giới Thiện – Ác, Sống – Chết. Nhưng còn có một ranh giới khác trong chúng ta mà chúng ta rất khó nhận ra vì nó thường bị cái Tôi to tướng che khuất, đó là ranh giới của cái Đủ, các Trọn Vẹn. Việc thiện dở dang, giúp đỡ dở dang, cứu người dở dang, bảo vệ Sự Sống dở dang… và hàng ngàn cái chúng ta chưa hoàn tất.

Nhớ lại đây mấy tuần, khi ngồi nói chuyện với một vị giám đốc cùng thực hiện một dự án với tôi, anh than thở, mấy cuộc họp quan trọng kỳ trước anh đã vắng mặt là vì đang cố gắng đi kiếm giúp cho vợ chồng một người bạn sừng tê mật gấu gì đó rất quý dùng chạy chữa cho cháu bé mới 4 tháng tuổi khi sinh không có hộp sọ. Hôm nay thì cháu bé đang hấp hối, anh cũng cho biết, đôi vợ chồng trẻ ấy cũng đã biết trước về tình trạng cháu bé từ khi mang thai nhưng họ nhất quyết không phá bỏ theo lời tư vấn của nhiều bác sĩ và thân nhân.

Nghe anh kể chuyện, tôi khâm phục anh vì không quản ngại bỏ dở dang chuyện làm ăn kinh tế để cứu giúp sự sống một cháu bé. Tôi lại càng khâm phục đôi vợ chồng dũng cảm nọ đã quyết chẳng ngại gian khổ để sinh con. Thế nhưng, đến cuối câu chuyện, anh giám đốc than thở một câu: “Giá mà chúng nó nghe lời anh phá thai ngay từ trước thì đâu có khổ !” Thế đấy, thật mong manh, anh ta đã bước qua ranh giới để chìm vào với... sự chết.

Nói người rồi lại ngẫm đến ta, tôi cũng thế, nhiều khi đã nhắc nhủ mình: “Hãy cầu nguyện, luôn luôn kiên trì cầu nguyện”. Nhưng khi được khi mất, nhiều khi tự mãn vì các đóng góp nhỏ nhoi của mình cho việc Bảo Vệ Sự Sống, nhiều khi lại viện các lý do này khác để ngụy biện cho hành vi biếng nhác của mình. Thế là chưa đủ. Tôi cũng chưa đủ để bước hẳn qua ranh giới sự sống và an vị tại đó. Đó là lý do của tôi, của anh, của chúng ta, thế nên, những hàng ghế chạy dài trong hành lanh bệnh viện trước Phòng Điều Hòa Sinh Sản vẫn tồn tại...

Biên Hòa, tháng 10.2008

Đaminh Phan Văn Dũng

Tags ·

Đọc nhiều nhất Bản in 27.02.2009. 16:52