Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nóng Giận Trong Hoạt Động Cộng Đồng

§ Trần Hiếu

Có bao giờ bạn nổi nóng trong các hoạt động cộng đồng? Nếu có, bạn không phải là người đơn độc. Phúc Âm Thánh Luca thuật chuyện khi Chúa Giêsu bị khước từ vào một làng miền Samari, hai môn đệ Giacôbê và Gioan đã phẫn nộ đòi khiến lửa từ trời xuống thiêu rụi làng đó. Nhưng Chúa đã quở mắng các ông rồi Thầy trò trẩy qua làng khác (Lc. 9:51-56).

Nóng giận là cảm giác tức tối, bực bội xảy ra trước một điều trái ý mình. Nó thường đi đôi với những thay đổi trong cơ thể như nhịp tim đập nhanh hơn, áp suất máu gia tăng, mặt đỏ, khó thở, các bắp thịt trở nên căng thẳng... Các triệu chứng nầy kèm với cảm giác giận dữ khiến người ta có ước muốn phản công lại cấp kỳ.

Sự căng thẳng là một đáp ứng tự nhiên của cơ thể đối với các áp lực thể lý cũng như tình cảm và có thể sản sinh các phản ứng tiêu cực. Ví dụ, khi bị phiền trách một cách bất công, chúng ta dễ có ý nghĩ bực bội, rồi sinh cảm giác tức giận, mặt có thể đỏ lên hoặc tái nhợt, và hậu qủa là, nếu không biết kềm giữ, thái độ ứng xử của chúng ta sẽ lúng túng, mất hiệu qủa. Sự căng thẳng, vì vậy, làm cho chúng ta dễ trở nên bối rối, không thích hợp trong suy nghĩ và hành động.

Khi tham gia việc chung, chúng ta thường bị nhiều thứ áp lực: trách nhiệm phải chu toàn, chạy theo thời gian, thiếu phương tiện, lời khen tiếng chê của người đồng sự và của quần chúng... Dầu muốn dầu không, những áp lực nầy đều có ảnh hưởng mạnh đến tinh thần, tình cảm của người hoạt động.

Tổn thương các quan hệ cá nhân là một trong những cái giá nghiêm trọng rất đáng tiếc do tính nóng của một người gây ra. Trong khi xây dựng quan hệ đòi hỏi một thời gian dài, cơn nóng giận xảy ra chốc lát có thể làm hư hại mối quan hệ đáng trân trọng đó. Đáng tiếc hơn nữa, thường khi cơn nóng không làm chúng ta giận dữ người ngoài, mà chính với những người cộng sự gần gũi của mình.

Bạn hãy nghĩ về sự nóng giận gần đây nhất của mình đã xảy ra với ai? Bạn có lấy làm tiếc đã làm mất lòng họ không? Nếu có, một khi bạn tiếp tục cách ứng xử gấp rút khi nóng nảy, chắc chắn bạn sẽ không xây được tình thân mà trái lại, sẽ xô đẩy những người còn lại càng ngày càng xa cách mình.

Tất nhiên, chúng ta cần phải có thái độ tức giận trước một tình trạng bất công hoặc các hành vi bạo ngược xảy đến cho chúng ta cũng như những người chung quanh. Thế nhưng, cách ứng xử nào là thích hợp để mang lại hiệu qủa? Có phải sự nóng giận làm cho chúng ta bị lu mờ trong nhận định và mất hiệu qủa trong hành động? Nếu vậy, bạn cần áp dụng một số phương thức cần thiết để tránh ân hận về sau.

Lấy giờ tạm nghỉ (Time out)

Trước hết, chúng ta phải nhận rằng mọi người đều có lúc nóng giận. Nóng giận là một loại tình cảm bình thường mà hầu như ai cũng đều có kinh nghiệm. Khi nóng giận, điều bạn cần làm ngay là nén lòng, tìm cách nguôi cơn giận (cool down) trước khi phản ứng. Bạn có thể thực hiện điều đó bằng cách không phát biểu, tập hít thở, tự đếm số chậm rãi từ 1 đến 20 trong thinh lặng, lấy giờ tạm nghỉ, và nếu cần bước ra khỏi hiện trường. Trong nhiều trường hợp, việc rút lui khỏi hiện trường để giải lao là hiệu qủa nhất vì nó giúp chúng ta dễ lấy lại bình tĩnh và tránh bầu khí căng thẳng.

Dùng phương pháp ‘tự tranh luận’ (Dispute Thinking)

Tiếp theo, trong khi suy nghĩ để có một phản ứng thích hợp, bạn cần nhận diện vì sao mình có cảm giác nóng nảy đó? Bạn có thể áp dụng phương pháp “tự tranh luận” (dispute thinking), đặt ra những giải thích cho quan điểm của đối phương, cũng như thử nhìn vấn đề dưới nhiều góc cạnh. Một khi nhìn vấn đề một cách bình thản dưới nhãn quan của người khác, chúng ta thấy đối phương phần nào có lý lẽ của họ và nhờ vậy, dễ có lòng thông cảm hơn.

Đối thoại, đàm thoại (Communication)

Sau khi suy nghĩ, chúng ta quyết định điều phải làm. Trong thực tế, để giải quyết vấn đề, chúng ta cần áp dụng các phương thức trong đàm thoại theo các bước tuần tự như: lắng nghe điều người khác phát biểu; nếu cần, lập lại điều đã nghe để hiểu cho chính xác; rồi trình bày trong ôn hoà quan điểm của mình. Trong cách lắng nghe và trình bày, để tránh đẩy người khác vào vị thế bị tấn công, chúng ta cần dùng lối nói lấy tôi làm chủ từ (I message). Ví dụ, thay vì nói “Anh đến trể làm mọi người trễ họp” thì nói, “Tôi khởi sự giờ họp trễ vì tôi phải chờ mọi người đến đông đủ”.

Các thánh nhân cũng nóng giận, nhưng trước cơn nóng giận họ ứng xử khác với người thường. Thánh Thérèsa thành Lisieure khi bị chọc giận thường cầu nguyện, xin Chúa thưởng công cho kẻ tấn công mình vì người nghĩ rằng đây là cơ hội để tập luyện nhân đức kiên nhẫn. Còn thánh Francis de Sales thì khuyên bảo chúng ta, khi nóng giận hãy cầu xin cho được an bình trong tâm hồn và chuyển ý nghĩ của mình qua một hướng khác. Nếu bắt chước các ngài, đồng thời áp dụng các phương thức giải quyết của khoa tâm lý, một khi nóng giận chúng ta lấy giờ tạm nghỉ (time out), tránh khỏi hiện trường, dùng lối ‘tự tranh luận’ và đàm thoại trong ôn hoà thì chắc hẳn chúng ta sẽ tránh được các đổ vỡ quan hệ vì nóng giận./-

Trần Hiếu

Đọc nhiều nhất Bản in 02.12.2008. 09:46