Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Năm Mới, Thăng Tiến Niềm Tự Quý Trong Hoạt Động Cộng Đồng

§ Trần Hiếu

Mỗi khi Xuân về Tết đến, người ta thường chúc nhau những điều tốt đẹp như gia đình hạnh phúc, khang an, thịnh vượng. Trên bình diện cộng đồng, chúng ta cũng cầu chúc năm mới sẽ là năm an vui, đoàn kết, mọi người cộng tác phục vụ lợi ích chung.

Là người hoạt động cộng đồng, bạn có muốn mình hiệu qủa hơn trong cách ứng xử và gia tăng bạn hữu? Nếu vậy, năm mới bạn hãy nổ lực để thăng tiến niềm tự qúy cho mình và cho những người đồng sự trong các hoạt động cộng đồng.

Mặc dầu ngày nay nhiều thành viên làm việc cộng đồng được trang bị kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn, nhưng đó đây chúng ta vẫn thường chứng kiến cảnh xung đột khiến nhiều người không hợp tác được với nhau. Hậu qủa là tổ chức bị suy yếu, cộng đồng bị chia rẽ. Một trong những lý do của vấn nạn nầy là người ta thiếu tôn trọng lẫn nhau.

Khi tham gia hoạt động với người khác, chúng ta muốn gì? Có phải để thực thi lý tưởng, cũng như để làm cho cuộc đời chúng ta có ý nghĩa hơn, thăng tiến hơn, hạnh phúc hơn? Thế nhưng, bí quyết nào giúp chúng ta đạt được những điều đó?

Bí quyết để được hạnh phúc là có niềm tự qúy cao (high self-esteem). Niềm tự qúy là lòng tự tin tự trọng, tự coi trọng mình và coi trọng kẻ khác. Người có lòng tự qúy là người biết yêu thương, được yêu thương, tin ở phẩm chất tài năng mình, thấy mình gía trị và xứng đáng có một chỗ đứng trong cuộc đời. Niềm tự qúy càng cao thì người ta càng cảm thấy phấn chấn, yêu đời hạnh phúc.

Trong thực tế, một khi cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ, tự tin thì chúng ta đối xử với người chung quanh cũng tử tế hơn. Tương tự, người đối tác tham gia hoạt động khi có niềm tự qúy cao không những vui thích mà còn dễ dàng hợp tác với chúng ta và kết qủa của công việc chung sẽ tốt đẹp, hiệu qủa hơn.

Nhưng làm thế nào để xây dựng niềm tự qúy nơi người khác? Đây là một nổ lực đòi hỏi chúng ta phải biết chú tâm thực hành để làm thành thói quen từ trong gia đình đến các giao tiếp ngoài xã hội.

Chú ý các điểm hay điều tốt: Người ta thường có khuynh hướng để ý các điểm xấu, các khiếm khuyết nơi người khác hơn là điểm tốt. Đây là điều sai lầm. Là con người ai ai cũng có những ưu điểm mà khi chú ý hơn một chút, chúng ta sẽ nhận ra. Cần phát huy các ưu điểm đó bằng cách tìm mọi dịp để khen ngợi họ. Mỗi khi gặp nhau nên có một vài điều để khen nhau. Đồng thời lời khen phải chân thành, không xu nịnh. Ngược lại, cần tránh hết sức những điều tiêu cực, chê bai vì đó là những độc tố làm suy giảm mối tương quan của mình với người khác.

Lắng nghe: Khi lắng nghe là chúng ta biểu lộ sự tôn trọng của mình đối với người khác. Có nghe mới hiểu người được. Có chú ý nơi điều họ nói mới khích lệ họ tỏ lộ tâm tình cho chúng ta. Khi nghe đừng ngắt lời, đừng chú ý làm việc khác mà hãy biểu lộ sự quan tâm bằng cách nêu câu hỏi, chêm vào các tiếng như “vâng”, “tốt qúa”, “rồi làm sao?”... Nên chú ý tới các ngôn ngữ câm như cười, nháy mắt, gật gù... trong khi lắng nghe.

Đàm đạo, đối thoại: Là nói chuyện, trao đổi hoặc thư từ với nhau… Cho người khác biết các điều xảy ra, những biến chuyển quan trọng, một cách đúng lúc, nhất là những điều có liên quan đến họ. Khi làm như vậy, người nghe cảm thấy họ được coi trọng và giúp họ hiểu sự việc hơn, cảm thông hơn. Trong đàm đạo nên tránh các từ ngữ tiêu cực, chê bai hoặc gán ghép hồ đồ mà nên dùng các từ ngữ tích cực, thanh tao, nhẹ nhàng.

Cho phản ảnh: Khi cộng tác làm việc với nhau chúng ta cần biết các ưu điểm của nhau để phát huy và biết các lãnh vực cần cải tiến. Không nên phê bình, dẫu lời phê bình xác đáng đi nữa, vì phê bình dễ đẩy người nghe vào vị thế tự vệ, bào chữa cho mình. Nên cho phản ảnh (feedback) bằng cách đưa các dữ kiện thực tế và tránh các phán đoán chủ quan. Dùng lối nói lấy “tôi làm chủ từ” (I message) để tránh cho người nghe cảm tưởng bị công kích. Ví dụ thay vì nói, “Anh nói to tiếng làm mọi người bực mình” thì nói, “Tôi cảm thấy bực mình khi nghe nói lớn tiếng”. Khi cho phản ảnh, cần nêu các thành tựu của họ và cho họ biết nếu ở địa vị họ mình sẽ ứng xử thế nào. Tham gia việc chung đã là một hy sinh mà còn bị phê bình thì rất dễ bất mãn.

Cám ơn, xin lỗi: Khi biết người ta làm được điều hay, nói điều chí lý thì chúng ta cần biểu lộ sự biết ơn qua lời nói, cử chỉ. Người ở địa vị càng cao, muốn đắc nhân tâm, càng phải biết tận dụng các dịp để nói lời cám ơn. Lời đó không phải là một sáo ngữ mà là tâm tình thật nên khi nói “cám ơn” thì cũng nên thêm chi tiết đằng sau để cho cụ thể. Đồng thời, khi vấp phạm khuyết điểm thì nên nhận lỗi của mình. Người chức phận cao mà sẵn sàng nhận lỗi là người can đảm. Thông thường một khi thấy ai thành thực nhận lỗi thì lỗi ấy cũng đáng được thứ tha. Mà giả như không được thứ tha thì người xin lỗi cũng cảm thấy yên tâm vì mình đã làm điều phải làm rồi.

Thành thực hợp tác: Khi tham gia hoạt động là chúng ta cùng người khác mưu cầu lợi ích chung. Thành tựu của tập thể cũng giúp cá nhân tăng thêm niềm tự tin. Mỗi người, vì vậy, là một thành phần của đội ngũ mình, có bổn phận làm cho công việc chung đạt được kết qủa khả quan. Thành qủa đó là phần thưởng mà mọi người đều được dự phần. Vì thế, khi hoạt động ai ai cũng phải cố làm cho trọn phận sự của mình và thành thực cộng tác với người đồng đội. Có thành thực cộng tác, niềm tự tin tự trọng của mình mới được củng cố, tài bồi thêm.

Dẫu tập thể chúng ta tham gia có mang một lý tưởng cao đẹp mấy đi chăng nữa mà một khi lòng tự qúy của mình bị thương tổn vì tập thể đó, chúng ta sẽ dễ mất tinh thần, nhiệt tình bị nguội lạnh và muốn rời xa. Xây dựng niềm tự qúy cho nhau, vì vậy, là một việc làm thiết yếu cho người hoạt động trong các công tác cộng đồng./-

Trần Hiếu

Đọc nhiều nhất Bản in 22.12.2008. 00:58