Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

'Lung linh hai tiếng gia đình'

§ Lm Vĩnh Sang, DCCT

Tôi vừa đi dự Lễ Tạ Ơn mừng thọ của một bà mẹ, con cháu bà xin lễ tạ ơn nhân dịp bà 80 tuổi. Ông mất đã mấy năm nay, con cháu đã thành đạt, không giàu có gì nhưng tất cả đều đã có sự nghiệp, bà khá ung dung tuổi già, sáng sáng đi lễ, rồi tham gia tập dưỡng sinh tại sân Nhà Thờ, chiều chiều về sau cơm chiều đi đọc kinh khu xóm.

Mấy năm trước, khi con cái chưa bề bộn nhiều công nhiều việc, đến Chúa Nhật là chúng tụ họp về, nhà rộn ràng tiếng ca tiếng hát, mấy đứa nhỏ có máu văn nghệ, buổi họp mặt nào cũng tự tổ chức hát hò với nhau. Mấy năm gần đây, các con đã lớn, có đứa tốt nghiệp đại học đi làm ăn xa, có đứa mải mê theo các nhóm, các hội đoàn ở Nhà Thờ, các cuộc họp mặt thưa dần. Nhưng chung chung, ở đâu, làm gì, chúng cũng “nối nghiệp” ông bà sinh hoạt hội hè rất tích cực, chẳng vậy mà hôm nay nhiều cha hiện diện và cùng dâng lễ cầu nguyện cho bà và gia đình. Thì cũng có người lời ra tiếng vào, tránh sao được dư luận quần chúng, người ta bảo “phú quý sinh lễ nghĩa”, nói như thế có vẻ “nặng lời” quá đáng, nhưng để mừng thọ cho một người mẹ cả đời cố gắng tần tảo nuôi dạy con cháu ăn học, học làm người, học làm con Chúa, nay đã được 80 tuổi thì cũng đáng để “sinh lễ nghĩa” lắm chứ ! Gánh nặng 6 con gái, 2 con trai đâu phải là dễ gánh. Bọn cháu leo lên đứng chật cả sân khấu của hội trường nhà xứ, nhìn chúng hân hoan ca hát vui vẻ hồn nhiên, nhìn kỹ vẫn không thấy đứa nào là... voi để phải ăn cỏ !

Thiết tưởng hoàn toàn có lý để tôn vinh một người mẹ như thế, hoàn toàn có lý để con cháu tỏ lòng biết ơn thảo hiếu với bà, với mẹ mình. Những cuộc gặp mặt như thế, những cuộc hội họp như thế là những cơ hội gắn kết tình gia đình, những cơ hội trao ban những bài học yêu thương quý giá. Càng quý giá hơn khi xã hội ngày nay vắng bóng yêu thương, rất nhiều gia đình tan nát khổ đau, chẳng phải vì những lý do gì to lớn nhưng chỉ vì thiếu cơ hội, hay nói đúng hơn người ta đã đánh mất cơ hội để học yêu thương.

Cũng trong chiều hôm nay, tôi gặp và tiếp một trường hợp khác, khác hẳn với bầu khí của cuộc họp mặt tạ ơn buổi tối. Trong nước mắt và tiếng nức nở ngắt quãng, người mẹ đau khổ trẻ hơn cụ bà 80, chị chỉ có một đứa con, chị dồn hết tình thương cho nó và xây dựng bao nhiêu mộng ước. Tuổi trẻ của chị tình duyên trắc trở, khi đã đứng tuổi chị mới sinh được một mụn con và chỉ một mà thôi. Đứa bé trở thành nguồn sống của chị, sự nâng đỡ tinh thần cho chị...

Thế mà bây giờ mẹ con bất đồng ý kiến, cô bé tự chọn lựa cho mình một người yêu, nhất quyết đi đến hôn nhân bất chấp lời can ngăn của mẹ, bất chấp “đức tin” mà chị đã dẫn đắt cô bé đi vào, chấp nhận sống chung với một người chồng khác đạo và đồng ý trở nên đồng đạo với bên chồng. Tiếp chuyện riêng trong một thời gian đủ dài, tôi nhận ra cô bé không có một chút kiến thức nào về đạo mà cô đã được mẹ dắt đi. Tôi không những đồng ý mà còn tán đồng việc cô bé từ bỏ “đức tin” đang có để tìm học đi theo Giáo Lý của “đạo nhà chồng”. Dĩ nhiên tôi tôn trọng tư do chọn lựa của người bạn trẻ đó, nhưng tôi đề nghị người bạn trẻ đó hãy sử dụng tự do và để cho sự tự do ấy của mình có được những điều kiện tốt nhất trong chọn lựa, đó là hãy tìm hiểu kỹ “Giáo Lý nhà đạo” bên mình trước khi tiếp tục theo đưổi Giáo Lý “đạo nhà chồng”.

Trong lúc gặp riêng bà mẹ, tôi rất kiêng nể không dám nói ra hết những gì mình nghĩ, nhưng bà lại nói với tôi như một lời thú tội muộn màng, một nhận thức về sai lầm của mình dẫn đến hậu quả hôm nay. Bà nhận ra rằng, từ bao lâu nay bà không giáo dục Đức Tin cho con, bà đã lơ là với bổn phận quan trọng ấy. Bà nói với tôi: “Thưa cha, chỉ lo cho con ăn học và chiều chuộng thương yêu nó, con đã lầm rằng như vậy là đầy đủ bổn phận. Vun đắp để cho nó thành đạt về phương diện xã hội, con vô tình đầy nó vào một nếp sống cao ngạo lầm lẫn”.

Nuôi dạy và giáo dục con cái là một công trình tuyệt mỹ, công trình này không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ tri thức của cha mẹ, cũng không chịu ảnh hưởng lớn lao của tiện nghi vật chất, nhưng giá trị đời sống Đức Tin đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cao cả này, không giá trị nào có thể thay thế và không quyền lực nào có thể phủ nhận hoạt động của Niềm Tin Kitô giáo. Cuộc chiêm bái tại Bêlem của các Đạo Sĩ đến từ phương Đông là một sự kiện lạ lùng, tìm kiếm Hài Nhi nhưng họ lại gặp Hài Nhi trong khung cảnh gia đình, không đơn độc, bên cạnh Hài Nhi có mẹ có cha, có một gia đình, có tình thương yêu. Đến chiêm bái Hài Nhi, các nhà Đạo Sĩ đã tìm gặp một năng động tận hiến trao ban trong một khung cảnh không gian tĩnh lặng. “Ơi hỡi trần gian im tiếng đi…”

Hãy đắm mình để chiêm bái Giêsu, một tận hiến trao ban tuyệt vời của cõi Trời trong sự tận hiến trao ban của hai “bạn trẻ” từ cõi “Đất”, Giuse và Maria.

Đất với Trời, se chữ đồng”. Chúng ta tìm được sự giải thoát khi chúng ta nên giống “hình ảnh của Thiên Chúa”, nghĩa là khi chúng ta biết yêu thương, tận hiến, trao ban cho người khác như Thiên Chúa đã “yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài cho thế gian”

Cùng với sự bày tỏ tôn trọng tự do của người con muốn chọn lựa hướng đi cho đời mình như tôi vừa đề cập đến, tôi xin người con ấy hãy tôn trọng sự hy sinh của mẹ mình: “Con không được làm điều gì xúc phạm đến mẹ của con, xúc phạm đến tình yêu và sự hy sinh của mẹ đã dành cho con, để thực hiện điều này, con sẽ phải hy sinh nhiều điều, nhưng đó là cái “đạo” mà con sẽ tìm được bình an thật sự và trọn vẹn.

Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề nghị với chúng ta năm nay đặt trọng tâm vào việc giáo dục trong gia đình Kitô Giáo, thiết tưởng chúng ta không mơ màng gì để chờ đợi một sự đổi thay trong đường lối giáo dục đã quá rệu rã và rỗng tuếch, đầy sự dối trá và hận thù của xã hội. Đừng ai còn hy vọng nhà trường sẽ giúp giáo dục con em mình theo đúng nhân phẩm, hãy nhìn thật thẳng thắn vào vấn đề và nhận lấy sứ mạng ( không còn gì để gìn giữ mà phải là ) xây dựng một nền giáo dục nhân bản theo tinh thần Tin Mừng.

Các bà mẹ

Những gia đình Kitô Giáo hãy bắt đầu đi, đừng mải mê với những chuyện thế sự thăng trầm và phù vân nữa, hãy cứu gia đình mình trước khi nó vỡ tan tành không còn một mối hy vọng nào nữa.

Đầu năm nay, 2009, văn bản “sửa đổi Pháp Lệnh Dân Số” sẽ được áp dụng, người ta quyết định mỗi gia đình chỉ được phép có từ 1 đến 2 con. Chuyện gì sẽ xảy ra ?

3.1.2009

Lm Vĩnh Sang, DCCT

Đọc nhiều nhất Bản in 04.01.2009. 12:42