Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

"Lời Nói Qua Đi, Gương Lành Ở Lại"

§ Matta Maria Ngô Thị Thùy Hương

(Kính nhớ hai hương hồn Louis)

GƯƠNG SÁNG CỦA ÔNG

Từ bé tôi sống với ông bà nội nhiều hơn là với ba mẹ, nhờ đó tôi còn giữ được nhiều kỷ niệm êm đềm với nội. Đặc biệt hầu như 80% những kỷ niệm đó lại phát xuất từ những gương lành gương sáng mà tôi đã nhìn thấy nơi ông bà nội. Thời gian thấm thoát trôi qua, nay tôi cũng là bà nội của 9 đứa cháu. Những gương sáng của ông nội vẫn còn như in trong trí tôi. Tôi nhớ lại, kể từ ngày có trí khôn và không còn sống chung với nội, tôi đã cố gắng đem áp dụng các gương sáng đó vào đời sống đạo của riêng mình, tuy chưa đẹp lòng Chúa lắm. Những gương sáng đó không chỉ là kỷ niệm tốt lành mà còn là những kinh nghiệm quý báu để hôm nay, đến lượt tôi với trách nhiệm làm mẹ làm bà, tôi nghĩ mình phải chỉ dạy lại cho con cháu.

Nhớ lại những ngày mới lên 7 lên 8, tôi được ông bà nội gọi dậy đi lễ mỗi buổi sáng. Dù mưa to gió lớn không bao giờ ông nội tôi bỏ lễ. Tôi nhớ vào thời gian đó, khoảng năm 1957, các vùng quê chưa có áo mưa để mặc. ông nội cõng tôi trên lưng, trong khi tay nội lại cầm theo chiếc đèn bão để dò đường. Lúc đó bà nội vội vàng khoác lên người ông nội một chiếc áo mưa bằng lá kè rất cồng kềnh để ông cháu kịp đến nhà thờ.

Khi tôi lớn hơn, ông bà nội dẫn tôi lên nhà xứ để ghi danh vào các hội đoàn, nhờ đó tôi đã học được nhiều điều tốt lành qua các hội Nghĩa binh Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Thanh Sinh Công, Dòng Ba Phan-xi-cô, và Legio Mariae. Trong trí nhớ của tôi, không bao giờ ông nội bỏ lễ hoặc đi làm rẫy trong các ngày Chúa nhật và lễ trọng. ông bà nội lại là thành viên của hội Dòng Ba Phan-xi-cô nên thỉnh thoảng tôi thấy nội mở tủ lấy hai chiếc áo dòng màu nâu ra ngắm nghía mà tôi không hiểu tại sao. Sau khi lễ xong, nội thường giải nghĩa Kinh Thánh cho tôi nghe, hỏi tôi về các bài giảng hoặc ý nghĩa các màu áo lễ của Cha sở. Đến nay, âm vang của những câu hỏi đại loại như thế còn vang vọng bên tai tôi, Hôm nay cha mặc áo màu gì? Cha giảng gì?. Nếu chẳng may tôi không trả lời được hoặc trả lời không đúng thì nội chỉ rầy la mà thôi. Tuyệt nhiên không bao giờ nội nặng lời la mắng hoặc đánh đòn tôi vì tôi không trả lời được. Đây là một bài học dạy tôi nên nhỏ nhẹ khi dạy dỗ con cháu điều gì, vì chúng còn non trẻ thiếu kinh nghiệm như tôi ngày nào. Ngoài giờ đi học về, tôi cũng thường phụ ông bà nội tôi trong những công việc mà sức tôi có thể làm được.

Một buổi chiều nọ tôi theo nội vào rẫy để cắt giây lang về cho heo ăn. Bên cạnh rẫy của nội là rẫy của ông Nhân. Những cây dừa bên vườn ông Nhân lại bổ chồm qua ranh giới rẫy của ông tôi, trổ những buồng dừa trông thật hấp dẫn. Cũng có vài quả dừa khô đã rớt xuống qua phần đất của nội tôi từ lúc nào. Trong khi đó những luống khoai lang của ông Nhân cũng đã rộ lá che khuất cả mặt đất. Những dây lang tốt giống dài cả thước bò tràn qua khỏi hàng rào, đâm thẳng vào chỗ tôi đứng. Tôi cho rằng tôi có quyền nhặt những trái dừa khô hoặc cắt những dây lang tràn qua đất của ông nội tôi, vì nếu tôi không lấy thì người khác đi ngang cũng sẽ làm điều đó. Nghĩ vậy, nên tôi hỏi nội:

- Cháu lấy mấy trái dừa khô về nhà được không nội?

Ông nội nói ngay:

- Không được đâu. Không phải của mình làm ra thì đừng có rờ tới.

Đoạn ông tôi dạy thêm:

- Thấy dừa của ông Nhân có rớt qua vườn mình, cháu ném qua cho ông ấy. Hoặc nếu giây lang bò qua đất mình, cháu vén lên cho nó bò ngược lại bên vườn ông ấy. Tuy với lý trí lúc đó còn non dại, tôi không hiểu hết ý nghĩa đạo đức của điều ông nội dạy, nhưng tôi đã vâng lời nội.

Tôi lại chứng kiến thêm một gương sáng khác của ông nội. Vào một buổi chiều trời lụt, trong khi bà nội ở nhà đứng ngồi không yên vì nước lũ đang đe dọa cuốn trôi ruộng lúa ngoài đồng, thì ông nội về đến nhà. ông nội cũng dẫn về một ông lão già yếu mà bà cháu tôi chưa bao giờ gặp. ông lão đeo một chiếc gùi tre trên lưng. Tóc ông búi tó và râu thì bạc phơ, cặp mắt ông hấp háy trông rất bệnh hoạn. ông lão run rẫy với chiếc gậy trong tay, có lẽ vì lạnh và đói. ông nội tôi nắm tay ông lão dắt vào ngồi nơi chõng tre, rồi đích thân ông tôi xuống bếp đem lên một tô cơm nguội với con cá trích kho mặn, và một củ khoai lang luộc. Tôi biết đó là tất cả phần ăn mà bà nội để dành cho ông nội vì ông thường về muộn.

Tiếp đó, ông tôi lại bưng đến cho ông lão một bát nước chè tươi. ăn xong tô cơm, ông lão trông tỉnh táo hẳn ra và đứng lên bái tạ ông nội tôi. Khi tiễn khách ra cửa, ông tôi không quên thả vào chiếc gùi của ông lão củ khoai luộc chưa dùng đến. Người ăn xin vừa ra khỏi ngõ, ông tôi ôn tồn nói với bà cháu:

- Mình khổ nhưng còn có bữa mà ăn. Người ta ăn hôm nay nhưng ngày mai không biết ăn gì. Mình cho họ là cho Chúa đó.

Tôi cũng nhớ một lời khuyên của ông nội mà dù đến chết tôi sẽ không quên. Một ngày đầu Xuân, sau giờ tan lễ, trên đường về nhà tôi nghe tiếng mấy đứa bạn kêu réo:

- Hương ơi, vào đây một chút rồi tụi tao lên nhà mày mừng tuổi ông bà nội mày luôn.

Tôi ghé vào nhà đứa bạn và nể bạn nên đứng xem 'tôm-cua-bầu-cá' cho vui chứ nào có ý bài bạc gì cho cam. Bỗng đâu ông nội tôi xuất hiện ngay cửa, tay cầm chiếc roi mây. Có lẽ vì thấy tan lễ đã lâu mà tôi chưa về nhà nên nội đi tìm. Đám bạn tôi chạy tán loạn Các bạn tôi đứa rúc gầm giường, đứa chui vào bếp để trốn. Tôi cũng núp dưới một tấm phản gỗ nhưng vì chật quá nên phải thò đôi bàn chân ra ngoài. Tôi nghe tiếng ông tôi vang lên:

- Con Hương đâu, khôn hồn thì ra đây.

Nghe vậy, tôi vội vàng chui ra và đứng lên. Dù 'vô tội' tôi vẫn phải đứng lên để chịu tội vì 'tình ngay lý gian.' ông tôi quất tôi mấy roi đau điếng. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi bị đánh đau như thế. Về đến nhà ông tôi còn dạy tiếp:

Cháu phải biết rằng 'Cờ bạc là bác thằng bần, bán nhà bán cửa ra thân ăn mày'. Nó mà ở đầu gió thì mình phải đi cuối gió, dù chỉ đứng coi cũng không nên, vì sức hút của nó hơn cả nam châm. Tuy vậy bà con lối xóm ai cũng kính phục vì tính cương nghị và ngay thẳng của ông tôi. Những lời khuyên dạy của nội còn lưu mãi trong tâm khảm tôi cho đến ngày nay. Tuy ở Mỹ đã 16 năm mà tôi không biết đến một địa điểm casino nào, thậm chí chưa một lần đặt chân đến Las Végas. Lý do không hẳn vì đó là sòng bài mà như ngày xưa ông tôi đã khuyến cáo, Nó mà ở đầu gió thì mình phải đi cuối gió , nhưng vì tôi thấy không cần thiết phải biết đến. Tôi thường cảm tạ Chúa và cầu nguyện cho nội khi nhớ lại những hình ảnh đẹp và gương sáng của nội trước kia.

Nhưng thật ra không phải mọi việc đều xảy ra dễ dàng và tốt lành khi tôi muốn ứng dụng các gương lành của nội vào đời sống của tôi. Thời gian sau khi lập gia đình, miệt mài với công việc nên tôi quên mất Chúa. Tôi cũng nghĩ sức mình có thể làm ra của cải cho gia đình, và tôi đã quên lời ông nội dạy. Trước năm 1975, tôi tưởng đời mình rồi sẽ mãi là màu hồng, vì năm 20 tuổi tôi đã có con đầu lòng, sau đó trên bạc của cải đã đến với vợ chồng tôi một cách dồi dào. Chỉ sau bốn năm lập gia đình, tôi đã có một tài sản vững vàng, nhà cao cửa rộng đầy đủ tiện nghi. Vợ chồng tôi còn có tiền để mở trương mục cho từng đứa con. Lúc đó tiền bạc là lẽ sống duy nhất của vợ chồng tôi, ngoài ra không còn gì có thể hấp dẫn hơn. Tôi xem thường cả ngày Chúa nhật để đi làm thêm vì người chủ trả gấp đôi gấp ba, tuy đó không phải là sự bắt buộc.

Rồi chiến cuộc 1975 xảy đến, chúng tôi mất tất cả tài sản và sự nghiệp. Hôm trước cuộc sống còn sung túc, thế mà một vài tháng sau chúng tôi chỉ còn lại hai bàn tay trắng. Chồng tôi đi tù cải tạo không biết ngày về. Vì chân yếu tay mềm, lại sợ bị chính quyền Cộng sản đày lên vùng kinh tế mới, nên tôi đưa các con về tá túc bên ngoại. Đó cũng là thời gian duy nhất tôi được trở về và sống chung lâu dài với ba mẹ tôi sau khi tôi lấy chồng. Tuy chật vật khổ cực nhưng khi nào ba mẹ tôi cũng thương yêu các cháu ngoại. Cũng nhờ vào thời gian này sống chung với ba mẹ nên tôi đã nhìn thấy và học được nhiều điều từ những gương lành của ba tôi.

GƯƠNG SÁNG CỦA BA

Ba tôi là người dễ tính từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Tính ba tôi lại hay giúp đỡ, nhất là đối với những người kém may mắn hơn, hoặc những ai cần đến ông. Nhiều lần tôi thấy ba tôi lén đem cơm hoặc gạo đi cho những người nghèo trong xóm. Sau thời kỳ 1975, ba tôi vẫn còn nhiều bạn bè. Có nhiều ông sau một ngày lao động vất vả muốn có vài đồng để mua thêm thức ăn cho gia đình nên đã tìm đến với ba tôi. Vì tính thương người nên ba tôi đã cho họ ít tiền hoặc lén lấy bất cứ thực phẩm gì trong nhà để giúp cho họ. Tôi cũng nhớ, vào những ngày cuối năm chuẩn bị đón Tết, ba tôi thường dành ra vài ngày, cầm chổi quét dọn rác rưới trên những con đường quanh co trong xóm. Có khi ba tôi cũng đến quét mạng nhện cho các gia đình neo đơn. Ai thấy cũng cảm mến. Đến hôm nay tuy ở hải ngoại, khi có dịp thì những người cùng xóm ngày xưa vẫn gọi điện thoại đến thăm tôi, họ nhắc lại những chuyện bác ái ngày xưa ba tôi đã làm và bày tỏ lòng biết ơn ba tôi.

Giữa những việc ba tôi đã làm, có một trường hợp đã đánh động tôi nhất. Không những trước kia, mà nhất là sau 1975, mỗi khi có người trong khu xóm qua đời, ba tôi thường đi tẩm liệm thi hài cho họ. ông còn đến ở lại vài hôm với tang gia để giúp đỡ và an ủi họ. Tôi còn nhớ rõ một gia đình bạn của tôi có người mẹ sắp chết vì bị ung thư tử cung. Khi bà còn trên giường bệnh, người con gái của bà lấy chồng xa nên không về được. Thậm chí người con rể của bà cũng không muốn cho vợ mình về chăm sóc cho mẹ vì sợ lây cho vợ mình. Còn bà con trong xóm không ai dám đến giúp đỡ bà vì lý do vệ sinh. Trong hoàn cảnh thương tâm đó, tôi thấy ba tôi đã đến săn sóc và nấu nướng cho bà ăn hằng ngày, thậm chí ba tôi còn tắm giặt cho bà vì cơ thể bà rất hôi hám. Khi bà hấp hối, ba tôi cũng đã mời cha xứ đến ban các phép sau cùng cho bà.

Nay cả ông bà nội và ba tôi cũng đã mất, nhưng những kỷ niệm và gương lành gương sáng của các ngài không mất đi trong trí tôi. Hôm nay tuy ở trên xứ người là một đất nước văn minh tiến bộ nhất thế giới, lại được hưởng trọn vẹn các quyền lợi trong đời sống, không bao giờ tôi dám nghĩ đến một cuộc sống giàu sang và ham làm giàu như khi còn ở quê nhà trước 1975. Cảm tạ ơn Chúa đã thương mở con mắt đức tin cho tôi để biết quay về với Chúa. Hôm nay, mỗi buổi sáng tinh mơ được đến với Chúa qua thánh lễ Misa để cảm tạ Ngài là một hạnh phúc của đời tôi. Mỗi khi dâng lễ, tôi nhớ lại lời ba tôi đã thường nhắc nhở tôi, "Hằng ngày con phải đi lễ trước đã, sau đó muốn làm gì thì làm, vì không có Chúa con không làm gì được."

Qua thánh lễ Misa và nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, tôi phó thác mọi sự còn lại của gia đình tôi cho Chúa. Vợ chồng tôi luôn nhắc nhau trách nhiệm làm gương sáng cho các con các cháu và cầu nguyện cho chúng. Trước kia tôi say mê tiền của, nay tôi đã chọn Chúa làm ưu tiên trong đời sống. Bây giờ có Chúa trong lòng, tôi biết mình đang sống đúng với ý nghĩa câu nói của ông nội tôi. Đó là Thiên đàng là quê thật, trần gian là tạm bợ chóng qua, nơi mà người đời thường gọi là thế gian".

Trong những lần sum họp con cháu hoặc những dịp quan trọng trong gia đình, tôi không quên nhắc nhở các con các cháu cố gắng sống kết hợp với Chúa qua một việc bác ái nào đó mà chúng có thể làm được.

Lạy Chúa, xin cho con biết nêu gương sáng cho con cháu, nhất là các cháu nhỏ được sinh ra và sống trên đất nước Hoa Kỳ này. Chúa biết con rất quan tâm và lo lắng cho đời sống đạo của con cháu. Con xin ký thác tất cả trong Lòng Thương Xót của Chúa.

(Nội san THÁNH GIA Số 191 & 192 - Tháng 07 & 08 / 2008)

Matta Maria Ngô Thị Thùy Hương

Đọc nhiều nhất Bản in 03.07.2008. 18:30