Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Giáo Dục Gia Đình Kitô Giáo

§ Mặc Trầm Cung

Gia đình là nền tảng của xã hội và giáo hội. Gia đình tốt sẽ làm cho xã hội và giáo hội được tốt. Ngày nay có nhiều nguyên nhân làm băng hoại những giá trị tốt đẹp của gia đình đã làm cho nhiều gia đình bị ảnh hưởng. Vì thế, giáo dục trong gia đình là mối ưu tư hàng đầu của những người có trách nhiệm trong xã hội và giáo hội, hầu giúp cho các gia đình có vốn kiến thức về giáo dục gia đình một cách có khoa học, để con cái trong gia đình được đón nhận được một nền giáo dục đầy tình thương và giúp cho cha mẹ biết nâng cao trách nhiệm, bổn phận và kiến thức trong việc nuôi dạy con cái. Trung Tâm Mục Vụ giáo phận TP.HCM đã mở lớp Giáo Dục Gia Đình Kitô Giáo do Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh phụ trách, đây là môn học thứ ba trong khóa học Đào Tạo Thừa Tác Viên Mục Vụ Gia Đình của giáo phận.

Hôm nay thứ Bảy ngày 16/1/2010 Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh chia sẻ cho các học viên đề tài đầu tiên:

Chương I. GIÁO DỤC TRONG GIA ĐÌNH

I. PHONG CÁCH GIÁO DỤC CỦA CHA MẸ

100116giaoduc1.jpg

Sự phát triển của trẻ là một quá trình phát triển và học hỏi không ngừng từ khi còn trong bụng mẹ, từ môi trường chung quanh mà trẻ sống, trong môi trường đã có những người khác.

a) Trẻ học như thế nào?

Theo thuyết học tập xã hội ( Social Learning Theory) của Albert Bandura thì trẻ sẽ học trong môi trường xã hội và học từ người khác.

- Học qua quan sát:

Trẻ quan sát, nghe, nhìn hành vi của những người chung quanh, cảm nhận về những hành vi đó và bắt chước những hành vi chung quanh nó: yêu thương hay giận hờn…

Lúc đầu trẻ bắt chước một cách tự nhiên. Sau đó trẻ cảm nhận tình huống nào thì người ta làm những hành vi đó, và cách thực hiện như thế nào. Trẻ nối kết được hành vi và tình huống.

Lớn hơn một chút trẻ sẽ nối kết được hành vi với tình huống và hậu quả của hành vi đó ra sao. Trẻ sẽ được gì và bị gì khi thực hiện hay không thực hiện hành vi.

Sau khi trẻ đi học, trẻ được cung cấp thông tin, khi nào thì sử dụng hành vi nào.

Từ sau 2 tuổi, các hành vi của người khác hướng dẫn, trẻ bắt chước có chọn lọc, trẻ mất dần cái bắt chước cách máy móc.

Lúc đó trẻ đã có thể nhận thức được tình huống nào thì đưa đến hành vi nào và sẽ đem đến hậu quả nào.

- Học qua bắt chước:

Trẻ dễ bắt chước những người nào có ảnh hưởng lớn đối với trẻ, những ai đáp ứng được nhu cầu yêu thương mà trẻ cần đến, những ai gần gũi và yêu thương trẻ. Những người quan trọng đầu tiên đối với trẻ đó chính là cha mẹ, những người quan trọng đầu tiên đó dần dần trở thành hình mẫu của trẻ và dần dần trở thành niềm tin rất mãnh liệt nơi tâm hồn của trẻ.

Khi lớn lên đi học, bước ra khỏi gia đình, trẻ chọn lọc hành vi dựa trên thái độ, nền tảng, niềm tin mà trẻ có được trong gia đình.

Câu hỏi được đặt ra là: Những hình mẫu mà trẻ có được từ trong gia đình có đủ mạnh để ảnh hưởng đến trẻ trong sự chọn lựa của mình không?

Nếu hình mẫu trong gia đình không đủ mạnh, lờ mờ, cha mẹ thường xuyên gây mâu thuẫn với nhau, trẻ sẽ bị mông lung không biết theo ai, không biết chọn bên nào?

Khi trẻ bước ra môi trường bên ngoài, cái nào mạnh hơn trẻ sẽ theo cái đó. Nếu cha mẹ tạo ra hình mẫu không đủ vững cho con cái, nó sẽ tìm hình mẫu ở người khác, nơi môi trường chung quanh mà trẻ đang sống.

- Xây dựng hình mẫu:

Trẻ cần được xây dựng hình mẫu, đặc biệt nhất là nơi cha mẹ, để xây dựng được hình mẫu nơi con cái, trẻ phải được yêu thương thật sự, trẻ cảm nhận được khung mẫu để tham chiếu cho mình.

- Động viên:

Muốn hành vi của trẻ được tồn tại, cần phải luyện tập cho trẻ, động viên và nhấn mạnh những hành vi đó.

Trẻ cần được nhìn nhận hành vi của mình, nên biết khen và thưởng cho trẻ có những hành vi tốt. Nhưng cũng hết sức tế nhị, khéo léo nếu không trẻ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực về khen thưởng. Vì khen thưởng quá đáng trẻ bị lệ thuộc vào lời khen, vào phần thưởng khi thực hiện hành vi. Như thế sẽ làm thay đổi quá trình phát triển của trẻ về sự nhận thức về các hành vi đó.

b) Lý thuyết về giải thích các sự việc:

Theo thuyết viện dẫn (Attrubution Theory) của Fritz Heider (1896 – 1988). Giải thích sự việc có 2 cách: từ những lý do nguyên nhân bên ngoài và từ những lý do nguyên nhân bên trong.

- Nguyên nhân bên ngoài:

Theo thuyết viện dẫn quá trình thay đổi hành vi của trẻ úng dụng vào quá trình trẻ hấp thu giá trị của cha mẹ, trẻ thay đổi thái đổi, hành vi vì phần thưởng hay vì sợ bị phạt, vì những tác nhân bên ngoài mà trẻ phục tùng.

Trẻ thay đổi thái độ công khai, cá nhân nhưng chỉ khi có sự hiện diện của tác nhân gây thay đổi, là những người có thẩm quyền ghi nhận những hành vi của trẻ, trẻ tạo những hình ảnh tốt đẹp để được ghi nhận để được khen thưởng hoặc sợ bị phạt, nếu không ai ghi nhận thì trẻ không làm, có sự hiện diện của người này thì trẻ làm, người khác thì trẻ không làm, ở môi trường này thì trẻ làm, ở môi trường khác trẻ không làm.

- Nguyên nhân bên trong:

Trẻ không phụ thuộc vào tác nhân gây thay đổi, trẻ nhận thức tốt điều gì nên làm, điều gì không nên làm, trẻ cảm nhận được từ bên trong, nhận thức được sự ích lợi qua hành vi của mình, không phụ thuộc vào tác nhân nào. Đây chính là mục đích cuối cùng của việc giáo dục trẻ.

c) Trẻ là thành viên tham gia tích cực:

Theo thuyết tương tác (Interaction Theory) của James Baldwin (1861 – 1934) thì trẻ ảnh hưởng đến cách mà cha mẹ giáo dục nó, mỗi đứa trẻ đều có tính cách riêng, bé trai, bé gái cũng khác nhau về đặc điểm, giới tính, tính khí. Vì thế, tùy tính cách của mỗi trẻ, cha mẹ cũng cần có cách giáo dục khác nhau.

Cha mẹ muốn phản ứng lại trẻ thì cũng phải dựa trên những phản ứng của trẻ, cha mẹ cần chọn lựa cách ứng xử, giáo dục tùy theo từng trẻ.

II. CÁC MÔ HÌNH GIÁO DỤC CỦA CHA MẸ:

Theo Bà Diana Baumrind (1927 - ) Giáo sư tâm lý lâm sàng và tâm lý phát triển của Institute of Human Development, University of California, Berkeley đã đưa ra mô hình giáo dục của cha mẹ như sau:

100116giaoduc9.jpg

Cả lớp được chia làm 5 tổ để thảo luận và diễn tiểu phẩm về mô hình giáo dục này. Tình huống được đưa ra: Một người con trình bày với cha mẹ về nguyện vọng chọn ngành học và việc ôn thi đại học.

Tổ 1) Cha mẹ nghiêm khắc độc đoán.
Tổ 2) Cha mẹ thờ ơ không quan tâm.
Tổ 3) Cha mẹ dễ dãi nuông chiều.
Tổ 4) Cha mẹ dân chủ nghiêm minh.
Tổ 5) Tự chọn cho mình cách giáo dục khác ngoài 4 trường hợp trên.

- Cha mẹ nghiêm khắc độc đoán.

Cha mẹ dùng quyền lực của mình mà áp đặt lên con cái, không cho con cái có ý kiến và quyết định của riêng mình, thường hay sử dụng hình phạt khi con cái không vâng lời, đòi hỏi con cái phải vâng lời tuyệt đối, ít đáp ứng những nhu cầu của con cái ngay cả những nhu cầu chính đáng.

Hậu quả dẫn đến là trẻ thiếu tự tin, có xu hướng rút lui, thiếu tính khởi động, tự phát, không tự độc lập để có thể đảm nhiệm các hoạt động, sống khép kín và lệ thuộc. Nếu mức độ độc đoán của cha mẹ gia tăng có thể làm cho trẻ suy nhược về tinh thần lẫn thể xác.

- Cha mẹ thờ ơ không quan tâm.

Cha mẹ sao lãng, lơ là, chối bỏ một số trách nhiệm của mình, ít đòi hỏi nơi con cái những yếu tố cần thiết vì muốn tránh sự phiền toái bởi con cái đưa ra, con cái không được hướng dẫn, không được góp ý trước những vấn đề quan trọng của cuộc sống.

Hậu quả dẫn đến làm cho con cái bất ổn tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình phát triển hình thành nhân cách và bản ngã, khả năng kiểm soát được bản thân rất thấp, định hướng học tập bấp bênh, tình cảm bất ổn định dễ dẫn đến các hành vi có vấn đề và hành vi phạm pháp.

- Cha mẹ dễ dãi nuông chiều.

Cha mẹ cho phép con cái làm theo ý muốn, dễ dãi chiều theo ý muốn của con cái, ít qui định trong gia đình, ít đòi hỏi nơi con cái hành xử chín chắn, không thể hiện uy quyền hay kiểm soát chặt chẽ.

Hậu quả dẫn đến tạo cho con cái thiếu tự tin, thiếu chín chắn, thiếu trách nhiệm và không kiểm soát được sự nông nổi của mình và có nguy cơ dẫn đến con đường sa đọa và tan vỡ gia đình.

- Cha mẹ dân chủ nghiêm minh.

Cha mẹ cởi mở với con cái, tôn trọng quan điểm của con, mong muốn cách cư xử trưởng thành nơi con cái và biết đặt ra các chuẩn mực rõ ràng, đặt ra kỷ luật và giới hạn của con cái, nhưng biết khuyến khích con cái suy tư độc lập và phát triển cá nhân.

Kết quả dẫn đến con cái được phát triển tâm lý tốt, có năng lực xã hội, có khả năng tự kiểm soát, tự quyết định, làm việc độc lập và có tinh thần trách nhiệm cao, có lòng tự trọng cao, mạnh khỏe cả thể xác lẫn tinh thần, không lo lắng thái quá, không bị căng thẳng hay trầm cảm.

- Tự chọn cho mình cách giáo dục khác ngoài 4 trường hợp trên.

100116giaoduc4.jpg

Đây là phần linh hoạt của các học viên tự suy nghĩ đưa ra cho mình một lối giáo dục riêng. Mẫu gia đình này cha mẹ nghiêm minh, gia đình có kỷ cương, biết quan tâm, lo lắng cho con cái về tình cảm và cả nhu cầu vật chất, vẽ hướng đi tương lai cho con cái rất tốt đẹp nhưng không áp đặt, trao đổi cởi mở với con cái về quan điểm riêng, biết tôn trọng ý kiến, những khả năng và sở thích của con cái.

Cách giáo dục này giúp cho con cái biết làm chủ bản thân, có khả năng độc lập trong hoạt động, có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và cộng đồng, có lòng tự trọng cao. Đây là mẫu gia đình đẹp và lý tưởng.

Buổi học kết thúc trong niềm vui và những tiếng cười, qua những hình ảnh và vai diễn nghiệp dư của các học viên đã làm cho bầu khí học tập thật vui tươi và sinh động.

Tiến sĩ Hoàng Mai Khanh thuyết trình
A.P Mặc Trầm Cung cảm nhận, ghi lại

A.P Mặc Trầm Cung

Đọc nhiều nhất Bản in 25.01.2010. 10:01