Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Đối Phó Với Nóng Giận Trong Các Mối Quan Hệ Gia Đình

§ Trần Hiếu

Bạn có bao giờ hối tiếc vì phản ứng gấp rút trong khi nóng nảy? Đâu là cái gía bạn phải trả? Có phải nó làm cho bạn mất vui, lỡ cơ hội làm ăn, tiêu hao sức lực không cần thiết, hoặc quan trọng hơn nữa, làm sứt mẻ các mối quan hệ với những người thân yêu?

Nếu đó là điều đáng quan tâm, bạn cần tìm hiểu và phát triển các kỹ năng nhằm đối phó với sự nóng giận.

Nóng giận là cảm xúc thông thường của con người. Khi bị đối xử bất công, hoặc gặp điều trái ý, người ta dễ có các cảm giác nóng giận. Tuy nhiên, nóng giận không nhất thiết là tiêu cực, vì nhiều khi nó giúp kích thích năng lực để chúng ta phấn đấu đạt được điều mình muốn.

Điều đáng mừng là mặc dầu không thay đổi được con người hoặc trạng huống làm mình nổi giận, chúng ta có thể kiểm soát được cách thức mình đối phó với cơn giận. Andy Rooney nói, “Tôi không thể chọn các cảm giác của tôi, nhưng tôi có thể chọn cách đối phó với các cảm giác đó”.

Khi người ta giận dữ, cơ thể họ thường trải qua một số thay đổi như mạch máu chạy nhanh hơn, áp suất huyết gia tăng, kích thích tố hưng phấn được đưa vào máu làm các bắp thịt trở nên căng thẳng. Chính sự kết hợp giữa cảm xúc giận dữ và kích thích cơ thể khiến người ta muốn phản ứng cấp kỳ trong lúc căng thẳng.

Nhiều người lầm tưởng rằng nóng giận cũng có nghĩa là hành vi gây hấn. Thực ra, đây là hai khái niệm khác biệt nhau. Trong khi nóng giận là điều chúng ta cảm thấy, hành động gây hấn là điều chúng ta làm.

Một trong những yếu tố gây nên nóng giận nơi một người là do căng thẳng. Dưới các áp lực của môi trường như sở làm, gia đình, trường học, cộng đồng, cũng như cách xử trí của chúng ta trong các trạng huống khác nhau có thể gây nên các cảm giác tức tối, bực mình, thất vọng…

Bạn thử nghĩ coi trạng huống nào sau đây gây nên căng thẳng? Bạn bị mất việc làm; Cãi lộn với một người bạn; Bị đụng xe; Vợ mới mang bầu? Những điều trên và biết bao điều khác đều có thể xảy đến cho bạn. Tuy nhiên, không phải chỉ những việc lớn mà những điều phiền toái vụn vặt chồng chất trong cuộc sống cũng có thể tạo nên căng thẳng.

Trong các lớp huấn luyện 52 tuần lễ cho các can phạm dính tội bạo hành gia đình, người ta thường trao đổi với nhau về nguồn gốc sâu xa cũng như lý do gần dẫn đến bạo hành. Họ cho biết xử dụng bạo lực là một thói quen học được do ảnh hưởng từ môi trường sinh sống, và phần lớn sự việc xảy ra chỉ vì trong một chốc lát nào đó họ đã không kềm chế được cơn nóng giận của mình.

Khi kết thúc khóa học, họï nói rằng, nếu biết đối thoại trong ôn hoà, áp dụng phương pháp tạm nghỉ (time-outs) và thực hành các phương thức thư giãn thông thường như hít thở thật sâu hoặc dùng trí tưởng tượng để làm dịu cơn nóng giận thì họ đã không vướng vào những chuyện đáng tiếc.

Phương pháp lấy giờ “tạm nghỉ” (time-outs)

Khi nóng giận, điều họ làm là để ý phản ứng của cơ thể như tái mặt, tay run, tim đập nhanh... lúc đó, họ cho người đối diện biết họ cần lấy giờ “tạm nghỉ”. Trong nhiều trường hợp, việc rút lui khỏi hiện trường để giải lao là hiệu qủa nhất vì nó giúp dễ lấy lại bình tĩnh và tránh bầu khí căng thẳng.

Trong khi lấy giờ tạm nghỉ, họ thi hành các điều sau:

§ Làm nguôi ngoai sự căng thẳng—bằng cách đi uống nước, đi bộ, hít thở, tắm, đếm số ...

§ Tự tranh luận—đây là phương pháp tự nói với chính mình, tự giải thích vấn đề theo quan điểm của người đối diện, nhờ vậy họ nhận ra lý lẽ của người khác nên dễ có lòng thông cảm.

§ Đặt kế hoạch đàm thoại với người đối diện nhằm đưa ra giải pháp.

Trong đối thoại để giải quyết vấn đề, họ học cách lắng nghe, lập lại điều đã nghe và trình bày với lối nói dùng “Tôi làm chủ từ” (I message). Ví dụ, người chồng thay vì nói, “Em làm anh bực mình vì em đến trễ” thì nói, “Anh cảm thấy bực mình vì đợi em hơn hai tiếng đồng hồ”. Đây là lối nói bộc lộ cảm xúc, nêu sự kiện để người khác hiểu mình nên dễ được đón nhận hơn.

Một tham dự viên đã kể lại câu chuyện của anh như sau: Anh ta có hẹn với người vợ cũ đến đón đứa con trai 5 tuổi để về dự đám giỗ của ông cụ thân sinh. Khi đến nơi anh rất đỗi ngạc nhiên vì thấy đứa con đầu tóc nhuộm vàng khè. Trong cơn giận dữ, anh ta nói, “Sao tóc tai nó vàng như vậy?”

Cô vợ nói, “Ừ thì có sao đâu! Anh nuôi nó ngày nào đâu mà thắc mắc vàng với đỏ.” Anh nói lúc đó cơn nóng đã lên tận cổ, nhưng nhớ bài học trong lớp, anh nói với cô ta, “Thôi, để nó ở nhà đi. Tuần sau anh đến đón nó cũng được”.

Tuần sau anh ta trở lại. Lần nầy cô vợ cũ mang đứa con ra với đầu tóc đã nhuộm đen như trước. Cô ta xin lỗi và nói cô rất cảm phục trước sự thay đổi của anh vì anh biết giữ bình thản, không phản ứng gấp rút trong khi nóng nảy.

Anh ta nói rằng, nếu trước kia sự việc xảy ra như thế thì anh đã cho bùng nổ, hoặc là dùng tay chân dù phải vào tù, hoặc ít nữa thì cũng chưởi thề cho đã giận.

Anh đã lấy giờ tạm nghỉ và trên đường lái xe đi anh tự tranh luận với chính mình. Thực sự anh có chăm lo gì cho con đâu nên cô vợ cũ có nói thì cũng không ngoa. Và khi đặt chính mình vào địa vị của cô ấy, anh thấy cô cũng có lý, vì thế anh có lòng thông cảm. Anh định khi trở lại sẽ nói chuyện với cô cũng như đề nghị các giải pháp để không tái diễn trường hợp tương tự.

Nhưng mọi chuyện xảy ra êm đẹp hơn là anh tưởng. Anh được sự kính phục của nàng.-

Trần Hiếu

Đọc nhiều nhất Bản in 22.03.2009. 13:28