Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Dâu Trăm Họ!!!

§ Lm Anmai, DCCT

Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu ! Câu nói để đời của ông bà ta để nói về thân phận của người con gái. Con gái lớn lên phải lập gia đình. May mắn thì được một tấm chồng đàng hoàng tử tế, chẳng may thì lại gặp đấng lang quân sáng xỉn chiều say ! Bên cạnh đức ông chồng do ông tơ bà nguyệt se định thì còn đó cả gia đình chồng. Cái chướng lớn nhất bên gia đình chồng có lẽ là bà mẹ chồng để rồi người ta có quá nhiều truyền thuyết chẳng mấy hay ho gì về cái chuyện mẹ chồng - nàng dâu.

Nếu may thì được bà mẹ chồng diệu hiền đằm thắm, còn ngược lại thì vì chữ tình với chồng nên cắn răng cho tròn chữ hiếu !

Ai đã kinh qua bà mẹ chồng cay nghiệt sẽ hiểu được phận làm dâu của người phụ nữ.

Để nói lên sức chịu dựng, lòng kiên vững của người phụ nữ người ta vẫn thường nói đến phận làm dâu.

Trong xã hội, có nhiều công việc phải đối diện với nhiều người nên rồi người ta ví cái nghề này nghề kia khó vì lẽ phải “làm dâu trăm họ”. Từ “làm dâu trăm họ” như muốn nói lên sự vất vả của những ai phải sống, phải tiếp xúc với rất nhiều người.

Cái “phận làm dâu trăm họ” mà bấy lâu người ta vẫn dùng cho người này người kia tuỳ công việc của họ hôm nay tôi lại nghĩ đến phận của người linh mục. Trước đây tôi cũng nghe loáng thoáng người ta nói về phận “làm dâu trăm họ” của người linh mục nhưng nay tôi được chứng kiến tận mắt, nghe tận tai.

Một buổi chiều nọ, đang ngồi ở hành lang “nhà xứ” (đóng mở ngoặc kép vì “nhà xứ” ở cái vùng truyền giáo nghèo này rất đặc biệt, chẳng nơi nào có được !!!) nói chuyện chơi với giáo dân trước Thánh Lễ. Đang nói chuyện, đến giờ đọc kinh, tôi đi kéo chuông. Kéo chuông xong tôi lại ngồi nói chuyện vu vơ với giáo dân. Ở cái vùng truyền giáo nghèo này có cái “truyền thống” là trước khi đi đọc kinh vào Thánh Lễ thì bà con túm lại với nhau kể chuyện con còng, con cua, con nha … Những câu chuyện ấy như là nỗi lòng của những người dân nghèo chia sẻ cuộc sống với nhau.

Thấy “ông cha” đang ngồi nói chuyện rồi phải đi kéo chuông thì cụ già ngồi cạnh tôi nhớ đến chàng thanh niên nào đó trong giáo điểm và nói :

- “Cái thằng X kia cũng lạ ! Thời Cha kia thì ngày nào nó cũng đến nhà thờ kéo chuông, phụ cái này cái kia với cha. Giờ chẳng thấy nó đâu !

Bà cụ nói :

- “Hình như lễ Chúa nhựt tui cũng hổng thấy nó :

Ông cụ nói :

- “Có, thi thoảng thấy nó !”

Cụ bà bức xúc nói :

- “Cái thằng gì kỳ, cha nào đến đây cũng là cha chứ sao nó kỳ vậy. Tui là cha nào tui cũng đi nhà thờ hết chứ tui hổng có phân biệt cha nào hết !”.

Ông cụ tức tối “trả đũa” :

- Bà mới kỳ ! Thì người ta thích ông cha kia người ta đi nhà thờ ! Còn ông cha này đến người ta hổng thích người ta hổng đi ! Tui cũng dzậy !

Tưởng cụ già nghĩ sao chứ cụ già nghĩ vậy cũng kẹt cho tôi. Tôi về đây mới được mấy tháng, may mà cụ còn đi lễ chứ hông biết bữa nào cụ chán tôi cụ hông đi lễ Chúa trách tôi chết ! Hoá ra là anh chàng thanh niên kia và cụ già này đi lễ vì ông cha chứ hông phải là vì Chúa ! Tôi trộm nghĩ chắc là cha của tôi hiện tại làm gì cho anh không vui nên anh không lui tới như cha tiền nhiệm.

Lễ xong, về phòng cũng nghĩ ngợi lắm ! Không biết mình phải sống làm sao để cho giáo dân siêng năng đi đọc kinh xem lễ ?

Cũng khó đấy chứ ! Mỗi một người một phong cách, một dáng vẻ, một suy tư, một cách làm việc. Chẳng ai giống ai trên cái cõi đời này như hàng ngũ linh mục chúng tôi vậy. Chúa ban cho mỗi linh mục một đặc sủng, một nét riêng chứ làm sao mà có một mẫu số chung được : người thì bề ngoài đạo mạo uy nghi, người thì xuề xoà bình dị, người thì mặt tươi như hoa, người thì lại có vẻ như đang cau có chuyện gì … Vì thế, giáo dân phải đồng cảm, phải hiểu cho vị mục tử mà Chúa sai đến với họ chứ không thể nào trách khứ linh mục được.

Mỗi vùng có đặc điểm riêng của vùng đó.

Với cái vùng truyền giáo nghèo này thì tôi hiểu ngay lý do tại sao cái chàng thanh niên chiều nay được nhắc đến không còn đến nhà thờ như ngày xưa nữa. Chuyện là cha xứ tiền nhiệm, do cái tài xoay sở của Ngài, Ngài chia sẻ cho chàng thanh niên kia tấm lòng của Ngài nên chàng thanh niên hay lui tới. Còn cha Sở hiện tại do không có tương quan nhiều bằng cha kia nên không có điều kiện chia sẻ như trước nên anh chàng ấy vắng bóng ! Đó cũng là chuyện thường tình của những vùng mà đời sống vật chất khó khăn, cuộc sống phải đối diện với bữa no bữa đói.

Nhớ Cha Sở tiền nhiệm, nhìn cha Sở hiện tại, nghĩ đến thân phận của mình. Mình không tương quan nhiều, không quen biết nhiều, ắt hẳn sẽ không được như các bậc tiền bối. Nghĩ như vậy cũng buồn, cũng lo vì nếu cứ như thế này thì số người lui tới nhà thờ sẽ chẳng được là bao !

Lại trở về nét đặc trưng của mỗi người. Không có tương quan, không có nguồn chia sẻ thì dân sẽ bớt đến !

Ví như một ngày nào đó chỉ còn một mình dâng Lễ Misa mỗi ngày tôi vẫn dâng ! Vì lẽ, mình đến phục vụ ơn cứu độ chứ mình không đến để phục vụ đời sống kinh tế của giáo dân. Bao nhiêu uỷ ban xoá đói giảm nghèo, phòng ban kinh tế của Nhà Nước còn lo chưa xuể huống gì là linh mục !

Linh mục lo chuyện đời sống thiêng liêng, đời sống tâm linh chứ đời nào linh mục lại lo về đời sống kinh tế !

Cũng có lo nhưng chỉ lo cho những người đau ốm bệnh tật và học bỗng cho các em học sinh nghèo hiếu học chứ làm sao mà lo cho đời sống thường nhật cho giáo dân được. Bản thân là linh mục cũng phải đi xin mới có thuốc có men và có học bỗng để lo cho người nghèo chứ linh mục làm gì mà có tiền được ?

Và nếu như có thì lại sinh tội ! Có rồi lại chia, chia rồi lại thiếu hoặc sót vì có kẻ được người không, kẻ ít người nhiều. Đôi khi cho rồi lại phát sinh ra nhiều vấn đề tệ hại hơn là không cho.

Khả năng Chúa ban cho mình sao thì mình chỉ biết sống như vậy thôi chứ làm sao mà có thể đáp ứng được nhu cầu của 600 con người đa phần là hộ nghèo, hộ khổ của xã vùng ven biển. Khả năng Chúa ban có thế thì mình sống thế chứ làm sao mà đòi hỏi là một đại gia để đi phân phát lúa gạo cho người nghèo được. Không khéo truyền giáo như thế sẽ biến Đạo Công giáo thành Đạo Gạo như một thời người ta đã nói là “theo đạo Ông Diệm” vì “theo Đạo mới có gạo mà ăn” ! Con dao hai lưỡi của những vùng truyền giáo nghèo !

Ví dụ nho nhỏ, trong các bài chia sẻ trong Thánh Lễ. Người thì được ơn ăn nói, người thì trình bày dài dòng chút tuỳ theo khả năng của mình. Thế nhưng, bên dưới cái tài ăn nói, cái cách trình bày thì điều duy nhất mà các linh mục nhắm đến đều là giảng giải Lời Chúa, đưa ra bài học Luân Lý và bài học thiết thực trong đời sống. Thế nên, không phải vì cha này giảng ngắn giảng dài mà ta không dự lễ nhà thờ đó được. Chẳng lẽ nhà thờ này cha này dâng lễ mới thành còn cha kia dâng lễ không thành sao ???

Giáo dân phải nghĩ, phải nhìn đến khả năng, ơn riêng mà Chúa ban cho mỗi linh mục để rồi giáo dân cùng với linh mục nâng đỡ nhau sống đời sống đạo thật tốt chứ không nên có cái nhìn như anh chàng thanh niên và ông cụ nọ.

Nói thế thôi chứ trong giáo xứ, giáo điểm có và có rất nhiều tâm trạng như anh chàng thanh niên và ông cụ mà chiều hôm nay tôi tiếp xúc. Và như thế, linh mục giúp xứ bỗng nhiên trở thành “nàng dâu trăm họ” của giáo điểm hay giáo xứ.

Vẫn mang trong mình thân phận của một con người đầy khiếm khuyết, đầy giới hạn chứ làm sao một sớm một chiều thành thánh như một số suy nghĩ nông cạn. Cũng là con người trong hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, trong hành trình tu chỉnh bản thân để theo Chúa chứ có phải là người hoàn hảo đâu ?

Giáo điểm này, giáo xứ kia vẫn có những con chiên muốn vị mục tử, vị chủ chăn mình phải hợp nhãn giới với mình hay nói đúng hơn là mục tử đúng nghĩa của họ là mục tử phải làm theo ý họ, chiều theo sự điều khiển của họ.

Khổ lắm thay cho thân phận linh mục : phận “làm dâu trăm họ” !

Đôi lúc cũng nản lòng, đôi lúc cũng muốn buông xuôi nhưng Thầy Chí Thánh của mình đã từng nói : “Ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được cứu !”. Tin vào lời Thầy Chí Thánh các linh mục, các đấng bậc “làm dâu trăm họ” cứ phải cố gắng từng ngày từng ngày cùng Thầy của mình leo lên đỉnh đồi Sọ.

Khi nào vượt qua thập giá mới được vào Vinh Quang, cũng là lời của Thầy Chí Thánh xưa.

Thuở sinh thời, Thầy Chí Thánh cũng sống trong cảnh làm “dâu trăm họ” chứ có hơn gì các linh mục ngày nay đâu. Cho họ ăn, chữa lành bệnh tật, trừ quỷ thì họ tung hô tán thưởng, còn khi không làm theo ý dân thì bị vùi xuống bùn đen, đánh đập và cuối cùng là chết treo trên thập tự.

Phận “làm dâu trăm họ” muốn vào Vinh Quang với Thầy Chí Thánh cũng phải đi qua con đường của phỉ báng, chà đạp và kết án như Thầy mình ngày xưa thôi !

Lm Anmai, DCCT

Đọc nhiều nhất Bản in 17.02.2009. 02:10