Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cổ Võ Sự Tự Lập (3)

§ Lm Lê Văn Quảng

Kim Trang, một cô bé tham dự hướng đạo sinh muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn với một bác sĩ thú y:

“Mẹ ơi, mẹ mời bác sĩ cho con.”

“Con ơi, sao lại là mẹ phải mời?”

“Con không biết nói gì?”

“Con muốn gì từ bác sĩ?”

“Con muốn nói với bác sĩ về sức khỏe của con ngựa cho đề tài của con.”

“Tốt, con hãy nói như thế.”

“Nhưng con không biết phải làm cách nào?” Cô bé khóc trong sự chán nản.

“Mẹ nghĩ con có thể nghĩ ra cho chính con.”

“Mẹ ơi, mẹ mời bác sĩ cho con đi!” Cô bé nài nĩ.

“Nhưng mẹ không muốn biết về sức khỏe của con ngựa. Đó không phải là công tác của mẹ. Con có thể làm điều đó. Hãy thử đi.”

Cô bé quay đi trong sự chán nản và từ chối gọi điện thoại. Bà mẹ cũng chẳng làm gì cả. Vào buổi họp mặt hướng đạo kế tiếp, trưởng ấu hỏi cô bé kết quả của cuộc phỏng vấn đó thế nào. Cô bé xấu hổ nhận rằng cô đã không gọi điện thoại.

“Tại sao bé không làm vào tuần tới bé ơi? Đó là điều mà bé phải làm để hoàn thành công tác của bé!”

Chiều hôm đó, cô bé lại xin mẹ gọi điện thoại cho cô bé, và bà mẹ lại từ chối.

“Nhưng con không biết số điện thoại.”

Bà mẹ đưa cho cô bé cuốn cẩm nang điện thoại với cái cười yêu thương.

“Cưng ơi, con có thể tìm được.”

Cô bé mất thời gian lâu mới tìm được số, đoạn đứng một hồi lâu nhìn số điện thoại. Trong khi nó lấy can đảm và bắt đầu gọi, bà mẹ rời khỏi phòng. Một lúc sau, cô bé chạy đến với nét mặt phấn khởi:

“Mẹ ơi, bác sĩ rất là tử tế. Bác sĩ nói cho con nhiều lắm. Và bây giờ con có thể làm xong công tác của con.”

Cái cười của bà mẹ diễn tả niềm thỏa mãn của bà:

“Mẹ rất vui thấy con tự làm điều đó cho chính con.” Và bà mẹ đã ôm lấy cô bé.

Bà mẹ nhận thức được cảm giác sợ hãi của cô bé khi đối diện với một người không quen biết, làm một yêu sách với một người lạ, và đối phó với một tình trạng hoàn toàn mới mẻ. Động lực đầu tiên của bà mẹ là muốn làm giúp cho cô bé, nhưng cách nhanh chóng bà nhận thức được nhu cầu cần lớn lên của đứa con bà và lợi dụng cơ hội nầy để làm cho cô bé biết giải quyết vấn đề riêng của nó. Bà biết rằng động lực muốn làm xong công việc và muốn được phần thưởng của Hội Hướng Đạo sẽ giúp cô bé hoàn thành. Bà cũng tin tưởng vào khả năng của cô bé và bà muốn tránh ép buộc cô bé hành động. Bà lùi bước để nhường chỗ cho cô bé phát triển. Bà từ chối làm thay cho đứa trẻ điều mà nó có thể làm cho nó. Điều cô bé đạt được là sự tự lập đang triển nở của cô bé, và điều mà bà mẹ được chính là sự thỏa mãn với sự khích động hiệu quả của bà.

Đây là tình trạng tế nhị cần đến sự nhạy cảm của một bà mẹ. Chúng ta phải để ý không nên hỏi quá nhiều, nhưng trái lại chúng ta phải có khả năng nhận ra được khả năng của đứa trẻ. Bà mẹ cung cấp cho cô bé thêm sự can đảm bằng cách vững tin rằng cô bé có thể làm được. Khi cô bé bắt đầu gọi điện thoại, bà mẹ bỏ đi ra để cô bé không phải sợ về sự phán xét của bà cũng như cách thức mà nó xếp đặt, và để nó hoàn toàn tự do hướng dẫn cuộc đối thoại theo cách riêng nó.

Không có cha mẹ nào muốn làm cho con mình thiếu tự tin. Vì thế, chúng ta phải ý thức về những nguy hiểm của việc bảo vệ quá đáng và cũng phải để ý đến những cơ hội để khuyến khích sự tự lập.

Mọi bà mẹ đều ghi nhớ sự hồi hộp đi kèm với những bước chập chững đầu tiên của đứa con mình. Nhiều đoạn phim hoặc nhiều bức hình gia đình đã ghi lại những biến cố hồi hộp ấy. Những cơ hội mang lại cảm giác tự hào hồi hộp đó có thể nói là quá nhiều trong suốt thời gian tuổi thơ nếu cha mẹ để ý đến những giai đoạn khác nhau của sự phát triển. Tiến trình dẫn đến những bước chập chững đầu tiên của đứa trẻ cần được lập đi lập lại trong tất cả những bộ mặt khác của sự lớn lên của đứa trẻ. Bà mẹ lùi bước, cách xa đứa trẻ, và đưa tay ra – ngoài tầm tay của đứa trẻ. Bà chỉ khuyến khích nó. Bà nên cho nó khoảng trống để cử động và một sự độc lập, không lệ thuộc vào sự giúp đỡ của bà. Nó cố gắng thử. Khi nó thành công trong việc vói tới bà mẹ, nó được tán thưởng như một chiến thắng và bà mẹ sung sướng cách hồi hộp với sự hoàn thành của nó. Vì thế, trong mọi lãnh vực chúng ta phải lùi bước để đứa trẻ có khoảng trống để tiến tới và chúng ta hãy cho nó một sự khích lệ.

Lm Lê Văn Quảng

Đọc nhiều nhất Bản in 03.07.2008. 16:23