Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Cổ Võ Sự Tự Lập (1)

§ Lm Lê Văn Quảng

Người Việt chúng ta có câu “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Các bà mẹ Việt Nam quá cưng con cháu mình. Các bà hay chìu theo ý con cháu, làm hết mọi sự cho chúng, để rồi khi lớn lên, chúng hoàn toàn hư thân, không biết làm một chuyện gì nên thân. Hãy nhớ rằng: “Đừng bao giờ làm cho một đứa trẻ điều mà tự nó có thể làm cho nó!” Phương châm nầy rất là quan trọng đến nỗi nó cần được lập đi lập lại nhiều lần.

Cô bé Mỹ Lệ 5 tuổi là niềm tự hào của mẹ nó. Cô bé xinh đẹp tuyệt vời và mẹ nó cho nó ăn mặïc rất xinh xắn. Mỗi ngày bà tắm rửa, mặc quần áo, cột giày, chải tóc, và cột tóc cho nó. Cô bé trông như một con búp bê, xinh đẹp, nhí nhảnh, dễ thương, và hồn nhiên. Cô bé không biết cài nút, chưa biết mang tất, mặc áo chưa biết phía nào là trước phía nào là sau, cũng như chưa biết chiếc giày nào là bên chân mặt, chiếc giày nào là phía chân trái.

Một đêm kia, trong cuộc họp nhóm của các bà mẹ, có người nêu lên điểm nầy: “Chúng ta không nên làm cho đứa trẻ điều mà tự nó có thể làm được.” Nghe thế, mẹ của Mỹ Lệ xem ra khó chịu. “Tôi muốn làm mọi sự cho đứa con tôi. Tôi chỉ muốn lo lắng cho nó. Nó là vinh dự của tôi,” bà nghĩ thế.

Nếu bà mẹ của Mỹ Lệ nhận thức ra điều mà bà đang làm cho con bà, bà sẽ bị khủng hoảng. Thật vậy, tình yêu mà bà dành cho con bà là yêu mình. Bà thấy bà như một người mẹ mà đời sống bà hoàn toàn tận hiến cho sự lo lắng cho đứa con. Nhưng thật ra không phải thế, bé Mỹ Lệ đang được huấn luyện để trở thành một đứa bé vô dụng, lệ thuộc, thiếu tự tin, và vô tích sự. Cô bé có thể cảm thấy rằng nó chỉ có một chỗ đứng khi mình được chú ý và mọi sự được làm để phục vụ mình. Nên nó rất ít đóng góp bằng việc hành động. Tất cả đều do má nó cống hiến, và đó cũng là ý muốn của nó. Nó hoàn toàn thụ động.

Chỉ còn một năm nữa thì cô bé phải đi học. Bấy giờ mẹ nó không ở đó để làm mọi sự cho nó và cô bé sẽ phải chiến đấu. Sự can đảm có thể bị xóa mòn và sự vô dụng có thể sẽ tăng thêm. Bấy giờ cô bé sẽ phải đối đầu với sự khủng hoảng mà nó hoàn toàn không được chuẩn bị.

Khi chúng ta làm cho một đứa trẻ điều mà nó có thể làm cho nó, chúng ta tỏ cho nó thấy rằng chúng ta lớn hơn nó, như: tốt hơn, có khả năng hơn, khéo léo hơn, kinh nghiệm hơn, và quan trọng hơn. Chúng ta tiếp tục tỏ sự trổi vượt hơn của chúng ta và sự sút kém của nó. Bấy giờ chúng ta lại lấy làm ngạc nhiên tại sao nó cảm thấy bất tài và thiếu sót.

Làm cho một đứa trẻ điều mà nó có thể làm cho tự nó là cực kỳ thất sách vì tước đoạt nó khỏi cơ hội chứng tỏ khả năng của nó. Điều đó cho thấy sự thiếu tin tưởng của chúng ta vào khả năng, sự can đảm, và sự thích ứng của nó, lấy mất đi cái cảm giác “tự cảm thấy an toàn” được căn cứ trên sự nhận thức về khả năng riêng của nó để đối đầu và giải quyết những vấn đề rắc rối, và không cho nó quyền phát triển cái cảm giác “tự cảm thấy đủ”, để giữ mãi hình ảnh cũng như nhu cầu cần đến chúng ta. Như thế, chúng ta tỏ cho thấy một sự thiếu kính trọng đối với đứa trẻ như là một con người.

Bà mẹ, Bích Thủy 4 tuổi, và Bích Vân 3 tuổi, đang mặc những bộ đồ để ra chơi tuyết. Đây là một niềm vui thích cho các cô gái vì bà mẹ rất thích thú đắp những tượng bằng tuyết với các con bà. Bích Thủy mặc toàn bộ gồm cả đôi giày tuyết, không có vấn đề gì. Bích Vân kéo dài thời gian và tỏ vẻ không vừa lòng. Cô bé chỉ đứng nhìn bộ quần áo tuyết của cô, không cố gắng mặc vào. “Bích Vân, nào! Hãy mặc đồ đi.” Bà mẹ thúc đẩy trong khi buộc chặt đôi giày tuyết của bà. Bích Vân ngậm ngón tay trong miệng và không nhúc nhích. “Con ơi, tại sao lại cứ như vậy? Ngồi xuống và làm như mẹ đã dạy. “Con không thể,” cô bé khóc thút thít. “Con mặc đi. Thôi đến đây.” Bà mẹ không đủ kiên nhẫn nên mặc đồ cho cô bé trong khi Bích Thủy nhìn thấy tất cả một cách thõa lòng.

Cô bé Bích Vân là đứa bé đã học thấy rằng chính sự bất khả và vô tích sự mang lại sự chú ý và phục vụ của bà mẹ, và cái khả năng của chị nó thêm vào sự thất vọng của nó. Bích Thủy thích thú khi nhìn thấy cô bé vô dụng vì điều đó khiến nó giữ vị thế ưu tú của nó được an toàn. Bà mẹ trong sự mất nhẫn nại lại củng cố mục đích của cả hai. Bà mở lối cho sự lười biếng của cô bé bằng cách làm cho nó điều mà tự nó có thể làm. Cô bé sẽ không có cơ hội để phát triển sự tự lập bao lâu bà mẹ còn làm những điều như thế cho cô bé.

Cô bé Bích Vân cần nhiều khích lệ. Cô bé cần một quan niệm mới về chính nó và một phương pháp mới để tìm ra chỗ đứng cho nó. Sự phục vụ mà má nó dành cho nó thật sự không cần thiết. Có thể cần thời gian và sự kiên nhẫn để khuyến khích nó. Vì bà mẹ đã dạy cho nó cách mặc bộ quần áo tuyết nên bà có thể phớt lờ và coi như nó biết cách mặc. Bây giờ bà phải lùi bước để cho cô bé có chỗ tự lo cho nó. Có thể là khôn ngoan hơn nếu để cho nó có nhiều thời gian hơn để mặc quần áo của nó, bằng cách bảo nó hãy bắt đầu sớm hơn và hãy khích lệ nó một cách kiên nhẫn, không vội vàng. “Cưng ơi, con có thể làm được. Con là một đứa con gái đủ lớn rồi.” Khi cô bé bảo rằng “Không thể”, bà mẹ chỉ cần nhấn mạnh rằng “Con có thể làm được. Con cố gắng. Khi nào con làm xong, chạy ra đi với mẹ.” Có thể là cô bé sẽ đóng kịch. Cô có thể khóc cách thảm thương và không cố gắng thêm. Lần nầy, có thể cô bé không tham gia với mẹ và Bích Thủy. Bà mẹ phải tránh cảm giác thương hại là cái làm tăng thêm sự vô dụng của nó bằng cách trở vào để giúp nó mặc quần áo và mang nó ra để cùng tham dự với bà và Bích thủy. Khi cô bé cảm thấy rằng không có ai thương hại cho hoàn cảnh của nó, cô bé sẽ thay đổi đầu óc và sẽ quyết định giải quyết vấn đề cho chính mình.

Lm Lê Văn Quảng

Đọc nhiều nhất Bản in 04.06.2008. 15:10