Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Bất hiếu!!!

§ Lm Anmai, DCCT

Niềm hạnh phúc của cha và mẹ là có đứa con. Đứa con ấy trước hết là để nối dòng nối dõi và kế đến là để hủ hỉ khi tuổi đà xế bóng. Hạnh phúc ấy quá bình dị, quá nhỏ nhoi nhưng đôi khi lại là xa xỉ với một số gia đình cá biệt. Hạnh phúc ấy chưa kịp đến khi chưa kịp nhắm mắt xuôi tay mà phải đau đớn nhìn thấy con mình phản phúc, bất kính đối với mẹ cha.

Trong tuần đại phúc gần đây, rời khỏi mái nhà nhỏ vùng ven biển lòng tôi quặn đau với người mẹ đang đau đớn nhìn những đứa con bất hiếu. Sinh được 3 thì hạnh phúc được 1 với người con cả biết suy và biết nghĩ. Hai con còn lại là nỗi ám ảnh của chị mỗi tối đêm về. Đứa con gái chưa bước qua tuổi đôi mươi đã bồng ẵm trong tay đứa con nhỏ vắng bóng cha. Đứa con trai còn lại bỏ học dở dang thời Trung Học để ăn chơi lêu lổng theo chúng bạn. Nguồn tin như sét đánh vào tai chị khi thằng con yêu quý ấy đã trở thành con nghiện thứ thiệt. Chồng chị cao huyết áp, ra đi đột ngột để lại chị một nỗi lo vô bờ bến. Trong nước mắt nghẹn ngào, chị mong được “đi theo chồng” cho rảnh nợ nhưng làm sao thoát được nỗi đau đang dày xéo chị từng đêm.

Chẳng có cha mẹ nào mong con cái sẽ nuôi mình sau bao ngày dài nuôi dạy chúng. Chỉ mong chúng lớn khôn nên người là niềm mơ nỗi ước của bao bậc làm cha làm mẹ.

Về lại với xứ nghèo truyền giáo, đi thăm được vài gia đình, nỗi đau của những đứa con bất hiếu ấy lại ám ảnh trong tôi.

Cái luân thường, đạo lý của xứ nghèo ven biển nay bỗng dưng “ô nhiễm” bởi lối sống đô thị lúc nào mà người ta không hề hay biết. Chuyện là có một cô gái nghèo vùng biển, vì hoàn cảnh gia đình phải tìm kế sinh nhai. Sau khi tìm được một chân may trong xưởng nọ tưởng chừng cô mang lại niềm vui cho gia đình sau khi thoát khỏi cảnh nghèo đói bấp bênh nhưng quá đau xót khi cô chấp nhận ở với một anh thợ điện kia đã có đến 2 đời vợ ! Con gái mới lớn mà phải vá víu cuộc tình của mình vào những người như vậy ta cảm thấy chua xót là dường nào. Cha mẹ còn đâu mặt mũi để nhìn bà con chòm xóm !

Thăm gia đình nghèo ấy trở về căn phòng của cộng đoàn mà ánh mắt chua cay mặn đắng của hai vợ chồng có người con gái bất hiếu ấy cứ vờn mãi trong tôi. Tôi chẳng thể nào hiểu được suy nghĩ của cô thợ may ấy ! Giả như cô bỏ đi theo một người thanh niên chưa vợ quả là điều đáng trách cho phận người thiếu nữ nhưng đàng này lại quá bi đát khi anh chàng thợ điện kia đã 2 đời vợ trong cảnh dở dang.

Người ta vẫn thường nói với nhau: “bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn?”. Theo thiển nghĩ của mình, tôi vẫn nghiêng về phần hiếu kính hơn. Là người, chắc chẳng có ai từ lỗ nẻ mà lên cả. Dẫu biết rằng tình yêu đôi lứa là đẹp, là thơ là mộng thật đấy nhưng nếu không có cha có mẹ thì làm gì có ta để ta được hưởng cái tình yêu đôi lứa. Dẫu biết rằng cái quan niệm, cái lối nghĩ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” nay không còn nữa nhưng dẫu sao cái nhìn của cha mẹ vẫn sâu, vẫn rộng, vẫn cao hơn con cái.

Tưởng chừng thời nay không còn lối nghĩ, lối quan niệm xưa kia nữa nhưng vẫn còn đâu đó những gia đình mang đậm nét truyền thống cổ xưa để rồi con cái vẫn ngoan ngoãn thực thi quyết định của cha của mẹ. Xét về một khía cạnh nào đó nó cũng không hay vì cha mẹ xen vào quyết định của con cái nhưng nghĩ cho cùng có cha mẹ nào muốn con cái mình phải bất hạnh, phải chia ly đâu.

Tôi mãi miên man nỗi buồn của gia đình quê nghèo ấy. Giá như cô thợ may nhà quê ấy nghĩ lại một chút tình, một chút nghĩa, một chút ơn mà bao nhiêu năm qua cha mẹ cô đã đổ mồ hôi sôi con mắt để nuôi cô khôn lớn thì ắt hẳn cô đã không hành xử như vậy. Và nếu như cô đặt cô là người cha, người mẹ trong gia đình có đứa con gái như vậy thì cô nghĩ sao ? Cô có chấp nhận hành động của con cô hay không ?

Nuôi con khôn lớn, chẳng mong chúng đáp đền chi cả chỉ mong chúng thành người, ấy vậy mà … Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào trên cuộc đời này cả. Trượt chân, té xe vết thương sẽ bình phục sau vài tháng băng bó. Bất hiếu, bất kính đến độ bỏ nhà ra đi theo anh chàng thợ điện hai vợ kia có lẽ là vết thương đang ngày mỗi ngày xoáy vào tâm khảm của cha mẹ cô thợ may nghèo. Vết thương lòng mà cô gây ra cho cha mẹ làm sao mà có thể lành được như vết thương của một lần ngã té. Chúng cứ âm ĩ mãi khôn nguôi vì lẽ làm sao mà cha mẹ cô dám ngẩng mặt lên nhìn bà con chòm xóm.

Chẳng hiểu tại sao ngày hôm nay người ta lại quá đơn giản để mà đến với nhau như thế ? Và kết cục của những mối tình chóng vánh, những mối tình bồng bột đó thì ai ai cũng biết nhưng rồi vẫn có kẻ lao đầu vào.

Nhìn lại gia đình, quá đơn chiếc với ba chị em. Phần mình tạm gọi là “yên bề gia thất” trong bốn bức tường của tu viện nhưng thi thoảng nhìn về anh chị và 4 đứa cháu nhỏ trong lòng nó nao nao núng núng làm sao đó. Chỉ biết thi thoảng nhắc nhở các cháu chịu khó ăn học và thêm lời cầu nguyện cho chúng mà thôi chứ biết làm chi bây giờ khi chọn con đường dâng hiến. Lo lắm khi chúng đang tuổi khôn tuổi lớn bước vào đời. Sợ lắm khi chúng vào đời với bước chân khập khiễng.

Chợt nhớ về bài hát báo hiếu cha mẹ quen thuộc được một em nhỏ ngân nga: “Cảm tạ Chúa đã ban cho con ngàn ngày vui một mái gia đình, cho con an bình nhờ tay cha mẹ. Ngọt ngào dòng sữa thơm từ vành môi, ngọt ngào từng bữa cơm lành tràn môi nước mắt mồ hôi những ngày tháng trôi. Xin cho những ai còn cha mẹ được vẹn tròn nghĩa hiếu tình son. Nguyện cầu Chúa xuống ơn cho mẹ cha, Chúa theo đường xa, giúp cho mẹ cha trung kiên niềm tin thiết tha. Nguyện cầu Chúa, dẫn đưa con thơ, dạy lòng con đền đáp ân tình, yêu thương gia đình và thương cha mẹ. Vì đời này có bao ngày dần qua một ngày nào đó không còn mẹ cha có nhớ tình sâu nghĩa hiếu tình son. Xin cho những ai còn cha mẹ được vẹn tròn nghĩa hiếu tình son.

Chữ hiếu xem ra vậy mà khó. Chỉ cần ta làm điều gì đó trái ý cha mẹ cũng đủ làm cho cha mẹ muộn phiền huống hồ chi bỏ nhà ra đi theo anh chàng thợ điện mang tên họ Sở.

Chiều về trong căn phòng nguyện nho nhỏ của cộng đoàn trong vùng truyền giáo nghèo, tôi thầm xin Chúa cho những ai còn cha còn mẹ sống sao cho trọn vẹn nghĩa hiếu tình son chứ đừng bất hiếu như ai đó đã từng bất hiếu. Cuộc đời này, làm gì thì làm chứ bất hiếu thì chẳng bao giờ bình an và thành công được.

Lm Anmai, DCCT

Đọc nhiều nhất Bản in 08.12.2008. 23:26