Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Vài cảm nghĩ nhân Lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15.8.2009

§ Peter Phùng

Năm 1950 ĐGH Piô XII chính thức tuyên phán một tín điều mới là Đức Mẹ đã hồn xác lên trời. Ngài dựa vào Truyền thống Công giáo, là nguyên tắc nói rằng bao giờ toàn thể Giáo hội tin điều gì trong một thời gian lâu thì đó là một điều Thiên chúa mặc khải. Sử sách cho biết trước thế kỷ V dân trong Giáo hội Chính thống đã hằng năm mừng lễ Lên trời và từ trước thế kỷ VII Giáo hội Rôma cũng mừng lễ ấy hằng năm. Và như mọi người biết Đức Mẹ đã từ trời hiện xuống ở Lourdes nhiều lần từ ngày 11 tháng II đến ngày 16 tháng VII năm 1858; và ở Fatima nhiều lần từ ngày 13 tháng V đến ngày 13 tháng X năm 1917. Mới hơn nữa ngài hiện xuống nhiều lần ở Âu châu và Á châu. Tất cả để ban ơn,dẫn dắt, nâng niu, bảo vệ đàn con ở dương thế.

Ở La vang thuộc địa phận Huế Mẹ cứu nguy những dân quê vào rừng núi làm ăn. Ở Bảo nham thuộc địa phận Vinh Mẹ ra tay cứu thoát đàn con khỏi cơn bách hại của Văn thân. Đó là một phe thầy đồ, rất ghét “Gia tô” giáo, sai người đi các nơi, đốt phá, đánh đập, chém giết. Một hôm quân địch kéo đến vùng Bảo nham, dân chúng chạy tán loạn. Một nhóm ẩn núp trong hang đá, quân địch đến gần đó mà không biết. Về sau một người nói lúc ấy ông nhìn từ xa thấy một bà mặc áo khác lạ đứng ngay trên đỉnh hang đá. Khi giặc Văn thân bắt đầu nổi lên, cố Thông là linh mục thừa sai Pháp đang làm quản hạt Bảo nham. Ông thề nguyền với Đức Mẹ bao giờ thoát khỏi nạn Văn thân thì sẽ xây nhà thờ mới để tạ ơn Mẹ. Về sau ông giữ lời hứa, xây một nhà thờ toàn bằng đá. Đó là nhà thờ đá Bảo nham như người ta thấy ngày nay.

MeLenTroi.jpg

Hằng năm lễ Đức mẹ Hồn xác Lên trời là ngày trọng đại khắp các địa phận Việt nam. Nhưng giáo phận Vinh có thêm một lý do khác, ngày ấy cũng là ngày lễ Quan thầy địa phận. ĐGM Cao đình Thuyên mới ở Mỹ về cử hành Thánh lễ giữa một biển người phủ kín cả một công viên rộng lớn, còn tràn ra các nẻo đường ở ngoài. Các đoàn thể người Vinh ở hải ngoại cũng hướng về địa phận, cũng rầm rộ mừng lễ Quan thầy. Riêng ở San Jose bắc Cali họ chuẩn bị mọi việc từ trước lâu.

Hôm Chủ nhật 16 tháng 8 họ mừng lễ Quan thầy bằng một cuộc liên hoan ở công viên. Sau đó họ kéo đến nhà thờ. Đặc biệt có Thánh lễ đại trào với mười linh mục đồng tế, đa số là linh mục gốc Vinh. Cũng đặc biệt là có một ca đoàn hảo hạng.

Hai chục tiếng hát của hai chục em đúc lại như tiếng của một cá nhân; mỗi chữ (vần) được phát âm chính xác, rõ ràng riêng biệt, không dính vào âm trước hay âm sau. Mỗi chữ mỗi câu phát ra từ môi miệng đều nhắm đến Chúa và Mẹ. Nhạc khí êm đềm lẫn vào tiếng hát, không bì bọp bập bùng như trong nhà thờ Mỹ, vì lời cầu nguyện phải phát ra từ phổi từ tim của con người, đồ sắt đồ đồng không thể cầu nguyện được.

Người ta thường nói hát là cầu nguyện hai lần. Nói đúng hơn, hát là cầu nguyện hai phía. Một là tung hô thưa thốt với Chúa và Mẹ bằng những lời mỹ hảo chân thành thống thiết từ đáy lòng mình. Hai là tiếng hát có thể rung động tâm hồn của người nghe, để cảm hứng và hướng về Chúa và Mẹ như mình. Một trường hợp tương tự là hai dây đàn cùng một tần số như nhau, ở gần nhau nhưng hoàn toàn cách biệt; khi đánh một dây thì dây kia cũng phát âm theo tần số chung. Đó là hiện tượng mà khoa học gọi là tương cảm.

Đặc tính của Việt ngữ càng thuận cho việc cầu nguyện hai phía. Câu văn của ngôn ngữ khác có từ (word), mỗi từ gồm một hay nhiều vần (syllable). Các vần phải dính liền với nhau mới làm thành từ. Trái lại trong Việt ngữ mỗi từ có một hay nhiều tự (nên phân biệt tự điển và từ điển). Về âm thanh các tự chia thành hai loại: bằng và trắc. Bằng có hai giọng: bằng thượng và bằng hạ, chẳng hạn như ban và bàn. Trắc có bốn giọng: sắc, ngã, hỏi, nặng. Sự phân bố vị trí các giọng trong câu văn làm thành nhạc tính của Việt ngữ khi đọc lên. Cuối năm 1975 tôi tham dự một buổi đọc kinh với người Mỹ. Có một bà nói rằng bà đã được nghe người Việt cầu nguyện trong nhà thờ, hóa ra người Việt không đọc kinh, họ ngâm kinh (they dont say prayers, they chant prayers).

Việt ngữ chỉ đọc lên đã có nhạc tính như thế, phương chi khi được phổ nhạc như các bài hát hôm ấy thì càng nảy sinh tương cảm, càng tác động mạnh trên đám đông trong nhà thờ. Như vậy ngày lễ Quan thầy không những ca đoàn mà tất cả mọi người ca ngợi và dâng lời cầu xin Mẹ.

Hôm 15 và 16 tháng 8, ĐGH mừng lễ Mẹ lên trời trong nhà thờ gần dinh thự Castel Gandolfo. Trong dịp nầy ngài nói “Đức Mẹ hồn xác lên trời là dấu hiệu hy vọng cho những ai đã được rửa tội và trung thành với Chúa Kitô”. Chúng ta cũng hy vọng khi đến kiếp sau chúng ta sẽ được hồn và xác theo gót chân của Mẹ mà về trời với Mẹ.

Peter Phùng

Đọc nhiều nhất Bản in 23.08.2009. 01:44