Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo

§ Lm Minh Vận, CMC

Ngày Thánh Mẫu XXXI

Từ khi Mẹ Maria thưa lời "Xin Vâng" trong Ngày Truyền Tin, chấp nhận làm Mẹ sinh Chúa Cứu Thế, Mẹ đã trở thành một người Mẹ đau khổ nhất trần gian, vì Mẹ đã tường hiểu sứ mạng cứu thế của Con Mẹ qua các lời tiên báo trong Thánh Kinh tự ngàn xưa. Chúa Giêsu Con của Mẹ sẽ là người tôi tớ thống khổ của Đức Giavê như ngôn sứ Isaia đã tiên báo: "Người đã gánh lấy nỗi thống khổ của chúng ta, mà chúng ta lại tưởng Người như bị phong cùi, bị Thiên Chúa đánh đập hất hủi. Nhưng chính vì gian ác của chúng ta mà Người bị thương tích, vì tội lỗi của chúng ta mà Người bị bạc đãi; trừng phạt đổ trên Người cho chúng ta được an bình, nhờ bửu huyết của Người đổ ra mà chúng ta được chữa lành" (Is 53:4-5).

117-martyrs-vn3.jpg

Vừa khi sinh Chúa nơi hang lừa máng cỏ nghèo nàn hôi tanh, Mẹ đã phải tất tưởi cùng với Thánh Giuse ẵm Con trốn sang Ai Cập giữa đêm khuya giá lạnh, lẩn trốn nay đây mai đó, tránh bạo vương Herođê lùng bắt để hạ sát Con Mẹ, rồi chẳng bao lâu, lại nhận được lệnh hồi hương, sống cuộc đời mai danh ẩn tích, lam lũ vất vả trong xưởng thợ mộc nghèo nàn tại Nazareth. Khi xuất thân rao giảng Tin Mừng, Chúa Kitô luôn bị các nhà chức trách trong đạo ngoài đời khinh dể, chống đối, bắt bẻ, hạch xách, cho là kẻ điên dại, người bị quỉ ám, là kẻ kiêu căng tự phụ, lộng ngôn phạm thượng, bị tố cáo là kẻ bất tuân phục lề luật, là kẻ phản loạn xúi giục dân chống lại chính quyền... Sau cùng, Chúa bị người ta kết án tử hình thập giá cách bất công, đúng như lời cụ già Simeon nói với Mẹ lúc dâng Chúa trong Đền Thánh Giêrusalem: "Đây Trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong dân Israel phải hư mất hay được cứu độ, lại nên bia cho người ta chống đối. Về phần Bà, một thanh gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà" (Lc 2:34-35).

Lời tiên báo của cụ già Simeon đã hoàn toàn ứng nghiệm, khi Mẹ can đảm đứng vững dưới chân thập giá Chúa Giêsu, như vị Thượng Tế hiến dâng Con Yêu Dấu lên Thiên Chúa Cha, để đền tạ phép công bình Thiên Chúa vì tội lỗi muôn dân. Mẹ đứng đó để lãnh một bản án tử đạo: Một người Mẹ phải chứng kiến một người con vô tội, là Con và Chúa của Mẹ bị thụ tạo kết án tử hình. Mẹ đứng đó để chịu một nỗi kinh hoàng trước tội ác, thụ tạo giết chết Đấng Tạo Hóa! Con người giết chết một Thiên Chúa! Ai suy thấu được những thống khổ Mẹ phải chịu, để hiệp thông với Chúa Giêsu Con Mẹ trong sứ mạng cứu thế của Người, như một Đấng Đồng Công Cứu Chuộc. Thánh Anphongsô và Bonaventura đã đồng thanh quả quyết: "Tại đồi Canvê khi đó chỉ có một bàn thờ duy nhất là Thánh Giá, Mẹ và Con cùng chịu sát tế, cùng một Lễ Vật Hy Sinh thượng tiến Thiên Chúa Cha. Vì tất cả những thống khổ Chúa chịu nơi thân xác, thì Mẹ phải lãnh chịu trong tâm hồn"

Lời "Xin Vâng" của Mẹ: "Này tôi là Nữ Tỳ của Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ Thần truyền" (Lc 1:38) đã hòa tan nên một với lời "Xin Vâng" của Chúa Cứu Thế: "Này Con xin đến để chu toàn thánh ý Cha" (Heb 10:7). Như Thánh Phaolô đã kết tóm Hy Lễ Cứu Độ đó trong Thư gửi Giáo Đoàn Do Thái: "Mặc dầu là Con Thiên Chúa, Ngài đã học tập vâng phục với những nỗi thống khổ Ngài phải chịu đựng; nên sau khi hoàn tất, Ngài đã trở nên căn nguyên Ơn Cứu Độ đời đời cho tất cả kẻ thuần phục Ngài" (Heb 5:8-9).

Mẹ Maria đã hiệp thông cộng khổ với Chúa Kitô Con Mẹ trong trót cuộc sống từ khi lãnh nhận thiên chức Mẹ Thiên Chúa cho tới khi hoàn tất Hy Lễ Thập Giá, để lập nên công nghiệp Ơn Cứu Chuộc cho toàn thể nhân loại qua mọi thời đại, Mẹ đã xứng đáng với danh hiệu là Đấng Đồng Công và như Đấng Trung Gian chuyển thông ơn thánh, như Hiền Mẫu của Giáo Hội là nhân loại mới đã được cứu chuộc bằng Giá Máu Chúa Giêsu Con Mẹ.

Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, cha ông chúng ta, đã được Mẹ Maria dạy cho biết đáp đền lòng yêu thương của Chúa, bằng đời sống chứng tá và lòng trung kiên trong Đức Tin, minh chứng lòng thuần phục thánh ý Chúa và hết lòng yêu mến Ngài. Chính lòng yêu mến và tin tưởng nơi Mẹ Maria được thể hiện qua việc siêng năng lần hạt Mân Côi tôn kính Mẹ hằng ngày, đã giúp các ngài hiểu biết sâu xa và khăng khít với các giáo huấn Chúa dạy, đến nỗi lướt thắng được tất cả những lời hứa hẹn đường mật, chức quyền danh vọng của cải trần gian, để can đảm hiến dâng mạng sống, làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.

Là hậu duệ của các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta được vinh dự và hãnh diện vì được thừa hưởng gia tài Đức Tin và lòng sùng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa của các bậc tiền nhân anh dũng, chúng ta cần phải sống thế nào cho xứng với danh nghĩa là con cháu của các Thánh, nhất là trong thời đại khó khăn hiện nay?

Em bé Trần Minh Sơn mới 7 tuổi, con ông bà Trần Văn Ngợi, thuộc cộng đoàn Toàn Mỹ ở Bridge City, tiểu bảng Louisiana, bỗng nhiên bị mất tích hôm thứ bảy ngày 3 tháng 3 năm 1979. Cả gia đình và cảnh sát an ninh nỗ lực tìm kiếm, dò hỏi nhiều người và các bạn đồng lớp với em qua suốt ngày thứ bảy và trọn ngày Chúa Nhật đều không tìm ra tông tích gì. Đang lúc gia đình buồn rầu và thất vọng, thì cảnh sát an ninh báo tin đã tìm thấy em Sơn, nhưng chỉ còn là một cái xác không hồn, nằm bên bìa rừng Bridge City, khu giáp bờ sông Mississipi, gần cây cầu Huey P. Long, cây cầu xe lửa dài nhất thế giới. Trên thân xác nhỏ bé của em vấy đầy máu với những dấu tích oan nghiệt của 20 nhát dao. Áo quần em mặc vẫn còn khô, chứng tỏ em bị giết trong nhà và xác bị quẳng bên bìa rừng sau những trận mưa lớn ngày thứ bảy.

Cuộc tìm kiếm sau đó đã khám phá ra thủ phạm. Đó là một chú bé người Mỹ da trắng mới 13 tuổi. Cảnh sát điều tra thì được chú cho biết, chú vẫn chơi thân với em Sơn. Hôm ấy chú bày trò chơi ân ái xác thịt trái tự nhiên với em Sơn, em Sơn không chịu, nên chú đã dùng sức bạo hành để cưỡng bách em. Em quyết liệt chống cự, nên chú bé đã nổi cơn điên, đâm em Sơn 13 nhát dao ở sau lưng. Thấy em Sơn chưa chết, chú lật ngược em Sơn lại và đâm thêm 7 nhát nữa vào ngực, vào tim, vào cổ cho tới khi chết.

Câu truyện em Sơn đã lọt tới tai nhiều người, khiến các giới hữu trách, Giáo Quyền cũng như Chính Quyền và mọi người, đều phải suy tư về hiện trạng bi thảm của nền giáo dục giới trẻ trong xã hội hôm nay. Đồng thời, chúng ta cũng rất được hãnh diện trước tấm gương cao cả của một em bé Việt Nam yêu quý của chúng ta. Không những em Sơn đã tỏ ra biết phân biệt đâu là điều thiện đâu là điều ác, mà còn biết chống cự lại điều ác cho đến chết.

Thái độ anh dũng của em Sơn, khiến cho mọi người chúng ta cảm phục em; đồng thời khen ngợi cha mẹ em đã khéo giáo dục, để em biết dùng lương tâm ngay chính bảo vệ những nguyên tắc luân lý Công Giáo; giữ được sự trong trắng tâm hồn của ơn thánh, xứng danh nghĩa là con cái Thiên Chúa. Chính Đức Tổng Giám Mục Philip M. Hannan, đã nói lên trong bức thư gửi cho gia đình em, đề ngày 6 tháng 3 năm 1979. Trong đó, ngài khen ngợi em Sơn, dù còn nhỏ đã biết gắn bó với các giáo lý Công Giáo (Xem Báo "Dân Chúa Mỹ Châu" bộ 3 số 27 tháng 4 năm 1979).

Kết Luận:

Em Trần Minh Sơn đã tỏ ra xứng đáng là con cháu của các Thánh Tử Việt Nam, cái chết oan nghiệt của em là một tấm gương anh dũng đáng mọi người chúng ta khâm phục, minh chứng cách hùng hồn lòng đạo của người Việt Nam. Còn chúng ta là những bậc phụ huynh, những bậc đàn anh, đàn chị trong các gia đình, là đồng bào cùng mang trong mình dòng máu anh dũng và thánh đức như em, chúng ta đã làm gì để bảo vệ Đức Tin Công Giáo, bảo vệ danh dự và những thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam chúng ta?

Lạy Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo Việt Nam, xưa Mẹ đã giúp cha ông chúng con trung thà nh trong ơn gọi làm con cái Chúa, can đảm lãnh nhận cái chết để làm chứng cho Chúa, xin Mẹ cũng giúp chúng con luôn kiên trì giữ vững niềm tin, bằng cuộc sống chứng tá cho Chúa giữa xã hội trụy lạc và nhiều thử thách này.

Lm Minh Vận, CMC

Tags · ·

Đọc nhiều nhất Bản in 11.08.2008. 11:29