Dân Chúa ? | Liên Lạc | [Valid RSS] RSS Feeds


Tháng 10/2020

Bài Mới

Sách Online

Mục Lục Sách »

pierre-julien_eymard_pk1.jpg
Người say yêu Thánh Thể
imitation3.jpg
Gương Chúa Giêsu
eucharist.jpg
Suy niệm trước Thánh Thể

Một Suy Tư Thần Học và Tu Đức về Ân Sủng

§ Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS

“Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô” (Rm 8:38)

Dẫn Nhập

Cộng Đoàn Kitô hữu tiên khởi đã cảm thức về ân sủng như là “hồng ân” bao la và nhưng không của Thiên Chúa; hồng ân đó chứa đựng tất cả mọi phúc lành khác và được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô (Rm 8:32). Vì Người là Thiên Chúa đã nhận lấy bản tính nhân loại và sống trọn kiếp người, nên con người được nâng cao, được kết hợp với bản tính Thiên Chúa, và nhờ đó được thánh hóa. Ân sủng dẫn đưa người tín hữu đến với Thiên Chúa như đến với tình yêu của một Người Cha, làm cho họ trở nên thụ tạo mới, trở thành con cái của Người và công dân Nước Trời (Rm 8:14-17). Do đó, sống trong ân sủng là sống trong mầu nhiệm Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với Cộng Đoàn các Ngôi Vị Thần Linh. Vì chính nơi Đức Giêsu Kitô, Đấng là “ân sủng và chân lý” (Ga 1:17) đã đến trong trần gian, nên con người được “tiền định” sinh ra trong một cuộc sống mới (Ga 3:3-4); đó là cuộc sống làm con cái Thiên Chúa nhờ bởi Thần Khí được ban tặng cho chúng ta (Rm 5:5). Quả thực, đời sống người Kitô hữu sinh ra từ dòng suối ân sủng là một đời sống theo Thần Khí, vì “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rm 8:14).

Trung thành với truyền thống suy tư đó một cách sáng tạo, chúng ta có thể triển khai, nói về ân sủng theo nhãn quan, cảnh giới thời đại, và cách thức cảm nhận trong cuộc đời của chúng ta. Và như thế, khi tiếp cận với mầu nhiệm ân sủng như một kinh nghiệm thiết thân nhất, chúng ta cố gắng thảo luận phần nào ý nghĩa của ân sủng: Thế nào là ân sủng và tác động dạt dào của ân sủng? Sau đó, chúng ta sẽ bày tỏ một vài suy nghĩ về ân sủng như là mối hiệp thông thân thuộc giữa Thiên Chúa với con người, trong đó ân sủng qui chiếu đến bản chất tự do và hoàn toàn nhưng không của một tình yêu vô điều kiện. Theo nghĩa này, ân sủng có liên hệ đến toàn thể hiện hữu nhân linh trong đời người, thế giới và lịch sử; ân sủng trở thành một biến cố “nhận biết” và là một “gặp gỡ” sống động, một ân tình. Chúng ta sẽ kết luận với một cảm nghiệm khi mở lòng đón nhận và chìm sâu vào ân sủng, vào nguồn tình yêu vĩnh hằng, nhờ đó chúng ta được biến đổi, có thể sống những khoảnh khắc siêu việt và yêu mến những gì là chân thật, cao quý và thiện hảo.

1. Sự tuần hoàn của dòng máu: Thiên Chúa như là Trái Tim

Là thực thể sống động trong thế giới, con người không ngủ yên với thân phận, vì năng lực tinh thần tự bên trong đã bao lần thúc giục chúng ta đặt vấn đề căn bản về cùng đích của mọi thực tại. Tại sao cứ phải tìm hiểu ý nghĩa cuộc đời một cách không cùng và tranh đấu hoài để vươn lên mãi, để càng ngày càng trở nên người nhiều hơn? Thế nhưng, có nhiều khi ý thức mình chỉ là những thực thể tương đối, chúng ta chờ đợi một sự hiệp thông vô điều kiện và cởi mở lòng ra với Đấng là Thực Thể Tuyệt Đối. Trong mọi sinh hoạt nhân linh, nỗi khát vọng sâu thẳm đó thuộc về cấu tố cơ bản của con người và nói lên ý nghĩa cao thượng về cuộc sống. Nhưng trong ánh sáng của niềm tin Kitô giáo, khát vọng đó khiến chúng ta là kẻ đi tìm chân tính và hạnh phúc trong Thiên Chúa, vì Người là “Khởi Đầu” và “Cùng Đích” của mọi thực thể. Điều này giải thích tại sao cuộc đời vẫn là câu hỏi của những câu hỏi, và chúng ta không bao giờ thỏa mãn với mọi thành quả và mọi thứ đạt được trên trần gian, cho dù dư đầy tiền của, tình cảm, công danh và lợi lộc. Tất cả những gì chúng ta “sở hữu” trong thời gian chỉ như thoáng mây trôi trong bầu trời của đời sống, chứ không thuộc về bản chất “hiện hữu”. Kinh nghiệm đó diễn tả cơn “đói khát” phổ quát của con người về ý nghĩa và mục đích của đời sống siêu vượt trên những thèm khát vật chất tức thời. Trong thân phận mong manh giới hạn, chúng ta không thể hoàn toàn “thoả mãn” với chính mình, cũng như tìm thấy sự “hoàn tất” cho chính đời mình. Chẳng có ai, chẳng có sự gì trên cuộc đời này có thể “giải quyết” thoả đáng mọi nhu cầu nhân linh, đồng thời là “tất cả” cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta luôn luôn đặt vấn đề, phản tỉnh trên mọi vấn đề và có một cảm thức trống vắng sâu lắng trong thâm tâm. Như từ trong “giấc mơ nguyên thuỷ” của con người, chúng ta cần đến một “lẽ sống” vô biên, qui chiếu về một cùng đích tối hậu.

Nếu đúng là cảnh tượng tâm hồn chứa đầy những nỗi băn khoăn về cội rễ, thì chính ở đây ân sủng khải mặc cho chúng ta biết con người là “hữu thể chưa trọn vẹn” hay “dở dang” bao lâu còn hành hương trên đường trần. Chúng ta vì thế sống trong sự cởi mở liên tục với Đấng Siêu Việt, Đấng được quan niệm như là “Quê Hương” và “Đất Hứa” của mọi thực tại.[1] Thánh Augustinô đã mô tả nỗi khát vọng tối hậu này một cách hiện thực và sâu sắc trong cuốn Tự Thú: “Tâm hồn con không hề an nghỉ và băn khoăn xao xuyến cho đến khi được nghỉ an trong Chúa.”[2] Như thế, con người tự thâm sâu vẫn luôn khát vọng hướng về Thiên Chúa, mang niềm mơ ước tìm kiếm và gặp gỡ Người như là cứu cánh của đời mình.

Sự khắc khoải mãnh liệt đó là tính nhân văn đặc thù của con người. Theo quan điểm của K. Rahner, vì tự căn bản là “siêu việt”, là sự mở rộng tới chân trời vô tận, nên con người muốn vượt qua chính mình và tất cả để hy vọng sống lấy tất cả. Chúng ta mong biết đường về cõi sống, cố tìm đến miền đất hứa của nguồn bình an tuyệt đối.[3] Bởi vì được dựng nên để sống cho yêu thương, chúng ta chẳng bao giờ có thể dập tắt được nỗi khát mong được hội ngộ và kết hiệp với Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch của mọi tình yêu và sự sống vốn bùng lên từ đáy sâu tâm hồn. Vì thế, ân sủng tiên vàn là kinh nghiệm sâu xa về một tình yêu dâng hiến, mở rộng, phát xuất từ Thiên Chúa, tác động bởi Thiên Chúa, qui hướng về Thiên Chúa. Chính do sự dâng hiến này mà ân sủng đi vào thế giới lịch sử, đưa lịch sử thế giới vào nhiệm cục cứu độ, mở lối đi qua những sa mạc cô đơn của cuộc đời, giải thoát, khẳng định những mong mỏi cơ bản và đích thực nhất của cõi lòng chúng ta.[4] Điều này cũng giống như sự tuần hoàn chuyển lưu của dòng máu để nuôi sống toàn thân, mà Thiên Chúa được ví như là một “Trái Tim” dạt dào ân sủng, đong đầy tình mến, không ngừng hoạt động trong mỗi tâm hồn, hiện diện trong toàn thể lịch sử của nhân loại cũng như của vũ trụ.

2. Ân sủng như là sự Hiệp Thông Sống Động của Tình Yêu

Khi yêu nhau tha thiết, con người tự nhiên muốn chia sẻ những gì chất chứa trong lòng với nhau. Tình yêu không bao giờ “chiếm giữ,” nhưng luôn luôn biết “cho đi và đón nhận”. Chúng ta khát khao gặp gỡ, tìm đến hiệp thông liên tục trên bình diện hiện hữu và trao ban cho nhau tất cả những gì mình có và mình là. Khởi đi từ kinh nghiệm nhân linh ấy, có thể nói, vì yếu tính của “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8) nên Người đến với chúng ta trong sáng kiến riêng biệt của Người như nguồn Tình Yêu sung mãn tuôn đổ vào lòng đời và chờ đợi tạo vật đáp ứng. Khái niệm ân sủng, theo lối suy nghĩ của E. Schillebeeckx, là “chủ yếu hướng đến lời mời gọi bước vào sự hiệp thông sống động và thân mật với Thiên Chúa”[5] Trong viễn tượng đó, ý nghĩa nền tảng của ân sủng biểu thị một lối sống, một lẽ sống hay một cách thức hiện hữu đặc biệt trong cấu trúc thông hiệp.

Chính nơi một tương giao chủ vị như thế mà con người có thể cảm nghiệm được ơn cứu độ, được thánh hóa trong niềm vui và chìm đắm vào nguồn phúc bất tận. Dĩ nhiên chúng ta chỉ có thể cảm nhận được ân sủng khi ân sủng đến với chúng ta từ Thiên Chúa nhờ Đức Kitô trong Thần Khí, và cũng nhờ Đức Kitô trong Thần Khí mà ân sủng dẫn đưa chúng ta đến với Thiên Chúa. Nói cách khác, nếu lịch sử ân sủng là một tình sử bao hàm những ân huệ tuyệt vời trong mọi hoạt động cứu độ và ban phát của Thiên Chúa Cha, là “Nguồn-Tình Yêu,” nơi Đức Kitô, là “Tình Yêu Tự-Hiến,” và trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, là “Tình Yêu Thông-Truyền,” thì ân sủng là một khả năng âu yếm kỳ diệu trong trái tim con người, thúc đẩy chúng ta vượt qua chính mình để hướng tới Thiên Chúa, thao thức liên kết bản thân và gắn bó với Người. Do đó, phát xuất từ Thiên Chúa là nguồn Tình Yêu, ân sủng không cằn khô (1 Cor 15:10), nhưng sống động phong nhiêu và là nguyên lý biến đổi về thân phận cũng như ý nghĩa làm người, khiến cho con người có thể cư ngụ trong chân trời thực sự siêu việt. Nếu tự do đáp trả những thôi thúc của ân sủng, chúng ta có thể trưởng thành trong đức tin, đức cậy, đức mến và trổ sinh những hoa trái thánh thiện cho cuộc đời (Col 1:10). Theo nghĩa này, có thể nói, được kêu gọi trong ân sủng (Gal 1:6), được tái tạo trong ân sủng (Rm 5: 2), và sinh họat chuyển động trong bầu trời ân sủng (Rm 5:21; 6:14), đời người Kitô hữu là một cuộc hành hương trong lòng mến, trong niềm “khát vọng một cuộc sống mai hậu đã được in sâu trong lòng người” (GS #18)[6].

Chính trong kinh nghiệm “tin, yêu, hy vọng” vượt trên những giới hạn của thế giới sự vật đó mà chúng ta có thể phát hiện sức sống thiêng liêng ngay trong tâm hồn hay giữa cuộc đời khi biết kín múc và ngụp lặn trong nguồn ân sủng. Dù làm người “bình thường” giữa muôn người trong thân phận “giới hạn”, nhưng mỗi người, như mỗi thực thể cá biệt trong thế giới, đều có tiềm năng “lạ thường” là mở lối cho tình yêu “vô điều kiện” của Thiên Chúa bước vào và chạm đến. Trong ý nghĩa này, ân sủng là nguồn hoạt động không hề cạn của một tình yêu không hề vơi, và chỉ có tình yêu tuyệt đối mới có thể biến đổi chúng ta thành những con người mới, những con người đã cùng chết với Đức Kitô và sống lại vinh hiển với Người. Chính Người đã đến như “hồng ân” tối cao và khởi đầu mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Người đã sống, đã chia sẻ trọn vẹn kiếp người, đã trải qua cuộc hành trình “tự hủy” (Phi 2:6) vì tình yêu cho thế giới của con người, để dẫn đưa con người của thế giới vào mối tương quan sống động, tín thác và hy vọng nơi Thiên Chúa.

Khi ân sủng “ở trong” chúng ta và chúng ta “ở trong” ân sủng như ở trong tình yêu thảo hiếu với Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tiếp hiện sự sống thần linh, mặc được những tâm tình từ bi nhân hậu của Đức Kitô (Ph 1:8; Phm 20), và lòng thương xót vô biên của Người (Col 3:12; Eph 4:32). Bởi thế, tùy theo cách thức cụ thể, thái độ đón nhận ơn cứu độ nơi chúng ta, mỗi cuộc đời đều mang dấu ấn thánh thiêng, mỗi con người đều có thể thăng hoa từ những sinh hoạt tự nhiên, “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới” (Cl 3:2) nhờ được dự phần vào sự phong nhiêu của ân sủng. Do đó, ân sủng tự bản chất là nguồn sức mạnh nâng đỡ, là động lực thúc đẩy chúng ta đổi mới cuộc sống, mở rộng đời người ra với những chiều kích khác. Ân sủng trở thành cơ may cho con người có thể thành đạt chính bản ngã như nhất của mình cùng với toàn thể tạo vật trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

3. Ân sủng được trao ban tự do và nhưng không

Vì ân sủng mang cấu trúc hiệp thông ân tình với Thiên Chúa, trong bản chất đích thực của Người là Tình-Yêu vô điều kiện, nên ân sủng được trao ban cho chúng ta như là tặng phẩm hoàn toàn tự do và nhưng không (gratia Dei gratuita).[7] Chiều kích nhưng không của ân sủng là khởi đầu sự tuyển chọn phát xuất từ lòng độ lượng của Thiên Chúa (Rm 11:5), đi trước mọi ưng thuận của con người (Rm 1:5; Gal 1:15), vì “Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước” khi chúng ta vào đời (1 Ga 4:19). Tình yêu đó dẫn đưa chúng ta vào nguồn mạch phong phú của ơn cứu độ (Gal 1:6; 2 Tim 1:9), thánh hiến chúng ta trong sự thật, để sự thật giải phóng chúng ta, đưa chúng ta đến với tự do làm con cái Thiên Chúa. Như thế, ân sủng là ân huệ nhưng không, chứ không phải là ân thưởng mà con người được thừa hưởng do công đức riêng của mình (Rm 4:4). Thiếu tự do thì ân sủng không còn là ân sủng (Rm 11:6), đức tin mất hết ý nghĩa, tình yêu biến thành chiếm hữu lợi lộc và hy vọng vào cứu cánh mai hậu chỉ là viễn ảnh hão huyền. “Quả vậy, chính do ân sủng và nhờ lòng tin mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa” (Eph 2:8). Từ chính cảm nghiệm sống của mình, chúng ta có thể ý thức được tự do để mở cửa lòng ra với ân sủng, hoặc chối từ ân sủng, chứ không thể đòi hỏi, khống chế, mua bán, mặc cả hay đổi chác ân sủng theo não trạng của nền kinh tế thị trường. Hiện hữu trong ân sủng không phải là hiện hữu “lập công” hay “phô diễn” thành tích, nhưng là hiện hữu “làm con” với tất cả yêu thương và ý thức tương thuộc: “những gì của Cha đều là của con” và “những gì của con đều phát xuất từ Cha” (Ga 17:10).

Nếu ân sủng được trao ban và đón nhận trong cách thức đó, ân sủng sẽ củng cố, tăng cường tự do và khơi dậy nguồn hứng thú say mê những điều thiện hảo, để chúng ta sống tự do trong quỹ đạo yêu thương, thoát khỏi những hạn chế, những biên giới của bản thân, tự do nhìn ngắm thế giới và mọi thực thể như là đối tượng được Thiên Chúa hằng quan tâm chiếu cố. Nói khác đi, vì hành vi yêu thương chính là hành vi tự do nhất, nên ân sủng hội tụ sự tự do chân chính bằng cách xua tan những lo sợ thầm kín, thôi thúc chúng ta (sum) vượt qua chính bản thân mình (sur-sum) để thực hiện lịch sử đời mình (esse) trong mối liên hệ thân tình mật thiết với Thiên Chúa và tha nhân (co-esse). Như thế, hiệp thông trong ân sủng biểu hiện lý do hiện hữu của toàn thể thụ tạo.[8] Nhờ ân sủng chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi và sự dữ để tái sinh vào cuộc sống mới trong tự do, khai mở, bao dung và công chính.

Hơn nữa, khi thực sự đảm nhận tinh thần tự do, đời sống thường của chúng ta là một dự án bao gồm những nỗ lực, những phấn đấu đan quyện với nhau. Con người, do đó, có khả năng phác họa nên cuộc đời mình trong ý lực sống tràn đầy sung mãn và trưởng thành khi dám chịu trách nhiệm về đời mình cũng như đời người. Với ân sủng như nguồn ơn trợ lực thiêng liêng của Thiên Chúa, chúng ta có thể sống trong tự do, và tự do cho phép chúng ta có cảm thức toàn vẹn về những sáng kiến, những khả năng và ước muốn khuôn đúc nên cách hiện diện, cách sống của người Kitô hữu hay hiện hữu Kitô.[9] Theo nhãn quan của nhà thần học Plaskow, chúng ta “cần một học thuyết ân sủng giải quyết cái tôi trong sự mất tự do, để rồi từ đó có thể soi sáng quá trình sống của cái tôi ấy được hình thành trong trách nhiệm với chính mình, tha nhân và Thiên Chúa.”[10] Trong sự hòa điệu đó, chức năng của ân sủng là bảo đảm tự do, phát hiện thực chất của tự do trong mối liên hệ, không phải là “chủ với tớ,” nhưng là “bạn hữu” thân tình với Thiên Chúa. Hay nói đúng hơn, tự do làm cho chúng ta có thể dấn thân hợp tác với Thiên Chúa, hiện hữu trước mặt Người như con cái trước mặt Cha mình (Rm 8:14-17; 1 Ga 3:1-2), nghĩa là được ơn tái sinh và tự do bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa trong tâm tình hiểu biết và mến yêu. Như sự chọn lựa cơ bản của Đức Giêsu: “Lương thực của tôi là thi hành ý muốn của Đấng đã sai tôi, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4:34).

Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa là Đấng duy nhất tốt lành đã tìm mọi lối đường để kết thân với con người và dư đầy ơn phúc để ban phát cho chúng ta. Người không phải là Đấng cạnh tranh chèn ép hay cản trở tự do của con người. Qua cách diễn tả của Kinh Thánh, chúng ta có thể hiểu được điều này, nhất là khi chiêm nghiệm trong ngữ cảnh tình yêu hơn là dựa vào những lý giải của ngôn ngữ triết học. Vì tôn trọng tự do và hiện hữu của con người, nên một cách nào đó Thiên Chúa đã muốn “tự giới hạn” quyền năng vô biên của Người, hay “thu mình lại” để làm cho chúng ta hiện hữu và trở thành người tự do (Lc 15:11-32). Là Thiên Chúa của Lời Hứa, Người tuyệt đối trung thành với con đường tình yêu dù con người có nhiều lần bội phản. Là Tình Yêu, Người luôn mời gọi và hy vọng “chờ mong” con người đáp ứng. Người khao khát chúng ta trước khi chúng ta khao khát Người, và chính sự khao khát của Người đã làm khơi dậy niềm khát khao bất tận nơi chúng ta. Là Đấng Công Chính, nhưng Từ Bi Nhân Hậu, Thiên Chúa đã chấp nhận sự “liều lĩnh” hay “may rủi” của tình yêu, nên Người không thi thố hay bảo vệ quyền uy bằng cung cách hành xử đi ngược lại mầu nhiệm tự do của con người. Tự do chính là danh xưng khác của một tình yêu chân thực và khiêm nhu. Tình yêu vô biên nhưng khiêm hạ ấy, không bị “không gian và thời gian” giới hạn, đã làm cho Thiên Chúa có thể chịu nhiều “đau khổ” từ nơi sâu thẳm của Người để thông ban chính mình cho tạo vật một cách “điên rồ” mà lý trí con người không thể thấu hiểu được (1 Cor 1:18-25). Thiên Chúa đã “hạ mình” xuống để nâng hiện hữu con người lên.

Trong Tân Ước, chúng ta cũng có thể chiêm ngắm thái độ tiêu biểu của Đức Maria vào ngày Truyền Tin để tìm thấy được sự hài hòa giữa ân sủng và tự do. Lời đáp trả “Fiat” của Người tuy đơn sơ, nhưng là một hành vi chủ vị, hàm chứa một quyết định lịch sử, thuận tình lắng nghe, sẵn sàng cộng tác với sáng kiến của Thiên Chúa, theo kế hoạch “lạ thường” của Thần Khí, với tất cả lòng thành và ý chí tự do (Lk 1:26-38). Đây là mầu nhiệm Thiên Chúa toàn năng, vô biên, thông biết mọi sự, nhưng cũng là Tình Yêu biết quan tâm, quan phòng, uyển chuyển và quán xuyến mọi sự trước những tình huống cũ thể của nhân loại. Ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa vì vậy không hề xóa bỏ hay đụng chạm đến tự do của tạo vật, nhưng tôn trọng chờ đợi một ngày nào đó trái tim của chúng ta hoàn toàn hướng về Người. Trong ý nghĩa đó, ân sủng là sự gặp gỡ của hai tự do: Thiên Chúa tự do yêu thương con người và con người được tự do đáp trả tình yêu Thiên Chúa. Như thế, nhờ kết hiệp với ân sủng Thiên Chúa mà cuộc đời con người được thành tựu sung mãn. Càng phối hợp với ân sủng một cách sáng tạo bao nhiêu, tự do và phẩm gía nhân loại của chúng ta càng được nâng cao, Thiên Chúa càng được tôn vinh. Và chính vì yêu thương con người trong tự do tuyệt đối như thế mà Thiên Chúa đã tạo dựng muôn loài, làm nên lịch sử cứu độ, hiện diện trong ân sủng thánh hoá, để dẫn đưa tất cả vào nguồn tình yêu thông hiệp với Người.

4. Ân sủng và chiều kích “vượt qua” trong đời người

Được sống trong bầu trời của ân sủng, chúng ta nghiệm thấy rằng mọi sự trong thế giới vô thường này, trong những vui buồn sướng khổ hay bất trắc của đời người đều có thể là cơ may hay yếu tố làm cho ân sủng tỏ lộ. Như mặt trăng, thực chất chỉ là một vệ tinh khô cằn, một khối đá khổng lồ tăm tối trong thinh không, nhưng nhờ tiếp thu và phản chiếu ánh sáng mặt trời, nên có thể xuất hiện như một vầng hào quang giữa muôn ngàn tinh tú khi màn đêm buông xuống. Chúng ta chỉ tìm được gía trị trọn vẹn và trở về với hiện hữu chân thực khi đối chiếu với cùng đích tối hậu là Thiên Chúa. Giá trị và vẻ đẹp đó chính là ánh sáng của ân sủng hiện lên trong đời chúng ta. Vì Thiên Chúa “là nền tảng và nội dung, là nguồn gốc của sự siêu việt nơi chúng ta”.[11] Quả thực, nhờ ân sủng con người tồn tại, không chỉ đơn thuần là hữu thể trong thời gian, trong thế giới, nhưng còn có ý thức “dự phóng”, triển nở và thể hiện chính mình như là hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei) khát vọng mở ra cho Thiên Chúa (capax Dei), để rồi cuối cùng đạt đến sự viên mãn cánh chung của con người (ultimus finis hominis) trong viễn cảnh lịch sử cứu độ.

Chúng ta một lần được sinh ra làm người, đón nhận hiện hữu như một quà tặng, nhưng bao lâu còn ở nơi trần gian, bấy lâu còn sống giữa trông chờ và hy vọng. Dù đã được giải thoát trong nguồn ơn cứu độ nhờ sự chết và phục sinh của Đức Kitô, nhưng chúng ta vẫn còn “mang nơi thân mình cuộc Thương Khó của Người” (2 Cor 4:10). Chúng ta ôm ấp niềm hy vọng hồng phúc vào ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang cho con cái Người (Rm 8:19-21), nhưng hiện tại lại phải gánh vác bao nhiêu nỗi đau thương thử thách của kiếp sống. Vì thế, chúng ta có thể diễn tả kinh nghiệm về ân sủng trong các “nghịch lý” cuộc đời, nhất là trong bối cảnh mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, cũng là mầu nhiệm của mỗi hữu thể tại thế.

Có nhiều khi chúng ta thấy cuộc đời vắn vỏi và choáng váng vì những lo âu, nhưng cuộc đời cũng là một huyền nhiệm bao gồm nhiều sắc thái, phức tạp và phong phú khôn lường. Biết bao lần có thể cảm nghiệm được những thời điểm của ân sủng, những khoảnh khắc vô tận, chẳng hạn khi chúng ta lắng nghe được tiếng mời gọi thực thi tự do như lời thôi thúc sống vươn lên và trở về với hiện hữu chân thực. Chúng ta cố gắng bươn chải qua mọi tình huống và không muốn phó mặc cho số phận hay đổ lỗi cho thân phận, để rồi uổng phí cả một đời mình. Lúc đó, chúng ta cảm thấy hiện hữu có ý nghĩa và can đảm đối diện với cuộc đời đầy sóng gió để nói tiếng “xin vâng”. Chính khi chấp nhận thân phận là lúc chúng ta sống mầu nhiệm “nhập thể” và “nhập thế” của con người hơn nữa. Đồng thời, đây cũng là lúc chúng ta có thể tiếp cận với chiều kích siêu việt của niềm hy vọng khi sẵn lòng nhận lãnh trách nhiệm về những chọn lựa của mình, khai mở một lối đi, xác định cho mình một thái độ sống và một cách cư xử mới trong cuộc đời.

Thế nhưng, có những lần thấm thía sự cô đơn cùng cực, chúng ta ý thức mình chỉ là những hữu thể mỏng manh, mang thân phận yếu đuối, bé nhỏ trước sức mạnh huyền bí của vũ trụ. Từ thâm tâm chúng ta cảm thụ rõ hơn về tính hữu hạn khi giáp mặt với mọi nghịch cảnh và những thảm kịch trong thế giới khả giác. Kinh nghiệm chủ vị trong những cơn thử thách đó có thể đưa chúng ta vào sâu trong kinh nghiệm hiện sinh về con đường Thập giá của Đức Kitô. Có khi chúng ta chỉ biết im lặng trước những hoàn cảnh cùng tột: yếu đau, bệnh tật, chết chóc, chiến tranh, tội lỗi và sự dữ tràn lan trên thế giới. Trong những hoàn cảnh ấy, câu hỏi: “Tại sao phải như thế?” và “Còn bao lâu nữa, lạy Chúa?” chất chứa trong các Thánh Vịnh than vãn vẫn còn là những vấn đề thách đố hiện hữu và vượt xa mọi lý giải triết học. Có nhiều khi phải mang nặng gánh đau thương, nhất là lúc cảm thấy như bị xô xuống lòng vực thẳm, chúng ta đã phải thôt lên lời của Đức Giêsu trước giờ tử nạn: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Cuộc đời chẳng còn ai, chẳng có gì có thể giải thoát chúng ta nữa. Vì thế, có nhiều người ra đặt vấn đề: Có Chúa và có ơn Chúa hay không? Và nếu có thì tại sao đời người thật là phi lý, vô nghĩa, bất công vì những mâu thuẫn ngược lại với ước mơ tốt đẹp tự nhiên mà con người hằng khao khát.

Tuy nhiên, trong kinh nghiệm sống ở đời, chúng ta không thể chỉ giới hạn tầm nhìn vào những điều xem ra rất “hợp lý”, và không phải cứ hợp lý là hoàn toàn đúng và không hợp lý là hoàn toàn sai. Chúng ta còn có thể nghiệm thấy rằng thực tại cũng có tính “nghịch lý”, nếu được nhìn và minh giải dưới ánh sáng của niềm tin. Có khi rơi vào những khoảng trời hữu hạn, mà con người được đánh thức và ngộ ra: đời vẫn còn một “lẽ sống” trong chân trời vô hạn, cao vời hơn những gì con người có thể thực hiện được trong tầm tay. Có khi bị chất vấn như thế, chúng ta mới hiểu được thế nào là tự do và cởi bỏ được những thành kiến cố hữu, những quan niệm sai lầm hay phiếm diện về Thiên Chúa, con người và thế giới, để rồi từ đó cảm nghiệm được một niềm tin thích đáng và chủ vị hơn từ trong thân phận, trước mọi thách thức giữa cuộc đời. Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ, mến yêu và chúc tụng là một Ngôi Vị sống động, là nguyên lý và cùng đích vạn vật, chứ không phải là một ý niệm trừu tượng, một thần tượng mơ hồ phi chủ vị. Chính Người là Đấng không những đã sáng tạo vũ trụ này, đã tự mạc khải chính mình trong lịch sử vĩnh cửu của tình yêu mà còn tìm mọi lối đường để đối thoại và cứu độ con người. Vì thế, lẽ sống của niềm tin không phải chỉ là dựa trên một giáo thuyết, một hệ thống luân lý, nhưng tin (Credere) tiên vàn là một tương quan thân thiết, một chọn lựa trao tặng tấm lòng mình (Cordare) vào Đấng là Sự Sống, là Thiên Chúa yêu thương và thành tín, một Thiên Chúa là cho chúng ta.

Nếu sống bằng niềm tin với tất cả thân tâm như một kinh nghiệm mãnh liệt về tình yêu với Đấng đã đưa chúng ta vào sâu trong diễn tiến lịch sử, chúng ta có thể kiên tâm gánh chịu qua những đêm tối hoài nghi, giữa mọi cám dỗ tuyệt vọng để vùng đứng lên khi “Vầng Đông tự chốn cao vời đến viếng thăm chúng ta” (Lk 1:78 -79). Vì thế, những lời của Đức Giêsu trong chính “giờ” của Người: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha,” là tiếng nói cuối cùng của kinh nghiệm về sự giới hạn của thân xác cũng như về sự giới hạn trong tâm hồn để làm sáng tỏ bí ẩn về đau khổ, cái chết và sự sống. Do đó, ân sủng không cất đi tính bi đát cũng như mộng tưởng của cuộc đời, nhưng có thể mở cho chúng ta cơ hội để hiểu biết, sống, và khám phá ra ý nghĩa sâu xa hơn của niềm tín thác trước mọi tình huống giới hạn mà chúng ta phải đối diện trong đời. Về kinh nghiệm bi thương khốn cùng của kiếp người như một kinh nghiệm mở ra với ân sủng, D. Bonhoeffer có lần viết: “Chúa yêu ai, thì Người đẩy người ấy vào cõi chết.” Bởi vì chính khi đối diện với cái chết mà chúng ta ý thức rõ hơn về thân phận cát bụi cũng như khát vọng về một cuộc sống vĩnh cửu đã được in sâu trong lòng. Chúng ta không thể sống trọn vẹn lịch sử đời mình nếu không can đảm vật lộn với đau khổ và trực diện với cái chết. Nói cho cùng, nếu không từng trải nghiệm đau khổ và thử thách, làm sao có thể hiểu được ý nghĩa của niềm hy vọng Kitô giáo là niềm hy vọng vượt trên mọi hy vọng khác nơi con người và lịch sử. Tư tưởng của M. Luthêrô có thể diễn nghĩa điều này: “Nếu Chúa muốn làm cho chúng ta sống, Người giết chết chúng ta. Chính khi dẫn chúng ta đến thung lũng tối tăm hiểm nguy mà Người ban xuống trên chúng ta nguồn ánh sáng của Người.” Anh sáng đó là gì nếu đó không phải là ánh sáng của nguồn ân sủng, trợ giúp chúng ta không ngừng giáp mặt với sự chết trong mọi chiều kích, mọi thực tế cuộc đời, và tạo điều kiện cho việc tái sinh. Nói cách khác, Thiên Chúa thánh hoá, thanh luyện chúng ta trong mọi gian khổ để chúng ta được ân sủng đổi mới, được thông dự vào sự sống với Người, hoàn toàn thuộc về Người, và không còn một ước mơ hay bám víu gỉa tạo nào khác ngoài tình yêu của Người. Tất cả chỉ còn lại một niềm cậy tin duy nhất tuyệt đối vào một mình Thiên Chúa, Đấng ban lời hứa và tình yêu, như lời Thánh Vịnh:“Dầu cha mẹ có bỏ rơi con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Tv 27: 10).

Ở đây, kinh nghiệm về ân sủng cũng là kinh nghiệm về tình yêu: chính tình yêu làm cho chúng ta biết đau khổ và cũng nhờ đau khổ mà chúng ta mới biết tình yêu. Trong tình yêu chúng ta không còn sống cho riêng mình, với những chờ đợi đơn lẻ hay thoả mãn nhất thời, nhưng chấp nhận tiến trình “chết đi” và “hiến dâng” chính mình, ngõ hầu có thể mở lòng đón nhận một cách thức hiện hữu mới trong tình yêu. Như vậy, kinh nghiệm về ân sủng không phải là kinh nghiệm về sự khuất phục của lý trí cho bằng là kinh nghiệm về sự gặp gỡ ánh sáng huyền nhiệm xuyên qua những đám mây mù, những nỗi thống khổ âu lo, để hướng lòng chúng ta về một thực tại “hoàn toàn khác,” siêu vượt trên những điều kiện của thế giới sự vật ấy. Như Phaolô đã minh nhiên biểu lộ kinh nghiệm đó: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cor 12:9). Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể “cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo” vì khi “yếu chính là lúc mà chúng ta mạnh” (2 Cor 12:9), bởi vì Thiên Chúa, với muôn ơn lành ban xuống cho lòng chúng ta, được tỏ lộ như là “Đấng đã làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không thành có” (Rm 4:17).[12]

Qua mọi thăng trầm của cuộc sống, Người đưa chúng ta vào chiều sâu của hiện hữu, chiều cao của niềm tin, chiều dài của hy vọng, chiều rộng của tình yêu, để đạt đến sự khôn ngoan của tâm hồn. Sống trong ân sủng, do đó, cũng đồng nghĩa với việc trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Kitô, cùng chịu đóng đinh, cùng chia sẻ sự phục sinh với Người. Nếu như biến cố phục sinh là nụ cười chiến thắng của tình yêu thần thánh trên hết mọi thất bại, cô đơn, buồn phiền của Thập gía, thì kinh nghiệm về ân sủng cũng là kinh nghiệm về nguồn mạch hoan lạc bình an trong Đức Kitô vinh hiển. Đó là niềm vui vừa sâu thẳm vừa đơn sơ chân thành trước mọi cảnh đời. Niềm vui ấy đưa bước chúng ta vào bình minh của “Mùa Phục sinh” để dự phần vào toàn bộ công cuộc giải thoát của Thiên Chúa. Như thư Ephêsô diễn tả:

Trong Đức Ki-tô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Ki-tô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giê-su Ki-tô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu… Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu. Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này này là kế hoạch yêu thương Người đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Eph 1:3-10).

Hiểu như thế, không phải ngẫu nhiên hay tình cờ mà chúng ta xuất hiện. Chính tình yêu của Thiên Chúa đã mời gọi chúng ta vào hiện hữu để được tự do chia sẻ sức sống vô biên của Người.[13] “Thiên Chúa đã tuôn đổ tình yêu vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5: 5). Trong cảnh ngữ đó, như Thánh Âugustinô quan niệm, ân sủng là ơn “soi sáng của Thiên Chúa” chiếu toả nội tâm,[14] giúp cho con người tìm ra ý nghĩa về tất cả, hạnh phúc lẫn thương đau, cuộc sống lẫn cái chết. Ân sủng tỏ lộ cho chúng ta biết rằng “vì sao” chúng ta sống và đến trong cuộc đời, để rồi cuộc đời có “ra sao” đi nữa chúng ta cũng có thể chịu đựng trong yêu thương hài hòa. Như thế, nhìn ân sủng từ góc cạnh của mầu nhiệm tình yêu là nhìn từ lăng kính của một “lẽ sống” tuyệt đối cho đời chúng ta, đó là vì tình yêu “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, và chịu đựng tất cả” (1 Cor 13:7). Chúng ta sẵn lòng tiếp nhận hay chính thức khước từ ân sủng được thông ban từ tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Nhưng không ai có thể xóa bỏ được hiện hữu, điều khiển hay khống chế được ảnh hưởng của tình yêu thần thánh đó đã đổ xuống trên mọi tạo vật như cơn mưa vào mùa.

5. Ân sủng trong Thế giới và Lịch sử

Ân sủng vì thế đã mở ra khả thể cho nhịp điệu thăng tiến tự nhiên của đời sống con người (nhân hóa) tan hoà vào nhịp vận hành của siêu nhiên (thần hóa). Thế nhưng vận hành siêu nhiên không phải là một chu trình vạn thuở khép kín, làm cho nhân tính tan biến vào một dòng sông siêu việt “không tên” của thần tính. Ân sủng là cả một “biến cố” hiệp nhất tạo nên sự sống và tình yêu trong mối tình tương tri, tương tại giữa Thiên Chúa và con người. Giáo phụ Irênê cũng đã từng viết: Đức Kitô “đã trở thành điều chúng ta là, để Người có thể làm cho chúng ta thành điều mà chính Người là.”[15] Ngay cả Giáo phụ Athanasiô cũng xác tín rằng: “Vì Người đã làm con người để con người chúng ta được trở nên con Chúa.”[16] Quả thật ân sủng không những định hướng cho cuộc sống mà còn làm thay đổi cuộc sống của chúng ta cách toàn diện và triệt để theo với ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu sáng tạo cho thế giới thành hình, một tình yêu cứu độ khi con người sa ngã, một tình yêu xót thương cho những mảnh đời bất hạnh, một tình yêu thánh hóa cho toàn thể vũ trụ hồi sinh.

Thánh Tôma Aquinô tiếp nối tư tưởng truyền thống của các Giáo Phụ khi bàn luận về ân sủng như “năng lực siêu nhiên nội tại” của Thần Khí, trong đó con người được nâng cao giữa mọi công trình sáng tạo, được thánh hóa để yêu thương, để trở thành đại lượng và đến phiên mình có thể tự chủ thi hành việc chia sẻ ân phúc cho trần gian (1 Ga 3:16).[17] Đó là ý nghĩa phong nhiêu của ân sủng, mà Rahner nhận định: “ân sủng được trao ban và biểu lộ... tự nguồn gốc trong kinh nghiệm siêu việt của chúng ta, như điều kiện và khoảnh khắc của mọi hoạt động hướng về thế giới hiện đại mà chúng ta đang sống.”[18] Vì thế, khi được ân sủng bồi dưỡng, chúng ta được lôi kéo vào hành động tự hiến của Thiên Chúa (1 Ga 3:16), và từ đó mới có thể nói đến sự xả thân vô vị lợi, nói đến khả năng thể hiện ân sủng trong một thế giới còn đói khát tình yêu vượt trên mọi hận thù.

Theo nghĩa này, không ai có thể lãnh nhận ân sủng để rồi chiếm giữ như một quà tặng cho riêng mình, nhưng chỉ có thể đón nhận để sinh hoa kết quả, tạo nên cảnh tượng “thiện hạnh” trong trần thế (Ga 15:4-5; 15:8; Mt 25:15-30; Lk 13:7). Nói đúng hơn, chúng ta chỉ là những người “quản lý” được mời gọi và giao phó các ân thiêng của Thiên Chúa để phục vụ tha nhân, đem sứ điệp Tin Mừng về cứu độ, tự do, giải thoát đến cho mọi người. Như dòng sông hiền hoà tuôn chảy cho bao nhiêu thung lũng xanh tươi, bao nhiêu cánh đồng lúa chín, ân sủng như một mầu nhiệm chỉ có thể được đón nhận trong quá trình ban tặng ở cõi đời, và điều đó làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nếu niêm phong dấu kín chỉ vì lợi ích cá nhân, ân sủng sẽ như tình yêu chết trong tàn tạ và cằn cỗi. Chính khi biết cho đi, biết yêu thương dâng hiến, biết sống công chính rộng mở mà chúng ta cảm nghiệm được thế nào là ban phát, thế nào là nhận lãnh, là niềm vui đích thực, và thế nào là ân sủng.

Tấm lòng đại lượng của Đức Kitô mà Phaolô đã cảm thức là chiều kích căn bản của ân sủng: “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giầu có” (2 Cor 8: 9). Từ tinh thần ấy, các biểu lộ của ân sủng trở nên rõ ràng, cụ thể hơn khi chúng ta nỗ lực phát huy các tài năng về mọi phương diện để làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ con người trong thế giới (Mt 5:13-16; Ga 17:4). Như Phaolô đã hết lòng nhắn nhủ các tín hữu trong Cộng Đoàn Côrintô:

Đấng cung cấp hạt giống cho kẻ gieo, và bánh làm của ăn nuôi dưỡng, tất sẽ cung cấp dư dật hạt giống cho anh em gieo, và sẽ làm cho đức công chính của anh em sinh hoa kết quả dồi dào. Anh em sẽ được sung túc mọi bề để làm mọi việc thiện cách rộng rãi. Những việc chúng ta làm sẽ khiến người ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Thật thế, việc phục vụ cho công ích này … là nguồn phát sinh bao lời cảm tạ dâng lên Thiên Chúa … là một bằng cớ cho họ tôn vinh Thiên Chúa, vì thấy anh em vâng phục và tuyên xưng Tin Mừng của Đức Kitô, và vì thấy anh em có lòng quảng đại, sẵn sàng chia sẻ với họ và với mọi người … bởi nhận thấy ân huệ tuyệt vời Thiên Chúa đổ xuống trên anh em. Xin cảm tạ Thiên Chúa vì phúc lộc khôn tả Người ban (2 Cor 9: 6-15).

Cứ như thế, cuộc đời tiếp tục phúc lộc tình yêu, để rồi tình yêu trở nên “phổ quát” làm cho thế giới được sống và triển nở. Hơn nữa, khi nhìn lịch sử thế giới trong viễn tượng của lịch sử cứu độ, vì vĩnh cửu đã đi vào dòng thời gian, Ngôi Lời Thần Linh “đầy ân sủng” đã trở nên người phàm để đồng hành với nhân loại, chúng ta thấy rõ ân sủng siêu nhiên không thể tách biệt khỏi con người và cuộc sống tự nhiên. Không có tình huống nào của thế giới, nhất là trong tình huống đó, có nhiều con người đang quằn quại vì đói ăn thiếu mặc, vật vã với chà đạp, nô lệ, áp bức, bóc lột, khước từ và khinh chê, mà chúng ta lại có thể vô tâm hững hờ. Như thế dự phần vào ân sủng hay đáp ứng với tác động của ân sủng là đi vào sự hiệp nhất của một tình yêu khai mở và tạo nên sự sống (1 Cor 3:10; Gal 2:8; Col 1:10; Eph 2:10). Chính trong sự hiệp nhất đó, Thiên Chúa và con người sống cho tình yêu, nên tình yêu không chỉ có ý nghĩa “co cụm” trong hoạt động “cho và nhận” giữa Thiên Chúa với từng cá nhân, mà còn mang chiều kích xã hội, là trở thành suối nguồn ân phúc lan rộng đến mọi chân trời của thế giới. Hơn nữa, ơn cứu độ được ban cho nhân loại “bây giờ và ở đây”, nghĩa là mang tính chất hiện sinh, vì thế phát sinh ra tình yêu như động lực thúc đẩy chúng ta dấn thân vì ích lợi chung (1 Cor 12:7), góp phần thực hiện yêu thương, công lý và hoà bình. Hiện hữu trong ân sủng vì thế là sống trong ý thức trách nhiệm đối với thế giới lịch sử và thời đại như “tình yêu kiểu mẫu của người Samaritanô nhân hậu,” không chỉ biểu lộ trong tình cảm rung động xót thương mà con trong hành động nữa. (Lc 10:33; Col 3:12; Eph 4:42; 1 Pet 3:8).

Với đức tin trưởng thành trong mọi hoạt động của đức mến (Gal 5:6), chúng ta nhận biết một Thiên Chúa đã đi bước đầu trong sáng kiến ban tặng ân sủng của Người, và chúng ta đáp ứng trong niềm tin vâng phục. Vấn đề chính yếu ở đây không phải là tin và đón nhận trong thái độ thụ động, nhưng là tin và đón nhận trong tinh thần sáng tạo, để làm sao cho sáng kiến của Thiên Chúa trở thành sáng kiến của con người, để ân sủng trở thành nhịp cầu đưa lịch sử Thiên Chúa vào lịch sử nhân loại, và đưa lịch sử trần thế vào lịch sử cứu độ. Tuy có nhiều ân huệ hay đặc sủng khác nhau trong đời sống, nhưng tất cả đều tham dự vào một Thần Khí, tất cả đều mở rộng ra cho công việc thánh hóa của Người nơi trần gian. Phaolô hiểu và xác tín điều đó: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận các ân huệ của Thiên Chúa, thì đừng để trở nên vô hiệu,” vì “đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cor 6:12). Như thế ân sủng vừa là lời diễm phúc của Thiên Chúa nói với con người trong lịch sử, vừa là tiếng xin vâng cộng tác của con người thưa lên cùng Thiên Chúa. Tất cả lịch sử của từng con người cũng như của toàn thể nhân loại đều có thể được nhìn và suy niệm trong chân trời ý nghĩa của lòng tin, lòng mến và niềm hy vọng cánh chung, vì tất cả vũ trụ sẽ được giải thoát khỏi cảnh nô lệ hư nát mà “cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8: 20-21).

6. Kết luận: một cảm nghiệm về Ân sủng

Viễn tượng thần học tu đức này vừa giúp cho chúng ta có một lối nhìn rộng rãi và sâu xa hơn về hoạt động của ân sủng trong đời người, thế giới và lịch sử, vừa mời gọi một thái độ chân tình đón nhận hiện hữu và nhiệt tình sống tự do trong tinh thần liên đới, trách nhiệm đối với tha nhân cũng như với toàn thể tạo vật. Theo như Brian Dermott nhận định thì khi con người “biết chấp nhận chính mình, biết đón nhận Thiên Chúa và anh em đồng loại, đó cũng là cách thế nhận lãnh ân sủng, là khởi điểm cho một tiến trình mà tình yêu Thiên Chúa cuốn hút, dẫn đưa con người ra khỏi tình trạng cô đơn do tội lỗi để đi vào mối tương quan chân thật”.[19] Hơn nữa, nếu Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và đi đến hiểu biết chân lý (1 Tm 2:4), thì Người vẫn luôn mở rộng tấm lòng để tuôn tràn muôn ân phúc cho trần gian (2 Cor 4:15; 9:4; 1 Cor 1:7; Eph 1:7; 2:7). Tình yêu Thiên Chúa không phân biệt hay loại trừ con người, nhưng chỉ có con người phân biệt, đáp ứng hay từ khước tình yêu Thiên Chúa, vì “Đức Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người là duy nhất” (GS # 22).[20] Và như thế, ân sủng đã được ban xuống cho mọi thụ tạo, trong đó Thiên Chúa tự hiến và tự thông truyền chính Người như ân huệ “thần hóa” (theopoièsis) trong Đức Kitô (Rm 8:32), để “đưa thời gian tới hồi viên mãn” (Eph 1:10), là đưa tất cả chúng ta cũng như toàn thể vũ trụ vật chất vào vận mệnh vinh quang, vào cõi phúc bất diệt.

Như đã nói trên, Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô là khuôn mẫu toàn diện cho sự hiểu biết về hiện hữu Kitô giáo, để từ đó chúng ta có thể vừa đặt câu hỏi, vừa giải thích về ý nghĩa sâu xa của ân sủng. Ngay trong ý thức tự nhiên muốn sống cho ra lẽ sống, muốn làm người cho ra chất người trong toàn diện cuộc sống, chúng ta có thể khám phá và cảm thức nơi bản thân mình một khát vọng “vượt qua” đến với nguồn mạch của hữu thể, đến với ý nghĩa tròn đầy của hiện hữu.[21] Cho dù nhìn thấy gì trong lịch sử loài người, trong xã hội hôm qua cũng như hôm nay, hay phải đối mặt với những biến cố xảy ra hằng ngày trên thế giới: những thành công, những vất vả nhọc nhằn, những thất bại, những tiêu cực yếu đuối, khổ đau, chết chóc và tội lỗi, thậm chí là vô nghĩa, chúng ta cũng thực sự đang sống trong môi trường được “bao bọc” bởi ân sủng của Thiên Chúa. Từ một cảm thức rất tự nhiên, cuộc sống chung quanh ta đầy những huyền nhiệm như “trong đầm gì đẹp bằng sen”, tươi nở ngay trên bùn đen xình lầy, hay như hạt lúa gieo vào lòng đất, có trải qua quá trình “chết đi” trong bóng tối mới có thể “nẩy sinh” nhiều bông lúa mới cho cánh đồng phì nhiêu (Ga 12:24). Nhìn thấy nhiều, nhưng trong mọi thử thách của đời sống, trong thân phận mỏng dòn hay những hoàn cảnh giới hạn, tất cả đều có thể trở thành “dấu hiệu” của ân sủng mời gọi chúng ta đọc ra ý nghĩa của một tình yêu vô điều kiện. Lời của Gióp đã đẩy bi kịch niềm tin này đến chỗ tột cùng: “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (Job 2:10).

Như thế, tất cả hiện hữu nhân linh đã hàm ẩn sự chuyển động “vượt qua” chính mình để “khai mở” ra với chân trời siêu việt đó. Tất cả cùng đi tìm về một cõi như “lá rụng về cội, như nước chảy về nguồn, như máu chảy về tim”. Trong ý nghĩa đó, sự sống vẫn “tự nhiên” hơn sự chết, sự thiện vẫn “vượt trên” sự dữ, và tình yêu vẫn “tồn tại” đến muôn đời. Thập gía Đức Kitô là biểu hiệu độc nhất và khẳng định của một tình yêu vượt qua mọi đau thương, để cứu độ chúng ta, “để chúng ta được tự do mà Người đã giải thoát chúng ta” (Gal 5:1). Tội lỗi và sự dữ đã đóng đinh Người trên thập gía, nhưng nhờ Người chấp nhận bị treo lên giữa trời đất mà Thập gía đã trở thành Thánh Gía, trở thành nguồn ân sủng cứu thoát muôn người (Ga 3:14). “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12:32).

Với niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng tốt lành, hằng ấp ủ mọi tạo vật trong tình yêu, nên mỗi người trong mọi hoàn cảnh lịch sử với thiện chí của mình đều có khả năng thực hiện những lựa chọn nghiêm túc và đáp trả hữu hiệu cho lời mời gọi của ân sủng. Chỉ sợ chúng ta cố tình khước từ ân sủng, chạy trốn tự do và phong toả sự triển nở của bản thân. Tuy vậy, với chiều dài của thời gian, ân sủng là tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn hoạt động cách kỳ diệu trong lịch sử thế giới, để mưu ích cho sự sống đời đời của chúng ta cũng như của toàn thể vũ hoàn.[22] Chính nguồn suối siêu nhiên đó, như các nhà thần học ngày nay nhận định, là sự “tự thông ban chính mình” của Thiên Chúa đã khơi dậy nơi con người niềm “khát vọng tự nhiên đối với Người” (H. de Lubac) hay là một “khát vọng bất khả kháng” muốn hiểu biết, muốn yêu mến Người (B. Lonergan). Chúng ta có thể tin rằng tất cả đời sống tự nhiên đều hiện hữu trong “văn mạch siêu nhiên,” hay tất cả hiện hữu tự bản chất là “hiện sinh thể siêu nhiên” (K. Rahner), vì được chia sẻ vào tình yêu “vô điều kiện” của Thiên Chúa. Nói cách khác, sự khắc khoải của tình yêu trong trái tim Thiên Chúa luôn tìm kiếm trái tim con người để dẫn đưa con người vào trái tim của Thiên Chúa, Trong nỗi tha thiết khôn cùng đó, ân sủng bao trùm, diễn ra, thể hiện nơi tự nhiên, hoà điệu và thăng hoa tự nhiên: “gratia perfecit naturam”,[23] như một năng động vô biên khai mở con người ra với tất cả, hướng tất cả về Chân, Thiện, Mỹ.

Chúng ta can đảm tiếp tục cuộc hành trình trong thế giới lịch sử, vì xác tín Thiên Chúa là Tình Yêu, một “tình yêu mạnh hơn sự chết,” và chính Người, như Phaolô khẳng định, “làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người” (Rm 8:28; 1 Cor 2:7). Như Sách Khôn Ngoan đã viết:

Thiên Chúa không làm ra cái chết,
Chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong,
Vì Người sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu.
Mọi loài thọ tạo trên thế giới đều hữu ích cho sinh linh
Chẳng loài nào mang độc chất huỷ hoại,
Âm phủ không thống trị địa cầu (1:13-15).

Từ lối nhìn này, chúng ta có thể tìm được con đường để sống và yêu tha nhân như chính mình, vì yêu thương là “đặc ân” của con người. Chúng ta đón nhận, vì trước hết chúng ta là kẻ đã “được yêu” (1 Ga 4:10), được mời gọi để trở nên hồng ân yêu thương cho đời. Chính đó là lý do sâu xa của ân sủng thúc đẩy chúng ta tôn trọng cuộc sống toàn diện, biết đón nhận vẻ đẹp và gía trị cao quý của mọi thụ tạo, biết cởi mở triệt để với thế giới lịch sử, biết tiếp xúc, trao đổi và đối thoại với các truyền thống tôn giáo, các nền văn hoá, các bối cảnh kinh tế xã hội khác biệt của mọi dân tộc, để cùng nhau phát huy những “ân huệ” Chúa ban mà cải tiến điều kiện sinh sống vì tất cả cho hạnh phúc của từng người cũng như toàn thể nhân loại. Như lời khẳng định chân thực của Hiến chế Vui mừng và Hy vọng: “Các hoạt động cá nhân cũng như tập thể của loài người, hoặc những nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện môi trường sinh sống, tự nó là phù hợp với ý định của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã muốn cho con người tiếp tục công trình tạo dựng của Người” (GS #34).

Chính trong bối cảnh này mà niềm tin tỏ lộ ý nghĩa hiện thực: như một “chọn lựa căn bản,” một quyết định của tất cả con người muốn ôm trọn mọi thách đố vì cuộc sống, vì tình yêu và niềm hy vọng hướng về “Trời mới, đất mới” (Kh 21:1), nơi “Thiên Chúa sẽ là mọi sự cho tất cả” mọi loài (1 Cor 15:28). Có như thế, chúng ta mới có thể nối kết chặt chẽ niềm hy vọng tương lai vào Nước Thiên Chúa với những nỗ lực cho hiện tại, vì “đón nhận ân sủng” và “sống ân sủng” giữa đời phải trở nên một kinh nghiệm duy nhất trong mọi hoạt động yêu thương và kiến tạo hòa bình.

Tôi còn nhớ một trưa nắng xế kia, khi đi xe điện ngầm từ Manhattan đến Đại học Fordham ở New York, có một phụ nữ và cô con gái nhỏ bước lên toa xe và đến ngồi cạnh tôi. Cả hai đều là người Mỹ da đen. Ít phút sau, cô bé đó hát lên một bài ca mà tôi chẳng hiểu gì. Dường như cô bé đang vui và hớn hở lắm. Vừa hát xong, cô bé tự nhiên bỏ chỗ ngồi và ra giữa mọi hàng ghế nhảy múa trước mặt mọi người. Ai cũng thấy lạ, nhưng đều mỉm cười và không tỏ ra bực bội chi cả, ngoại trừ bà mẹ hơi bối rối và to tiếng khiển trách con mình. Cô bé xịu mặt và trở lại chỗ ngồi nghiêm chỉnh. Tôi nhìn cô bé tươi cười nói: “Cô hát và múa hay lắm! Cô đã giúp vui cho mọi người, cám ơn nhá!” Cô bé mở to đôi mắt quay sang phía tôi. Tuy không nói gì, nhưng trong đôi mắt ấy có sự hiện diện chân tình đáp ứng. Cô bé gợi lên trong tôi lời của Cựu Ước: “Da tôi đen, nhưng tôi xinh đẹp mặn mà” (Dc 1:5). Lúc đó, tự nhiên tôi cảm thấy mình “không còn là kẻ xa lạ trên chuyến xe này nữa”. Một sự ấm áp rất nhẹ nhàng trong tim như một cành hoa của tình người. Khoảnh khắc đó làm cho tôi hiểu rằng không ai tầm thường, “vô duyên” hay “vô nghĩa” trước mặt Thiên Chúa cả. Mỗi người đều có một nét gì đó “rất riêng” và cũng “rất thiêng”, là một kiệt tác kỳ diệu của Người. Chỉ có con người “kỳ thị” đối xử phân biệt với nhau, nhưng đối với Thiên Chúa: “Con người sống động là vinh quang của Người” (Irênê). Và như thế, nếu tôi không bị tù đày trong tâm hồn hay tự nhốt mình trong sợ hãi và thiên kiến, tôi sẽ cảm nhận được tự do và có thể nhìn ngắm biết bao điều nhiệm mầu và vẻ đẹp tuyệt vời chất chứa trong thế giới nhỏ bé của chúng ta. Từ cách nhìn của đôi mắt tình yêu, chúng ta sẽ luôn khám phá ra những điều cao qúy, thú vị, và mới mẻ của cuộc sống.

Ân sủng vì thế không phải chỉ là “ân ban” như một tặng vật, một đặc sủng, một nhân đức thiên phú hay một phẩm chất tốt lành nơi con người (ơn thụ tạo), nhưng ân sủng tiên vàn là chính Thiên-Chúa-trong-Tình-Yêu-Tự-Hiến của Người (ơn phi tạo) mạc khải cho chúng ta.[24] Qua ân sủng chúng ta có thể “nhận biết” và “gặp gỡ” được “Đấng Ban Ơn”, và khi đã nhận biết và gặp gỡ được Người, chúng ta sẽ nhận lãnh tất cả những gì phát xuất từ “Nguồn Ơn” vô giới hạn của Người (Mt 6:33). Như thế, “tất cả là hồng ân”, tất cả “từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa”, nhờ đó mà tinh thần con người mới có thể được cất lên khỏi “không gian” và “thời gian” trong thế giới hiện tượng để bước vào trật tự siêu nhiên, vào sự sống vĩnh hằng.

Nếu tiếng nói cuối cùng của hiện hữu phải thuộc về sự sống tràn đầy yêu thương, và tiềm năng hiện hữu của con người không thể bị tiêu huỷ do sức mạnh của tội lỗi, đau khổ và chết chóc, chúng ta có lý do để tin rằng ân sủng ở khắp nơi và “tất cả đều là ân sủng.” Khi dường như “không thấy” ân sủng ở đâu cả, chúng ta nhớ rằng ân sủng như tình yêu đang chờ đợi được “tìm thấy”, “cảm thụ” và “gặp gỡ”. Bởi vì ân sủng không có giới hạn trong mọi hoạt động yêu thương và sáng tạo của Thiên Chúa, và “không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:38). Chúng ta có thể nhớ lại câu chuyện Anthony De Mello về một con cá nhỏ trong biển khơi mênh mông. Con cá nhỏ hỏi con cá lớn: “Xin lỗi nhá, em đang đi tìm đại dương. Xin làm ơn chỉ cho em biết đại dương ở đâu?” Vậy đâu là câu trả lời, khi tất cả đang bơi lội trong lòng đại dương? Vì thế, có lẽ chỉ cần mở mắt, mở lòng và tỉnh thức nhìn ngắm thật sâu vào lòng sự vật, chúng ta sẽ hiểu biết và cảm thấy “hạnh phúc” vẫn đang ở chung quanh ta. Cho dù “ở đâu tội lỗi lan tràn”, thì biết đâu “ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Trên tất cả mọi nỗi niềm của thân phận và thế sự, “chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8:37). Thánh vịnh 139 có thể soi chiếu những suy tư về sự biểu lộ của ân sủng trong mọi cảnh giới cuộc đời:

Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.
Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài,
lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?
Con có lên trời, Chúa đang ngự đó,
nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài.
Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
đến ở nơi chân trời góc biển,
tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
cánh tay hùng mạnh giữ lấy con.
(Tv 139: 1-3, 7-10)

Lm Phaolô Vũ Chí Hỷ, SSS

-----

[1] Cf. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, vol I-II, Q 119, E. Fairweather, 1954, 139-43.

[2] Cf. Tự thú, “Confessions”, H. Chadwick, 1991, 3.

[3] Cf. Stephen J. Duffy, The Grace Horizon: Nature and Grace in Modern Catholic Thought, Liturgical Press, 1992, 67

[4] Cf. “Grace as the Heart’s desire: Henri de Lubac’s Surnatural” trong Duffy, The Graced Horizon: Nature and Grace in Modern Catholic Thought, 80

[5] E. Schillebeeckx, Christ: The Experience of Jesus as Lord, Seabury Press, 1980, 464.

[6] Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng, #18.

[7] Cf. Augustine, Against Julian 2.8.23. “Non enim in potestate nostra, et nostrae cogitationes” in The Fathers of the Church, vol. 35, Matthew A. Schumacher (Washington, D.C.: Catholic University of America, 1957), p. 84

[8] Cf. Augustine, “On the Spirit and the letter,” trong Basic Writings of St Augustine, W. J. Oates (1948), 461-418

[9] Cf. Elizabeth Dreyer, Manifestations of Grace, Michael Glazier, 1990, 177-78

[10] Cf. J. Plaskow, Sex, Sin and Grace: Women’s Experience and The Theologies of R. Neibuhr anh Paul Tillich, University Press of America, 1980, 93

[11] Cf. Karl Rahner, Foundations of Christian Faith: An Introduction to the Idea of Christianity, Crossroad, 1999, 60

[12] Cf. Roger Haight, The Experience and Language of Grace, Paulist Press, 1979, 128, 131

[13] Cf. Karl Rahner, the Practice of Faith, Crossroad 1992, 59

[14] Cf. Augustine, On Original Sin, in Nicene and Post-Nicene Fathers, 1st series, 5:237-55

[15] Against Heresies 5, preface, in Ante-Nicene Fathers, 1:526

[16] De Incarnatione Verbi Dei, in Nicene and Post-Nicene Fathers, 2nd series, 4:65. Cf. Orationes Contra Arianos, Oratio II, 70.

[17] Cf. (Summa Theologiae II – II, q. 26, a 13). Aidan Nichols, Discovering Aquinas: An Introduction to His Life, Work and Influence (London: Darton, Longman & Todd, 2002)

[18] Karl Rahner, “Nature and Grace”, bản dịch Karl H. & B. Kruger, Theological Investigations, tập VI, The Seabury Press, 1974, 181

[19] Brian O. McDermott, S. J. What are they saying about the grace of Christ, tr. 23

[20] Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng (Gaudium et Spes), #22

[21] Karl Rahner, “Nature and Grace”, bản dịch Karl H. & B. Kruger, Theological Investigations, tập IV, Helicon Press, 1966, 177

[22] Ibid.

[23] Karl Rahner, Foundations of Christian Faith: An Introduction to The Idea of Chriatianity, 126

[24] Cf. E. Dreyer, Manifestations of Grace, 162

Đọc nhiều nhất Bản in 10.05.2007. 16:15